Tam tỉnh – Ba điều phản tỉnh hàng ngày

Chào các bạn,

Tăng tử, học trò của Khổng tử, nói rằng:

“Tôi mỗi ngày phản tỉnh ba điều: Lo việc cho người đã làm hết mình chưa? Làm bạn với người có thành khẩn, giữ được chữ tín chưa? Lời thầy dạy dỗ đã luyện tập chưa?” (Luận Ngữ I.4)

(Tsang Tzu said: Each day I examine three things: Planning works for others, have I been unfaithful? Dealing with friends, have I been untrustworthy? The Master’s teachings, have I not practiced?

Tăng tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. Vi nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền, bất tập hồ?)

Ba điều này chẳng phải là danh sách gì đặc biệt. Đó chỉ là 3 điều làm đầy mỗi ngày của ta:

1. Công việc phải làm hết mình.

Công việc của ta trong ngày thường là làm cho người khác. Nhân viên thì làm cho công ty của mình, người chủ tiệm/công ty thì làm cho khách hàng của mình, luật sư bác sĩ thì làm cho thân chủ của mình… Rất ít người trong chúng ta chỉ làm cho mình, mà không có một thân chủ.

Khi làm công việc cho người khác như thế mỗi ngày, chúng ta có làm hết sức mình, cố gắng đạt được chất lượng cao nhất hay không?

Chúng ta đã nói điều này rất thường xuyên. Phẩm chất công việc ta làm chính là điều định nghĩa con người của ta. Mỗi người chúng ta trong danh tính xã hội thường có nghề nghiệp đi kèm. Chúng ta không chỉ là Xuân, Hải, Hồng… mà là bác sĩ Xuân, kỹ sư Hải, giáo viên Hồng. Nghề nghiệp của ta là một phần lớn của con người ta. Vì vậy, làm việc với chất lượng công việc cao nhất là một trong những cách rèn luyện nhân cách của chính ta tốt nhất.

2. Làm bạn với người có thành khẩn, giữ được chữ tín chưa.

Chữ tín là cái nền của nhân cách con người. Người mà không đáng tin cậy, nói gì cũng không ai dám nghe, nói một đàng làm một nẻo, hôm nay thế này mai thế khác… là người không có nền tảng gì cả. Rất khó sống ở đời vì chẳng ai dám tin.

Ngũ thường, 5 đức tính không thay đổi của con người là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín (yêu thương, kính trọng, trung thành, trí tuệ, và đáng tin).

Nhân (yêu thương) là mẹ đẻ của 4 đức tính sau.

Nếu 4 đức tính trước mà không giữ được, thì “Tín” là thành trì cuối cùng của đạo làm người. Mất “Tín” thì con người chẳng còn gì để nói.

Tín là thành thật, đáng tin cậy. Mỗi chữ nói ra đều là sự thật như mình biết đến. Hứa là phải giữ lời.

Làm việc với chất lượng cao nhất như ta vừa nói, cũng chính là giữ chữ tín. Vì khi ai nhờ ta làm việc gì, người đó đều mong đợi ta làm việc với chất lượng cao nhất. Và khi ta nhận lời làm, là ta thầm trả lời rằng ta sẽ làm việc với chất lượng cao nhất. Chẳng ai gặp bác sĩ mà nói “Bác sĩ chữa tôi sơ sài thôi, không cần tốt” và chẳng bác sĩ nào quảng cáo: ‘Bác sĩ chỉ chữa sơ sài”.

“Làm bạn với người” ở đây có nghĩa là “khi giao tiếp với mọi người trong ngày”–tất cả mọi người không chừa ai.

Đừng nói: Tôi chỉ thành thật với bạn tôi, còn đối với những người khác thì tôi tha hồ dối trá.

3. Lời thầy dạy dỗ đã luyện tập chưa?

Chữ quan trọng nhất trong câu này là “luyện tập”. Thầy dạy ta để ta luyện tập. Lời thầy dạy không phải để ta học thuộc, mà là để ta luyện tập.

Sách vở ta đọc là để ta luyện tập, không phải là để lảm nhảm trên các diễn đàn, mà thực hành thì một phút cũng không.

Điều này mình đã nói đi nói lại rất nhiều. Ta không thể sống kiểu mở miệng ra là xổ kinh sánh mà cách sống thì si mê ngớ ngẩn.

Con người chúng ta bản tánh yếu đuối, thường có nhiều lỗi lầm, đó là chuyện thường. Nhưng không CỐ GẮNG hàng ngày sống với những chuẩn mực sống cao nhất, thì đó là điều không chấp nhận được.

Các quy luật và chuẩn mực tâm linh hành động một cách kỳ diệu vào tâm thức và đời sống con người. Ta không thể chỉ đọc mà hiểu, mà phải thực tập thường xuyên mới có thể hiểu thấu.

Cố gắng thực tập bền bỉ, kiên trì, tập trung.

Đó là ba điều phản tỉnh hàng ngày: Làm việc chất lượng cao nhất, giao tiếp luôn thành thật, và thực tập những điều ta học trong đạo làm người.

Chúc các bạn luôn tam tỉnh mỗi ngày.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

2 thoughts on “Tam tỉnh – Ba điều phản tỉnh hàng ngày”

  1. Ôi thật là khó mà tìm được những lời nói chân thật sâu sắc và ý nghĩa chân tình sâu lắng như những dòng mà anh Hoành viết trên đây!
    Chỉ 3 điều mà ám ảnh cả đời người!
    Thực hành trọn vẹn cho được 3 điều trên cũng thây gần giống như thực hiện 4 trụ cột của giáo dục mà UNESCO cũng từng nêu ra!
    Trong một bối cảnh mà cùng một miệng ấy vừa mới nói A ở chỗ A khi bước ra chỗ B thì lại nói là B thật không thể hiểu hết được giá trị biến đổi linh hoạt như thế nào!
    Thầy phải nói theo sách mà sách thì không thực tế nên trò cũng giống Thầy!
    Thiên hạ ngổn ngang! Tâm trạng rối bời! Niềm tin chao đảo! Lấy gì làm giá trị thước đo?
    Cuộc sống con người là qui ước(conventional)! nên cứ tùy duyên theo qui ước mà làm, không thấy mình trong công việc, không thấy ta hay người nữa vì người cũng là ta mà ta cũng nhờ người mà nhận dạng! Lời của Thầy cũng chỉ là âm thanh vọng lại thôi thúc ta lên đường!

    Cảm ơn anh Hoành đã chia sẻ và nhắc nhở!
    Chúc anh và các bạn may mắn và mạnh khỏe để thực tập 3 điều chia sẻ trên!

    Like

Leave a comment