Từ ngôn ngữ đến cảm xúc và thái độ.

Chào các bạn,

Chúng ta có thể nói về tình yêu như thế này: Yêu là nhớ thương, quan tâm, chăm sóc, nhịn nhục, hỗ trợ… Ai đọc cũng có thể hiểu được các từ đó. Đọc như thế là kiến thức của tình yêu ở mức ngôn ngữ. Mức này chỉ là các từ, hoặc các tư tưởng mường tượng trong đầu.

Ai trong chúng ta cũng biết, các tư tưởng như thế vẫn chưa có nghĩa là ta biết tình yêu là gì, cho đến lúc ta biết yêu, tức là lúc ta bắt đầu yêu một người thật, với những cảm xúc dào dạt trong lòng, nhớ nhung quay quắt, luôn nghĩ về nhau, chăm sóc lo lắng cho nhau từng tí… Đó là lúc ta thực sự có cảm xúc về tình yêu, và sống từng giây trong ngày với một thái độ yêu thương trân trọng với người mình yêu. Đó mới là yêu. Và đó mới là biết yêu là gì.

“Cái biết” của con người chúng ta luôn luôn có 3 bước như thế: Bước đầu tiên là ngôn ngữ—do ta đọc sách vở. Bước thứ hai là cảm xúc–kinh nghiệm thật với cảm xúc thật, về những điều trước kia ta chỉ đọc trong sách vở. Bước thứ ba là thái độ sống—thái độ thương yêu do cảm xúc thương yêu tạo ra.

Phải đến bước thứ ba mới là kiến thức thật sự. Khi ta biết một điều gì qua kinh nghiệm, với cảm xúc mạnh mẽ rõ ràng, và tư đó ta có được thái độ mới, phù hợp với cảm xúc mạnh mẽ đó, thì đó mới là kiến thức thật, không chỉ là một mớ chữ nghĩa ta đọc trong sách.

Mọi người đàn ông đều đọc trong sách và đều biết là mình nên yêu vợ mình, và yêu là thế nào. Nhưng cái biết đó vẫn không là cái biết cho đến khi anh ta cảm thấy rât yêu vợ trong lòng mình, và từ cảm giác yêu thương đó anh ta có được thái độ của người thật sự yêu vợ.

Từ ngôn ngữ đến thái độ sống là một quãng dài. Và có rất nhiều người dừng ở mức ngôn ngữ trong rất nhiều chuyện. Nói kiểu bình dân là “Nói thì hay, làm thì dở.” Đôi khi người ta cố tình nói và cố tình không làm. Nhưng rất thường khi người ta không cố tình nói dối như thế, mà người ta chỉ không biết kiến thức thật là gì. Người ta có một mớ chữ trong đầu, và người ra tưởng đó là kiến thức thật, và do đó người ta dừng lại ở mức chữ nghĩa mà không biết là mình chẳng biết gì cả.

Cho nên các bạn, các chuẩn mực sống—khiêm tốn, thành thật, yêu người—vẫn chỉ là một cụm từ, cho đến khi bạn thật sự cảm xúc được khiêm tốn, thành thật và yêu người trong tim bạn, và cảm xúc đó thúc đẩy bạn hành xử với thái độ khiêm tốn, thành thật và yêu người luôn luôn.

Đừng dừng lại ở mức chữ nghĩa. Biết thật là ở mức thái độ–thái độ sống với các chuẩn mực mình muốn noi theo.

Nhà Phật gọi cái biết thực thụ, cái biết bằng thái độ sống thường trực, là tri kiến.

Chúc các bạn một ngày đầy tri kiến.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Từ ngôn ngữ đến cảm xúc và thái độ.”

  1. Em chào anh,

    Anh cho em hỏi một vài câu ạ.

    + Khi sinh ra con người đã có sẵn tất cả mọi cảm xúc và khi gặp hoàn cảnh, tình huống thật thì cảm xúc được giải phóng hay là chính tình huống thực tế đó có tác động sinh ra cảm xúc?

    + Nếu chưa có sẵn tất cả các cảm xúc. Liệu ta có thể giải thích tính Phật luôn có trong mỗi con người là do từ tấm bé ai cũng được chăm nom và yêu quí, qua đó hình thành những cảm xúc thương yêu?

    Em cảm ơn anh nhiều, chúc anh và cả nhà Chuối một ngày thật nhiều cảm xúc yêu thương 🙂

    Em Thuận,

    Like

  2. Cảm xúc đương nhiên là đã có sẵn với con người từ khi sinh ra–như là đói thì khóc, nghe sấm sét thì sợ, nhưng có rất nhiều cảm xúc ta học được trong môi trường văn hóa, như là thấy cờ Nazi thì ghét, thấy tiền thì tham…

    Chính các cảm xúc văn hóa nầy mới là vấn đề–ta loại bỏ các văn hóa tồi đã học và học văn hóa tốt. Chứ các cảm cúc bẩm sinh như là đói thì khóc, nghe sấm sét thì sợ, thường chẳng có hại gì mấy.

    Like

  3. Chào cả nhà,

    Tính Phật có sẵn trong mỗi người chúng ta từ khi sinh ra, nhưng nếu ta không trải nghiệm, không có môi trường để Phật tính này thể hiện ra thì ta sẽ không biết nó có tồn tại hay không.

    Dù Phật tính trong ta được thể hiện đúng hay bị bóp méo, nhưng càng trải nghiệm, càng cảm xúc ta càng có cơ hội thấy được rõ hơn.

    Từ đó ta mới học và thực hành tĩnh lặng, khiêm tốn và yêu người để quên đi những cảm xúc méo mó, để phát hiện lại và để trải nghiệm lại Phật tính đã có sẵn trong tâm ta.

    Ví dụ chúng ta học nhiều về đau khổ, học thấy được đau khổ và chấp nhận đau khổ, nhưng chỉ khi chính mình trải nghiệm qua đau khổ (như bị bệnh nan y hoặc rơi vào hoàn cảnh trớ trêu), mình mới hiểu rõ hơn về giá trị của đau khổ. Hoàn cảnh này giúp mình cảm xúc thật hơn sự khiêm tốn, thành thật và yêu người từ trong tim mình.

    Từ đó mình có thể thay đổi thái độ, nhìn cuộc sống mình và những người quanh mình dưới một góc nhìn khác, tạo cho mình cơ hội thấy rõ hơn Phật tính trong tâm mình, và cơ hội để khiêm tốn và yêu thương nhiều hơn nữa.

    Like

  4. Em rất hâm mộ từ ”thái độ sống” mà anh Hòanh nói, em thấy bài viết này của anh Hòanh rất ý nghĩa ,vì em thấy phần nhiều mọi người đang dừng lại ở cảm xúc .

    Like

Leave a comment