Làm sao để thành người tinh tế ?

Chào các bạn,

Tinh là tinh túy, không còn tạp chất, trong suốt. Tế là nhỏ, li ti Người tinh tế là người có cái nhìn trong suốt đến các điều rất nhỏ bé.

Một từ khác có ‎ nghĩa thực dụng gần như từ tinh tế là nhạy cảm. Người nhạy cảm luôn thấy được các điều li ti trong người khác.

Tinh tế là từ có nghĩa tốt. Nó luôn luôn có nghĩa là ta cảm nhận được những điều nhỏ bé trong người đối diện, để làm người ấy vui hơn, yêu đời hơn, thoải mái hơn, tích cực hơn…

Tinh tế không có nghĩa là tìm các lỗi lầm yếu kém của người đối diện kiểu bới lá tìm sâu. Đó rất là tiêu cực và bệnh hoạn.

Người tích cực và nhân ái luôn tinh tế với người đối diện.

Và muốn tinh tế bạn phải có hai điều: yêu người, và tập trung khi nói chuyện.

1. Yêu người:

Nếu bạn không có lòng yêu người thì không thể nào bạn có thể tinh tế. Nếu bạn nhìn người đối diện không hơn gì chiếc xe đang chạy qua, thì làm sao mà tinh tế được. Chỉ khi ta có lòng yêu người tự nhiên, nhìn ai ta cũng nhìn kỹ càng chăm chú, tìm cái hay cái đẹp của người đó để mà ngưỡng mộ. Ai có người yêu rồi đều có kinh nghiệm này, tối ngày nhìn chàng/nàng không biết mệt, và không một chi tiết đẹp nào của chàng/nàng mà không thấy, và chẳng thấy điều gì xấu, chỉ vì ta chỉ tập trung vào cái đẹp. Tình yêu trong lòng cho ta một cái nhìn chăm chú và ngưỡng mộ.

Bạn có thể ngưỡng mộ bất kì cậu bé đánh giày nào bạn gặp không?

2. Tập trung khi nói chuyện:

Đây là Thiền Từng Phút. Làm việc gì thì làm một việc và chú tâm vào việc đó.

Nói chuyện với ai thì chú tâm vào nói chuyện. Đừng vừa nói chuyện vừa nhìn đồng hồ, vừa nói chuyện vừa tính toán ngày mai đi chợ mua gì…

Chú tâm vào nghe. Nghe là 80% của nói chuyện. Nghe với trái tim, nghe với ước muốn được chia sẻ và đồng cảm, nghe với tư cách của một người hỗ trợ.

Nhìn người đối diện. Nhìn là cách để giúp nghe rõ hơn và đúng hơn. Nhìn chính là nghe ngôn ngữ thân thể. Đừng nói chuyện mà mắt cứ nhìn ra đường, hay liếc lên màn ảnh tivi. Nhìn để ta có thể nhận ra các ngôn ngữ tế nhị của cơ thể.

Và nói thì chú tâm vào nói lời tích cực, đồng cảm, dịu dàng, chia sẻ, tạ ơn, khen tặng, nâng tinh thần người lên… (dĩ nhiên là ngoại trừ thầy dạy trò. Thầy đôi khi phải dùng biện pháp sốc thì trò mới nhập tâm).

Chỉ hai việc giản dị thế, yêu người và tập trung khi nói chuyện, bạn sẽ thành người tinh tế.

Và tinh tế là khí cụ số một trong giao tiếp và ngoại giao.

Chúc các bạn một ngày tinh tế.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

32 thoughts on “Làm sao để thành người tinh tế ?”

  1. Theo cháu nghĩ, những người tinh tế (nhạy cảm) sẽ được lòng nhiều người và nếu có trình độ tốt thì hoàn toàn có thể trở thành lãnh đạo.

    Like

  2. Em có một câu hỏi thế này mong anh Hoành và mọi người giúp em. Khi giao tiếp, giữ một thái độ vui vẻ, luôn mỉm cười sẽ làm cuộc nói chuyện trở nên thân thiện hơn, song đôi lúc em cảm thấy nếu mặt mình serious 1 chút lại cảm thấy tự tin và bao quát vấn đề tốt hơn. Lúc nào cũng vui vẻ nói chung là rất tốt nhưng có khi nào nó làm mình trở nên ngớ ngẩn ko các anh chị?

    Like

  3. Hi Meg,

    Em cứ là gì em thấy thoải mái và hiệu lực. Đương nhiên mỉm cười là khí cụ số 1, nhưng khi em cần vẻ mặt nghiêm nghị thì nghiêm nghị chứ có sao đâu.

    Like

  4. Dear anh,

    Đôi lúc em có cảm giác là yêu người và tập trung khi nói chuyện với người mới lần đầu gặp mặt rất dễ, nhưng tiếp theo sẽ ra sao khi:

    1- Ta không tìm được những điểm mới (ở chính mình và người) trong mối quan hệ giữa người và ta nữa ( mối quan hệ ở đây ko đơn thuần là tình bạn, tình yêu nam nữ, mà còn là những người hàng ngày mình gặp và tiếp xúc. )

    2- Càng quen lâu ta mới càng hiểu là người có nhiều tính xấu hơn ta tưởng, và tính xấu đó được bộc lộ với tần suất nhiều hơn. Ta chấp nhận được đến đâu.

    Em có một vài câu hỏi vậy.

    Like

  5. Hi Thuận,

    Em còn bị vướng mắc về bên ngoài của con người quá nhiều. Cần phải có cái nhìn xuyên cái vỏ, đên tận trái tim sâu thẳm của con người.

    Chúng ta có thể có 5 đôi mắt: nhục nhãn (mắt trần, mắt thịt), thiên nhãn (mắt trời), huệ nhãn (mắt trí tuệ), pháp nhãn (mắt giáo pháp), Phật nhãn (mắt Phật).

    Nhục nhãn là con mắt binh thường của ta. Chỉ thấy được trước mắt.
    Thiên nhãn là con mắt của người trời, chư thiên, có thể nhìn rất xa và rất nhỏ,như vi trùng.
    Tuệ nhãn: Là con mắt của bậc Thanh văn, alahán có thể nhìn thấy nguồn gốc của khổ đau, vô ngã, Niết Bàn.
    Pháp Nhãn: Là con mắt Bồ tát, có thể thấy mọi sự là huyển ảo, kể cả giáo pháp.
    Phật Nhãn: Là con mắt của Phật thấy được tất cả, toàn diện, tròn đầy.

    Ít nhất thì ta nên có pháp nhãn–nhìn được rằng tất cả đều là huyển ảo, chi có Phật tính là trường tồn, và mỗi người chúng ta đều có Phật tính trong lòng.

    Em có thể nhìn xuyên cái vỏ của mỗi người để thấy Phật tính trong lòng họ không? Em có thể tin vào Phật tính của họ, để ứng xử với Phật tính của họ, để một lúc nào đó chính họ nhận ra Phật tính của họ.

    Nhưng cái ta thấy bên ngoài bằng con mắt trần của ta thì chẳng nghĩa lý gì cả. Đó là cái nhìn vào vỏ.

    Tại tâm, mỗi người đều có Phật tính. Ta cần pháp nhãn, con mắt Bồ tát, để nhìn. Và làm việc với người, bằng cách nhắm vào Phật tính của họ, để mang Phật tính đó ra ngoài.

    Em phải chủ động. Không để cái nhìn mắt trần chủ động và chi phối em.

    Chính “những người hàng ngày mình gặp và tiếp xúc” là cơ hội để em tu con mắt Bồ tát của em đó. Em ngồi Thiền thường xuyên và “quán” những người đó để “nhìn” vào Phật tính của họ xem sao.

    Liked by 3 people

  6. Bài viết rất hay. Nhưng trong thực tế thì việc này cực kỳ khó khăn anh Hoành ạ. Anh có thể tư vấn cho em cách mà mình biểu hiện thái độ đối với những người mình thấy mến không ạ?

    Like

  7. Hi Toàn,

    Đúng là thực hành luôn luôn khó khăn hơn nói. Nhưng hai điều anh viết ra đây, chỉ có 2 điều để thực tập thôi mà. Thứ nhất, tập có cái nhìn thân thiện với mọi người dù họ là ai, tốt xấu thế nào. Đừng cho phép đầu óc mình bị thành kiến với ai. Thứ hai, khi nói chuyện thì tập trung vao nói chuyện (Và nói chuyện là nghe và quan sát nhiều, nói ít); ngồi với một nhóm bạn cũng thế. Chỉ hai điều đó thể thực tập thôi mà.

    Còn câu hỏi của em: Anh có thể tư vấn cho em cách mà mình biểu hiện thái độ đối với những người mình thấy mến không ạ?

    Câu này quá rộng, tuy theo người mà ứng xử–với một cô mình muốn làm quen, thì khác với một cụ ông hàng xóm.

    Giả sử đó là một cô thì:

    1. Em phải chắc là trong lòng em rất mến cố ấy (chứ không phải là biểu diễn tán gái cho mấy đứa bạn trai lé mắt). Nếu mình thực sự mến một cô, tự nhiên cả cơ thể và ánh mắt của mình sẽ “nói” cho cô ấy biết, chẳng cần phải cố gắng nhiều.

    2. Tùy theo em thoải mái thế nào, có thể dùng các cách sau đây:

    – Mỗi lần “đụng” cô ấy, trên hàng lang chẳng hạn, thì khẻ gật đầu chào (không cần phải mỉm cười, nếu chưa quen). (Nhưng đừng cố ý “đụng” qúa nhiều, làm người ta sợ. “Đụng” theo thời khóa biểu tự nhiên là tốt nhất).

    – Tặng hoa (viết gì đó nhẹ nhàng như là “Chúc Vi một ngày tốt lành. Ký tên: Tuấn”. Và để cô ấy tự tìm hiểu “Tuấn” là ai). Đừng dùng nick như là “Phiêu Bồng Lãng Tử” hay “Thủy thượng Phi Đại Hiệp”. 🙂

    (Chú ý: Tặng sách cho người chưa quen hay mới quen rất nguy hiểm, vì có thể bị hiểu lầm. Ví dụ: Tặng sách “Tư Duy Tích Cực Thay Đổi Cuộc Sống” của tác giả TĐH, có thể làm cho cô ấy nghĩ “Bộ anh nghĩ tôi tiêu cực lắm sao mà phải đọc sách này?”. Thế thì anh cũng bị vạ lây. Hay sách “Làm Đẹp” có thể làm cho cô ấy nghĩ bộ tôi xấu lắm sao mà anh phải tặng sách làm đẹp cho tôi?)

    Nếu cô ấy có cảm tình với mình, thì tự nhiên mình sẽ biết, vì cô ấy sẽ “send signals” qua ánh mắt và cử chỉ của cô ấy.

    – Nếu thấy cô ấy có vẻ thân thiện thì lúc nào đó cô ấy đang đứng đâu đó hay đi bộ đâu đó thì đến gật đầu tử tế, hỏi nhỏ: “Tuấn là người gửi hoa mấy lần cho Vi để làm quen, Vi cho Tuấn làm quen được không?”

    Đại khái là vậy: Từ lạ đến quen. Muốn làm quen thì phải chủ động từng bước một biểu lộ tình cảm, rõ ràng, tự tin, nhưng không thô lỗ kiêu căng, và không quá hấp tấp làm người ta sợ…

    Cách dễ hơn nữa là nếu Vi có quen với em họ hay bạn nào đó của mình, nhờ em họ hay bạn sắp xếp cho mình có dịp gặp Vi là thượng sách. Networking rất có lợi, từ trường học đến chính trị kinh doanh.

    Good luck, Toàn.

    Like

  8. anh oi! em ko biet minh sao nua!khi thay nguoi ta lam sai la em phan hoi lai lien co doi khi to thai do ,hoac co doi khi noi,co doi khi lai noi lon ,nhung cung co doi khi noi nho nho ,lam bam cho minh nghe! va trong long rat buon,khi thay nguoi ta lam sai ,va co doi khi em lai ko hieu “tai sao” nguoi ta biet chuyen do sai ma van lam ! anh co the giup em voi!

    Like

  9. Hi No Name,

    Tại vì em đã có thói quen đó lâu đời. Cũng có thể là hồi mới sinh ra (hay chưa sinh ra) đã học từ bố mẹ, cho nên bây giờ hệ thần kinh cứ vậy mà làm.

    Muốn thay đổi thì bất kì khi nào gặp ai và nói chuyện với ai, em cũng tự nhắc mình một câu: “Người này có gì hay, để mình khen và đồng ý?” Luôn luôn tìm cái hay và cái mình có thể khen và đồng ý trong người đối diện, thì cái đầu của em không rảnh để soi mói. Nếu em tập rất kỹ luật, có thể là chỉ trong một tuần em đã có thể thay đổi thành một người mới hoàn toàn.

    Liked by 1 person

  10. Nếu chịu khó quan sát và nghe những ai đang nói những gì mình không thích,bạn có thể biết được vài điều khá thú vị
    1.Họ cho mình thấy điều mà mình chưa biết về mình,mình đã sai gì đó mà không biết
    2.Họ cho mình thấy những điều mình nên tránh ,vì họ đang mắc phải còn mình …có thể
    3.Hiểu hơn về cuộc sống, : có những suy nghĩ như thế đấy, ha ha…
    Chắc là nên cảm ơn họ thôi.

    Liked by 2 people

  11. Phong Lan nói rất đúng và hay!

    Có lời khuyên khi tu tập hạnh lắng nghe: Điều “thiện” cần “nghe vào”. Điều “bất thiện” nên “nghe ra”…

    Tất cả đều bình tĩnh lắng nghe.

    Like

  12. Hi anh Hoành,

    Em mới tập lắng nghe và tập cảm nhận cảm xúc của người nói, có đôi khi họ khổ tâm quá, mình muốn hiểu họ nên phải hạ năng lượng, thực sự tập trung vào họ và cảm xúc của họ, tập trung vào người đối diện 100%, và kết quả mình hiểu và đồng cảm, chia sẻ được với họ.

    Tuy nhiên sau cuộc nói chuyện, về nhà, em cảm thấy mệt, năng lượng trong người thấp và nổi khổ của họ vẫn còn trong em.

    Em rất muốn lắng nghe và đồng cảm, chia sẻ nổi khổ của người thân, nhưng mỗi lần như vậy xong em lại thấy mệt và xuống cảm xúc, năng lượng.

    Vậy có cách nào có thể giúp mình chia sẻ nổi khổ, lắng nghe đồng cảm nhưng sau đó không bị ảnh hưởng gì không ạ ?

    Em cảm ơn anh Hoành và mọi người đã tư vấn.

    Liked by 1 person

  13. Hi Tường,

    Anh nghĩ là rất khó để nghe chuyện khổ mà mình không khổ theo. Chúa Giêsu còn khóc mà. Nếu mình là người tĩnh lặng thì mình sẽ ít mệt hơn. Nhưng mình đâu phải nghe những chuyện nặng ký như vậy thường xuyên đâu mà phải lo.

    Congratulatiin! Em đã biết lắng nghe.

    Like

  14. Hi anh Hoành, e muốn hỏi một chút. Khi mà e tập trung quan sát và lắng nghe người đối diện nói thì e hay bị xao nhãng chuyện nói gì với họ. Nghĩa là một lúc e chỉ giỏi làm được một việc thôi, k làm được nhiều (hoặc lắng nghe, quan sát hoặc nói). Có cách nào để vẫn lắng nghe, vẫn quan sát và vẫn nói chuyện với họ được hiệu quả không ạ. Em cảm ơn

    Like

  15. Hi Hồng Anh,

    Em không nên tập trung vào “chuyện nói gì với học”, mà lắng nghe và quan sát họ, rồi “nói theo” (follow up) họ. Ví dụ:

    Bạn: Hôm nay mình mệt quá
    HA: sao vậy?

    Bạn: Mới gặp anh này đẹp trai quá.
    HA: vậy sao
    Bạn: Ừ
    HA: Gặp sao?

    Bạn: Anh ấy mời mình đi ăn kem
    HA: Có đi không?

    Cứ hỏi tiếp theo câu của người kia nói thì chẳng cần phải suy nghĩ gì cả.

    A. Hoành

    Like

  16. Dạ thư thầy!
    Quan sát, lăng nghe em thất thật sự rất quan trọng.
    Em đang gặp một vấn đề:
    Em muốn hỏi thầy xem quan sát và lăng nghe có giải quyết được không?
    Em rất sợ bị người khác quan sát khi em làm việc gì chưa quen hoặc nhưng việc em chưa giỏi. Em luôn có tâm lý sợ bị làm sai sợ người ta máng và chỉ trích. Em bị ám ảnh từ nhỏ em thường xuyên bị thế.
    Vì vậy, khi làm nhưng việc như trên, em đều không thoải mái và chở nên căng thẳng. Dẫn đến em luôn làm chưa tốt, chưa tự tin.
    Em muốn khắc phục điều này, mong thầy chỉ bảo!

    Like

  17. Hi Chí,

    Nếu ai nhìn mình làm việc, thì mình hồi hộp không làm được, đó cũng là chuyện thường với nhiều người.

    Cách dễ nhất để giải quyết vấn đề tức thì là khi mình làm việc mà có ai nhìn, thì mỉm cười và nói với họ: “Xin lỗi bạn/Hà/Trung/Hiền… mình có tật là khi có ai nhìn mình làm việc thì mình hồi hộp không làm được.” Thì người ta sẽ đi nới khác.

    Cách giải quyết trường kỳ là dạy mấy đứa con nít hàng xóm làm gì đó (gấp giấy thành hình thú vật, đồ chơi…), thì mình sẽ quen làm việc khi có người nhìn.

    Chúc Chí thành công..

    Like

  18. CHÀO ANH HOÀNH!
    Trước giờ e cứ nghĩ, tinh tế là nhìn vào cử chỉ, điệu bộ, lời nói của người khác, em có thể biết được người ta đang nghĩ gì, biết được người đó tốt hay xấu, lời họ nói có đáng tin hay không?
    Do đó e cứ thấy mình kém tinh tế, vì en tin tất cả những gì họ nói, em thấy ai cũng tốt, và đặc biệt em không biết họ nghĩ gì về mình, họ có quý mến em không…vv
    Khi bước vào một môi trường mới, người này nói khác, người kia nói khác, người khác nữa nói cũng không giống ai, em cảm thấy bối rối và lo lắng, do đó em sống khá thu mình và sợ phải tiếp xúc với người khác. Không phải em sợ gì, mà đơn giản chỉ vì dường như em chẳng bít nói chuyện gì…(huhu – đầu óc e hơi kém nhanh nhạy)! Do đó em thấy tẻ nhạt và dần dần chán đi làm! ( Vì ở nhà và khi đi học, em nói khá nhiều và cũng có vẻ hài hước)
    Anh có thể cho em lời khuyên được không ạ?

    Like

  19. Hi Hoa,

    Em có hai vấn đề.

    1. Lo ngại người ta nghĩ gì về mình. (2) Rồi từ đó lại sinh ra vấn đề giao tiếp.

    Có lẽ cách hay nhất cho em là vào sinh hoạt với một hai CLB sinh viên về gì đó (như tiếng Anh, từ thiện…) để em quen sinh hoạt cộng đồng.

    Và bỏ thói quen lo người ta nghĩ gì về mình. Em cứ ứng xử tốt với mọi người là được. Người ta nghĩ sao về mình thì thực sự là không quan trọng.

    Emđọc bài này nhé:

    Cần quan tâm người khác nghĩ gì về mình ?

    Like

  20. Em mới 16tuổi. ai cũng bảo em đòi hỏi sự trưởng thành và kinh nghiệm ở tuổi này là k được. nhưng em thật sự rất muốn có trong mình chút kinh nghiệm sống!
    Anh có thể chia sẻ cho em dc k
    hoặc liên lạc theo 01655.86.16.06
    :)))

    Like

  21. Hi Linh Chóp,

    Ở cột bên trái trang ĐCN có chuỗi bài “Tư duy tích cực” của anh, hơn 2 ngàn bài anh viết, đều là kinh nghiệm của anh, chia sẻ với các bạn. Đó là nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với em đó.

    À đọc thì em chẳng có được kinh nghiệm gì, phải thực hành các điều em đọc thì em mới có kinh nghiệm. Thực hành cho ta kinh nghiệm.

    Chúc em thành công

    Like

  22. Hi. chao ban minh khong biet noi sao het. bai viet hay. minh thay cung đung nhung tiec that minh hoi hot qua. kinh Nghiem chua có trong giao tiep. minh rat cá tinh va có khieu noi chuyen vui thoi chu đe dc ai do thich va yeu thi khong co su thuyet phuc. tinh nóng nhu con trai. that buon va tu ti lam. nhin ngoai tuoi vui bao nhieu thi minh da mat dan su ko tin cua gia đinh. com sot dẻo la hien tai vi le ay minh chi có than thien chu chua có gi het .ban co the chua loi cho minh duoc khong? minh noi chuyen kieu gi mà thay sai la thang ko muon noi doi.

    Like

  23. Hi Ngan,

    Em thử tập lắng nghe thay vì nói được không? Như là ngồi với bạn bè thì lắng nghe điều mọi người nói và mỉm cười mà không nói gì, hay cho phép mình nói tối đa là 5 câu trong mỗi cuộc nói chuyện, mỗi câu không quá 10 chữ, và người ta có cãi nhau thì mình cũng không thêm quá 5 câu, mỗi câu 10 chữ.

    Điều chính là lắng nghe. Lắng nghe và ít nói là sẽ thành công trong giao tiếp.

    Có kỷ luật ít nói như vậy thì sẽ tiến bộ trong cách ăn nói rất nhanh.

    A. Hoành

    Like

  24. Dạ thưa anh;
    Em vốn đằm tính, nắm bắt tâm lý rất tốt, vốn dĩ vì e làm công tác quản lý nhân sự nên kiến thức, tâm lý con người, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẽ e đều làm rất tốt, có ngươi bảo e tinh tế. Nhưng gần đây e ko công tác nữa mà ở nhà, e nhận ra e đã ko còn là e, e thiếu kiểm soát, e thiếu kiềm chế, thiếu sự châm rãi lắng nghe nguoi doi diễn, thiếu ky luật, liêu e đang gặp vấn đề gì, e phai làm sao để ko đánh mất chính minh, mong a chỉ dẫn ạ..

    Like

  25. Hi Kiêu Anna,

    Thiếu nhiều chi tiết quá nên khó cho anh nắm bắt. Tuy nhiên thường là có sự khác nhau rõ rệt giữa người nhà và người ở sở làm. Ở sở làm chúng ta thường có khoảng cách nghề nghiệp với mọi người, về nhà vợ chồng hay bố mẹ con cái có thể không giữ khoảng cách, nên hành xử và phản ứng của ta có thể khác ở sở làm.

    Hãy tạo cho mình một “khoảng cách thời gian” ở nhà, tức là dừng lại một chút trước khi nói, nhất là nói vì bực mình.

    Em thử vậy xem, rồi cho anh biết.

    A. Hoành

    Like

  26. Sao em đọc bài óc tinh tế của Tony lại thấy một phần của anh trong đó…
    Cảm ơn anh vì bài viết ngắn gọn, súc tích.

    Like

  27. Em luôn biết ơn anh Hoành và anh chị ở ĐNC cho em có cơ hội được ghé thăm và học hỏi hàng ngày ở ĐCN. Em luôn tìm đến ĐCN như tìm đến cuốn từ điển cho cách tư duy, cách sống và làm việc của mình.
    Hôm nay em đang đọc loạt bài về kỹ năng quản lí và kỹ năng giao tiếp, để đi tìm thêm kinh nghiệm và lời khuyên của anh Hoành và anh chị vì mong muốn giúp một số trưởng nhóm của mình làm tốt hơn vai trò hỗ trợ nhân viên.
    Nếu có thể được, em nhờ anh tư vấn thêm cho em với ạ.
    Em cảm ơn anh nhiều ạ.
    E Huyền

    Like

  28. Sao hay quá bài viết nói đúng với lòng mình cảm ơn người viết bài hay, thật lòng cảm ơn chúc bạn luôn hạnh phúc tràn đầy ơn phước!

    Like

  29. Xin chào anh .Em nghĩ do từ nhỏ em sống với gia đình em và mọi người có thói quen chỉ trích phán xét lỗi ở người khác và nhiều thói quen xấu và những gì lúc nhỏ em tiếp nhận sẽ hình thành nên con người em em nghĩ tiêu cực về bản thân giống như em tự ti về năng lực học tập của em và từ nhỏ mẹ em cũng nuông chiều em và em cũng sinh ra nhiều thói quen tật xấu tiêu cực và ảnh hưởng học tập và do có xu hướng nhìn đời tiêu cực nên có những lần mọi người chỉ có ý khen em mà em lại suy diễn ý ng ta thành lời tiêu cực chê trách em nghĩ do em tự ti vào bản thân nên mới suy diễn như vậy rồi e tự làm khổ m bằng cách phản ứng tiêu cực lại với ng ta có những cảm xúc tiêu cực giận dữ và càng như v em càng có tâm lý ko mở lòng thì mình ngại hỏi ng khác mà nếu ko mở lòng thì em giống như chỉ biết tập trung vào bản thân vào suy nghĩ bản thân và thành ng cố chấp ko biết lắng nghe ng khác mà nếu như vậy sẽ ko học hỏi được ở người khác . Vấn đề là những niềm tin lúc nhỏ và thành kiến định kiến trong suy nghĩ về bản thân em và cách em nhìn mn xung quanh có thể thay đổi thành tích cực như thế nào ạ .vì em nghĩ có tự tin trong suy nghĩ biết bản thân em như thế nào em mới bắt đầu cởi mở tâm trí học hỏi và phát triển được ạ nếu ko em sẽ thụt lùi chỉ nhìn thấy bi quan và đau khổ ,em suy nghĩ nhiều và thể thiên về tiêu cực hơn nếu ko nói là hơi có xu hướng hoang tưởng ảo tưởng ko thực tế .

    Like

  30. Hi Khang,

    Em rất thành thật và biết cố gắng.

    Điều anh thấy trong thư của em là em viết trang giang đại hải, một đoạn dài không chấm phết gì cả. Điều có làm suy nghĩ của em hỗn loạn và bất trật tự. Chúng ta suy nghĩ băng ngôn ngữ – mình suy nghĩ trong đầu cũng như là tự nói cho mình nghe. Suy nghĩ muốn mạnh mẽ thì tư duy phải đâu ra đó. Rõ ràng. Điều gì chính, điều gì phụ. Điêu gì quan trọng, điều gì ít quan trọng hơn. Những điều này rất cần để con người biết nên làm gì, không nên làm gì, suy nghĩ nào tốt, suy nghĩ nào hại.

    Vậy em phải tập suy nghĩ ngăn nắp có, có hệ thống như thế. Suy nghĩ tốt thì mới hành động tốt được. Từ nay em nên cố gắng viết thư nhiều hơn với bạn bè, nói về nhiều việc khác nhau – thời tiết, thức ăn, biển đông, buồn vui… Mỗi lần viết cố gắng chấm câu rõ ràng để sắp đạt tư duy của em thành hệ thống trật tự rõ ràng. (Như là anh làm trong thư này). Đó là việc đầu tiên để giúp mình biết suy nghĩ kỹ càng, chính xác, và tập trung.

    Vè em bắt đầu tập suy nghĩ tích cực. BẤT KÌ ĐIỀU GÌ TRÊN ĐỜI CŨNG CÓ MẶT TÍCH CỰC CỦA NÓ. Về bất kì điều gì em nghĩ đến, hãy hỏi: “Mặt tích cực của điều này là gì?” Ví dụ, Em đi đường gặp mưa ướt như chuột lột, và rất bực mình. Tháy mình bực mình thì hỏi: “Mặt tích cực của trơi mưa này là gì?” Hỏi thì đương nhiên em sẽ có nhiều câu trả lời, chỉ cần suy nghĩ tìm tòi một chút là ra hết. Ví dụ: Trời mưa này bắt mình thay đồ. Bộ đồ nay mặc đã mấy hôm mà không thay. Đúng là ông trời muôn mình thay đồ và giặt đồ. Hay, trời ữ làm đương phố hết bị bặm và sạch hẳn lên. Hay, trơi mưa mát mẻ quá, thấy trong mình khoan khoái hẳn lên. Hay, trời mưa cây cố trong thành phố xanh tươi mượt mà hẳn lên…

    BẤT KỲ ĐIỀU GÌ (Bất kỳ ai, bất kì vật gì, bất ki sự gì, bất kì chuyện gì) TRÊN ĐÒI CŨNG CÓ NHIỀU TÍCH CỰC NHƯ THẾ. Nếu có điều gì hay ai đó mà em không tìm ra điểm tích cực, thì em vẫn còn là đai trắng, chưa lên được đai vàng.

    Nếu em hỏi thường xuyên, cả ngày, mỗi ngày như thế trong một năm, em sẽ thành một người hoàn toàn khác, cực kì tích cực. Lúc đó vòng lại hỏi anh một câu nữa để anh xem em đã được đai xanh đỏ hay đai nâu chưa.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment