Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện thần Minh Ứng Yên Sở Lý Phục Man

(Đền ở huyện Đan Phượng, xã Yên Sở. Nay xã Châu Sở, huyện Đông Yên hằng năm còn thờ phụng, tế lễ, tôn thần làm Thượng Đẳng thần)

Quán Giá, đền thờ Lý Phục Man ở huyện Hoài Đức, Hà Nội

Theo sách Sử Ký của Đỗ Thiện thì Vương họ Lý, tên Phục Man, người làng Yên Sở. Vua Lý Thái Tổ đi tuần tới bến đò Cổ Sở, thấy sông núi tươi đẹp, cảm xúc, rồi lấy rượu khấn rằng: “Trẫm thấy phong cảnh nơi này xinh đẹp, nếu có thần linh hạo khí thì xin nhận rượu của Trẫm”. Đêm đến, vua nằm mộng thấy một người cao lớn, vạm vỡ, đến lạy tạ nói rằng: “Thần là người làng này, tên là Lý Phục Man, làm tướng thờ vua Lý Nam Đế. Trung thành với vua, được coi giữ một vùng giang sơn của đất Đường Lâm và Đỗ Động, để dân sống yên ổn, man mọi không dám cướp phá. Sau khi thần mất, Thiên đế khen thần trung thành, cho thần giữ chức vụ như cũ. Thần thường dẫn quỉ binh đánh giặc. Thần sống ở đây đã được nhiều năm rồi. Nay, may được bệ hạ tiếp đãi. Xin biết cho thần giữ chức ở đây cũng đã lâu lắm rồi”. Lại than rằng: “Dân tình nay mê muội, Trung thần thì giấu mặt, Giữa trời trăng sáng tỏ, Ai thấy được hình chân”. Nói xong bay lên trời mà đi.

Vua giật mình tỉnh dậy, đem việc ấy nói với quan Ngự sử đại phu Lương Nhậm Văn. Lượng Nhậm Văn nói rằng: “Thế là thần có ý muốn được dựng đền thờ, tạc tượng”. Vua liền sai người bói quẻ, dựng đền thờ, tạc tượng hình giống y như đã thấy trong mộng, lại phong cho thần làm phúc thần nơi đó.
Đến năm Nguyên Phong nhà Trần (1), giặc Thát Đát (2) vào cướp nước ta thì ngựa quỵ xuống, không vào được. Khi giặc cho ngựa đánh vào, dân trong làng được thần phù hộ, cùng nhau chống cự, đánh tan quân giặc. Quân giặc không còn dám nhòm ngó nữa.
Đến năm Trùng Hưng (3) thứ nhất, giặc Bắc lại vào cướp phá, đốt nhà, cướp của khắp nơi. Nhưng khi qua làng thì ngưng lại, y như có người chống giữ, không dám cướp phá.
Sau khi giặc tan, Vua bèn phong cho 4 chữ “Thảo chinh Yên Sở”. Cho đến hôm nay, uy linh của thần vẫn còn hiển hách (4).

Chú Thích

1) Nguyên Phong là niên hiệu của vua Trần Thái Tông từ năm 1251 cho tới năm 1257.

2) Thát Đát: tức giặc Nguyên Mông.

3) Trùng Hưng là niên hiệu của vua Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ nhất tức năm 1285.

4) Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (bản hợp khảo của Chen Ching Ho, Tokyo University, 1984) thì:..Vào năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 [1016], (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 9), mùa xuân, tháng 3, lại lập 3 hoàng hậu: Tá Quốc hoàng hậu, Lập Nguyên hoàng hậu và Lập Giáo hoàng hậu. Độ cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng sư. Dựng hai chùa Thiên Quang, Thiên Đức và tô bốn pho tượng Thiên Đế. Động đất. Làm lễ tế vong các danh sơn. Vua nhân đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt của núi sông, tâm thần cảm động, bèn làm lễ tưới rượu xuống đất, khấn rằng: “Trẫm xem nơi này, sơn kỳ thủy tú, nếu có nhân kiệt địa linh thì xin nhận rượu của Trẫm”. Đêm ấy, vua nằm mộng thấy một dị nhân đến cúi đầu lạy tạ, nói rằng: “Thần là người làng này, họ Lý tên Phục Man, làm tướng giúp Nam Đế, có tiếng là người trung liệt, được giao cho trông coi hai dải sông núi Đỗ Động và Đường Lâm, bọn Di Lão không dám xâm phạm biên giới, một phương yên bình. Đến khi chết, thượng đế khen là trung trực, cho giữ chức như cũ. Cho nên phàm giặc Man Di đến cướp đều chống giữ được cả. Nay may được bệ hạ thương đến, biết cho thần giữ chức này đã lâu rồi”. Rồi thong dong nói: “Dân tình nay mê muội, Trung thần thì giấu mặt, Giữa trời trăng sáng tỏ, Ai thấy được hình chân”. Vua thức dậy nói việc ấy với Ngự sử đại phu Lương Nhậm Văn rằng: ” Đó là ý thần muốn tạc tượng”. Vua sai bói xin âm dương, quả nhiên đúng như thế. Bèn sai người trong châu lập đền đắp tượng đúng như hình dạng người trong giấc mộng, suốt năm cúng tế. Khoảng niên hiệu Nguyên Phong (1251-1257) đời Trần, giặc Thát Đát vào cướp, đi đến địa phương này, ngựa khuỵu chân không đi được, người trong thôn dẫn dân chúng ra chống đánh, chém được đầu giặc, giặc tan. Khoảng năm Trùng Hưng (1285-1292), Thát Đát lại vào cướp, đến đâu cũng đốt phá, mà ấp ấy vẫn như được che chở, không bị xâm phạm mảy may, quả đúng như lời thần nói. (Nguyễn Hữu Vinh dịch).

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)

Bình:

Người chết chẳng đi đâu cả, vẫn ở đó và vẫn làm công việc như lúc còn sống, vẫn lo cho dân và bảo vệ núi sông. Tiền nhân không phải chỉ là ký ức hay tư tuởng triết lý, mà là một thực tại sống và làm việc ngay lúc này.

Tức là, chúng ta không chỉ nói đến tính liên tục giữa các thế hệ, mà là tính đòan kết và hợp lực giữa các thế hệ, cho công việc lúc này.

Đây thực là một triết lý quản trị quốc gia rất sâu sắc.

(Trần Đình Hoành bình)

2 thoughts on “Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện thần Minh Ứng Yên Sở Lý Phục Man”

  1. Em cảm ơn anh Hoành!
    Các vị chính là hồn thiêng sông núi, hồn thiêng dân tộc. Đời đời con cháu thế hệ chúng em luôn biết ơn điểm tựa to lớn này.
    => Khi đến với Nhân Đạo, được học em
    còn biết có những vị còn nguyện làm thần của nước Nam để bảo vệ cho dân cho nước.
    => Bây giờ đọc lại em mới thấy thấm về các câu chuyện trong Lĩnh Nam Chích Quái.
    Em cảm ơn anh Hoành và bác Vinh!

    Like

Leave a comment