Phản ứng và giải thoát

Chào các bạn,
free yourself
Chúng ta có nhiều lý do để sôi nổi:

– Nàng bỏ tôi, cho nên tôi hận đàn bà.
– Chúng hắn lừa tôi, nên tôi không tin ai nữa.
– Hắn chửi tôi, nên tôi đập hắn.
– Hắn ghét tôi, nên tôi ghét hắn.

Mỗi ví dụ bên trên đều có hai vế, vế trước là nguyên nhân, vế sau là hậu quả. Tức là, có một điều gì đó xảy ra bên ngoài từ ai đó, và ta có một phản ứng tương xứng với người đó (và có thể với nhiều người khác). Hành động của ta như vậy gọi là phản ứng— một điều A đến với ta và ta tạo ra phản ứng B.

Phản ứng luôn luôn là lệ thuộc, thiếu chủ động, thụ động. Người đầu tiên tạo ra hành động là chủ động–“Nàng bỏ tôi” thì nàng là chủ động. Người phản ứng lại là người thụ động hay bị động, bị lệ thuộc vào hành động của người kia—“cho nên tôi hận đàn bà” thì tôi là bị động, bị lệ thuộc vào hành động bỏ rơi của nàng.

Các bạn, tất cả mọi xung động của ta—giận dữ, trầm uất, buồn nản, lo sợ–đều là phản ứng, đều là bị động, đều là lệ thuộc như thế.

Cho nên khi ta xung động, khi ta phản ứng, ta chỉ hành động như máy vi tính được lập trình để phản ứng, ta không chủ động, không có tự do. Tức là ta bị trói buộc, bị cầm tù trong hệ thống vi tính vĩ đại ở trong ta.

Chính vì vậy mà khi ta thoát ra khỏi lập trình phản ứng đó, ta làm chủ hoàn toàn được tâm mình—như là người ta chửi mình, mình không giận mà lại còn biết ơn người ta đã tạo cơ hội cho mình luyện tâm, và thương (hay tội nghiệp) người ta còn nhiều tham sân si quá—thì nhà Phật gọi đó là giải thoát, tự do, tự tại.

Tĩnh lặng không chỉ là tĩnh lặng, mà còn là giải thoát ta khỏi nhà tù của lập trình phản ứng, cho ta được chủ động, được tự do, được tự tại.

Đó là tự giải thoát mình khỏi nhà tù của chính mình, cho mình một thái độ chủ động hơn với chính mình, với mọi người, với mọi sự.

Chúc các bạn được giải thoát.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Phản ứng và giải thoát”

  1. Ôi. “Phản ứng và giải thoát” Bài viết hay quá. Biến từ thế bị động sang thế chủ động từ những điều nhỏ nhặt đơn giản nhất. Thiệt là hay.
    Thanks anh

    Like

  2. Anh Hoành giải thích xung động / làm chủ tâm bằng “bị động / chủ động” hay quá!

    Nam

    Like

  3. Chắc rằng “thích ứng” (ứng phó một cách phù hợp với hoàn cảnh) thì tốt hơn là “phản ứng” (tỏ thái độ không tán thành, thường là có vẻ bực tức).

    Phản ứng đúng là bị động như anh Hoành nói. Thích ứng là chủ động hơn?

    Thích ứng, hóa giải, là được giải thoát?

    Mình nhớ là có một bậc thầy Aikido nào đó – mình quên tên – đã nói đại ý: “Học thật sự – là vun bồi tính thuận thảo, thích ứng”. Thuận thảo, thích ứng với thiên nhiên, với con người và vạn vật.

    Like

Leave a comment