Kinh sách, lý luận, và con đường

Chào các bạn,
zen garden
Con đường là đạo, nhưng mình không nói đến tôn giáo, mà nói đến đạo như là con đường tâm linh, con đường của trái tim linh thiêng của mỗi người chúng ta.

Lầm lỗi số một của đại đa số người đọc kinh sách là đọc sách một hồi rồi kẹt luôn trong sách không ra được. Kẹt trong kinh sách, kẹt trong ngôn từ, kẹt trong lý luận… Đứng một chỗ cả trăm năm, không nhúc nhích được một bước, nhưng họ không biết điều đó. Không thể biết được điều đó.

Các bạn, nếu các bạn đọc một cuốn sách nấu ăn trong 50 năm, và không nấu lần nào, thế thì bạn có biết nấu ăn sau 50 năm?

Kinh sách chỉ là công thức nấu ăn, đọc xong thì phải tập nấu mới biết nấu.

Rất nhiều quý vị thích tranh cãi về thần học, Phật học với các từ to lớn ít người biết đến. Đó là cái tôi ngỗ nghịch.

Rất nhiều vị rất thích mang kinh sách ra để chỉ trích thiên hạ. Đó là lạm dụng. Kinh sách là để cho chính mình luyện tập, chẳng phải là cuốn hình luật và bạn chẳng là công an cho ai cả.

Có lẽ chúng ta đã không và sẽ không bao giờ thấy hai người phụ nữ cãi nhau về công thức nấu ăn. Một người nói ra một công thức, các bà khác sẽ thêm ý kiến: “Món này mà thêm vài múi tỏi thì cũng rất thơm”. “Em thấy có người đã dùng củ kiệu thay hành, và ăn rất ngon”. Nói chung là các bà thường cho thêm ý kiến để thay đổi một công thức, để có được nhiều công thức mới, làm cho cách nấu phong phú hơn.

Đạo cũng vậy. Đạo là sống. Sống là nghệ thuật cao độ. Nếu ta thêm gia vị để có nhiều cách sống khác nhau, thì nghệ thuật sống của ta sẽ thi vị hơn.

Nếu người ta không cãi nhau về công thức nấu ăn, thì không lý do gì người ta phải cãi nhau về kinh sách.

Nhưng thiên hạ không chỉ cãi nhau và đôi khi còn giết nhau vì kinh sách! Thật là điên rồ.

Cho nên chúng ta cần phải thực sự canh giữ tâm mình khi ta nói đến tôn giáo và kinh sách.

Nếu bạn đã thấy hai người cãi nhau hai câu trong Thánh kinh: Một là “Lấy mắt trả mắt, lấy răng trả răng”. Hai là: “Nếu kẻ thù của con tát con má này, hãy đưa thêm má kia cho họ’”. Câu nào là đúng, câu nào nên theo. Rất nhiều người cãi nhau sùi bọt mép về 2 câu này.

Nhưng nếu bạn đã thực tập yêu tất cả mọi người, thì tự nhiên là bạn biết câu nào đúng. Chẳng cần phải tranh cãi.

Sống là thực hành. Kiến thức tâm linh chỉ có thể có được qua thực hành khiêm tốn, thành thật, yêu người, tĩnh lặng. Không có cách nào khác.

Nếu bạn không thực hành 4 điều này mỗi ngày, thì bạn sẽ không biết gì về đời sống tâm linh cả. Và nếu bạn không thực hành 4 điều này mà lại đọc kinh sách thường xuyên, thì bạn đang là một cha/mẹ đẻ của cái mà người ta gọi là thời mạt pháp.

Hãy khiêm tốn, thành thật, yêu thường và tĩnh lặng với mọi người hôm nay.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Kinh sách, lý luận, và con đường”

  1. kinh sách các tôn giáo là văn bản ghi chép lại lời dạy của những vị giáo chủ sau khi qua đời..có gì bảo đảm là thực khi giáo hội thành lập và giáo điều phát sinh?Tất cả kinh sách chỉ là phương tiện nhất thời mà giáo điều luôn trong khuôn thước từ giáo hội, từ con người mà thôi. Tốt nhất nên Tu bằng triết lý ,tư tưởng tôn giáo mà bản thân ta suy nghiệm và đúc kết từ cuộc sống quanh ta, sẽ thấy con đường mà ta nên chọn hay không có một con đường nào cả. Vạn pháp qui tâm nên an tâm thì vô pháp .Pháp đã hư vô thì tâm hư vô ..hòa cùng vạn pháp mà thanh thản vậy.Kinh sách nhiều làm gì khi Nói thì không biết và biết thì không nói như lời của một vị Tổ vậy.

    Like

  2. Cảm ơn bạn Cát Tường.

    Mình cũng đồng ý là điều chính “bản thân ta suy nghiệm và đúc kết từ cuộc sống quanh ta” sẽ cho ta con đường của ta. (Không có đường nào cả cũng là một con đường lang bạt kỳ hồ).

    Nhưng học môn gì–nhac, vẽ, võ, vũ– thì cũng nên nghiên cứu kết quả của người đi trước, vì nó giúp mình lấy kinh nghiệm của nhiều người đi trước–đôi khi là kinh nghiệm thu thập của nhiều người qua nhiều ngàn năm– làm vốn liếng khởi hành của mình. Rồi như là người nghệ sĩ trưởng thành, từ cái học được của người đi trước, mình có thể dùng suy niệm và luyện tập riêng của minh thành “trường phái” riêng của mình.

    Kinh sách chứa suy niệm và kinh nghiệm quý báu của người đi trước cho nên rất có lợi cho ta dùng kể khởi đầu. Nhưng con đường sẽ phải là con đường của riêng ta. Không thể là nô lệ cho kinh sách.

    Like

  3. Dear Anh Hai

    Em rất cảm ơn về bài viết cũng như comment của Anh Hai cho bạn Cát Tường.

    Đối với em kinh sách trong tôn giáo của người “Thầy chính tông” được xem như di sản của cha mẹ để lại cho con cái.

    Cho nên em cũng rất đồng ý với Anh Hai: “Kinh sách chứa suy niệm và kinh nghiệm quý báu của người đi trước cho nên rất có lợi cho ta dùng kể khởi đầu. Nhưng con đường sẽ phải là con đường của riêng ta. Không thể là nô lệ cho kinh sách.”

    Em M Lành

    Like

  4. Hi anh Hoành.

    Bài viết này rất hay và em chỉ xin góp ý thêm về cách trình bày bài viết này một chút. Đó là phần cuối bài em nghĩ là anh nên để khoảng 2 – 3 đường link về cách thực hành tư duy tích cực, về yêu người, thực hành về khiêm tốn,… đại để là một vài bài viết có liên quan mà anh đã viết trên DCN. Như vậy, các bạn mới vào sau khi đọc hết bài của anh là có thể đọc thêm một số bài có liên quan khác, điều này giúp ích cho mạch suy nghĩ của người mới đọc được thường xuyên liên tục.

    Em cám ơn và chúc anh mạnh khoẻ.

    Em Thắng.

    Like

  5. Hi Thắng,

    Interesting là anh cũng nghĩ đến điều đó, khi anh đang viết bài.

    Nhưng anh lại nghĩ anh viết gần 2000 bài trà đàm, trên chuỗi bài Tư Duy Tích Cực. Ai muốn tìm bài gì cũng rất dễ. Các bạn muốn tìm đọc thì nên chịu khó một bỏ ra vài phút để tìm. Anh không muốn đặt links vào bài để lấy mất cơ hội tìm kiếm của các bạn.

    Like

Leave a comment