Vật chất và tâm linh, chỉ là một

Chào các bạn,
run4 1 1120 dcg 22426.jpg
Sự chia cách vật chất và tâm linh thành hai điều khác nhau và đối nghịch nhau đặt chúng ta đứng thường trực trong một sự lựa chọn không hợp lý: hoặc là đi đường tâm linh và loại bỏ vật chất, hoặc theo đường vật chất và loại bỏ tâm linh.

Sự thật là tâm linh và đời sống vật chất, như ăn với uống, làm thành con người chúng ta như hai mặt của một đồng xu (Xem “Mục dích của đời sống“). Cả hai đều cần thiết, đều ngang nhau, và đều không thể tách rời nhau. Bạn không thể tách rời một mặt của đồng xu ra khỏi đồng xu, vì làm thế thì bạn chỉ tách một đồng xu thành 2 đồng xu, và mỗi đồng đều có hai mặt.

Các việc mà chúng ta thường gọi là tâm linh, như thiền định, cầu nguyện, tĩnh lặng…. cũng đều là các việc bồi dưỡng cơ thể của ta—tức là việc vật chất—giúp cơ thể giảm stress, hết căng thẳng, thoải mái, tăng sức mạnh cho hệ miễn nhiễm…

Và các việc vật chất ta làm đều là việc tâm linh. Căn bản nhất, ăn uống ngủ nghỉ, là để bảo tồn sự sống và cơ thể, và đó là các việc tâm linh hàng đầu, vì cơ thể mà chết đi thì cũng chẳng có tâm linh. Công việc ở sở, kinh doanh… đều là những công việc tâm linh: ta luôn luôn làm việc tốt cho đời, luôn luôn tạo công ăn việc làm cho nhân viên, luôn luôn phục vụ khách hàng cách tốt nhất… Tất cả mọi việc đều là việc tâm linh.

Mọi việc ta làm trong ngày—dù là ăn uống ngủ nghỉ, hay làm việc văn phòng, gồng gánh, làm ruộng, kinh doanh, hay đọc kinh cầu nguyện—ta đều làm vì Chúa, cho Chúa, và với Chúa…

Hay làm mọi việc trong ngày luôn luôn với Thiền từng phút, với trái tim Bồ tát tĩnh lặng từng phút.

Nói chung là tất cả mọi việc ta làm trong ngày đều là việc vừa vật chất vừa tâm linh, cả hai—vật chất và tâm linh đều có mặt, bằng nhau và ngang nhau. Có vài việc có vẻ tâm linh hơn—như là cầu nguyện và thiền định; có vài việc có vẻ vật chất hơn–như là ăn uống. Nhưng trong xét nghiệm cuối cùng, thì cái “hơn kém” đó quá nhỏ để ta nói điều gì hơn điều gì về khoản nào.

Tất cả mọi sự trên đời đều phát triển đời sống vật chất và tâm linh con người như nhau cho nên tách rời vật chất và tâm linh là phi lý. Ví dụ: Internet là vật chất hay tâm linh?

Đương nhiên là điều gì cũng có lạm dụng. Ăn uống thì cũng có người ăn bậy bạ, không ý tứ, để cơ thể nhiễm đủ thứ bệnh. Kinh doanh thì cũng có người gian lận, để làm hại cho người hơn là làm lợi cho người. Làm việc thì cũng có người nhũng lạm, hối lộ, để công việc thành bất công và thiếu hiệu năng. Cầu nguyện thì cũng có người “cầu cho chúng nó trở lại” nhưng không hề cầu cho mình thấy cái sai của mình. Cha sư thì không ít người dạy đạo mình là số một, các đạo khác là lạc đường hay si mê, thay vì dạy giáo dân yêu thương và tôn trọng tất cả mọi người…

Các lạm dụng này không thay đổi bản chất tinh tuyền của vật chất và tâm linh đi đôi, ngang nhau, và không thể phân cách, trong mọi hành động của ta.

Chúng ta có thói quen vào nhà thờ vào chùa đọc vài kinh, xá vài xá, theo công thức, và gọi đó là tâm linh. Rồi bước ra ngoài là gian dối, láu cá, trong các việc mình làm, và gọi đó là vật chất. Cho nên chúng ta mới có sự phân cách giả tạo, trong sự đối nghịch giả tạo của cái giả tạo mà ta gọi là vật chất và tâm linh.

Tôi bán giày trong một cửa tiệm. Một ông khách hỏi mua giày. Tôi phục vụ ông ấy với ý tưởng tôi đang làm việc trong team của Chúa, và phục vụ ông khách là phục vụ Chúa, với yêu thương, thành thật, và khiêm tốn trong lòng. Dù ông khách có mua hay không, ông ấy vẫn bước ra khỏi tiệm với một cảm giác siêu nhiên trong lòng: “Sao người bán giày này lại làm cho mình cảm thấy bình an đến như vậy.”

Đó là đưa thánh linh của Chúa đến với mọi người trong mọi việc ta làm.

Hay, nói cách khác, đó là đưa tĩnh lặng và từ tâm của Bồ tát đến với mọi người trong mọi việc ta làm.

Tất cả mọi việc trong ngày—không cần chia ra nó thuộc loại nào—đều là việc làm vì Chúa, với Chúa, cho Chúa.

Tất cả mọi việc làm trong ngày—không cần chia ra nó thuộc loại nào—đều là việc làm của Bồ tát vô ngã và từ tâm đối với mọi chúng sinh.

Chúc các bạn luôn làm việc tròn đầy.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

18 thoughts on “Vật chất và tâm linh, chỉ là một”

  1. Chào a Hoành,

    Cám ơn anh về bài viết mà như mọi lần em đọc trân trọng như 1 thành ngữ tiếng Anh có nói ‘ I’ m all ears ! ‘ và cảm giác khi đã đọc xong là ‘ Absolutely ‘ !

    Em xin đồng ý với a là ‘ vật chất và tâm linh chỉ là một ‘ khi nhớ đến 1 kinh cầu nguyện căn bản của mỗi Kito hữu và được đọc trang trọng trong mỗi thánh lễ. Đó là kinh Lạy Cha. E xin được trích dẫn để hiểu rõ hơn :
    ” Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng . Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen ”

    Như vậy mỗi người dù sang hay hèn, trí thức hay thất học cũng đều phải vừa có đời sống vật chất vừa có đời sống tâm linh. Nhưng khó ở chỗ là làm sao cân bằng được giữa vật chất và tâm linh, làm sao đảm bảo được mến Chúa yêu người trong khi tìm kiếm vật chất. Có lẽ nó phụ thuộc vào mức độ giác ngộ ở mỗi người. Mà giác ngộ nào phải dễ, dân gian có câu ‘ Giang san dễ đổi, bản tính khó dời ‘ hay là ” Kiếm củi 3 năm đốt trong 1 giờ “.

    Người bán giày nếu hàng bán ế ẩm, sợ không đủ doanh thu hay nôm na là tiền chợ mổi ngày có nguy cơ thiếu hụt chắc có lẽ cũng khó mà vui vẻ mọi nơi mọi lúc với người mua hàng mà chọn lựa cả buổi , chê lên chê xuống mà không chịu mua đôi nào. Chịu đựng 1 người mua hàng như vậy chứ buổi sáng mở hàng mà gặp vài người như vậy chắc cũng oải, có lẽ chỉ mong người đó đi mau cho !

    Đi lễ nhà thờ hay đi chùa dù có thành tâm cầu nguyện sốt sắng nhưng nếu có 1 phụ nữ vừa cầu nguyện vừa sụt sùi khóc lóc thảm thiết , chắc gặp chuyện bất hạnh lớn lắm mới như vậy. Nếu ta vì ngại chẳng hạn chỉ lo cầu nguyện cho mình mà nếu không lại gần người đó để hỏi thăm chia sẻ thì liệu ta đã sống tâm linh đúng nghĩa chưa, hay sau này khi đã giác ngộ thì mới giật mình hổ thẹn.

    E nghĩ cho dù đời sống tâm linh và đời sống vật chất được ví như 2 mặt của đồng xu thì cũng vẫn là 2 mặt : đồng xu khi còn quay thì thấp thoáng hình ảnh của cả 2 mặt của nó, nhưng khi rơi xuống và nằm yên rồi chỉ thấy được 1 mặt mà thôi, lúc đó chỉ hiện lên 1 mặt vật chất hoặc mặt tâm linh tùy thuộc vào hoàn cảnh , cơ duyên, mà nói vui là mỗi khi tung đồng xu lên thường nói : may rủi. Cũng khó đoán.

    Đây là một chút chia sẻ để đáp lại sự nhiệt tình ân cần của anh, em nghĩ là anh bằng những kiến thức sâu rộng của anh sẽ tiếp tục giúp cho mọi người hướng về đời sống giác ngộ trọn vẹn.

    Like

  2. Khi tâm ta xung động, dính mắc, thì dù ta đang làm việc gì – kể cả là tụng kinh hay cầu nguyện – đó đều không phải là tâm linh.

    Khi tâm ta tĩnh lặng, tự tại, thì việc gì ta đang làm – dù là dọn rác hay cuốc đất trồng khoai – đó đều là tâm linh.

    Bởi tâm linh là trái tim linh thiêng, là tấm lòng trong sáng, tĩnh lặng.

    Tâm linh là mặt hồ gương, thấy hết, phản chiếu hết, nhưng không giữ lại chi.

    Tâm linh là bầu trời trong, chứa tất cả, chấp nhận tất cả, không loại bỏ ai, không phân biệt gì.

    Tâm linh, là sống bình thường, làm việc bình thường như mọi người, với tâm từ bi hỉ xả.

    Like

  3. Dear Anh Hai

    Khi nói về “Vật chất và tâm linh chỉ là một” em xin chia sẻ kinh nghiệm:

    Những hình thức như thiền, suy ngắm, đọc kinh, cầu nguyện, tham dự thánh lễ… Được xem như những việc làm cần thiết để nuôi dưỡng đời sống tâm linh.

    Và em chỉ làm tốt khi em có một thể trạng mạnh khỏe, những khi đau ốm, mệt mỏi về thể lý em không thể nào làm nổi những việc đó!

    Ngược lại khi gặp những thử thách làm suy sụp thể lý nếu em có một đời sống nội tâm sâu sắc sẽ giúp em có thể lướt thắng những bệnh tật, ảm đạm u sầu thể hiện qua dáng vẻ bên ngoài.

    Vì vậy em rất tâm đắc điều Anh Hai chia sẻ: “Tất cả mọi sự trên đời đều phát triển đời sống vật chất và tâm linh con người như nhau cho nên tách rời vật chất và tâm linh là phi lý”

    Và ước mong trong cuộc sống em luôn thực hiện được điểu Anh Hai nhắc nhở hôm nay: “Tất cả mọi việc trong ngày—không cần chia ra nó thuộc loại nào—đều là việc làm vì Chúa, với Chúa, cho Chúa”

    Em cảm ơn và chúc Anh Hai tuần mới an lành.

    Em M Lành

    Like

  4. Hi anh Hoành và cả nhà,

    Bài này một lần nữa nói lên bản chất Nhất nguyên trong Phật pháp, vật chất và tâm linh là Một, phương tiện và mục đích là Một, ta và người khác là Một, Thiện và Ác cắt ngang trái tim mỗi người, … mà chỉ khi vượt qua bên kia bờ Giác, Bồ tát mới nhận ra không có bờ nào để vượt qua. Còn nhìn thấy hai bờ Mê Giác, là vẫn còn trên đường tu tập.

    Cảm ơn Anh và những trí huệ tâm linh sâu sắc em cảm nhận được mỗi lần ghé thăm Đọt chuối non.

    Em Hường.

    Liked by 1 person

  5. Cảm ơn bạn nicolethuhuong! Chia sẻ sâu sắc làm mình chợt thấy nico như là ni cô, dù có phải là ni cô hay không. Hi hi…

    Và mình xin lỗi mọi người! Mình nghĩ là mình đã nói sai hay ít nhất là không rõ ở đoạn đầu của phản hồi trên của mình.

    Ý mình muốn chia sẻ là: Nếu ta tụng kinh hay cầu nguyện với động cơ vị kỷ, bất thiện, thì đó không phải là việc làm tâm linh.

    Tâm linh là tỉnh, không thể là mê ? Tỉnh thì làm việc gì cũng là tâm linh, mê thì làm việc gì cũng là phi tâm linh ?

    Like

  6. Hi anh Xuân Thảo,

    Em đang theo học ngành Hóa ở nước ngoài (Úc và hiện tại là Mỹ), thày cô và bạn bè luôn gọi em theo tên tiếng Anh là Nicole vì tên tiếng Việt của em hơi khó phát âm. Em có tên Nicole (phát âm đúng là Ni-cô đấy ạ 🙂 ) cũng rất tình cờ khi em bắt đầu học tiếng Anh ở Úc cô giáo người bản địa nói là nhìn em cô liên tưởng đến Nicole Kidman và đặt tên tiếng Anh cho em là Nicole.

    Trùng hợp là càng ngày em càng bộc lộ thiên hướng rõ rệt về tôn giáo và tâm linh, em rất yêu Chúa và say mê những triết lý của Phật và những câu chuyện Thiền, rất có thể một ngày nào đó em sẽ trở thành Ni-cô thật 🙂

    Em có chút suy nghĩ về câu hỏi của anh: “Tâm linh là tỉnh, không thể là mê ? Tỉnh thì làm việc gì cũng là tâm linh, mê thì làm việc gì cũng là phi tâm linh ?”, nói theo nhà Phật thì câu hỏi này bị chấp vào danh sắc.
    Người nghĩ là mình tỉnh thì là tỉnh hay mê? Người nghĩ là mình mê thì mê hay tỉnh? Người làm việc tốt vì tin vào triết lý từ bi của Phật pháp thì là tâm linh hay không? Làm việc tốt vì muốn được phước có phải tâm linh hay không? người không biết gì về tâm linh mà chỉ làm việc thiện vì lòng thương người có phải tâm linh?

    Lại nói theo nhà Phật, thì em trả lời như vậy bị chấp vào ngôn từ 🙂

    Chúc anh và em và cả nhà một ngày vô chấp.

    Em Hường

    Liked by 1 person

  7. Phân tích của Hường về tỉnh mê và chấp vào danh sắc rất chính xác. Em thấy rõ vấn đề như thế là vào bậc thầy rồi đó Hường ạ.

    Và nếu lâu lâu em nhắc các anh chị em một câu như thế thì rất tốt. Đi xa hơn một câu nhắc, vướng vào tranh cãi thì chính mình lại vướng vào chấp.

    Phật pháp chỉ có thể nói một lần hoặc hai lần về một điểm. Nếu tranh luận mà mình phải nói đến lần thư ba (vì người kia chẳng hiểu và thích tranh luận) là bắt đầu lạc. Cho nên khi nói chuyện, gặp người không nắm được vấn đề sau 1 câu hay 2 câu của mình, mình nên ngưng.

    Thanks anh Thảo đã có đề tài để Hường phân tích.

    Liked by 1 person

  8. Em cảm ơn anh Hoành đã đánh giá em rất cao. Em đã rất say mê kinh sách, nên khi nhìn thấy ai nói câu nào chấp vào đâu em đều nhận ra ngay, ví dụ như câu anh nhắc không nên vướng vào tranh cãi, là dặn “không nên chấp Pháp” 🙂
    Em sẽ cố gắng không chỉ giỏi lý thuyết mà còn có thể áp dụng vào đời sống an lạc và yêu thương.

    Em Hường

    Liked by 2 people

  9. Anh !
    Cũng có thể có nhiều người coi trang này hơn nếu anh chỉ cho 1 hoặc bỏ cả 2 ( Phật, bồ tát / chúa ) ra khỏi nội dung các bài viết đó anh.
    Thân mến !

    Like

  10. Em rất thích ví dụ về đồng xu đang quay của anh Long Nguyen trong comment ở trên. Vì đọc đến đó em liên tưởng đến cuộc sống của mình cũng giống như đồng xu đang quay đó vậy.

    Em nghĩ rằng mặt trái hay mặt phải của đồng xu thì cũng chỉ nhìn thấy trong một cái tích tắc nhỏ tí xíu nào đó (giả sử có thể nhìn bằng mắt thường). Và nếu đi vào đúng tâm điểm của quả cầu do đồng xu đó tạo ra thì chắc chắn cái tâm điểm đó không quay, cũng không có trái phải và nó tĩnh lặng vì nó là cái tâm của một quả cầu tròn. Vậy thì trái hay phải ở đây đâu có còn quan trọng gì nữa.

    Em nghĩ rằng điều quan trọng là cái đồng xu ấy phải toả ra một tâm hồn sống, một tấm lòng rộng mở, một tình thương bao la.

    Em cám ơn anh Hoành và các anh chị đã chia sẻ, đặc biệt em cám ơn anh Long Nguyen đã nêu ví dụ về đồng xu quay, nó giúp em biết rằng sống là quay, đứng lại có nghĩa là chết. Và khi quay đồng xu thì mới tạo ra một tâm điểm không quay và cái tâm điểm ấy không có mặt phải hay mặt trái gì cả.

    Em Thắng.

    Like

  11. Tks Định đã góp ý.

    Anh viết các điều mà anh thấy mỗi bạn trẻ cần biết và nắm vũng. Các bạn cần hiểu chiều sâu tâm linh, qua nhiều truyền thống tâm linh khác nhau, để thấy được cái chung trong tất cả.

    Và các bạn nào có duyên với anh thì sẽ đọc thường xuyên.

    Like

  12. Chào cả nhà,

    Mình mới được một bạn nhác nhở:

    ” cơ thể mà chết đi thì cũng chẳng có tâm linh.?
    (Đạo Phật: thần thức con người sẽ còn lại) ”

    Và mình trả lời như sau:

    “Mình dùng từ “tâm linh” như là các hoạt động của “trái tim linh thiêng của con người”–cầu nguyện, Thiền, yêu người, đi chùa v.v…

    Và ý mình nói khi thể xác chết đi thi ta cũng chẳng thể có các hoạt động tâm linh đó.

    Còn thần thức hay linh hồn hay A lại da thức còn lại và làm gì sau khi chết… thì minh không nói tới, vì mình “chưa chết nên không biết”, Minh chỉ muốn tập trung sống “ở đây lúc này” thay vì bàn các chuyện mình không biết.”.

    Chia sẻ với cả nhà.

    Liked by 1 person

  13. Mình xưa nay cứ đi đến cửa “pháp” là dừng lại. Tu thiền cũng chỉ muốn đi đến quán tâm mà không (hay chưa?) có ý định đi tiếp sang quán pháp. Có lẽ vì mình vẫn còn định kiến với 1 vài khái niệm thô sơ mình “biết” về pháp với các từ như “giải thoát”, “thoát tục”… – mình luôn nói, “mình muốn ở lại, với người và với đời”. 🙂 Thế nên các comments của Hường và phản hồi của anh Hoành gần đây phần nào kích thích mình quan tâm đến pháp hơn, bên cạnh các tìm hiểu về thiền mà mình đã tiếp cận nhiều hơn. Háo hức chờ bài của Hường nha. 🙂

    Like

  14. Hi Quỳnh Linh,

    Mình cũng thấy háo hức nữa, chuyện này thật quá bất ngờ với mình. Mình đọc trong Kinh Kim Cang, cả nửa sau của kinh mình rút ra được mỗi một điều: Bồ tát không thể biết được thời điểm phát tâm của mình, không thể biết được quả vị của mình, vì Phật pháp vô ngã!! (khi nào mình sẽ viết về điều này cho Linh đọc)

    Thành ra là, nếu bạn đã sống tốt thì đó chính là mục đích của giáo pháp rồi, còn đọc Phật pháp là để rèn luyện tư duy thôi, và có chỗ dựa về tâm linh nữa, đặc biệt những lúc yếu lòng yếu đuối.

    Chúc Linh thấy Phật pháp thú vị giống như mình nha

    Thân mến
    Hường

    Like

  15. Hi anh Hoành,
    Bài viết của anh thật bất ngờ thú vị. Cám ơn anh đã nhắc chúng em luyện thân bên cạnh luyện tâm. Và xem cả hai như một. Em cũng đang tập sống ở đây lúc này.
    Thân mến,
    Em Thi

    Like

  16. Đức Phật, Chúa là những bậc tỉnh thức đáng kính và yêu thương, những Người đã để lại những biển chỉ dẫn về con đường tỉnh thức,( Xin đừng bóp méo những biển chỉ dẫn ấy bằng những lễ giáo, bằng ngôn từ, bằng niềm tin và ý chí)

    Like

Leave a comment