Trái tim Bồ tát

Chào các bạn,
lotus heart
Khác với các quy luật xã hội, các quy luật tâm linh thường là chỉ một chiều.

Khi ta nói khiêm tốn, thì đó có nghĩa là ta khiêm tốn với người khác. Ta không đòi người khác khiêm tốn với ta.

Ta yêu người, và không đòi hỏi người phải yêu ta.

Ta nhẫn nhục với người, và không đòi hỏi người nhẫn nhục với ta.

Ta cho người, và không đòi người cho ta.

Ta công bình với người, và không đòi người công bình với ta.

Ta hy sinh cho người, và không đòi người hy sinh cho ta.

Nhưng những người thiếu chiều sâu tâm linh, thường biến các quy luật tâm linh này thành những đòi hỏi đối với người khác:

Tôi là chủ, chú phải khiêm tốn với tôi.

Tôi cho chú món quà, chú phải cho lại tôi món quà.

Tôi công bình với anh và anh phải công bình với tôi.

Các đòi hỏi hệ cấp hoặc có qua có lại như thế, là đời sống bình thường của phàm phu, đôi khi là đầu mối của áp bức hay tranh chấp của con người. Chẳng có gì là sâu sắc cả.

Đời sống tâm linh là đời sống một chiều. Làm đẹp cho người khác mà không cần người khác làm đẹp cho mình.

Đời sống tâm linh là đời sống hòa bình, phục vụ, không đòi hỏi, và không tranh chấp.

Đời sống tâm linh là Trái tim Bồ tát.

Và mỗi người chúng ta đã có một Trái tim Bồ tát trong mình. Chỉ cần đánh thức trái tim Bồ Tát của mình dậy.

Chúc các bạn Trái tim Bồ tát.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

3 thoughts on “Trái tim Bồ tát”

  1. “Trái tim Bồ Tát là trái tim yêu thương tất cả mọi người 1 chiều và vô điều kiên” . Rất tuyệt vời anh ạ. 🙂 Em chân thành cảm ơn anh. Chúc anh và cả nhà mình luôn bình an. E Diep.

    Like

  2. Khi ta sống “hòa bình, phục vụ, không đòi hỏi và không tranh chấp”, ta đang biến trần gian nầy thành Thiên Đàng.

    Cho chính ta và cho mọi người.

    Like

  3. Dear Anh Hai

    “Đời sống tâm linh là đời sống một chiều. Làm đẹp cho người khác mà không cần người khác làm đẹp cho mình.”

    Vâng, càng sồng trong tương quan một chiều, càng thấy hình ảnh Thiên Chúa và con người càng trưởng thành hơn.

    Từ đó có khả năng đi ra khỏi chính mình, biết lượng định lại chính mình, không ích kỷ, không khép kín, không tranh chấp, không hận thù…

    Và biết sống hòa bình phục vụ không đòi hỏi và không tranh chấp…

    Em cảm ơn về những chia sẻ của anh Hai như một nhắc nhở để em có dịp nhìn lại chính mình.

    Em M Lành

    Like

Leave a comment