Vô chấp – đường bùn

Chào các bạn,
zen-monk-carrying-woman
Khái niệm trung tâm của Phật gia là vô chấp. Và dù chúng ta bàn luận và giải thích nhiều thế nào, thì số người hiểu được và thực hành đúng vô chấp luôn luôn rất ít.

Các bạn đọc lại câu truyện “Đường bùn” trong 101 Truyện Thiền nhé, để hiểu vô chấp nhé.

Tanzan và Ekido đi chung với nhau trên con đường bùn lầy. Mưa đang rơi nặng hạt.

Đến một khúc quanh, họ gặp một cô gái xinh xắn mặc Kimono và mang đai lưng, không vượt qua ngã tư được.

“Đi, cô em,” Tanzan nói ngay. Bế cô gái trên đôi tay, thiền sư mang cô qua vũng bùn.

Ekido chẳng hề nói một lời nào nữa, cho đến tối khi họ sắp đến chùa tạm nghỉ. Ekido không còn nhịn được. “Người tu hành chúng ta không kề cận phụ nữ,” Ekido nói với Tanzan, “nhất là các cô gái trẻ và đẹp. Nguy hiểm. Sao thầy làm vậy?”

“Thầy bỏ cô ấy xuống đằng đó rồi,” Tanzan nói. “Con còn bế cô ấy sao?”

Ekido còn là học trò, tâm lực còn yếu, nên còn phải chấp vào luật để luyện tập: Nam nữ thọ thọ bất thân.

Nhưng Tanzan đã là thầy, tâm lực đã vượt qua được vòng cương tỏa của sắc dục, nên chẳng cần phải chấp vào luật lệ nào cả–nếu phải bế cô gái qua đường thì bế cô gái qua đường, mà lòng không vướng bận gì.

Không dính cứng vào luật lệ, đó là vô chấp.

Lòng không dính vào đâu, đó là vô chấp.

Làm điều gì thấy nên làm, mà lòng thì chẳng vướng bận vào đâu cả. Đó là vô chấp.

Nhưng vô chấp không phải là lý luận như chúng ta đang nói. Vô chấp là thực hành.

Người có trái tim hoàn toàn trong sáng và tĩnh lặng thì thường vô chấp mà không hề cố gắng để vô chấp.

Chúc các bạn luôn vô chấp.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Vô chấp – đường bùn”

  1. Đọc chuyện thiền “Đường bùn”, mình nhớ đến một câu chuyện mà mình đã đọc rất lâu. Nay kể lại, có chỗ nào không phải, các bạn sửa cho:

    Có một người góa vợ và chưa có con, tên là Liểu Hạ Huệ. Ông ta sống một mình tại một ngôi nhà bên một con đường độc đạo xuyên qua một khu rừng rậm và vắng người.

    Vào một ngày mùa đông lạnh giá, trời mưa to gió lớn và có sấm sét. Một người phụ nữ đẹp, có việc cần, phải một mình trên đường băng rừng. Vì đi đường xa và bị mưa ướt, người phụ nữ gần kiệt sức, nhưng cũng cố đi đến hiên nhà của ông Liểu Hạ Huệ để núp mưa gió sấm sét. Liểu Hạ Huệ mở cửa mời người phụ nử vào trong nhà. Ông ta lấy áo quần của mình bảo người phụ nử thay tạm để vắt áo quần ướt cho khô. Sau khi thay đồ, người phụ nữ vẫn còn run cầm cập. Trong nhà chẳng có gì để giúp cho người phụ nử bớt lạnh, Liểu Hạ Huệ bèn ôm người phụ nử vào lòng để sưởi ấm cho nàng. Sau khi hồi phục sức khỏe và trời tạnh mưa lặng gió, người phụ nử cảm ơn Liểu Hạ Huệ và tiếp tục lên đường.

    Cảm phục trước việc làm của Liểu Hạ Huệ, người phụ nử nầy (chắc là chưa chồng) đã kể lại sự việc trên cho người thân trong gia đình. Câu chuyện được người trong nhà kể lại cho nhiều người. Từ đó, hầu hết mọi người trong vùng đều biết tiếng về đức độ của Liểu Hạ Huệ.

    Tại một khu rừng khác có một người đàn ông có vợ đi làm ăn xa dài ngày. Vợ chồng chưa có con và anh ta cũng ở nhà một mình. Nhà anh ta cũng có vị trí địa lý giống như nhà của Liểu hạ Huệ. Và sự viêc xảy ra lúc đầu cũng giồng như đã xảy ra ở nhà của Liểu Hạ Huệ. Chỉ khác là khi người phụ nử đẹp – đây là người phụ nử khác, nhưng người phụ nử nầy cũng đã biết câu chuyện về Liểu Hạ Huệ – vừa đến trước hiên nhà để núp mưa thì người đàn ông ấy liền đóng chặt cửa lại, nhất quyết không cho người phụ nử đẹp vào nhà, dù cho người phụ nử van xin vì sợ hãi mưa gió sấm sét. Sợ hãi và tức giận, người phụ nử nói to với người đàn ông: “Sao anh không làm như Liểu Hạ Huệ?, không có lòng nhân đức độ như Liểu Hạ Huệ?

    Người đàn ông ấy trả lời: “Tôi không phải là Liểu Hạ Huệ, tôi làm như Liểu Hạ Huệ là tôi “chết”, và cô cũng “chết”’.

    Like

  2. caí vô chấp trong câu chuyện của anh Ngô Xuân Thảo kể lại quả là cao cơ, biết “lực” mình thấp và không chấp theo cái đức của ông Liiễu Hạ Huệ.

    Like

  3. Chào các bạn!

    Mình nghĩ là, nếu chấp vào chữ nghĩa, mình sẽ dễ hiểu lầm vô chấp là vô kỹ luật, vô cảm, vô trách nhiệm. Theo mình, vô chấp là vô hại, vì đó là kỹ luật tự giác đến mức cao nhất, là tình trạng tự nhiên không cần đến kỹ luật nữa. Vô chấp là tự trong tâm, không phải ở hình tướng. Vô chấp là sự tự do nội tâm tuyệt đối, vô điều kiện.

    Vô chấp thì thảnh thơi. Và có vô chấp thì mới có tĩnh lặng – là sự vắng mặt tham sân si, vắng mặt các yếu tố gây phiền não khổ đau – nên thực hành vô chấp chính là tự giải thoát.

    Mình vô chấp những dòng trên đây. Các bạn thấy sai thì sửa nhé!

    Cảm ơn anh Hoành về những phút trà đàm đầy tính Đạo. Chúc các bạn một ngày chúa nhật vui vẻ và một tuần mới vô chấp!

    Like

  4. Chào bạn tranlehuy!

    Mình nghĩ ý nghĩa của câu chuyện Đường bùn là: Mình thấy việc gì đúng, thiện, thì làm, nhưng đừng nghĩ rằng người khác cũng phải làm như mình thì mới đúng. (như cậu học trò nghĩ về ông thầy của mình).

    Và ý nghĩa của câu chuyện Liểu Hạ Huệ là: Mình thấy việc gì đúng, thiện, thì làm, chứ đừng khiên cưỡng bắt chước ai (như anh chàng có vợ đi làm ăn xa không cố bắt chước làm theo Liểu Hạ Huệ)

    Thấy việc gì đúng, thiện, thì làm. Nhưng đừng nghĩ rằng người khác cũng phải làm như mình thì mới đúng, và đừng khiên cưỡng bắt chước ai. Có lẽ đó là vô chấp vậy.

    Like

  5. Cảm ơn anh Hoành và anh Thảo đã bình luận, giải thích rất rõ chữ “vô chấp” này. Em nghĩ giây phút nào mà mình thực hành và cảm nhận được sự vô chấp này trong tâm chắc hẳn đó là giây phút mình cảm nhận được Niết Bàn 🙂

    Like

Leave a comment