Thế nào là chi tiêu đúng mực?

Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta lại thảo luận về một vấn đề rất “sát sườn” trong cuộc sống hằng ngày: Như thế nào là chi tiêu đúng mực?

Trước hết hãy đồng ý với nhau là mỗi người có những hệ giá trị trong cuộc sống khác nhau. Ví dụ một bạn thích thời trang thì có thể bỏ ra 1 triệu đồng mua một cái áo, nhưng đối với một người không quan tâm tới thời trang mà thích đồ điện tử thì như vậy là quá nhiều. Tuy vậy bạn ấy lại sẵn sàng bỏ ra thêm 5  triệu để nâng cấp chiếc laptop lên đời mới.

Vậy định nghĩa như thế nào là tiết kiệm hay tiêu xài phung phí phụ thuộc vào hệ giá trị và thu nhập  của mỗi người. Trong trường hợp bạn yêu thích thời trang thì 500 nghìn là mức trung bình bạn ấy vẫn chi tiêu. Đối với những người làm kinh doanh, nhất là công việc hay phải giao tiếp thì việc chi tiêu nâng cấp tủ quần áo cũng là một phần của công việc không thể xem thường. Và tương tự như vậy đối với một kĩ sư công nghệ thông tin. Họ vẫn thường phải chi tiền triệu để nâng cấp thiết bị làm việc – chiếc cần câu cơm của họ.  Nhưng với một sinh viên đang sống nhờ trợ cấp của bố mẹ mỗi tháng 1 triệu mà tiêu 500 nghìn cho một chiếc áo mặc hàng ngày thì chắc chắn là bạn ấy đã hoang phí rồi.

Chi tiêu đúng mực là biết mình nên tiêu tiền vào cái gì và như thế nào.

Vấn đề đầu tiên là từ việc thay đổi cách nhìn và các ưu tiên trong cuộc sống, chúng ta sẽ biết nên tiêu vào cái gì.

Nếu nhìn một cách tổng quát về vấn đề chi tiêu thì chúng ta chia thành mấy nhóm sau:

1. Chi tiêu hàng ngày vào những vấn đề thiết yếu như ăn, ở, đi lại…
2. Chi tiêu hàng tháng như điện nước, giấy vở…
3. Chi tiêu cho các món đồ dùng lâu dài như máy tính, điện thoại. ..
4. Tiền tiết kiệm (saving)

Nếu bạn càng tiết kiệm được từ các nhóm 1, 2, 3 thì nhóm 4 sẽ càng nhiều lên.

Đối với một số người “biết cách tiêu tiền” nghĩa là phải biết hưởng thụ, làm được đến đâu thì gần như tiêu hết đến đó vì một lí do đơn giản là “Ai biết được ngày mai sống chết thế nào. Chơi tới bến đi” :). Còn đối với một số người khác thì phải luôn luôn tiết kiệm một cách triệt để, từ ăn mặc tới đi lại….miễn sao tiền tiết kiệm gửi ngân hàng cứ càng ngày càng nhiều lên là được.

Cả hai nhóm này đều cực đoan và đều có điểm chung là họ chỉ tiêu (hoặc không tiêu) cho bản thân họ, cho niềm vui riêng của họ mà thôi.

Còn nếu như mỗi chúng ta nghĩ rằng mình kiếm được từng ấy tiền, có được một cuộc sống đủ ăn đủ mặc như thế này là quá may mắn hạnh phúc rồi. Chúng ta cần phải chia sẻ với những người khó khăn hơn, cần phải đi làm từ thiện, đầu tư vào giáo dục nhiều hơn để sống có ích hơn. Thì hẳn là bạn sẽ thấy còn có nhiều khoản đáng chi tiêu hơn là quần áo thời trang hay máy tính đời mới…Nếu bạn lựa chọn một cuộc sống đơn giản, bình dị, không chạy theo vật chất thì bạn sẽ không còn cảm thấy mất tự tin khi đeo một chiếc đồng hồ sản xuất trong nước hay một chiếc điện thoại model cũ. Những cái đó không còn quá quan trọng trong cuộc sống của bạn. Chúng chỉ mang tính chức năng hơn là thời trang.

Vấn đề thứ hai là tiêu như thế nào?

Ví dụ nếu bạn yêu thích thời trang thì bạn phải biết chỗ nào mua quần áo vừa rẻ vừa đẹp. Là người chi tiêu thông minh bạn sẽ không dễ dàng bị “dụ dỗ” bởi các chiêu quảng cáo. Bạn biết cách ăn mặc đẹp mà chi tiêu ít nhất cho món đồ đó. Thông minh hơn nữa là bạn biết cách kết hợp các bộ quần áo thành nhiều kiểu khác nhau, thể hiện được phong cách riêng của bạn.

Nhưng nếu bạn xem lại tủ quần áo của mình mà thấy có nhiều bộ mới mặc có 1 lần và không bao giờ dám mặc lại lần thứ 2 thì tức là bạn đã phung phí tiền cho tủ quần áo của mình rồi đó.

Cũng như vậy với các khoản chi tiêu hàng ngày như ăn uống, đi lại…Người Việt mình có câu “Năng nhặt chặt bị”. Đừng xem thường những khoản tiết kiệm nhỏ. Mỗi ngày một chút là sau một tháng bạn sẽ ngạc nhiên là mình cắt giảm được nhiều khoản không cần thiết đến thế. Thay vì ăn uống nhà hàng vừa không đảm bảo chất lượng vừa tốn kém, bạn học cách tự thu xếp nấu ăn cho mình và gia đình. Thay vì lúc nào cũng đi taxi, bạn cố gắng đi bus nếu có thể. Vừa tiết kiệm vừa tránh để mình bị “đóng hộp” và hiểu hơn cuộc sống của những người dân lao động, học sinh sinh viên đi bus hàng ngày.

Nếu bạn đặt ra cho mình những mục tiêu nho nhỏ như: 1 năm đi du lịch ít nhất 1 lần, đóng góp cho một vài quỹ từ thiện 1/10 thu nhập của mình. Hay là dành tiền để mở doanh nghiệp trong tương lai. Vậy cần phải chi tiêu rất cẩn thận cho cả năm đó để có đủ tiền đi du lịch cũng như hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Nếu bạn chịu khó du lịch bụi thì với cùng một số tiền bạn có thể đi được 2 chuyến thay vì 1, hoặc để dành ra tặng thêm cho các tổ chức thiện nguyện.

Có một người bạn của mình có ý tưởng là bỏ lợn hàng tuần một khoản tiền để khi nào bạn ấy gặp người khó khăn thì luôn có một khoản riêng để ủng hộ.

Còn tỉ phủ Mỹ Warren Buffet nổi tiếng là người giàu thứ 2 thế giới sau Bill Gates nhưng cũng là một tấm gương tiết kiệm. Ông sống ở ngoại ô và đi những chiếc xe ô-tô bình thường như bao người Mỹ khác. Và như các bạn thấy là ông đã dành gần như toàn bộ tài sản của mình cho các quỹ từ thiện mà ông sáng lập.

Có rất nhiều người còn khó khăn hơn chúng ta và cần sự giúp đỡ tài chính. Một khoản tiền nhỏ mà ta tiết kiệm có thể làm thay đổi cuộc đời của những người nông dân nghèo.

Vậy hãy chi tiêu đúng mực bạn nhé.

Hoàng Khánh Hòa

8 thoughts on “Thế nào là chi tiêu đúng mực?”

  1. “Kiếm được tiền là khó – Tiêu tiền khó hơn nhiều – Muốn đánh giá ai đó – Hãy nhìn cách chi tiêu.” (Thái Bá Tân / Thơ châm ngôn)

    Like

  2. “Khi mê tiền chỉ là tiền – Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm” – Nguyễn Bảo Sinh.

    Mình vẫn nghĩ, tiền là một trong những thước đo chính xác nhất cho cái tâm con người.

    Like

  3. Người có thu nhập thấp thì chi tiêu cũng ít. Người có thu nhập cao thì họ buộc phải chi tiêu cao. Chi tiêu cao mà HKH nói ở đây là chi tiêu để duy trì mối quan hệ (đó có thể là coffee, đãi nhậu, đám cưới đám hỏi, sinh nhật, đầy tháng..). Vậy khoản chi tiêu này theo chị Hòa nó thuộc khoản nào?

    Like

  4. Ý của Hiep Khach Hanh có phải là mấy khoản “duy trì quan hệ” thì thuộc nhóm nào trong 4 nhóm trên phải không? Cách chia nhóm của mình là dựa trên tính thường xuyên, chia thành nhóm hàng ngày/hàng tháng/hàng năm. Nếu coffee mà gần như ngày nào cũng uống thì phải cho vào mục 1 là chia tiêu hàng ngày rồi, tương tự với mấy khoản cưới xin vv…Tất nhiên đây là những khoản “duy trì quan hệ” thì cũng có thể cho vào nhóm “đầu tư” tức là một phần của khoản tiết kiệm. Coi như một khoản đầu tư giống như đầu tư cho giáo dục, đầu tư đi du lịch để mở mang đầu óc, đầu tư mua đất đai vv….

    Vấn đề cơ bản ở đây là nếu chúng ta biết là chúng ta cần tiết kiệm thì chắc chắn là chúng ta sẽ biết cách để tiết kiệm. Còn không thì có rất nhiều lí do để tự an ủi là mình đã chi tiêu đúng 🙂

    Like

  5. Hi, em cũng nghĩ vậy. Chắc phải tự an ủi mình là đã chi tiêu đúng. Xem như đó là khoản chi tiêu “tái đầu tư”. Khoản này thì không thể né tránh được rồi 🙂

    Like

  6. mình thấy chị nói đúng. Khi vợ chồng mình kiếm được nhiều tiền ăn tiêu chẳng nghi đến ngày mai. đến khi gặp chuyện mới hiểu được nếu không có tiền tích lũy thì khi gặp khó khăn không biết lấy đâu ra tiền. lúc đó mới thấm thía. khi mình còn làm ra thì mình thấy kiếm đồng tiền dễ.nhưng đến khi không kiếm ra thì thật là khó. chính vì vậy phải chi tiêu hợp lý. Rất may mình còn trẻ còn có thời gian để làm lại từ đầu và sớm tìm ra phương án cho mình. mọi người hãy biết tiết kiệm nhé. sống hôm nay chưa biết ngày mai đâu các bạn ạ.

    Like

Leave a comment