Thực tập phát triển tâm linh

Chào các bạn,

Nhìn ảnh là biết sai Thái Cực Quyền–có vẻ quá căng, quá cứng, quá nhiều lực, không mềm mỏng và thoải mái chút nào.

Nếu các bạn tập Thái Cực Quyền, trong bài tâm pháp có câu “dụng ý bất dụng lực” (dùng ý không dùng sức). Nếu tập Thái Cực Quyền chậm, như các quý‎ vị tập dưỡng sinh mỗi sáng trong các công viên thì ta có thể thấy câu này rất dễ, vì các vị tập thể dục dưỡng sinh rất chậm rãi, đúng là dùng ý mà chẳng dùng chút sức lực nào. Nhưng nếu phải dùng Thái Cực Quyền để chiến đấu như một môn võ học, tức là các động tác phải nhanh hơn thể dục dưỡng sinh cả trăm lần, câu dùng “ý không dùng lực” rất khó, vì chiến đấu trên đường phố mà dùng ý không dùng lực thì sao được?

Nhưng nếu ta tập Thái Cực Quyền nhiều năm, cả động tác chậm lẫn động tác chiến đấu nhanh, cho đến lúc cơ thể tứ chi ta uyển chuyển và chuyển động rất nhanh bằng những đường vòng, không dùng sức chút nào, khi địch tấn công chỉ “hiệp khí” với địch—tức là nhập vào địch và chuyển động cùng hướng với địch—và đưa địch đi xa hơn ý địch muốn chỉ một chút, thế là địch ngã, mà ta thực sự đã không dùng lực tí nào (hay dùng rất ít lực) mà chỉ dùng ý, tức là ý ta muốn đưa địch đi đâu, bằng cách nào.

Nếu bạn đọc các điều này và có cảm tưởng là bạn hiểu Thái Cực Quyền,thì cái hiểu đó cũng rất mù mờ. Muốn hiểu được điều này thực sự ta cần tập Thái Cực Quyền như là một môn võ thuật chính tông, khoảng 10 năm—nếu ta có thầy tốt hoặc ta thông minh. Lúc đó ta mới thực sự hiểu được ta chỉ dùng ý mà không dùng lực.

Tương tự như thế với cụm từ “trong Chúa” (in Christ), có nghĩa “trong Chúa” và “Chúa ở trong ta”. Có lẽ là chẳng có gì cần nói thêm để giải thích các từ giản dị này. Nhưng muốn thực sự hiểu được nó, đòi hỏi ta có nhiều tĩnh tâm, cầu nguyện, và tập cách tư duy và hành động như là ta đang ở trong Chúa và Chúa đang ở trong ta. Cũng chừng 10 năm kiên trì để thực sự hiểu đến các tầng sâu của hai từ đó.

Hay là “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc” (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc), đòi ta phải học các tư duy đó khoảng 10 năm để có thể hiểu được nó.

Đọc kinh đọc sách rồi lập lại lời kinh sách, cũng có cái hay, nhưng có khả năng làm cho chúng ta có ảo tưởng là ta hiểu vấn đề trong khi chẳng hiểu gì cả. Và đại đa số người đọc kinh sách bị trở ngại này.

Các bạn đọc một câu kinh ngắn, rồi cố gắng sống nó, tiếp tục suy ngẫm nghĩa nó là gì? làm sao sống nó được? và hàng ngày cố gắng sống nó cách tốt nhất mà ta hiểu, cho đến một lúc nào đó ta sẽ hiểu được. Lúc đó ta có thể dùng ngôn ngữ giản dị của riêng ta để giải thích cho người khác khái niệm rất sâu sắc của kinh sách.

Làm sao sống kiểu “có mà là không, không mà là có”, “đúng mà là sai, sai mà là đúng”, “độ rất nhiều người, nhưng chẳng độ ai, vậy mới là độ rất nhiều”…? Làm sao sống và tư duy như Chúa đang sống và tư duy trong ta?

Đây là các kỹ năng sống sâu sắc, cần nhiều năm luyện tập, trong cách sống hàng ngày của mình với bạn bè, gia đình, ngoài đường, mọi sự, mọi vật…

Các điều này thực sự thì không khó để hiểu và làm, nếu ta kiên trì và thành tâm. Người có căn cơ có thể làm trong một chớp mắt. Người thiếu căn cơ có thể chẳng bao giờ làm được. Nhưng nếu bạn tĩnh lặng, tư duy và hành động với thiện tâm, chân thành và nhân ái, vẫn làm đủ thứ chuyện nhưng không “chấp” vào đâu, thì có lẽ bạn sẽ không cần đến cả 10 năm để hiểu.

Chúc các bạn một ngày luyện tập tốt.

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

3 thoughts on “Thực tập phát triển tâm linh”

  1. Hi Mạnh,

    Thường là nhà Phật hay dùng chữ ngộ thay chữ hiểu. Ngộ là hiểu rất sâu sắc, như kiều mình nói về hiểu trong bài này.

    Còn chữ “ngộ” cuối cùng của nhà Phật, hay nói là “giác ngộ” thì đó là cái hiều cuối cùng, rốt ráo nhất về bản chất sâu thẳm nhất của con người và vũ trụ: KHÔNG.

    Còn ngày nay, hình như mọi người dùng từ “ngộ” thay cho từ “hiều” cho mọi việc trong ngày, thì đó lại là một từ “ngộ” mới.

    Like

Leave a comment