Kiến thức cần can đảm

Chào các bạn,

Khi nói đến thu thập và phát triển kiến thức, chúng ta nói nhiều đến trãi nghiệm, đọc sách, suy tư, trao đổi, thảo luận… Chẳng bao giờ nghe ai nói đến cái thứ nghe ra chẳng ăn nhập gì đến kiến thức như là … can đảm cả. Cái gì? Can đảm? Can đảm mà ăn nhập gì đến kiến thức? Chẳng lẽ cao bồi đấu súng không sợ chết thì có kiến thức cùng mình hay sao?

Sự thực là, can đảm tự nó có thể không mang đến kiến thức mới cho ta, nhưng can đảm cho phép ta mở cánh cửa để nhìn vào kiến thức mới. Người không có can đảm luôn đóng kín cửa và chẳng muốn thấy gì bên kia cánh cửa.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết chuyện Galileo nói trái đất quay quanh mặt trời và bị giáo hội công giáo xử tội nhốt tại nhà (house arrest) trong suốt nhiều năm cuối cuộc đời. Hay chuyện triều đình nhà Nguyễn không nghe theo và đì Nguyễn Trường Tộ, nhất định bế quan tỏa cảng Việt Nam. Hoặc vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.

Ngày nay trong khung cảnh xã hội nhiều chia cách về tư tưởng chính trị, tôn giáo và văn hóa, chúng ta thấy rất thường xuyên nhiều bài viết lảm nhảm ngớ ngẩn trong đủ mọi luận điệu khác nhau– XHCN, chống Cộng, chống nhà nước, công giáo cực đoan, Phật giáo cực đoan, ủng hộ Mỹ và Do Thái, chống Mỹ và Do thái ủng hộ Palestine, chủ nghĩa văn hóa quốc gia cực đoan, chủ nghĩa dân tộc cực đoan ,…

Những người nhiều sợ hãi sẽ đóng khung mình trong một luận điệu chính trị xã hội văn hóa nhất định, và chỉ có thể suy tư, nói và viết trong luận điệu đó, dù đúng hay sai. Người can đảm, thấy ở đâu đúng thì nói đúng, sai thì nói sai, cho nên chẳng đóng khung đâu cả, ở khắp mọi nơi mà chẳng ở nơi nào, chẳng ở nơi nào nhưng ở khắp mọi nơi.

Sự thiếu dũng cảm làm cho người ta hèn đi và ngu đi. Chúng ta sẽ không có được kiến thức nếu chúng ta thiếu can đảm bước ra khỏi khung tư duy chính trị, tôn giáo, hay văn hóa hạn hẹp của mình.

Chúng ta cần dũng cảm bước ra khỏi ngục tù của tư tưởng—nói lên kiến thức cần nói, mà không sợ bị chụp mũ là phản động, việt gian, phản quốc, quốc doanh, chống Chúa, chống Phật… hay bất kỳ cái mác nào thiên hạ muốn gán cho bạn. Có như thế thì bạn mới thấy kiến thức thật, nói kiến thức thật, và viết kiến thức thật. Không lảm nhảm bậy bạ.

Những kiến thức mà khi nói thật bạn có thể gặp chống đối dữ dội thường là những kiến thức quan trọng, vì nếu không quan trọng thì đã chẳng ai thèm đụng chạm và làm phiền bạn. Cho nên các bạn, nếu bạn không dũng cảm, bạn sẽ không có kiến thức trong một số vấn đề rất quan trọng cho chính bạn và cho đất nước.

Ngày nay chúng ta có quá nhiều “trí thức” tự lừa dối mình và lừa dối thiên hạ trong các lời lảm nhảm chính trị tôn giáo văn hóa một chiều, đôi khi hoàn toàn nhảm nhí. Đất nước chúng ta cần có một lớp trí thức can đảm, vượt lên trên tất cả mọi khung chính trị tôn giáo văn hóa, xem đất nước và dân tộc trên tất cả, chẳng ở nơi nào nhưng ở tại mọi nơi trong tư duy tổ quốc. Đó là chất xám thật để đưa đất nước đi lên.

Chúc các bạn một ngày can đảm.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Kiến thức cần can đảm”

  1. Một bài viết hay không thể không có lời nhận xét can đảm tự đáy của lòng mình.
    – Đây chính là cái em cần.
    Cảm ơn anh. Bậc thầy trong lý luận, phân tích.

    Like

  2. Kiến thức cần can đảm. Như TRÍ cần DŨNG. Phật còn thêm 1 chữ nữa, đó là chữ BI (lòng cảm thông). Một người có đủ BI – TRÍ – DŨNG thì trên cả tuyệt vời!

    Like

  3. Cám ơn anh vì bài viết.
    Cách đây không lâu em cũng có nói chuyện với mấy bạn về tự do tư tưởng, tại sao lại phải trói đầu của mình trong một khuộn khổ có sẵn, tự ngăn cấm mình không được tìm hiểu về một chuyện gì đó nếu chuyện đó bị thành kiến xem là “phản động”.
    Nhân đây chia sẻ với mọi người một đoạn clip của love police, anh này đã rất dũng cảm “đi chọc giận” lực lượng bảo vệ tư nhân chuyên nghiệp để chỉ ra rằng họ chị là bảo vệ tư nhân, không phải là cảnh sát. Love Police dùng phương pháp media bắng nhắng nhưng có nhiều suy nghĩ rất đột phá và độc đáo. “To see the cage is to escape the cage.”

    Like

  4. Anh,

    Bài viết về sự can đảm và kiến thức, đáng lẽ nên xoáy sâu vào mối tương quan để từ đó tập trung vào đề tài phát triển cá nhân (personal development). Thế nhưng sao cuối cùng lại dính tới chuyện chính trị.

    Theo em, từ can đảm, kiên thức đến phát triển bản thân, còn xa lắm mới bàn tiếp tới chuyện phát triển đất nước, mặc dù nhiều cá nhân ưu tú sẽ dẫn đến một đất nước ưu tú.

    Tân

    Like

  5. Hi Tân, trong chuỗi bài tư duy tích cực của ĐCN, mà đa số là bài anh viết, bài này qua bài số 1134 lâu rồi.

    Và thực sự thì đại đa số các vấn đề cần can đảm, và người ta thiếu can đảm, là các vấn đề bị gắn cái mác chính trị. Em có biết là chạy trốn các vấn đề người ta gắn mác chính trị chính là thiếu can đảm, và nơi đó là nơi cần can đảm nhất không. Người trí thức cần quan tâm đến các vấn đề quanh mình, dù đó là trí thức đang học cấp III trung học. Chúng ta không có lý do chính đáng nào cả để chạy trốn các vấn đề “dính đến chính trị”.

    Người trí thức có nhiệm vụ nói đến các vấn đề quan trọng cho đất nước, và không có quyền bỏ qua vấn đề nào chỉ vi sợ cái mác của nó.

    Cách nói chuyện của các em làm anh rất thất vọng và quan tâm cho tương lai đất nước.

    Like

  6. Dear anh

    Con tim của ta luôn cho ta những câu trả lời đúng khi nó có đủ tĩnh lặng và yêu thương, và vì vậy ta nhìn sự thật cũng chính xác hơn. Nhưng làm thế nào để ta dám nói lên sự thật và đủ can đảm để nói thật khi mà trái tim của ta cho câu trả lời rất rõ, nhưng ta lại không giỏi lí luận với người? (Vì khi ta nói nghĩa là nói với nhiều người rồi)

    Like

  7. Hi Thuận,

    1. Chuẩn bị câu nói trước (viết ra chằng hạn). Đọc lại vài lần xem nó có thuyết phục không. Đừng nói mà không chuẩn bị.

    2. Thấy có can đàm nói thì nói, không thì thôi.

    Chẳng ai ép em phải nói điều gì cả khi em không cảm thấy thoải mái.

    Về kỹ năng trình bày ý tưởng, em đọc hai bài này của anh:

    Nói vài viết giản dị

    Suy tư và viết hai chiều

    Thuận khỏe nhé.

    Like

  8. @ Hồng Thuận: Can đảm để suy nghĩ, để tin vào suy nghĩ của mình cũng như để chấp nhận mình đã nghĩ sai là điều cốt lõi nhất. Còn nói thì còn tùy thuộc vào nói với ai, nói làm gì (để trao đổi hay để truyền đạt, hay để … áp đặt!!!:D), nói khi nào, nói như thế nào …. Nếu không tìm được cách nào nói có hiệu quả, hay thậm chí chắc chắn là mình nói kiểu gì thì “họ” cũng chẳng nghe, chẳng hiểu, … thì cố ép mình nói làm gì. Chỉ … mệt mình và… mất đoàn kết. 🙂

    Like

  9. Dear anh Hoành và chị Quỳnh Linh

    Em cám ơn lời khuyên của anh chị, em hiểu rồi ạ. Đúng là đường tu tập của em còn dài lắm 🙂

    Like

Leave a comment