Category Archives: Đường thi

Thục đạo hậu kỳ

蜀道後期

張說

客心爭日月
來往預期程
秋風不相待
先至洛陽城

Thục đạo hậu kỳ

Khách tâm tranh nhật nguyệt
Lai vãng dự kỳ trình
Thu phong bất tương đãi
Tiên chí Lạc Dương thành

Trương Thuyết

Dịch nghĩa

Đợi chờ nơi đất Thục

Lòng khách chờ đợi từng ngày tháng
Ði mong đúng hẹn ngày về
Gió thu không chờ đợi
Ðã thổi về tới thành Lạc Dương trước

Trương Thuyết

Dịch thơ

Đợi chờ nơi đất Thục

Tháng ngày ngong ngóng đợi
Ngày trở lại quê mình
Gió thu không chờ mãi
Về trước tới Lạc thành

Chú Thích

Tranh nhật nguyệt: nôn nóng đợi chờ
Ý: Gió ơi nôn nóng việc gì mà về quê trước, không đợi chờ ta?!

Nguyễn Hữu Vinh dịch

Tĩnh Dạ tư

靜夜思

李白

床前明月光
疑是地上霜
舉頭望明月
低頭思故鄉

Tĩnh Dạ tư

Sàng (1) tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Ðê đầu tư cố hương

Lý Bạch

Dịch nghĩa:

Nỗi lòng đêm trăng

Trước sân (1) ánh trăng vằng vặc
Như đất trời lộng toả hơi sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê hương

Dịch thơ:

Nỗi lòng đêm trăng

Trước sân treo ánh trăng vàng
Mênh mang bàng bạc ngỡ làn sương sa
Ngẩng lên ngóng ánh trăng xa
Cúi đầu thầm lặng thương nhà nhớ quê

Nguyễn Hữu Vinh dịch

Chú Thích

(1) Sàng: Theo Lương Bạch Tuyền, giám đốc viện bảo tàng Nam Kinh thì “sàng” chỉ vật chắn che trên mặt giếng nước trong sân nhà, chứ không phải là giường ngủ trong nhà.

Đề Kim Lăng độ – Trương Hỗ

題金陵渡
張祜

金陵津渡小山樓
一宿行人自可愁
潮落夜江斜月裡
兩三星火是瓜州

Ðề Kim Lăng độ

Kim Lăng tân độ tiểu sơn lâu
Nhất túc hành nhân tự khả sầu
Triều lạc dạ giang tà nguyệt lý
Lưỡng tam tinh hỏa thị Qua Châu

Trương Hỗ

Dịch nghĩa

Ðề thơ bên bến Kim Lăng

Ngồi trong gác nhỏ bên bến đò giữa cảnh núi sông
Khách trọ cảm thấy âu sầu
Dưới cảnh trăng tà đêm khuya nghe tiếng sóng thuỷ triều dào dạt
Ngẩn nhìn lên xa xa, nơi lốm đốm sao mờ kia là Qua Châu

Dịch thơ:

Ðề thơ bên bến Kim Lăng

Kim Lăng quán nhỏ bến giang đầu
Ðêm trọ khách xa chớm mối sầu
Ngóng nước triều dâng trăng chếch bóng
Sao mờ lấm tấm ấy Qua Châu

Chú Thích

Kim Lăng: Tên đất
Qua châu: Tên đất

Trên bước đường lưu lạc, đêm ngủ trọ bên bến đò Kim Lăng, ngồi giữa cảnh đất trời buồn tẻ này, một nỗi buồn xa quê từ từ, nhẹ nhẹ dấy lên trong lòng. Trong tiếng rì rào của nước thủy triều và trong bóng mờ của bóng trăng tàn giữa đêm khuya khoắt, bên lưng trời xa kia, A…nơi lấm tấm đốm sao trời … đó là Qua châu, quê ta!

Nguyễn Hữu Vinh dịch và bình

Hàn Sĩ Mãi Gia


Tự thán niên lai khắc cốt bần
Ngô gia kim dĩ thuộc đông lân
Ân cần kí ngữ viên trung liễu
Tha nhật tương phùng thị lộ nhân.

(Lí Bạch)

Dịch thơ thất ngôn:

THẦY NGHÈO BÁN NHÀ

Năm sao khốn khó thế trời ơi!
Nhà của ta nay đã của người
Thủ thỉ đôi lời cùng khóm liễu
Mai này gặp lại khách đường thôi.

Dịch thơ lục bát:

THẦY NGHÈO BÁN NHÀ

Năm sao khốn khó đủ bề
Nhà ta nay đã thuộc về xóm đông
Gởi lòng khóm liễu cảm thông
Mai này có gặp như trông khách đường

Đinh Đức Dược

Tạp Thi – Vương Duy

Thưa các anh chị và các bạn.

Ngọc Hoa đã giới thiệu Nguyễn Hữu Vinh qua bài viết “Nguyễn Hữu Vinh- Kẻ lưu đày trên đảo xanh” post ở dotchuoinon ngày 10-12-2009. Hôm nay Ngọc Hoa gởi đến các anh chị một bài Thơ Đường trong “50 bài thơ Đường chọn lọc” do Nguyễn Hữu Vinh dịch. Sẽ đăng các bài khác từ từ.

Chúc các anh chị và các bạn một ngày tươi sáng.

Ngọc Hoa


雜 詩

    王 維

君自故鄉來
應知故鄉事
來日綺窗前
寒梅著花未

Tạp thi

Quân tự cố hương lai
Ưng tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị

Vương Duy

Dịch nghĩa

Anh từ quê xưa của mình tới đây
Dĩ nhiên biết rõ chuyện ở quê nhà
(Không biết) ngày anh rời quê cất bước ra đi
Cây hoa mai trước nhà bên song cửa đã nở hoa chưa nhỉ ?

Dịch thơ

Bác từ quê mình tới
Hẳn rõ chuyện quê xưa
Ngày đi bên song cửa
Mai vàng đã nở chưa ?

Chú thích : Hàn mai: Mai gầy chưa nở hoa trong mùa đông lạnh

Nhẹ nhàng, từ từ, không ồn ào, không sáo ngữ nhưng để lộ nỗi nhớ quê tha thiết. Nhớ nhưng không nói là nhớ. Không nói là nhớ mà chỉ quan tâm tới một vài điều đơn giản và tầm thường ở quê nhà, đủ để nói lên một nỗi nhớ quê thiết tha, dào dạt

(Nguyễn Hữu Vinh dịch và bình)

Quá tửu gia – Vương Tích

Các bạn thân mến!

Các bạn của Đọt Chuối Non vốn đã quen biết anh Đinh Đức Dược với giọng lục bát trẻ quá đôi mươi. Anh cũng là người tinh thông Hán tự và thường lặn lội đi về với thơ văn cổ.
Hiện anh đã có một tập dich Thiên gia thi khá đầy đặn. Quí cái công phu và cái sở học của anh nên Tấn Ái xin lần lượt giới thiệu với bạn đọc, và chờ góp ý của người đọc tri âm để tập dịch thêm phần hoàn thiện.

QUÁ TỬU GIA
Vương Tích

Thử nhựt trường hôn ẩm
Phi quan dưỡng tánh linh
Nhãn khan nhân tận túy
Hà nhẫn độc vi tinh

Dich thơ:

QUA QUÁN RƯỢU

Thôi thì cứ uống cho say
Đã đành dưỡng tính cũng hay ở đời
Thế nhân say hết cả rồi
Lẽ nào ta vẫn đơn côi tỉnh hoài.

Đinh Đức Dược

Đường thi

Văn học thời Đường được coi là đỉnh cao của nền văn học Trung Quốc. Đặc biệt thơ ca cổ điển trong giai đoạn này phát triển đến mức tột đỉnh, và được coi là thời đại hoàng kim của thơ ca Trung Quốc. Trong lịch sử hơn 300 năm của nhà Đường, đã có hơn 48900 tác phẩm thơ ca được viết và lưu truyền đến tận ngày nay. Một lượng lớn các tác phẩm đó cũng đã làm hơn 2300 thi nhân được ghi danh trong sử sách. Ý tưởng được gửi gắm vào trong thơ của Đường thơ chủ yếu là kết hợp chủ nghĩa thực tiễn và chủ nghĩa lãng mạn, về hình thức có các dạng:

Thơ Lý Bạch trên quạt
Thơ Lý Bạch trên quạt

– Thất ngôn bát cú (tức bài thơ có tám câu, mỗi câu bảy chữ).

– Thất ngôn tứ tuyệt (tức bài thơ có bốn câu, mỗi câu bảy chữ, thực chất là một bài “thất ngôn bát cú” đem bỏ đi bốn câu đầu hoặc bốn câu cuối tạo thành),

– Ngũ ngôn tứ tuyệt (tức bài thơ có bốn câu, mỗi câu năm chữ, được biến thể từ bài thất ngôn tứ tuyệt: bỏ đi hai chữ đầu ở mỗi câu),

– Ngũ ngôn bát cú (tức bài thơ có tám câu, mỗi câu năm chữ, được biến thể từ bài thất ngôn bát cú: bỏ hai chữ đầu ở mỗi câu mà thành).

Trong đó thất ngôn bát cú được coi là dạng thơ chuẩn, và các dạng còn lại được coi là thơ biến thể.

Các thi nhân nổi tiếng vào thời Đường chủ yếu là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Lý Hạ, Đỗ Mục…. Do chịu ảnh hưởng của các luồng tư tưởng khác nhau (Nho giáo, Đạo giáo, hay Phật giáo), do đó phong cách Làm thơ của các nhà thơ đời Đường cũng rất khác nhau. Thơ của Lý Bạch thì mang phong cách phóng túng, còn Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị thì lại theo khuynh hướng hiện thực kết hợp với trữ tình nhiều hơn.

Thơ Đường súc tích, đa dạng, phong phú, không chỉ nói lên được tâm tình, khát vọng của bản thân mà còn vẽ lên được những thực hiện đời sống lúc bấy giờ.

Lý Bạch
Lý Bạch

Lý Bạch

Theo sử sách ghi lại thì Lý Bạch là hậu duệ của tướng quân Lý Quảng (thời nhà Hán), sinh năm 701 tại Lũng Tây trong một gia đình khá giả, ngay từ nhỏ ông đã cùng cha của mình đi ngao du khắp nơi, được chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân nghèo, vì thế trong ông hình thành tư tưởng không thích trốn quan trường và đến năm 16 tuổi ông đã chọn cuộc sống ẩn trên núi Đái Thiên.

Được 2 năm ông lại xuống núi và bắt đầu cuộc hành trình viễn du của mình dòng giã suốt 3 năm trời, khi đến Vân Mông ông đã cưới cháu gái của Hứa tướng, và cũng từ đó tiếng tăm thơ ca của ông đã vang rộng khắp nơi.

Đến năm 745 ông được người bạn thơ tiến cử vào cung để làm thơ hầu vua, nhưng được một thời gian do cách sống say xỉn, phóng túng ham chơi của mình ông đã bị mọi người trong triều ghét bỏ và thường nói xấu sau lưng, thấy vậy ông đã tự nguyện rời cung và tiếp tục cuộc sống ngao du đây đó khắp nơi.

Khoảng chừng 10 năm, sau đó ông lại về núi Lư ở ẩn. Được một thời gian ông lại về phủ của Vương Lân sống, do Vương Lân làm phản nên Lý Bạch cũng bị liên lụy và bị băt theo, ông đã bị đi đày khắp các vùng Động Đình, Tam Giác…sau đó được tha và đến năm 762 do tuổi già, sức yếu ông đã qua đời tại Đang Đồ.

Lý Bạch được người đời đặt danh là “诗仙” tức “Thi Tiên”. Ông là một người phóng khoáng, sôi nổi, nhiệt tình, tài hoa nhưng lại có phần gàn dở. Thơ ca của ông khí phách hào hùng nhưng lại rất phóng khoáng, ông thích dùng những từ ngữ sôi nổi để ca tụng phong cảnh núi non hùng vĩ của tổ quốc. Hiện các tác phẩm thơ ca của ông còn được lưu giữ khoảng hơn 990 bài, trong đó bài (Sắp mời rượu), (Hành lộ nan), (Tĩnh dạ tứ)…là những bài thơ tiêu biểu của ông và được mọi người truyền tụng.

Mời các bạn thưởng thức bài Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch:

    Tĩnh dạ tứ

    Đầu giường rọi ánh trăng soi,
    Làm ta cứ ngỡ như là màn sương.
    Ngẩng đầu trăng sáng như gương,
    Cúi đầu sao nhớ quê hương ngàn trùng.
    .

      (Bản dịch của Nguyễn Dương)

Đỗ Phủ
Đỗ Phủ

Đỗ Phủ

Cùng với Lý Bạch và Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ cũng là một trong những nhà thơ vĩ đại của Trung Quốc vào thời Đường. Ông được người đời mệnh danh là “诗圣” tức “Thư thánh”. Ông sinh năm 712 mất năm 770, xuất thân trong một gia đình quý tộc nhưng đã sa sút. Là một người ham học, có trí làm quan nên ông đã nhiều lần tới kinh đô để dự thi, nhưng đều không đỗ. Đến năm 755 Loạn An Lộc Sơn xảy ra khiến cho cuộc sống của ông phiêu bạt khắp nơi.

Ông đã tận mắt chứng kiến cảnh chết chóc, nạn đói và những ngược đãi bất công của xã hội, do đó trong thơ của ông luôn thể hiện những đồng cảm về cuộc sống thống khổ của người dân và phản ánh những hiên thực bất công của xã hội lúc bấy giờ. Thơ của ông vào thời đó không được đánh giá cao lắm nhưng đến thế kỷ thứ 9 thì thơ của ông dần dần được chú ý và đến thế kỷ thứ 11 thì lên tới mức cực điểm. Hiện các tác phẩm của ông còn được lưu giữ khoảng hơn 1400 bài, trong đó tiêu biểu là các bài (Binh xa hành), (Xuân vọng), (Tam biệt), (Tam lại)…

Mời các bạn thưởng thức bài Xuân vọng của Đỗ PHủ:

Đổ Phủ

    Xuân Vọng

    Nước tàn sông núi còn đây;
    Thanh xuân cây cỏ mọc đầy khắp nơi.
    Cảm thời hoa cũng lệ rơi;
    Chim kia cũng sợ hận người lìa tan.
    Lửa phong ba tháng lan tràn;
    Thư nhà đưa đến muôn vàng chắt chiu
    Xoa đầu tóc bạc ngắn nhiều,
    So le lởm chởm khó điều cài trâm.
    .

      (Bản dịch của Trần Trọng San)

Chúc các bạn một ngày mới vui vẻ nhé.

Kiều Tố Uyên
DHS, Hồ Nam, Trung Quốc