Phát triển lòng từ

Chào các bạn,

Đời sống rối rắm làm cho chúng ta, khi còn bé thì đầy yêu thương, khi lớn lên thì thành chai đá, nhiều dữ dằn, nhiều ganh ghét, nhiều thù hận.

Đương nhiên đó là tiến trình đi lui chẳng thể gọi là trưởng thành được.

Mọi chúng ta, do đó, cần phát triển lòng từ của mình – từ trong từ bi hỉ xả là lòng thương người.

Luận sư Buddhaghosa (Phật Âm) trong cuốn The Path of Purification (Con đường Thanh Tịnh) chỉ cho chúng ta cách phát triển từ bi hỉ xả.

Mình có viết eBook Từ Bi Hỉ Xả trên trang eBooks ĐCN. Mình trích đoạn về lòng từ ra đây cho các bạn. Có lẽ hơi dài so với chuẩn trà đàm của mình. Nhưng lâu lâu ôn lại một đoạn trong Con đường Thanh tịnh cũng là điều tốt.

Đọc đoạn này, các bạn sẽ thấy muốn yêu người thì phải xóa bỏ sân hận, và đó là một thực tập khó khăn và kiên trì. Sân hận là trái núi vĩ đại chắn ngang đường tình yêu. Phải san bằng trái núi đó thì đường tình mới có lối.

Lòng từ

Về lòng từ, Buddhaghosa chỉ cho chúng ta cách thực tập lòng từ từng bước một, bằng cách chia mọi người thành bốn nhóm: Chính ta, người ta rất yêu mến, người ta không thương không ghét, người ta ghét hay thù.

Trước hết ta “khởi lòng từ” bằng cách hướng lòng từ về chính mình—tôi mong hạnh phúc và không đau khổ; tôi mong không có thù hận, đau đớn, lo lắng và sống hạnh phúc.

Sau đó ta “hướng lòng từ” bằng cách nhớ lại những gì làm ta tăng thêm thương mến (như các món quà hay lời nói dịu dàng), những gì làm ta tăng kính trọng (như đạo đức hay trí tuệ), mà ta đã thấy trong một người nào đó, ví dụ như một vị thầy giáo của ta. Rồi ta hướng lòng từ của ta về người đó: “Tôi mong thầy được hạnh phúc và không đau khổ.” Cứ định tâm như vậy cho đến khi ta cảm thấy đầy ắp lòng từ trong tâm ta.

Sau đó ta từ từ “phá bỏ rào cản” giữa các nhóm người. Ta hướng lòng từ về một người bạn rất thân, cho đến khi thấy đầy ắp lòng từ. Xong rồi ta lại hướng lòng từ về một người không thương không ghét, cứ như là bạn thân của mình, cho đến khi thấy đầy ắp lòng từ. Xong rồi ta lại hướng lòng từ về một người ta thù, cứ như người ta không thương không ghét, cho đến khi thấy đầy ắp lòng từ.

Dập tắt sân hận

Nhưng lòng từ chỉ phát triển khi lòng ta không có sân hận. Nếu ta thấy khó có lòng từ với một người mà ta đang có nhiều sân hận, thì chúng ta phải làm cho sân hận đó dập tắt trước. Luận sư Buddhaghosa khuyến cáo những phương cách theo thứ tự sau đây:

1. Trước hết là ta khởi lòng từ cho chính ta, rồi hướng lòng từ của ta về những người ta gần gũi và yêu mến nhất, như là một người bạn thân, một người trong gia đình, một người thầy khả kính. Khi lòng từ đã đầy trong ta, ta hãy hướng lòng từ đó đến người ta không thương không ghét, rồi sau đó mới hướng lòng từ về người ta có sân hận, theo cách đã nói trên.

2. Nhưng khi bị sân hận cản trở, thì hãy nhớ lời Phật dạy: “Tỳ kheo, nếu có kẻ cướp dùng cái cưa cưa tay cưa chân ngươi, ai mà mang thù hận trong lòng vì điều đó, người đó không mang giáo pháp của ta.” Và, “Lấy sân hận trả sân hận thì còn tệ hơn là nổi sân hận trước. Đừng dùng sân hận trả sân hận. Hãy thắng cuộc chiến khó thắng.”

Đức Phật nói có 7 điều làm cho kẻ thù của ta rất thỏa mãn và lợi lộc. Kẻ thù ta muốn ta (1) xấu xí, (2) đau khổ, (3) thiếu may mắn, (4) nghèo khổ, (5) không danh tiếng, (6) không bạn bè, (7) không đến được cõi trời hạnh phúc sau khi chết. Khi mà ta sân hận thì kẻ thù của ta sẽ được cả 7 điều ước này.

3. Nếu vẫn còn thấy sân hận, thì hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp trong tác phong của người mình đang giận. Người này có thể có vài tác phong đáng ghét, nhưng cũng có vài tác phong cao đẹp. Hãy nghĩ đến những tác phong cao đẹp của họ.

4. Nếu vẫn còn thấy giận, thì hãy nhớ (1) nếu kẻ thù ngươi đã dùng quyền năng của hắn để làm cho ngươi giận, tại sao bây giờ ngươi lại cố hành cái đầu của mình, trong khi hắn không còn quyền năng đó nữa. (2) Ngay cả gia đình thân yêu, ngươi cũng rời bỏ để xuất gia, tại sao không rời bỏ cái giận đang làm hại ngươi? (3) Người ta làm bậy, cho nên ngươi giận, tại sao vậy? Chẳng lẽ ngươi cũng muốn bắt chước làm bậy hay sao? (4) Có người làm bậy để chọc giận ngươi, chẳng lẽ ngươi muốn nổi giận đúng ý họ muốn hay sao? (5) Ngươi nổi giận thì không chắc là ngươi có làm cho kẻ thù đau đớn được không, nhưng chắc chắn là ngươi bị đau đớn vì cơn giận đó. (6) Kẻ thù của ngươi bị cơn giận làm mù quáng, chẳng lẽ ngươi cũng muốn mù theo hay sao? (7) Nếu vì ngươi giận dữ mà kẻ thù ngươi làm ngươi đau đớn, thì hãy bỏ cơn giận đi. Tại sao ngươi phải đau khổ không lý do? (8) Những cơn phẫn nộ thường chỉ kéo dài trong giây phút, những ngông cuồng gây ra những hành động tai ác đã qua hết rồi, vậy thì ngươi giận cái gì đây? (9) Khi ta muốn gây khổ đau cho một người vắng mặt, thì ta làm ai đau? Ngươi đang có mặt và ngươi làm ngươi đau, tại sao ngươi nổi giận với người vắng mặt đó?

5. Nếu buồn giận vẫn chưa hết, thì hãy nhớ rằng mỗi người là sở hữu chủ của hành động của mình. Việc gì tôi phải nổi giận với anh ta? Anh ta làm bậy thì anh ta sẽ nặng nghiệp tội. Tại sao tôi phải nổi giận, để rồi tôi phải mang nghiệp tội?

6. Nếu buồn giận vẫn chưa hết, thì hãy nhớ đến khi Đức Bổn Sư là Bồ tát trong vô lượng kiếp thực hành lục độ, ngài đã không cho phép oán ghét làm ô nhiễm tâm ngài, kể cả những khi ngài bị người ta giết hại.

• Khi một vị vua thù địch xâm lăng nước của ngài vì bị một vị tướng của ông ta xúi giục (do nghĩ rằng vợ vua không ưa mình), ngài không cho phép các bạn của ngài chống trả. Cho đến khi ngài và một ngàn quân bị chôn sống đã ngập đến cổ, ngài cũng không oán hận. Nhờ đàn chó sói xới đất cứu. Sau đó ngài vẫn xem vị vua hiểu lầm kia như là bạn của mình.

• Khi bị vua Kasi dốt nát hỏi: “Ông thầy tu, ông dạy gì?” Ngài trả lời: “Tôi dạy nhẫn nhục.” Vua bèn sai lính đánh đập ngài với roi gai và cắt đứt tay chân của ngài, ngài vẫn không hề oán hận.

• Không phải chỉ là người lớn, mà khi còn là chú bé con tên Dhammapala, tay chân ngài bị ba của mình là vua Mahapatapa gọt như là búp măng, mẹ ngài đau đớn vô cùng, nhưng vua cha chưa hả giận còn ra lệnh cắt đầu ngài. Dù như vậy, lúc đó ngài vẫn không oán hận và còn tự nhủ: “Bây giờ chính là lúc phải định tâm. Dhammapala, hãy xử với cả 4 người bình đẳng như nhau: cha mình đang ra lệnh cắt đầu mình, người lính đang cắt đầu mình, mẹ mình đang đau khổ, và chính mình.”

• Không những chỉ là người, mà khi đang làm loài thú ngài cũng như vậy. Khi ngài là chú voi tên Chaddanta, ngài bị một mũi tên bắn xuyên rốn, ngài không oán hận người bắn. Và khi nghe người thợ săn cho biết ông ta vâng lời hoàng hậu đi săn ngà, ngài đã tự cắt ngà của mình cho người thợ săn.

• Khi ngài là Khỉ Chúa, ngài cứu một người kẹt trong hốc đá, nhưng người này lại nghĩ: “Con khỉ này là thực phẩm rất tốt cho con người. Vậy thì sao ta không giết nó. Thịt nó sẽ giúp ta qua được quãng đường hoang vu mênh mông.” Người đó bền lấy hòn đá đập đầu Khỉ. Nhưng Khỉ nhìn người ấy với đôi mắt đẫm lệ và nói: “Ông ơi, đừng nên làm thế, vì nghiệp báo ông phải trả sẽ rất lớn, đến nỗi không ai dám làm điều như ông làm hôm nay.” Sau đó,bất kể đau đớn, Khỉ hướng dẫn người đó đi đến nơi an toàn.

• Khi ngài là Rắn Chúa Buridatta, đang nằm trên một ụ kiến, ngài bị một đạo sĩ bà la môn rắc thuốc và phun lửa, rồi bắt ngài, đem đi làm trò giải trí khắp nơi, nhưng ngài không hề oán hận.

• Khi ngài là Rắn Chúa Campeyya, ngài bị người bắt rắn bắt và hành hạ đủ điều, nhưng ngài không hề oán hận.

• Khi ngài là Rắn Chúa Sankhapala, ngài bị 16 đứa bé trong làng bắt, dùng giáo đâm 8 chỗ, đút dây gai vào 8 vết thương, xỏ dây vào mũi ngài và kéo ngài lê lết, vô cùng đau đớn, ngài cũng không một lòng oán hận các cậu bé.

7. Nếu đã nhớ đến gương lành của Đức Bổn Sư mà vẫn còn sân hận vì ta đã là nô lệ cho ô nhiễm quá lâu rồi, thì ta hãy nhớ đến các đoạn kinh về vô lượng luân hồi, như “Này các tỳ kheo, rất khó để gặp một chúng sinh mà trong tiền kiếp không phải là cha, mẹ, anh, em, con trai, con gái… của mình.” Vậy thì ta hãy hướng lòng về người ta đang hờn giận và nghĩ rằng người này trong quá khứ là mẹ của ta, mang nặng đẻ đau, ôm ấp chìu chuộng nuôi nấng ta. Người này trong quá khứ là cha của ta đã làm việc cực nhọc cả đời để nuôi ta. Người này là anh, em, con trai ta, con gái ta… trong quá khứ, đã giúp ta rất nhiều điều như…

8. Nhưng sau đó nếu vẫn còn buồn giận thì hãy nghĩ đến những lợi lộc mà lòng từ mang lại. Đức Phật đã dạy là khi ta thành tâm thực tập lòng từ như là nền tảng của đời sống, ta sẽ được mười một điều lợi lộc: (1) Thoải mái khi ngủ, (2) thoải mái khi thức, (3) không có ác mộng, (4) được mọi người thương mến, (5) được loài vật thương mến, (6) thánh thần phò hộ, (7) lửa, thuốc độc và vũ khí không làm hại, (8) tập trung tư tưởng dễ dàng, (9) mặt nhìn lúc nào cũng thanh tịnh, (10) khi chết không hoảng loạn, và (11) nếu không được tái sinh vào các cõi cao hơn, thì ít ra cũng được tái sinh vào cõi trời Phạm thiên.

9. Nhưng nếu làm vậy mà vẫn còn hờn giận, thì hãy nghĩ đến những thành tố làm nên một con người. Khi tôi giận anh chàng này thì tôi giận cái gì vậy? Tóc anh ta? Hay thân anh ta? Hay móng tay? Hay là nước? Lửa? Đất? Gió? Hay là tôi giận Sắc? Thọ? Tưởng? Hành? Thức? Hay tôi giận mắt của anh ta? Hay là giận tai? Mũi? Lưỡi? Thân? Ý? Hay tôi giận sắc của anh ta? Thanh? Hương? Vị? Xúc? Pháp? Hay tôi giận nhãn thức của anh ta? Ý thức của anh ta? Hay nhãn giới của anh ta? Sắc giới? Nhãn thức giới? Hay là ý giới? Pháp giới? Ý thức giới? Khi ta đi vào các thành tố tạo nên con người như thế này, cơn giận của ta không còn đất đứng, cứ như là vẽ tranh trên không.

10. Nhưng nếu đến lúc này mà vẫn không hết giận, thì hãy dùng quà tặng, hoặc là ta tặng quà cho người ta đang giận, hoặc là nhận quà tặng của người ấy.

11. Khi cơn giận đã bắt đầu nguôi, ta phải hướng lòng từ về người này, cứ như là chính ta, người thân, người không thương không ghét. Và ta phải lập đi lập lại thực tập lòng từ, phá bỏ rào cản, cho đến lúc trong tâm ta bốn nhóm người đều bình đẳng như nhau: ta, người thân của ta, người không thương không ghét, người có thù hận.

Chúc các bạn có nhiều tình yêu cho tất cả mọi người.

Mến,

Hoành

Leave a comment