Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá – 6 kỳ

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá – Kỳ 1: Những liệt sĩ đầu tiên của BĐBP

TNMai Thanh Hải – 23/07/2022 09:38 GMT+7

Trên tuyến biên giới phía Bắc, tỉnh Hà Giang không chỉ xa xôi, cách trở, khó khăn, thiếu thốn mà còn khốc liệt trong việc bảo vệ chủ quyền. Rất nhiều máu xương đã đổ xuống cao nguyên đá. Riêng lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) Hà Giang, từ năm 1979 đến nay, đã có gần 300 liệt sĩ, thương binh.

“Ngày 3.3.1959, Công an nhân dân vũ trang (CAVT, nay là Bộ đội biên phòng – BĐBP) được thành lập và chỉ vài tháng sau, 3 chiến sĩ CAVT đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở H.Đồng Văn (Hà Giang) và là những liệt sĩ đầu tiên của lực lượng BĐBP”, thượng tá, cựu chiến binh, thương binh Hoàng Văn Tựt (82 tuổi) kể.

Cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) tuần tra địa bàn băng giá khắc nghiệt mùa đông – ĐỘC LẬP

Hồ Chí Minh chụp hình với cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), trong dịp Người lên thăm quân và dân tỉnh Hà Giang, ngày 28.3.1961 – TƯ LIỆU

Hy sinh khi đang tiễu phỉ

Thượng tá Hoàng Văn Tựt là nhân chứng sống quý nhất của BĐBP Hà Giang hiện nay. Ông Tựt sinh năm 1940 tại H.Quang Bình (Hà Giang), nhập ngũ vào CAVT (nay là BĐBP) ngay khi lực lượng thành lập (1959) và là học viên 1 của trường sĩ quan CANDVT (nay là Học viện Biên phòng). Gần 40 năm công tác ở BĐBP Hà Giang nên cựu chiến binh Hoàng Văn Tựt (82 tuổi, hiện đang sống tại xã Xuân Giang, H.Quang Bình) rất rành mạch.

Tháng 11.1959, tiễu phỉ chiếm giữ cổng trời Cán Tỷ (nay thuộc xã Cán Tỷ, H.Quản Bạ, Hà Giang), khống chế đường giao thông huyết mạch từ TX.Hà Giang (nay là TP.Hà Giang) lên vùng cao phía bắc và gây bạo loạn ở 15/22 xã của H.Đồng Văn và sau đó lan ra các huyện Mèo Vạc, Quản Bạ…

Thanh Niên thăm, tặng quà cựu chiến binh – thượng tá Hoàng Văn Tựt (người ngồi bên trái) tại quê nhà ông đang nghỉ hưu (Ảnh chụp vào tháng 3.2022) – NÔNG QUANG LẬP

Cán bộ Đồn biên phòng Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) giới thiệu về mốc 504, tuyến biên giới Việt Nam -Trung Quốc – MAI THANH HẢI

Đầu tháng 12.1959, Trung ương Đảng chỉ đạo Khu ủy Việt Bắc mở chiến dịch tiễu phỉ tại Hà Giang, với nòng cốt là các đơn vị CANDVT.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử các nghi can cầm đầu vụ nổi phỉ, gây bạo loạn tại Đồng Văn (Hà Giang), tháng 12.1959 – TƯ LIỆU

Tháng 12.1959, quân ta tấn công bọn phỉ, giải phóng thị trấn Đồng Văn. Trong trận này, chuẩn úy Viên Ngọc Phương (chính trị viên phân đội cơ động CANDVT Hà Giang) đã ngã xuống trong khi dùng loa kêu gọi tàn quân phỉ đầu hàng. Cùng hy sinh với anh là 2 chiến sĩ Lý Văn Páo là Phùng Văn Chùi (cùng sinh năm 1941, nhập ngũ tháng 4.1959, thuộc phân đội 55, CANDVT Cao Bằng tăng cường Hà Giang)…

Dâng hương hoa tại phần mộ các liệt sĩ BĐBP tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) – ĐỘC LẬP

“Sau thời gian tiễu phỉ 1959 – 1963, chúng tôi đã phải đối phó với tình trạng phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam”, cựu binh Hoàng Văn Tựt nhớ lại vậy.

Ông Tựt nhớ rất chi tiết, ở Hà Giang, từ năm 1963, phía Trung Quốc đã lặng lẽ lấn chiếm nhiều điểm ở Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn. Thời điểm này, quan hệ 2 nước ở mức “vừa là đồng chí vừa là anh em” nên cuộc đấu tranh chống lấn chiếm của ta chưa phải dùng vũ lực. Khi phát hiện lực lượng Trung Quốc sang khảo sát đo đạc trái phép, BĐBP chỉ nhắc nhở và kiên trì thuyết phục họ rút.

“Sau ngày 30.4.1975, thái độ của phía Trung Quốc thay đổi khác hẳn. Tình trạng lấn chiếm, khiêu khích gia tăng đột biến”, thượng tá Hoàng Văn Tựt nói và kể lại: Ở những khu vực đã lấn chiếm, họ ngang nhiên tuyên bố “đây là lãnh thổ Trung Quốc”, thậm chí quay ngoắt tố ngược “Trung Quốc bị Việt Nam lấn chiếm”, “Việt Nam vi phạm chủ quyền”… Nóng nhất là ở các khu vực biên giới: Hồ Pả, Mã Tẻn (H.Hoàng Su Phì); khu vực mốc 14, Nậm Ngặt (H. Vị Xuyên); mốc số 7 (H.Yên Minh); Dì Thàng, Mã Lủng Kha (Đồng Văn); Lũng Ly, Trà Mần, Suối Lủng (H.Mèo Vạc)…

Quân nhân Trung Quốc xuất hiện tại các khu vực lấn chiếm đất của Hà Giang, cuối những năm 70 đầu 80 – TƯ LIỆU

 

Bị thương cũng gắng giữ đất

“Hồi ấy rất nhiều anh em bị thương trong khi giữ đất, nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện đi giám định để thành thương binh”, ông Nguyễn Hữu Trù, nguyên chính trị viên đồn BP cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, cười nói vậy.

Ông Trù kể lại, cuối 1975, phía Trung Quốc cho dân binh có lực lượng vũ trang hỗ trợ, tràn sang xâm canh ở khu vực mốc 14 – đoạn II, xã Minh Tân và Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy (nay là mốc 259, ở H.Vị Xuyên, Hà Giang). Có lúc, họ vượt qua biên giới thu hoạch hoa màu của dân ta và cậy đông, đe dọa bộ đội và nhân dân ta.

BĐBP Hà Giang truy đuổi đối tượng gây án ở khu vực biên giới Đồng Văn (tháng 12.1997) – TƯ LIỆU

Từ năm 1976, Trung Quốc tăng cường lấn chiếm khu vực Nậm Ngặt. Lợi dụng đêm tối hoặc những ngày sương mù, họ cho dân binh sang nhổ hoa màu của ta, trồng loại cây khác của họ vào để nhận là “đất Trung Quốc”. BĐBP tăng cường tuần tra kiểm soát, thì phía Trung Quốc cho lực lượng vũ trang mai phục, hòng bắt cóc bộ đội và dân quân ta…

“Chúng tôi liên tục viết thư và trực tiếp gặp lực lượng BP Trung Quốc để thông báo, trao đổi tình hình, phản kháng hành động sai trái, yêu cầu họ có biện pháp ngăn chặn, nhưng hầu như họ quanh co, đổ lỗi”, ông Nguyễn Hữu Trù nhớ lại. Nhân dân các xã Minh Tân và Thanh Thủy (H.Vị Xuyên) không chỉ sẵn sàng có mặt tại thực địa khi có hiệu lệnh chống lấn chiếm, mà còn trực tiếp bám đất, bám biên giới để sản xuất và bảo vệ sản xuất.

Tổ công tác đồn BP XÍn Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) tuần tra kiểm soát đường biên mốc giới trong mùa đông 2022. – ĐỘC LẬP

Ở Thanh Thủy thời kỳ này, BĐBP đã đưa những già làng trưởng bản ra chào hỏi, gọi tên những người quen bên Trung Quốc khuyên nhủ: “Chúng tôi với các ông bà bên ấy là chỗ quen biết, thân tình. Sinh sống ở đây bao năm, đều biết đất này của người Việt Nam, sao giờ lại sang phá hoại hoa màu – mồ hôi nước mắt chúng tôi?”… Lời nói của người già không chỉ khơi gợi lại tình hữu nghị truyền thống mà còn làm phân hóa lực lượng đối phương.

Ông Bồn Văn Thanh (thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên, Hà Giang) nhớ lại, thấy người già ra giảng giải, dân Trung Quốc phải rút về bên kia biên giới và sau đó, nhiều người tìm sang phân trần: “Chúng tôi biết là đất Việt Nam, nhưng cấp trên bắt sang lấn chiếm. Nếu không làm sẽ bị phạt rất nặng”…

Bộ đội đồn BP Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và công an xã Ma Lé trên chốt quản lý bảo vệ biên giới – MAI THANH HẢI

Giữa tháng 5.1977, Tổng bí thư Lê Duẩn lên thăm Hà Giang (khi ấy sáp nhập với Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên) và ra tận biên giới động viên bộ đội Đồn BP Thanh Thủy đang làm nhiệm vụ chống lấn chiếm. Tổng bí thư căn dặn: “Phải theo dõi chặt chẽ tình hình, kiên quyết đấu tranh bảo vệ từng tấc đất biên giới. Tích cực vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến vững chắc” và yêu cầu: “Cảnh giác sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra”…

Tổng bí thư Lê Duẩn thăm, động viên bộ đội đồn Công an nhân dân vũ trang Thanh Thủy (nay là đồn BP Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy) đang làm nhiệm vụ chống lấn chiếm, bảo vệ biên giới Hà Giang, tháng 5.1977 – TƯ LIỆU

Lời dặn ấy như cảnh báo tình hình ngày càng căng thẳng ở biên giới… (còn tiếp)

… “Hiện nay (8.1976), sơ bộ xác minh và thống kê toàn tuyến có gần 80 nơi Trung Quốc tranh lấn đất ta dưới nhiều hình thức xâm canh, xâm cư, trồng cây, làm đường, xuyên tạc pháp lý bia mốc, xây dựng công trình đường giao thông, cầu đập, vũ trang xâm nhập và cắm chốt. Những điểm nóng đang đấu tranh phức tạp nhất hiện nay là: Trịnh Tường, bãi Lục Lầm, Hữu Nghị Quan, Léo Cao, thác Bản Giốc, Pia Un, Phai Luông, Trà Mần, Suối Lũng, khu vực mốc 2 – 3, Nậm Chay, Ba Nậm Cúm (Lai Châu). Trong gần 80 khu vực tranh lấn đất, Trung Quốc đã chiếm giữ hẳn 10 khu vực quan trọng, rộng khoảng 23 km2….

Tình hình trên đây thể hiện rõ ràng ý đồ của bạn là tiếp tục sử dụng vấn đề biên giới để gây sức ép với ta, phục vụ đấu tranh nội bộ của họ. Dùng sức mạnh uy hiếp ta, khiêu khích quấy phá, buộc ta phải thường xuyên đối phó làm cho ta lo ngại, tạo tình hình không ổn định. Khống chế khu vực biên giới, kiềm chế ta phát triển kinh tế, ngăn ta xây dựng các công trình và hợp tác với Liên Xô. Duy trì hiện trạng, thực chất là chiếm giữ những vùng họ đã chiếm giữ, tạo lợi thế cho Trung Quốc trong đàm phán về biên giới.

Trước mắt, họ cố ngăn cản ta khảo sát biên giới theo nguyên trạng và đường biên giới lịch sử”…

(Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang – BĐBP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình biên giới Việt Nam – Trung Quốc, ngày 7.8.1976).

***

 

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá – Kỳ 2: Trung kiên trước đòn thù

TNMai Thanh Hải – 24/07/2022 11:36 GMT+7

Những năm 1977 – 1978, ở khu vực biên giới Hà Giang (khi đó là Hà Tuyên) liên tục xảy ra các vụ Trung Quốc di chuyển cột mốc lịch sử vào sâu trong đất ta và phục kích, bắt cóc bộ đội ta. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ BĐBP đã bị thương trong khi bảo vệ chủ quyền biên giới.

10 ngày tuyệt thực

Vài ngày sau khi Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm, động viên cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng (BP) Thanh Thủy (H.Vị Xuyên), thì tại địa bàn Đồn BP Nghĩa Thuận (H.Quản Bạ), 6 cán bộ chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giữ.

Bộ đội Đồn biên phòng Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) dọc đường tuần tra biên giới, 1977 – TƯ LIỆU

Ông Nguyễn Tiến Phòng (nguyên Chính trị viên phó Đồn BP Nghĩa Thuận) kể lại: Từ đầu năm 1976, phía Trung Quốc gia tăng lấn chiếm ở khu vực biên giới 5 xã (Cao Mã Pờ, Tùng Vài, Tản Ván, Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn) do đồn phụ trách. Do các địa bàn quá rộng và cách xa nhau, nên chỉ huy đồn phải liên tục cử các tổ tuần tra dọc biên giới.

BĐBP Hà Giang khảo sát biên giới, năm 1976 – TƯ LIỆU

Cuối tháng 5.1977, đại úy đồn trưởng Ma Phúc Cung cử 6 cán bộ chiến sĩ, do trung úy Viên Đình Thượng phụ trách, tuần tra từ Nghĩa Thuận sang Cao Mã Pờ. Sáng 18.5, tổ công tác tuần tra kiểm soát dọc đường biên từ Cao Mã Pờ về lại Nghĩa Thuận, khi đi qua khu vực mốc 3 (đối diện thôn Hoàng Thèn (Bát Bố, Trung Quốc) thì bị lực lượng dân binh và BP Trung Quốc lợi dụng sương mù dày đặc, đã phục kích bắt trói, đưa về Bát Bố giam giữ.

BĐBP Hà Giang xuống địa bàn biên giới, năm 1978 – TƯ LIỆU

Ban đầu, phía Trung Quốc nhốt riêng từng người, dụ dỗ mua chuộc, lừa ta công nhận “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Không dụ dỗ được, họ chuyển sang đe dọa và hành hung, đánh đập rất dã man. 6 bộ đội ta đã kiên quyết phản đối và cùng tuyệt thực trong gần 10 ngày.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang tặng quà cho gia đình khó khăn tại địa bàn biên giới do Đồn BP Nghĩa Thuận quản lý bảo vệ, năm 2016 – MAI THANH HẢI

Thấy tổ công tác của BĐBP Nghĩa Thuận bị bắt giữ, người dân 5 xã biên giới đã tập trung ở các khu vực giáp với khu dân cư – doanh trại biên phòng Trung Quốc, cực lực phản đối và yêu cầu thả người. Đồng thời, đoàn công tác của BĐBP Hà Giang cũng sang tận Trung Quốc phản kháng, yêu cầu tôn trọng đường biên giới lịch sử nguyên trạng, phải trao trả ngay số cán bộ chiến sĩ bị bắt giữ trái phép… Trước sự đấu tranh quyết liệt, ngày 28.5.1977, phía Trung Quốc phải thả 6 bộ đội ta.

Trung tướng Trịnh Trân, Tư lệnh BĐBP (bìa phải) thăm, động viên đồng bào các dân tộc H.Xín Mần (Hà Giang) sát cánh cùng bộ đội trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, năm 1993 – TƯ LIỆU

Phản kháng quyết liệt

Từ cuối 1977, dân binh Trung Quốc tăng cường vượt biên sang khu vực Hồ Pả, Mã Tẻn (xã Bản Máy, H.Hoàng Su Phì) xâm canh trái phép. Ngày 20.7.1978, lính Trung Quốc lén lút di chuyển cột mốc biên giới vào sâu trong đất ta ở khu vực Mã Tẻn và phục kích 3 cán bộ chiến sĩ đồn BP Bản Máy (do thiếu úy Nguyễn Xuân Thiều làm tổ trưởng) đang làm nhiệm vụ tuần tra dọc đường biên theo kế hoạch. “Họ khăng khăng là chúng tôi đi sang đất họ, vi phạm chủ quyền. Tôi chỉ dấu đất, nói thẳng: Các ông làm trò mèo, di chuyển cột mốc và cố tình vu khống chúng tôi”, ông Nguyễn Xuân Thiều kể lại vậy và nhớ lại: “Binh lính Trung Quốc la ó, bắt trói rồi khiêng cả tổ về nhà kho bên họ, liên tục đánh đập, bắt ký biên bản “thừa nhận vi phạm chủ quyền”. Khi bộ đội ta cương quyết từ chối, chúng dùng cả sống dao và báng súng đánh như tra tấn, rất dã man… Ngày hôm sau, đại diện đồn BP Bản Máy sang tận trạm BP Pao Lèng Cái (Trung Quốc) phản kháng quyết liệt, phía Trung Quốc mới thả 3 bộ đội ta.

Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Sơn Vĩ (H.Mèo Vạc, Hà Giang) và cán bộ nhân dân địa phương thắp hương tưởng niệm tại bia ghi danh liệt sĩ của xã Sơn Vĩ – MAI THANH HẢI

 

5 chọi 50

Tôi tìm đến nhà thương binh Nguyễn Vũ Dương (nguyên phó đồn trưởng Đồn BP Lũng Làn, BĐBP Hà Giang) ở P.Nguyễn Trãi, TP.Hà Giang, nghe ông kể: Từ năm 1975, phía Trung Quốc đã 11 lần lấn chiếm, định cướp khu vực đất đai màu mỡ rộng 6 km2 của bản Lũng Ly (xã Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc, Hà Giang), nhưng đều bị BĐBP và nhân dân đẩy đuổi.

Ông Nguyễn Vũ Dương kể lại chuyện chống lấn chiếm và thoát khỏi sự truy bắt của lính Trung Quốc, tháng 10.1978 ở khu vực thôn Lũng Ly (xã Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc) – MAI THANH HẢI

Sáng 10.8.1978, phía Trung Quốc đưa 50 người gồm xã viên công xã Tà Sáy và binh lính BP cải trang sang phát cây, cuốc đất, trồng trọt tại mảnh đất của bản Lũng Ly và bị tổ tuần tra 3 người của Đồn BP Lũng Làn (do thiếu úy Nguyễn Vũ Dương làm tổ trưởng) phát hiện. Biết đối phương đông, ông Dương xin tăng cường và được chỉ huy đồn bổ sung thêm 2 người. Thấy 5 cán bộ chiến sĩ đồn BP Lũng Làn đến thuyết phục, phía Trung Quốc dùng dao rựa, cuốc xẻng bao vây và tới tấp tấn công. Mặc dù có mang theo súng đạn, nhưng tổ công tác vẫn kiên nhẫn chống đỡ đòn thù bằng báng súng và vai, lưng. “Tôi thấy chúng cố tình đánh gục để bắt sống, nên cử 2 chiến sĩ phá vây chạy về đồn báo cáo tình hình. 3 anh em còn lại xoay trần chịu đòn. Sau 2 tiếng đồng hồ chống đỡ, anh em đều mệt, lính Trung Quốc quăng dây giật ngã và lao vào trói chúng tôi, định khiêng sang công xã Tả Sáy bên kia biên giới”, ông Dương nhớ lại vậy và trầm giọng: “Trong lúc chúng đi chặt cây làm đòn khiêng, anh Hoàng Văn Nở cọ dây trói vào tảng đá sắc làm đứt dây, đánh gục tên lính gác và bí mật cởi trói, giải cứu tôi và chiến sĩ Nguyễn Văn Định. 3 anh em chạy về đến nửa đường, mới thấy lực lượng ta và nhân dân các bản quanh đấy ào ào lao lên, đuổi bọn lấn chiếm về bên kia”…

Bộ đội Đồn BP Săm Pun (nay là Đồn BP Xín Cái) cùng dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới, năm 2001 – TƯ LIỆU

Suýt bị bắt, ở Xín Mần

Ông Vương Tiến Chi (nguyên chính trị viên Đồn BP Xín Mần, giai đoạn 1972 – 1978) kể: “Cuối tháng 12.1978, chúng tôi suýt bị phía Trung Quốc bắt cóc” và nhớ lại: “Trên địa bàn H.Xín Mần (Hà Giang) có gần 500 hộ người Hoa sinh sống. Đầu năm 1978, phía Trung Quốc gây ra sự kiện “nạn Kiều” và lừa gạt, kích động, cưỡng ép người Hoa “trở về cố quốc”.

Thượng tá Bùi Văn Huân (Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Giang) cùng cán bộ chiến sĩ Đồn BP Nghĩa Thuận tặng áo ấm cho trẻ em biên giới Quản Bạ – MAI THANH HẢI

Từ cuối tháng 5.1978, người Hoa ở Xín Mần rục rịch chuyển đồ đạc và đến 22.11.1978, toàn bộ 413 hộ (2.165 nhân khẩu) người Hoa trong huyện đã sang hẳn Trung Quốc (trong đó có 15 đảng viên, 1 phó chủ tịch MTTQ huyện và Bí thư Chi bộ, Chủ tịch UBND xã Xín Mần).

Cũng thời gian này, một số người Hoa ở H.Bắc Hà (Lào Cai) sang Trung Quốc bằng đường Xín Mần và mắc kẹt ở thôn Hậu Cấu Mèo (xã Chí Cà, H.Hoàng Su Phì) gần 1 tuần, do phía Trung Quốc lấy cớ “phải sàng lọc phân loại” (mục đích là gây khó khăn cho ta). Khi BĐBP và chính quyền địa phương lên vận động, một số đối tượng hô hào “người Kinh lên cướp” và bỏ chạy sang bên biên giới, bỏ lại một số đồ dùng cá nhân.

Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Lũng Cú và lực lượng địa phương kiểm tra mốc 411 nằm ở địa bàn khó khăn, khắc nghiệt – MAI THANH HẢI

“Để giải quyết tình hình và trao trả đồ dùng mà người Hoa bỏ lại, cuối tháng 12.1978, tôi được giao nhiệm vụ dẫn đoàn công tác sang đàm phán tại Đô Long, Trung Quốc. Cuộc làm việc rất căng thẳng. Phía Trung Quốc vu khống ta đánh đuổi, cướp tài sản của người Hoa và họ kiên quyết không nhận số đồ dùng mà ta trả lại”, ông Chi kể vậy và trầm giọng: “Kết thúc hội đàm, phía Trung Quốc cố nài ép chúng tôi ở lại ngủ qua đêm, khiến tôi cảnh giác, cương quyết ra về. Khi đến đất mình, mới biết bên họ định bắt cóc làm con tin và anh em đã vũ trang bảo vệ”…

Bia ghi tên liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, tại xã Phú Lũng, H.Yên Minh, Hà Giang – MAI THANH HẢI

Đây là cuộc hội đàm cuối cùng của BĐBP Hà Giang với Trung Quốc. Mặc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ đối ngoại và chuẩn bị chiến tranh, nhưng phía Trung Quốc vẫn kích động, lôi kéo nhiều cán bộ, nhân dân ta. Cuối 1978, gần 180 hộ người Mông ở thôn Si Khà Lá (xã Pà Vầy Sủ) và thôn Bản Phố (xã Chí Cà) chạy sang Trung Quốc (trong đó có 7 đảng viên, gần 20 cán bộ, mang theo 17 khẩu súng)…

… “Năm 1978, phía Trung Quốc gây ra 32 vụ lấn chiếm ở 11 điểm trên tuyến biên giới tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang). So với các năm trước, tăng đột biến và về số vụ và tính chất hung bạo, khiêu khích”…

(Nguồn: BCH BĐBP tỉnh Hà Giang)

***

 

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá – Kỳ 3: Sống bám đá, chết trên đá

TNMai Thanh Hải – 25/07/2022 14:47 GMT+7

Sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Ít ai biết: Ở Hà Giang , cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược đã diễn ra trước đó nửa tháng (2.2.1979) và trong năm 1979, đã có gần 100 cán bộ chiến sĩ BĐBP Hà Giang hy sinh.

Kiên cường Săm Pun

Ngay từ cuối 1978, chỉ huy đồn BP Săm Pun (nay là đồn BP Xín Cái) đã liên tục báo cáo cấp trên về việc lực lượng vũ trang Trung Quốc tập trung binh lực, áp sát biên giới, chuẩn bị tấn công địa bàn Mèo Vạc.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chủng (Chính trị viên phó đồn BP Xín Cái) đặt hoa rừng trước bia ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh trên địa bàn xã Xín Cái (H.Mèo Vạc, Hà Giang) – MAI THANH HẢI

Rạng sáng 2.2.1979, phía Trung Quốc dùng 1 tiểu đoàn bộ binh tấn công vào doanh trại đồn BP Săm Pun (lúc này đóng ở đồn Pháp cũ, xóm Giàng Cái, xã Thượng Phùng, H.Mèo Vạc) và lâm trường Săm Pun.

BĐBP Hà Giang truy kích lính Trung Quốc xâm lược biên giới, năm 1984. – TƯ LIỆU

Do biết trước, bộ đội đồn và tự vệ lâm trường đã triển khai đánh trả quyết liệt, diệt 27 tên, buộc chúng phải rút về bên kia biên giới. Trong trận này, ta thu được 1 khẩu AK báng gập và là “của hiếm” nên thượng úy – chính trị viên Hoàng Văn Tựt nhận sử dụng, nhất quyết không nộp về tỉnh.

Cán bộ chiến sĩ BĐBP Hà Giang dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, năm 1982.- TƯ LIỆU

6 giờ 30 ngày 17.2.1979, pháo binh Trung Quốc cấp tập nã đạn vào doanh trại đồn BP Săm Pun và khoảng 1 tiếng sau, bộ binh bao vây toàn bộ khu vực Đồn đóng quân. Sau nửa ngày chiến đấu, 3 chiến sĩ (Hà Đức Lai, Nguyễn Văn Bình, Ma Văn Tùng) bị thương nặng và hy sinh. Khi đạn dược gần cạn, bộ đội phải rút về xóm Tống Quáng Chải. Lính Trung Quốc chiếm đồn, dùng chăn bông củi khô đốt hầm trú ẩn, hòng làm chết ngạt lực lượng cố thủ bên trong. Chính trị viên Hoàng Văn Tựt đã chỉ huy y sĩ Nguyễn Văn Hanh, nhân viên cơ yếu Lèng Ngọc Thuyết và chiến sĩ liên lạc Nguyễn Đức Toàn, làm các phương pháp cản khói và đêm xuống, rút xuống chân đồi. “Tôi lạc giữa đội hình địch, do mang khẩu AK báng gáp nên chúng tưởng là chỉ huy, cứ để yên cho mình đi”, thượng tá Hoàng Văn Tựt (83 tuổi, hiện đang nghỉ hưu tại H.Bắc Quang, Hà Giang) kể.

Thượng tá Hoàng Văn Tựt (thứ 2 từ phải sang trái) kể lại quá trình chiến đấu, bảo vệ biên giới của bộ đội đồn BP Săm Pun. Hình chụp tháng 3.2022. – MAI THANH HẢI

Cuối tháng 2.1979, phía Trung Quốc định chiếm cổng trời Xín Cái để khống chế toàn khu vực. Bộ chỉ huy tiền phương lệnh cho đồn BP Săm Pun cùng tiểu đoàn 1 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh) cắt núi từ Đồng Văn sang chốt giữ cổng trời. Sáng 4.3.1979, lính sơn cước Trung Quốc tấn công trận địa. Sau hơn 1 ngày giằng co, trung úy Lương Văn Minh và chiến sĩ Phan Văn Thuấn hy sinh và ta phải rút khỏi điểm cao.

Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm (thứ 3 từ phải sang trái), Phó tư lệnh về chính trị BĐBP (nay là Chính ủy BĐBP) thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ chủ quyền biên giới, nhân chuyến công tác tại H.Mèo Vạc (Hà Giang), tháng 9.1997. – TƯ LIỆU

Mấy ngày sau đó, bộ đội ta phản công lấy lại được cổng trời Xín Cái. “Giằng co, mất đi lấy lại mấy lần trong tháng 3.1979. Gần chục anh em hy sinh trên đấy”, ông Hoàng văn Tựt liệt kê: Ngày 11.3.1979, Trung Quốc cho 2 tiểu đoàn bộ binh đánh cổng trời, ta đánh lui 6 đợt tiến công của địch và phải rút, sau khi thương vong nặng, trong đó có có đồn phó trinh sát Lý Đức Minh, chiến sĩ Phan Văn Chánh. Ngày 18.3.1979, bộ đội đồn cùng quân chủ lực chiếm lại chốt và đến lúc ấy, mọi người mới tìm thấy thi hài của gần chục anh em đã hy sinh từ cuối tháng 2.1979. Ngày 9.3.1979, đồn trưởng Bùi Văn Pha dẫn 1 trung đội đi chi viện cho đồn Lũng Làn, trên đường đi thì bị vướng mìn địch và anh Pha hy sinh.

10 năm trong công sự

Nằm cách thị trấn Mèo hơn 50 km, giáp với H.Bảo Lâm (Cao Bằng), nên đồn BP Lũng Làn (nay đổi tên là đồn BP Sơn Vĩ) được xem là xa xôi, khó khăn nhất Hà Giang. Sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc đưa 1 trung đoàn bộ binh tấn công đồn BP Lũng Làn và 1 tiểu đoàn đánh chiếm điểm cao 1379 – Phìn Lò, nhưng bị đánh trả quyết liệt, phải bỏ chạy. Ngày 5.3.1979, trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược có số lượng đông gấp 10 lần, nhiều bộ đội bị thương vong, trong đó đồn trưởng Lộc Viễn Tài và đồn phó Nguyễn Hồng Cẩm đã anh dũng hy sinh.

Nữ đoàn viên thanh niên trong đoàn công tác của tỉnh Hà Giang lên chốt của đồn BP Săm Pun động viên thăm hỏi và khâu áo cho bộ đội. – TƯ LIỆU

Tại địa bàn đồn BP Nghĩa Thuận, bộ binh Trung Quốc điên cuồng tấn công các trận địa mốc 4, mốc 5 trong các ngày 17.2 và 11.3.1979 nhằm tiến sâu vào khu vực H.Quản Bạ. Bộ đội đồn BP Nghĩa Thuận cùng các lực lượng chặn đánh quyết liệt và hy sinh 9 cán bộ chiến sĩ.

Ngày 6.3.1979, cả trung đoàn lính Trung Quốc xâm nhập khu dân cư xã Bản Máy (H.Hoàng Su Phì), giết hại 74 người dân và tấn công đồn BP Bản Máy. Lực lượng BĐBP đồn Bản Máy và đại đội 5 đã kiên cường bảo vệ đồn, các điểm cao chiến thuật và đánh trả quân Trung Quốc.

Thắp hương tưởng nhớ cán bộ chiến sĩ hy sinh trên địa bàn biên giới Hà Giang. – MAI THANH HẢI

Trong cuộc tấn công xâm lược tháng 2 – 3.1979 của Trung Quốc vào Hà Giang, các địa bàn Lũng Cú, Đồng Văn, Bạch Đích… chưa bị tấn công đánh chiếm, hoặc chỉ bị đánh vào tiền duyên.

“Ngày 20.3.1979, phía Trung Quốc rút quân khỏi các địa bàn mà họ đánh chiếm ở biên giới Hà Giang. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì quân chủ lực nằm sát biên giới, liên tục gây căng thẳng. Đặc biệt, phía Trung Quốc thường xuyên pháo kích vào các mục tiêu trọng yếu và các đồn, tổ chức lực lượng gài mìn, phục kích, tập kích, bắt cóc cán bộ chiến sĩ ta”, đại tá Hoàng Đình Xuất, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang cho biết vậy và kể: “Từ năm 1979 – 1989, BĐBP các đồn chủ yếu ăn ở sinh hoạt trong hầm hào công sự”…

Đánh phỉ Mỏ Phàng

Cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế – nơi các đối tượng phỉ Mỏ Phàng nhiều lần âm mưu đánh mìn phá hoại, nhưng đều bị BĐBP Hà Giang đập tan. – MAI THANH HẢI

Sau tháng 2.1979, Trung Quốc khống chế xóm Mỏ Phàng (X.Thượng Phùng, H. Mèo Vạc), làm căn cứ phỉ do Nhè Lùng, Lý Sé Mua chỉ huy. Lính phỉ Mỏ Phàng được Trung Quốc huấn luyện, thường tổ chức gài mìn, bắt cóc bộ đội, tập kích các mục tiêu quan trọng, như: năm 1980, gài mìn làm cháy 1 xe ô tô chở khách trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng; 1981, đánh mìn vào 1 xe quân sự khiến 4 bộ đội hy sinh; năm 1985, đặt mìn trên đường Mèo Vạc – Hà Giang hòng sát hại các đại biểu của H.Mèo Vạc về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh; gài mìn định phá cầu Tràng Hương…

Cán bộ chiến sĩ đồn BP Săm Pun bảo vệ đường biên mốc giới, năm 1998. – TƯ LIỆU

Tháng 8.1982, đồn BP Săm Pun và lực lượng trinh sát của tỉnh, Bộ đã lập chuyên án đánh phỉ Mỏ Phàng. Cùng với các biện pháp nghiệp vụ, ta đã tuyên truyền vận động, thuyết phục và đến năm 1988, tổ chức hơn 100 tên phỉ ở Mỏ Phàng hoàn toàn tan rã. Trong gần 10 năm chống phỉ ở Mỏ Phàng, hàng chục cán bộ chiến sĩ các đơn vị đã anh dũng hy sinh, trong đó chủ yếu là lực lượng BĐBP.

Đêm 15.9.1988, khoảng 1 trung đội thám báo Trung Quốc xâm nhập địa bàn Nghĩa Thuận (H.Quản Bạ) để phục kích tổ công tác BP Phìn Ủng (Đồn BP Nghĩa Thuận). Mờ sáng hôm ấy, 2 anh em Giàng Vần Say và Giàng Vần Mìn (người dân xóm Phìn Ủng, X.Nghĩa Thuận) đi tìm ngựa lạc, vô tình vào khu vực địch đang triển khai đội hình và bị lính Trung Quốc bắt sống. Nhân lúc địch sơ ý, người em Giàng Vần Mìn đã cởi dây trói, chạy về cấp báo tổ công tác BP. Ngay lập tức, trung úy – tổ trưởng Lưu Đức Hùng (nay là đại tá, chính ủy BĐBP Hà Giang) đã chỉ huy bộ đội triển khai đánh trả, tiêu diệt 10 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác.

Đại tá Lưu Đức Hùng (trái), Chính ủy BĐBP Hà Giang thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi anh Giàng Vần Mìn – ĐỘC LẬP

Đây là trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến tranh chống xâm lược quy mô lớn ở khu vực biên giới Hà Giang (1979 – 1989). Sau này, BĐBP đã nhiều lần tìm kiếm tung tích anh Giàng Vần Say nhưng không thấy. Riêng người em Giàng Vần Mìn, được bộ đội giúp đỡ hết mức trong làm ăn kinh tế. Đặc biệt, đại tá Lưu Đức Hùng thường xuyên hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, chăm lo học hành cho các con anh Mìn”… (còn tiếp)

***

 

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá – Kỳ 4: Cuộc chiến không tiếng súng

TNMai Thanh Hải – 26/07/2022 13:02 GMT+7

Cuối những năm 80, đầu 90, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc dần bình thường, nhưng ở biên giới Hà Giang , cuộc đấu tranh chống lấn chiếm, bảo vệ đường biên hiện quản mới bắt đầu nóng bỏng, căng thẳng.

“Quay xe” cũng phải dừng

Giữa năm 1987, trung úy Vũ Duy Quyết từ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thái Bình được điều lên Hà Giang. Do “trẻ khỏe, học hành bài bản”, nên trung úy Quyết được phân công lên tuyến đầu Mèo Vạc. Mấy năm “quần nhau” với thám báo Trung Quốc, đến đầu tháng 11.1991, khi biết Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định tạm thời về biên giới đất liền, ông Quyết thở phào: “Thế là mình được về quê rồi”.

Nhân dân xã Sơn Vĩ (H.Mèo Vạc) sát cánh cùng BĐBP đấu tranh chống lấn chiếm biên giới, năm 1992 – TƯ LIỆU

Đại tá Vũ Duy Quyết (phải), nguyên đồn trưởng Đồn BP Săm Pun giai đoạn 1996 – 2006, kể lại những hồi ức, kỷ niệm bảo vệ chủ quyền biên giới Mèo Vạc (Hà Giang) – MAI THANH HẢI

Thế nhưng, ước mơ của ông Quyết cùng hàng nghìn cán bộ chiến sĩ BĐBP tuyến biên giới phía Bắc, có quê hương miền xuôi, nhanh chóng bị dập tắt, bởi phía Trung Quốc liên tục vi phạm Hiệp định tạm thời, gia tăng việc xâm canh lấn chiếm biên giới hòng làm thay đổi đường biên.

Cửa khẩu Săm Pun – Điền Bồng hôm nay – MAI THANH HẢI

“Đầu 1992, ta và Trung Quốc mở lại cặp cửa khẩu Săm Pun – Điền Bồng, nhưng trước đó (15.10.1991) phía Trung Quốc đã mở đường ô tô từ trấn Thèn Phùng đi đến chân mốc số 21 (cũ) và đường ô tô từ Trạm Hòa Bình ra mốc số 22. Khi khảo sát, họ cố ý cắm cọc tiêu sâu vào đất ta 200m. Ta phản kháng, phía Trung Quốc ngang nhiên đưa lý do: “không có chỗ quay đầu xe, nên cắm thêm”; giữa tháng 11.1991, phía Trung Quốc lại mở đường sâu vào đất ta gần 100m, rộng 8m. Đồn BP Săm Pun phản kháng quyết liệt, họ mới chịu dừng lại”, ông Quyết nhớ lại vậy.

Quân nhân và dân binh Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại các điểm nóng ở biên giới Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) những năm 90. – TƯ LIỆU

 

Đổ vấy cho… cướp

Ở xã Lũng Cú (H.Đồng Văn), từ cuối năm 1991, thám báo Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vào thôn Xéo Lủng, nhận chủ quyền và đe dọa người dân. Trưa 29.2.1992, gần 20 binh lính Trung Quốc có vũ trang tràn vào Xéo Lủng hô hào “Đây là đất Trung Quốc, dân Việt Nam không được ở đây” và kéo đổ 3 ngôi nhà của người dân. Chiều 4.3.1992, gần 30 lính BP Trung Quốc xâm nhập thôn Xéo Lủng, đập phá đồ đạc và đốt cháy 18 ngôi nhà, hơn 3 tấn lương thực. Khi dân quân xã Xéo Lủng nổ súng báo động, lính Trung Quốc mới rút về bên kia biên giới.

BĐBP Hà Giang họp dân, vận động bà con bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. – TƯ LIỆU

“Ngay sau khi sự việc xảy ra, Đồn BP Lũng Cú đã phản kháng, yêu cầu họ bồi thường thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không thừa nhận và đổ cho… bọn tội phạm vũ trang trên biên giới”, thượng tá Nguyễn Văn Thủy, nguyên chính trị viên Đồn BP Lũng Cú kể vậy và nhớ: “Khi UBND H.Đồng Văn phản kháng và yêu cầu chính quyền H.Ma Ly Pho (Vân Nam, Trung Quốc) cùng có mặt tại thôn Xéo Lủng để xem xét giải quyết sự việc. Phía họ đã làm ngơ”…

Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình (thứ 5 từ trái sang phải), Phó Chính ủy BĐBP thăm, kiểm tra công tác bảo vệ biên giới tại BĐBP Hà Giang, năm 2008. – TƯ LIỆU

 

Chuyện ở Lũng Ly

Đại tá Vũ Quang Vịnh, nguyên phó phòng trinh sát, BCH BĐBP tỉnh Hà Giang (hiện đang nghỉ hưu tại TX.Nghĩa Lộ, Yên Bái) có hơn 30 năm gắn bó với khu vực biên giới Mèo Vạc. Ông kể: Đầu năm 1992, phía Trung Quốc đơn phương tuyên bố các xóm Lũng Ly, Tà Lủng, Trà Mần (X.Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc) thuộc lãnh thổ của họ. Ngày 11.3.1992, dân binh Trung Quốc xâm nhập vào các địa bàn này để đốt nương, trồng ngô và đẩy đuổi người dân “nếu không rời đi, sẽ bị đốt nhà”. Ngày 7.4.1992, khoảng 40 dân binh Trung Quốc lại sang Lũng Ly xâm canh. Khi ta ngăn cản, phía Trung Quốc đe dọa: “Nếu Việt Nam động đến người dân Trung Quốc hoặc thu giữ dụng cụ sản xuất, sẽ xảy ra xung đột, nổ súng”…

Trung Quốc dựng hàng rào dọc biên giới, khu vực mốc 450 (Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang), hiện nay – MAI THANH HẢI

Cuộc đấu tranh giữ khu vực Lũng Ly không chỉ căng thẳng, phức tạp mà còn kéo dài suốt gần 20 năm sau đó, với những sự kiện nghiêm trọng như: Giữa tháng 3.1998, phía Trung Quốc phía huy động công nhân, binh lính xây dựng công trình quốc phòng tại mốc số 0 (nay là mốc 519). Khi ta phản kháng, Trung Quốc đưa lý do “xây tường rào để chắn trâu bò”; cuối tháng 11 và 12. 2003, Trung Quốc liên tục nổ mìn làm đường vào sâu trong đất ta ở khu vực Lũng Ly, Phìn Lò với lý do “để di chuyển cột mốc, phục vụ việc phân giới cắm mốc của 2 nước”… Lực lượng BĐBP đồn Lũng Làn (nay là Đồn BP Sơn Vĩ) và dân quân, người dân xã Sơn Vĩ đã kiên trì đấu tranh với phía bên kia, để giữ khu vực Lũng Ly.

BĐBP Hà Giang tặng gạo cho bà con dân tộc thiểu số khu vực biên giới Khó Trư (X.Phố Cáo, H.Đồng Văn, Hà Giang) – MAI THANH HẢI

 

Bảo vệ công binh rà phá bom mìn

Từ đầu năm 2000, BĐBP Hà Giang bắt đầu cùng các ngành chức năng thực hiện phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới của tỉnh. Trước khi diễn ra việc phân giới cắm mốc song phương, phía Trung Quốc thường chủ động khảo sát, thăm dò, lựa chọn những điểm có lợi để tạo ra những sự việc đã rồi, lấy ưu thế sau này khi phân giới cắm mốc.

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn huấn luyện – cơ động thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang hành quân lên các địa bàn biên giới, làm nhiệm vụ hỗ trợ – bảo vệ lực lượng công binh rà phá bom mìn vật cản, phục vụ công tác phân giới cắm mốc, năm 2003. – TƯ LIỆU

Đơn cử như: Tại Thanh Thủy (H.Vị Xuyên), ngày 5.3.2003, khi lữ đoàn công binh 543 (quân khu 2) rà phá bom mìn vật cản, phục vụ việc phân giới cắm mốc tại điểm cao 772, phía Trung Quốc cho 200 quân nhân vũ trang ra ngăn cản, nhằm chiếm điểm cao. BĐBP Hà Giang cùng nhân dân địa phương bám trụ thực địa, vừa bảo vệ công binh vừa đấu tranh; ngày 4.4.2003, phía Trung Quốc huy động binh lính ngăn chặn ta rà phá bom mìn ở điểm cao 1509 (X. Thanh Thủy, H. Vị Xuyên), với mục đích mở rộng vành đai chốt quân sự của họ ở khu vực này. Nắm được ý định đối phương, đồn trưởng Nguyễn Văn Hiền trực tiếp tổ chức lực lượng lên đấu tranh tại thực địa và dẫn đường, bảo vệ công binh…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra công tác phân giới cắm mốc tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tháng 2.2007 – TƯ LIỆU

Đầu 2005, tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy – Thiên Bảo, cả 2 nước Việt Nam và Trung Quốc đều xây dựng Quốc môn của nước mình. Thấy bên ta kết hợp xây dựng kè đá sông Lô, đầu tháng 5.2005, phía Trung Quốc đe dọa công nhân ta và tuyên bố “biên giới còn vào sâu trong trạm kiểm soát BP Việt Nam”. Với phương châm mềm dẻo, kiên quyết, không mắc mưu đối phương, BĐBP Hà Giang đã kiên trì đấu tranh và ngày 10.10.2008, đã tiến hành phân giới xong đoạn biên giới từ giữa cầu Thanh Thủy – Thiên Bảo, cắt ngang sông Lô đến mốc giới số 262… (còn tiếp)

… “Những năm 80, hàng chục cán bộ chiến sĩ BĐBP Hà Giang đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, bị vấp phải mìn do phía Trung Quốc gài phục. Nhiều nhất là ở đồn BP Lũng Cú (Đồng Văn), như: ngày 14.6.1984, hạ sĩ Nguyễn Thanh Hải (sinh 1960, quê Hải Hậu, Nam Định) hy sinh tại Ma Lé; ngày 24.3.1985, binh nhất Hoàng Văn Thạch (sinh 1962, quê Hàm Yên, Tuyên Quang) hy sinh tại Lũng Cú; ngày 15.6.1985, binh nhất Hoàng Văn Liệu (sinh 1963, quê Hàm Yên, Tuyên Quang) hy sinh tại Ma Lé; ngày 3.4.1990, hạ sĩ Nguyễn Văn Hồng (sinh 1969, quê Yên Thế, Bắc Giang) hy sinh tại Lũng Táo… Ở địa bàn đồn BP Săm Pun (nay là đồn BP Xín Cái), ngày 24.2.1987, cả 2 chiến sĩ Lưu Văn Kết và Lương Văn Cắm cùng hy sinh khi đang tuần tra biên giới Săm Pun.

Đặc biệt, có 4 liệt sĩ mất tin mất tích trong khi chiến đấu, nghi là bị thám báo Trung Quốc bắt cóc, thủ tiêu như: binh nhì Ma Ngọc Khu (sinh 1968, quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang), chiến sĩ đồn BP Lũng Cú, hy sinh ngày 11.5.1988; hạ sĩ Hoàng Văn Nhất (sinh 1967, quê Sơn Dương, Tuyên Quang), chiến sĩ đồn BP Sủng Là, hy sinh 26.6.1988; binh nhì Ứng Doãn Mạnh (sinh 1969, quê Phú Xuyên, TP. Hà Nội), chiến sĩ đồn BP Pà Vầy Sủ, hy sinh ngày 7.7.1988; binh nhất Lìu Seo Sơn (sinh 1968, quê Hoàng Su Phì, Hà Giang), chiến sĩ đồn BP Thàng Tín, hy sinh 31.7.1988”…

(Nguồn: BĐBP Hà Giang)

***

 

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá – Kỳ 5: Giữ Lùng Vần Chải

TNMai Thanh Hải – 27/07/2022 10:00 GMT+7

Nửa ngày chạy xe từ TP. Hà Giang , gần lên xã biên giới Thượng Phùng (H.Mèo Vạc), thế nào cũng thấy khoảng đất bên phải, dọc từ mốc 470 đến mốc 474. Đó là khu vực Lùng Vần Chải (xã Xín Cái, Mèo Vạc) – nơi đã thấm máu của hàng trăm bộ đội, nhân dân cùng gìn giữ, bảo vệ suốt những năm 90.

Trọng thương khi bảo vệ dân

Tháng 3.2022, tôi lên Lùng Vần Chải, tìm lại hồi ức giữ chủ quyền những năm 1992 – 2000. Hôm ở nhà trưởng thôn, một bà cụ cứ nắm tay, nói tiếng đồng bào. Nhờ dịch, mới biết: Đó là bà Chảo Chỉn Sửu, kể chuyện bị lính Trung Quốc hành hung năm 1994 và được “cán bộ Tuệ” cứu sống…

Bộ đội ĐBP Săm Pun (nay là ĐBP Xín Cái) và đoàn viên thanh niên H.Mèo Vạc (Hà Giang) trồng cây phủ xanh khu vực Lùng Vần Chải – TƯ LIỆU

Cán bộ phòng Chính trị BĐBP Hà Giang tặng phần quà của bạn đọc Báo Thanh Niên tới cựu chiến binh La Văn Tuệ, nhân 75 năm ngày Thương binh – liệt sĩ – MAI THANH HẢI

Trung tá La Văn Tuệ (62 tuổi, hiện đang sống ở TT.Vĩnh Tuy, H.Bắc Quang, Hà Giang) có 12 năm công tác ở Đồn biên phòng (ĐBP) Săm Pun, kể: Khu vực Lùng Vần Chải (xã Xín Cái, H.Mèo Vạc) là nơi định cư của đồng bào Dao. Năm 1976, phía Trung Quốc mở đường dân sinh qua nương của ta, thời điểm ấy 2 bên thân thuộc, nên bà con không phản ứng. Tháng 2.1979, người dân sơ tán về tuyến sau. Từ 1986, bà con trở lại xóm cũ ổn định sản xuất với 10 hộ (91 khẩu).

Cựu chiến binh Hoàng Văn Phát, nguyên chiến sĩ ĐBP Săm Pun kể lại chuyện bảo vệ chủ quyền với cháu nội – MAI THANH HẢI

Năm 1992, phía Trung Quốc đơn phương tuyên bố “Lùng Vần Chải là của Trung Quốc” và liên tục cho dân binh (có binh lính vũ trang hỗ trợ), sang Lùng Vần Chải làm nương trồng ngô. Khi Bộ đội biên phòng (BĐBP) đồn Săm Pun và người dân đấu tranh, họ đe dọa: “Sẽ nổ súng nếu Việt Nam động đến người Trung Quốc”…

Trung tá Vũ Duy Quyết, đồn trưởng ĐBP Săm Pun và những người dân tiêu biểu trong công tác chống lấn chiếm tại Lùng Vần Chải, năm 1997 – TƯ LIỆU

Từ giữa tháng 4.1992, H.Mèo Vạc huy động cán bộ, nhân dân các xã phía sau lên tăng cường cho Xín Cái. Thấy ta cương quyết, phía Trung Quốc cho binh lính cải trang, dùng gậy gộc, dao quắm, quyết liệt tấn công lực lượng ta.

“Bên họ cố ý khiêu khích ta nổ súng để lấy cớ, cho lực lượng vũ trang ém sẵn đằng sau, ào lên chiếm đóng dọc biên giới Xín Cái – Thượng Phùng. Không mắc mưu đối phương, chúng tôi đề nghị thành lập 2 tổ công tác biên phòng ở Lùng Vần Chải. Khi dân binh Trung Quốc đập phá tài sản, đánh dân ta, thì cương quyết chống trả. Nhiều lúc phải dùng đến gạch đá, vũ khí thô sơ, mới đuổi được chúng”, trung tá La Văn Tuệ kể vậy.

Chỉ huy ĐBP Săm Pun (bên phải) đấu tranh với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc, trong cuộc hội đàm thường kỳ, tháng 12.1997 – TƯ LIỆU

Cuối tháng 3.1994, mỗi ngày có khoảng 100 – 120 dân Trung Quốc mang trâu bò, công cụ sản xuất, sang Lùng Vần Chải làm nương, trồng ngô. Khi lực lượng ta ngăn chặn, phía Trung Quốc lao vào tấn công, khiến 28 bộ đội và người dân ta bị thương.

Sáng 25.3.1994, ta ngăn chặn hơn 100 dân Trung Quốc xâm canh Lùng Vần Chải.

Thấy ta quyết liệt, lính Trung Quốc nổ súng đe dọa và huy động thêm 200 quân nhân cải trang, ào lên tấn công lực lượng ta bằng đá xanh, gậy gộc và cướp trang bị, mũ quân phục của tổ công tác BĐBP Săm Pun.

“Chúng tôi kiên quyết đấu tranh, nhưng do lực lượng mỏng, bên Trung Quốc quá đông, tỷ lệ 1/10, nên họ thường xuyên áp đảo. Từ giữa năm 1994, phía Trung Quốc không chỉ xâm canh, đập phá đồ đạc mà còn đốt nhà và hành hung dân ta”, ông Tuệ nhớ: Sáng 12.7.1994, hàng trăm dân binh và quân nhân cải trang Trung Quốc ào vào đốt 10 ngôi nhà ở Lùng Vần Chải. Khi ta ngăn cản, chúng hung hãn tấn công làm 9 người bị thương nặng, trong đó anh Vàng Dấn Lùng bị gãy tay, bà Chảo Chỉn Sửu bị ném đá thương tích nặng vùng mặt… Khi đồng bào bị đánh, bộ đội ta lao vào che chắn bảo vệ và nhiều người đã bị thương nặng.

Lực lượng BĐBP và Công an H.Mèo Vạc làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, năm 2000 – TƯ LIỆU

“Thấy chị Sửu bị ném đá, máu chảy đầy mặt, tôi chạy sang giơ lưng đỡ và bế chuyển chị ấy cho những người phía sau. Vừa cứu được chị Sửu thì nghe anh em hét: Bọn Trung Quốc định bắt Bí thư xã. Tôi nhặt 1 cây gậy, lao vào đánh bật 4 – 5 thằng đang xúm quanh ông Vàng A Lử, đẩy ông chạy ra phía sau. Hơn chục thằng dân binh lao vào đánh tôi bất tỉnh và khênh ra biên giới, đánh đập đến gần 4 giờ chiều”, ông Tuệ giơ bàn tay bị thương tích, kể: “Một thằng chém tôi bằng sống dao, tôi đỡ được. Nếu là lưỡi dao, chắc đứt cả bàn tay”.

BĐBP Hà Giang tặng mũ bảo hiểm cho đồng bào H.Mèo Vạc – TƯ LIỆU

 

Giải vây cho cán bộ tỉnh

Tôi về xã Thụy Phong (H.Thái Thụy, Thái Bình) tìm đại tá Vũ Duy Quyết, nguyên đồn trưởng ĐBP Săm Pun – người đã có 17 năm bảo vệ biên giới Mèo Vạc (Hà Giang), hỏi chuyện ông “”tả xung hữu đột” giữa vài chục lính Trung Quốc, giải vây cho đoàn công tác của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang vào khảo sát khu vực Lùng Vần Chải.

Ông Quyết kể: Sau sự kiện đốt phá 10 ngôi nhà, hành hung đồng bào ta và đánh trọng thương trung úy La Văn Tuệ, từ giữa tháng 7.1994, phía Trung Quốc liên tục duy trì trên 100 binh lính, dân binh mai phục ở 2 đầu xóm Lùng Vần Chải, không cho ta ra vào.

Đại tá Vũ Duy Quyết (trái) hiện đang nghỉ hưu tại H.Thái Thụy, Thái Bình – MAI THANH HẢI

Ngày 22.7.1994, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang và lãnh đạo tỉnh, huyện vào khảo sát thực tế khu vực Lùng Vần Chải.

Khi đến đầu xóm, lực lượng Trung Quốc bao vây, tấn công, định bắt đoàn công tác. Bộ đội ĐBP Săm Pun do đồn phó – thiếu tá Vũ Duy Quyết chỉ huy, đã chống trả quyết liệt, bảo vệ an toàn cho các cán bộ.

“Chúng thấy tôi là chỉ huy nên tập trung hành hung. Khi tôi chặn hậu cho anh em rút, chúng ném đá cho bất tỉnh và dùng cuốc xẻng, xà beng định đánh chết. Lực lượng cứu viện đưa tôi về Bệnh viện H.Đồng Văn cấp cứu và sau đó phải đưa xuống Hà Nội điều trị vài tháng. Khi giám định sức khỏe, tỷ lệ thương tật là 30% và tôi được xếp thương binh hạng 4/4”, đại tá Vũ Duy Quyết trầm giọng kể vậy.

Đánh chết cũng không khai

Tháng 9.1993, anh Hoàng Văn Phát (dân tộc Tày, ở xã Xuân Giang, H.Quang Bình) 20 tuổi và nhập ngũ vào BĐBP Hà Giang. Đầu năm 1994, binh nhất Phát được bổ sung vào tổ chống lấn chiếm tại Lùng Vần Chải (xã Xín Cái, H.Mèo Vạc).

“Ban đầu ra thực địa, thấy bọn Trung Quốc sang chiếm đất, đánh dân và đốt nhà, tôi định nổ súng, may mà chỉ huy ngăn lại”, anh Phát kể vậy.

Vết thương ở tay trái cựu chiến binh Hoàng Văn Phát – MAI THANH HẢI

Rạng sáng 23.7.1994, hàng trăm dân binh Trung Quốc lại tràn sang Lùng Vần Chải. Thấy tổ công tác BP dẫn đầu lực lượng đấu tranh, lính Trung Quốc tập trung hành hung BĐBP và 9 giờ sáng, họ bao vây binh nhất Hoàng Văn Phát. Mặc dù đã nỗ lực chiến đấu giải vây, nhưng do lực lượng ta mỏng, nên 10 giờ sáng, binh nhất Phát bị bắt trói, khênh sang Trung Quốc trong khi trọng thương.

“Chúng dội nước cho tỉnh và tra tấn, bắt khai tình hình đơn vị. Tôi xác định là chết, nhắm mắt không nói, khiến chúng càng tức tối, vụt gậy liên tục. Đến chiều, tôi bất tỉnh, hơi thở yếu, chúng mang ra biên giới vứt và dân ta đưa về”, anh Phát kể vậy.

Đại tá Phạm Mạnh Hạ, Đồn trưởng ĐBP Săm Pun (1990 – 1995) nhớ lại: Khi đưa về, Phát bị thương tích khắp vùng đầu, toàn thân thâm tím, ngón tay áp út trái bị gãy, 2 chân sưng vù. Đơn vị chuyển ngay về tỉnh cấp cứu, tỉnh lại chuyển Bệnh viện Quân y 109 (Vĩnh Yên) điều trị trong 2 năm, sau đó lại nằm bệnh xá BĐBP tỉnh 2 năm nữa, đến 1998 được xuất ngũ về địa phương.

PV Báo Thanh Niên tặng quà của bạn đọc tới cựu chiến binh Hoàng Văn Phát – NÔNG QUANG LẬP

Tôi về xã Xuân Giang (H.Quang Bình, Hà Giang) hỏi anh Hoàng Văn Phát, người dân thôn Trung ai cũng lắc đầu: “Khi đi béo tốt, lúc về bủng beo. Bị gì trong bộ đội mà 2 chân bị teo cơ và cứ thay đổi thời tiết là đau đớn, lăn lộn”. Ít người ở Hà Giang biết chuyện trung sĩ Hoàng Văn Phát bị thương khi bảo vệ chủ quyền, lúc yên ấm hòa bình và di chứng còn kéo dài, đến tận hôm nay…

(Còn tiếp)

***

 

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá – Kỳ cuối: Những ‘thương binh không thẻ’

TNMai Thanh Hải – 28/07/2022 14:40 GMT+7

‘Bộ đội làm nhiệm vụ, có bề gì còn được xét chế độ thương binh liệt sĩ. Hàng nghìn bà con nhân dân sát cánh suốt vài chục năm, cũng bị thương tích, khi giữ chủ quyền, nhưng rất khó để xét tiêu chuẩn. Chúng tôi đã rất nhiều lần đề nghị việc này’, đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy BĐBP Hà Giang nói vậy.

Nằm trước mũi xà beng

Đầu năm 1994, anh thanh niên Chào Chỉn Xiền (thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái, H.Mèo Vạc) đi bộ lên trụ sở xã Xín Cái gặp Bí thư Vàng A Lử, năn nỉ: “Tôi 21 tuổi rồi. Cho tôi đi bộ đội, đánh Trung Quốc. Chúng nó ác như con hổ, cứ đuổi dân Lùng Vần Chải để cướp đất”. Bí thư Lử bảo: “Bây giờ chỉ đấu tranh giữ đất thôi” và cho Xiền vào trung đội dân quân xã, trực chống lấn chiếm.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, tại xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên, Hà Giang. – ĐỘC LẬP

Anh Chào Chỉn Xiền (trái) kể chuyện chống lấn chiếm với chỉ huy đồn BP Xín Cái. – MAI THANH HẢI

Ở chốt rất vất vả, ăn ở tạm bợ trong mấy cái lán, giấc ngủ đêm chập chờn, sẵn sàng bật dậy khi dân binh Trung Quốc mò sang. Thế nhưng, Xiền và anh em dân quân không hề kêu ca 1 nửa lời, khổ quá lại bảo nhau: “Mấy đứa bộ đội nhà dưới xuôi, mà lên đây giữ nhà cho mình, mình phải gắng chứ”.

Nói chuyện với tôi, anh Chào Chỉn Xiền (năm nay 49 tuổi, hiện là trưởng thôn Lùng Vần Chải) kể: Đầu 1997, phía Trung Quốc làm đường tuần tra biên giới và cố tình lấn sang đất ta, để có lợi cho việc hoạch định biên giới sau này.

Chỉ huy đồn BP Săm Pun (trái) đấu tranh với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc ngoài thực địa, năm 1996. – TƯ LIỆU

Ngày 17.2.1997, lợi dụng trời rét, gần 200 dân binh Trung Quốc mở đường từ biên giới vào xóm Lùng Vần Chải. Ta quyết liệt đấu tranh, nhưng do sương mù dày đặc, quân số ít nên ta chặn chỗ này thì chỗ khác họ lại mở mới. Có những lúc, lực lượng ta phải nằm xuống đất, trước mũi xà beng để ngăn chặn. Sau hơn 2 giờ đồng hồ giằng co, phía dân binh Trung Quốc đã làm được khoảng 700m đường. Sau đó, phía Trung Quốc đưa dân binh ra canh giữ đường và định mở rộng thêm. “Đêm lạnh đến âm độ, bọn Trung Quốc không chịu được phải đốt lửa sưởi. Lúc ấy chúng tôi mới chia nhau thành nhóm, phá bỏ các đoạn đường và 10 ngày sau, phá bỏ hoàn toàn”, anh Xiền kể vậy và rành rọt: “Sau này, tôi nói chuyện với người quen bên Trung Quốc, mới biết là mỗi hộ dân giáp biên bị ép phải làm sang phía Việt Nam 2m đường. Nếu hoàn thành, sẽ được trả 5 NDT/1m. Nếu không làm được, sẽ bị phạt rất nặng”…

Búa tạ đập nát “mốc giả”

Đến thôn Sín Phìn Trư (X. Thượng Phùng), hỏi “chuyện ngày xưa”, ai cũng chỉ nhà ông Già Chúng Xà (70 tuổi), bảo: “Ông ấy làm trung đội trưởng dân quân suốt 40 năm”. Hỏi chuyện, ông Xà cười: “Mình thuộc từng hòn đất, cái lá cây ở đây nên xã cứ bảo mình làm mãi” và kể: Ngoài điểm nóng Lùng Vần Chải, năm 1997, phía Trung Quốc còn mở đường trái phép sang Sín Phìn Chư.

Ông Giàng Chúng Xà kể lại chuyện bảo vệ chủ quyền với cán bộ đồn BP Xín Cái – MAI THANH HẢI

Sáng 9.3.1997, khoảng 50 dân binh Trung Quốc được lực lượng vũ trang hỗ trợ, lợi dụng sương mù, mở đường sang khu vực Sín Phìn Chư. Lực lượng tuần tra của Đồn BP Săm Pun (nay là Đồn BP Xín Cái) phát hiện, tổ chức nhân dân đấu tranh ngăn chặn. Dân binh Trung Quốc dùng cuốc xẻng, dao gậy tấn công lực lượng ta làm 21 người bị thương (trong đó có 4 bị thương rất nặng). Ta vẫn kiên quyết bám trụ đấu tranh bằng mọi cách và đến 14 giờ, dân binh Trung Quốc rút về bên kia.

Phút nghỉ hiếm hoi của tổ công tác chống lấn chiếm, đồn Bp Săm Pun (nay là đồn BP Xín Cái), năm 1995. – TƯ LIỆU

Khoảng 1 tiếng sau, lợi dụng lúc sương mù dày đặc, khoảng 60 dân binh và binh lính Trung Quốc khiêng 1 tảng đá (dài 0,8m; rộng 0,7m; dày 0,4m có đục lỗ ở giữa 30 x 30 cm), nghi là chân đế cột mốc, sang đất ta. Khi bị BĐBP đồn Săm Pun cương quyết ngăn chặn, phía Trung Quốc tăng cường hơn 100 binh lính mang theo vũ khí, tạo thành vòng tròn bảo vệ cho dân binh khiêng tảng đá đi vào đất Sín Phìn Trư khoảng 150m so với đường biên hiện quản và chôn chìm xuống đất. Hai bên giằng co xô đẩy đến rạng sáng ngày 10.3.1997.

BĐBP Hà Giang xuống bản làm công tác vận động quần chúng, năm 1997 – TƯ LIỆU

“5 giờ sáng hôm sau 10.3.1997, lính Trung Quốc rút về ăn cơm. Ngay lập tức, BĐBP Đồn Săm Pun và dân quân đào tảng đá lên và dùng búa tạ đập nát. Vừa xong thì 40 lính bảo vệ 10 sĩ quan Trung Quốc đến kiểm tra tảng đá. Thấy bị đập, chúng rất tức tối, chửi mắng nhau và quay sang đe dọa: Khu vực này sẽ thuộc về đất Trung Quốc, mở tuyến đường từ Lùng Vần Chải lên Sín Phìn Chư” – Ông Già Chúng Xà kể vậy và cười: “Giờ, đất này vẫn của dân Sín Phìn Trư”…

Vào giữa bãi mìn, chấp nhận hy sinh

Anh Lò Giáo Giàng kể lại chuyện cùng BĐBP bảo vệ biên giới, những năm 90 – MAI THANH HẢI

Lò Giáo Giàng, là người Dao ở thôn Lùng Vần Chải (X. Xín Cái). 43 tuổi, Giàng thoăn thoắt điều hành cái xưởng nghiền đá xây dựng cạnh biên giới, có tình hình bất thường là gọi điện báo ngay cho bộ đội Đồn BP Xín Cái. Hỏi ra mới biết, Giàng gia nhập dân quân từ năm 14 tuổi, tham gia mọi trận chống lấn chiếm và cũng bị lính Trung Quốc đánh đập vài lần: “Bên nó kéo sang cầm dao dọa giết, mình không sợ đâu, mang gậy ra đánh lại. Mình chất sẵn mấy đống đá trên đồi, cứ nó sang dọa nạt đuổi bà con là mình ném lại. Có lần mình ném hăng quá, hết cả đá, quay lại nhìn thì bà con mình đã chạy hết. Lính Trung Quốc ào lên bắt mình và đánh rất dã man. Toàn lính đánh thôi, dân bên ấy họ tránh ra hết vì đều quen thân, lạ gì nhau”, Lò Giáo Giàng hồn nhiên kể vậy và gật gù: “Bộ đội đồn Săm Pun lì lắm, còn đứng giữa bãi mìn ngăn Trung Quốc”…

Một đoạn biên giới Việt Nam – Trung Quốc, hình chụp từ chốt quản lý bảo vệ biên giới thuộc đồn BP Xín Cái (H.Mèo Vạc, Hà Giang). – MAI THANH HẢI

Hỏi chuyện “vào bãi mìn”, đại tá Vũ Duy Quyết (nguyên đồn trưởng BP Săm Pun thời điểm 1996 – 2006) kể: Từ tháng 5 đến tháng 7.1998, phía Trung Quốc cho công binh rà phá vật cản ở một số bãi mìn trên biên giới, với mục đích rà phá xong, sẽ cho dân sang canh tác và nhận là đất Trung Quốc. BĐBP Đồn Xín Cái đã cương quyết ngăn chặn, thu giữ 30 quả mìn ống. Thậm chí, thiếu úy Nguyễn Hữu Công (năm 2018 nghỉ hưu, đeo hàm thiếu tá) đã dũng cảm vào giữa bãi mìn, không cho công binh Trung Quốc phá nổ, chiếm đất.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Cửu (nay là thượng tá, chính trị viên tiểu đoàn huấn luyện – cơ động, BĐBP Hà Giang hướng dẫn cán bộ xã Nghĩa Thuận (H.Quản Bạ, Hà Giang) sử dụng công nghệ thông tin, năm 2001. – TƯ LIỆU

Từ năm 1992 – 1998, BĐBP Săm Pun đã dũng cảm, khôn khéo đấu tranh giữ gìn nguyên trạng đường biên mốc giới và một số cán bộ chiến sĩ đã bị thương. Ngày 3.8.1995, đồn BP Săm Pun được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT do có thành tích trong đấu tranh chống lấn chiếm.

Cán bộ chiến sĩ đồn BP Săm Pun cấp cứu đồng đội bị thương khi làm nhiệm vụ. – TƯ LIỆU

Đại tá – thương binh Vũ Duy Quyết, nguyên đồn trưởng BP Săm Pun bảo: “Hàng ngàn hàng vạn người dân Mèo Vạc, Hà Giang kiên cường giữ đất từ bao năm nay, rất nhiều người bị thương tích do bom mìn, gạch đá, gậy gộc trong khi cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền. Họ mới thực sự là thương binh, tuy không thẻ” và chắc nịch: “Vũ khí hiện đại đến đâu, cũng khó hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ biên cương, nếu không có sự đồng lòng ủng hộ của người dân biên giới”…

… “Ngày 12.2.2004, BĐBP đồn Lũng Cú phát hiện 30 công nhân Trung Quốc (có 20 binh lính vũ trang bảo vệ), bắc cầu tạm qua sông Nho Quế sang thôn Xéo Lủng (xã Lũng Cú, H.Đồng Văn), định xây dựng cầu bê tông sang ta.

Từ ngày 13.2 – 20.3.2004, BĐBP Lũng Cú đã cùng nhân dân đấu tranh và tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, canh gác 24/24 giờ tại bờ sông Nho Quế.

Từ ngày 15.2.2004, đồn BP Lũng Cú liên tục viết thư phản kháng và mời hội đàm với Trạm kiểm soát Biên cảnh Mã Lâm (Trung Quốc) về việc vi phạm hiệp định tạm thời. Phía Trung Quốc không nhận hội đàm… Ngày 25.2.2004, phía Trung Quốc nhận hội đàm tại thực địa và phá bỏ cầu gỗ bắc sang đất ta.

Ngày 28.2.2004, Đồn BP Lũng Cú tổ chức hội đàm với Trạm Hội ngộ hội đàm Đổng Cán của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Phía Trung Quốc không thừa nhận việc vi phạm hiệp định tạm thời, mà nêu lý do: “Do hai bên nhận thức khác nhau về diện tích khu vực này”… Tuy nhiên, trước những căn cứ ta đưa ra, họ phải đồng ý dừng thi công và khôi phục hiện trạng ban đầu”…

(Nguồn: BCH BĐBP Hà Giang)

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá

Kỳ cuối: Những ‘thương binh không thẻ’

Kỳ 5: Giữ Lùng Vần Chải

Kỳ 4: Cuộc chiến không tiếng súng

Kỳ 3: Sống bám đá, chết trên đá

Kỳ 2: Trung kiên trước đòn thù

Kỳ 1: Những liệt sĩ đầu tiên của BĐBP

Leave a comment