Thánh nhân như nước

Chào các bạn,

Có lẽ là điều làm chúng ta mất tĩnh lặng nhiều nhất trên đời là ý muốn áp đặt, lèo lái, vận hành người khác, dù người đó là bố mẹ, con cái, bạn bè, hay nhân dân.

Áp đặt là muốn (những) người kia làm theo ý mình.

Áp đặt có nhiều hình thức từ tinh vi đến thô lỗ, từ nước mắt đến vũ lực. Nhưng dù hình thức nào đi nữa thì mọi áp đặt đều có một điểm chung là “người áp đặt luôn tìm cách để (những) người kia làm theo ý mình”.

Thánh nhân như nước, đến với mọi loài, thẩm thấu và nuôi dưỡng mọi loài, nhưng không đòi thay đổi, áp đặt, dời chuyển loài nào cả.

Áp đặt luôn gây ra xung động cho cả hai phía—phía áp đặt thì căng thẳng giận dữ vì phía kia không đi theo ý mình muốn, phía bị áp đặt thì căng thẳng giận dữ vì mình không được đi theo ý mình muốn. Đương nhiên trạng thái tâm lý như thế là nguồn gốc của mọi chiến tranh đổ vỡ.

Có lẽ là 80% vấn đề trong gia đình và giữa bạn bè là do áp đặt.

Và thường là người áp đặt không hề biết là mình đang tạo ra xung động cho chính mình và cho người khác, vì thói quen tự nhiên xưa nay là thế–rất khó thấy cái gì mình đã quá quen thuộc với nó.

Áp đặt luôn luôn là sự thể hiện của cái tôi cứng chắc gai góc.

Thánh nhân như nước, đến với mọi loài, thẩm thấu và nuôi dưỡng mọi loài, nhưng không đòi thay đổi, áp đặt, dời chuyển loài nào cả.

Nhưng mọi loài đều sinh trưởng nhờ va chạm với nước.

Chúc các bạn một ngày tươi mát.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

8 thoughts on “Thánh nhân như nước”

  1. “Thánh nhân như nước, đến với mọi loài, thẩm thấu và nuôi dưỡng mọi loài, nhưng không đòi thay đổi, áp đặt, dời chuyển loài nào cả.”,
    cám ơn anh Hoành!

    Like

  2. khiêm tốn như nước, thành thật như nước, yêu người như nước và tĩnh lặng như nước.

    Cám ơn anh.

    Like

  3. Vậy trong trường hợp người làm quản lý thì sao anh Hoành? Em mới tập làm quản lý một nhóm nhỏ 5 người mà thấy khó quá! Mỗi người một ý. Quản lý chặt thì thành viên phản ứng, mà thả lỏng thì thành viên lại lơ là. Anh có thể tư vấn giúp em 1 tí được ko ạ? vì em chưa có kinh nghiệm về quản lý nhóm. Thank anh! 🙂

    Like

  4. Hi hqdung,

    Quản lý là một nghệ thuật–quản lý 5 kế toán viên thì khác quản lý 5 nhạc sĩ, hay 5 kỹ sư vi tính… Cho nên không thể trả lời chung chung được. Hơn nữa, nhóm 5 người này thì khác nhóm 5 người kia về cá tính từng người…

    * Và nếu người trong nhóm hiểu vài quy luật căn bản của cách làm việc nhóm thì dễ làm việc hơn. Quy tắc quan trọng nhất mọi người phải nắm vững là: “Người trưởng nhóm có nhiệm vụ và quyền hạn làm quyết định cho nhóm.”

    Tức là nếu trưởng nhóm cho mọi người bỏ phiếu để làm quyết định, thì đối với cấp trên trưởng nhóm vẫn phải chịu trách nhiệm cá nhân như đó là quyết định của chính trưởng nhóm. Không thể nói với cấp trên “Tôi không chịu trách nhiệm vì đây là quyết định chung của cả nhóm.”

    Hiểu biết “Người trưởng nhóm có nhiệm vụ và quyền hạn làm quyết định cho nhóm” rất quan trọng. Vì thường là cả nhóm thảo luận xong rồi, thì trưởng nhóm phải làm quyết định theo ý của trưởng nhóm mà mọi thành viên không đòi hỏi “phải bỏ phiếu cho dân chủ”.

    * Điều quan trọng nhất mà trưởng nhóm sẽ phải làm là lập thời khóa biểu làm việc, và đốc thúc mọi người thường xuyên theo thời khóa biểu. Ví dụ: Sắp đặt một cuộc họp, trưởng nhóm phải: (1) Nói chuyện với mọi người để tìm ngày giờ và nơi chốn thuận tiện nhất cho tất cả, (2) thông báo cho mọi người biết ngày giờ, nơi chốn và nhiệm vụ của mỗi người, (3) trước ngày họp môt tuần hay vài ngày, gọi mọi người để xem mỗi người đã chuẩn bị phần mình chưa (nếu là diễn văn hay nói chuyện, thì xin dàn bài của họ), để mình (i) biết mọi người đã chuẩn bị tốt và (ii) biết họ sẽ nói gì (Tức là mình nắm rõ tình hình trước khi có cuộc họp), (4) trước ngày họp thì lại email cho mọi người để nhắc nhở.

    Làm việc với mọi người và đốc thúc mọi người thường xuyên là việc số 1 của xếp, dù là ở cấp nào.

    * Khi bàn luận thì hỏi ý mọi người và nghe mọi người, khuyến khích mọi người suy tư, bàn luận và sáng tạo.

    * Xong rồi gói ghém ý mọi người và thử đưa ra các giải pháp từ đó. Nếu không có điểm nào quan trọng sống chết, thì giải pháp nào được nhiều người đồng ý thường là giải pháp tốt nhất (vì được nhiêu người ủng hộ nhất).

    * Có những chuyện không quyết định ngay được mà cần suy nghĩ thêm (hoặc cần hỏi ý kiến cấp trên) thì nói cho mọi người biết, như là: “Rồi, coi như mình đã hiểu ý anh em. Để mình trình lại với thủ trưởng để xem ý thủ trưởng thế nào, ròi mình sẽ làm việc với thủ trưởng để có quyết định cho việc này.”

    Đại khái là vậy.

    Liked by 1 person

  5. Cảm ơn anh Hoành đã dành thời gian tư vấn cho em một cách nhanh chóng. Em sẽ copy lời khuyên từ người nhiều kinh nghiệm như anh về cho cả nhóm tham khảo. Riêng em sẽ còn nghiền ngẫm và học hỏi nhiều hơn nữa để nắm được phần nào nghệ thuật mà mình đang cần phải học này.

    Thank you so much! 🙂

    Like

  6. “Thánh nhân như nước…” cũng có nghĩa là người nào làm cho người mình gặp gỡ tiếp xúc được biến đổi từ một hạt mầm bé xíu thành cây cao lớn, người xấu thành tốt, từ vô dụng trở nên hữu dụng rổi triển nở, làm cho mội trường sống xung quanh mình thay đổi trở nên tốt hơn đều là thánh nhân, đúng không anh.

    Like

  7. Mình hãy chấp nhận con người và sự việc một cách tự nhiên như nó vốn có, thì mọi việc sẽ tốt hơn lên,vì mọi sự vật đã vận hành theo quy luật tự nhiên ( bản thể ) …không cần tác động, trái đất vẫn quay quanh mặt trời và đó là điều không thay đổi !

    Like

Leave a comment