Người tư duy tích cực

Chào các bạn,

Điểm khác biệt duy nhất của người tư duy tích cực và người bình thường là ở chỗ nào các bạn biết không?

• Người bình thường tư duy và hành xử theo phản ứng, hay theo kiểu có qua có lại (qui pro quo, this for that, cái này cho cái kia).

Yêu tôi thì tôi yêu, ghét tôi thì tôi ghét.
Thành thật với tôi thì tôi thành thật, dối trá với tôi thì tôi dối trá.
Tốt với tôi thì tôi tốt, xấu với tôi thì tôi xấu.

Nghe ra thì chẳng có gì là vô lý cả. Cũng là tư duy có lý thôi. Ngoại trừ:

– Mọi người, từ người ngu dốt không biết gì, đến kẻ trộm cướp, đều tư duy kiểu này. Chẳng có gì là thông thái cả.

– Tư duy này đưa đến trò chơi mặt nạ, xử với nhau bằng mặt nạ. Không thành thật trước, không tốt trước, không tử tế trước. Đợi người kia cư xử trước xem thế nào rồi hãy tính. Cho nên mọi người cứ “đợi” nhau kiểu đó. Trong thời gian chờ đợi thì, ta cứ tạm cư xử với nhau qua mặt nạ. Và thời gian chờ đợi này có thể kéo dài cả đời người.

• Người tư duy tích cực, hành xử chỉ có một chiều, chủ động, và không đợi ai cả.

Tôi tốt với mọi người, dù người đó là ai.
Tôi thành thật với mọi người dù người đó là ai.
Tôi yêu mọi người dù người đó là ai.

Các bạn, quy luật một chiều này rất dễ nhớ. Yêu thương vô điều kiện, Thành thật vô điều kiện. Khiêm tốn vô điều kiện. Tốt vô điều kiện… Đây là quy luật tư duy tích cực, và đó là tư duy của con đường thánh, vì mọi thánh nhân xưa nay đều dạy như thế.

Bạn cho quy luật một chiều này một ngoại lệ là bạn làm yếu quy luật một chút. Càng nhiều ngoại lệ, quy luật càng yếu. Đến một lúc nào đó ngoại lệ của bạn nhiều quá thì quy luật chết hẳn.

Giản dị vậy thôi. Bạn càng quyết tâm, càng ít ngoại lệ, nội lực tích cực của bạn càng mạnh. Nếu bạn không còn ngoại lệ nữa thì bạn đã thành thánh. Mình tin rằng các thánh nhân “hốt nhiên đại ngộ”, tự nhiên mà đại ngộ trong một giây, như Thiền tông lục tổ Huệ Năng, là người đột nhiên mà nắm quy luật một chiều và hoàn toàn không có ngoại lệ nào cho quy luật.

Vậy thì mỗi chúng ta phải quyết định ta muốn tích cực đến mức nào.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến.

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Người tư duy tích cực”

  1. Em thích bài này. Em vẫn thích những bài căn bản của anh – nghe rồi nghe lại vẫn không chán. Có lẽ vì những vấn đề cơ bản, nền tảng, gốc rễ có giá trị định tâm rất lớn trong khi những vấn đề nhánh sẽ có sự biến hóa, đa dạng và dễ khác biệt. Thật là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

    Liked by 1 person

  2. Thế giới nầy chính là “thiên đường” khi tất cả mọi người học tập và thực hành “tôi tốt, thành thật và yêu mọi người, dù người đó là ai”.
    Nhưng chắc chắn điều nầy không bao giờ là hiện thực. Vậy mỗi người chỉ có thể tìm “thiên đường trong tâm mình” khi tu tập “tốt, thành thật và yêu mọi người, dù người đó là ai”.
    Liệu những kẻ xấu ác có lợi dụng thiện tâm thiện ý của người tốt không?

    Like

  3. Hi anh Thảo,

    Đương nhiên là sẽ có vài kẻ xấu ác “lợi dụng” thiện tâm thiện ý của người tốt. Nhưng tùy theo chuyện mà mình xung phong để người ta “lợi dụng”, đến mức mình chịu được thì ừ, đến mức lớn hơn mình có thể chịu được, nhất là khi liên hệ đến an ninh và quyền lợi của người khác nữa, thì không.

    Nhưng mình không dùng từ “lợi dụng”. Mình nói đó là cái giá phải trả. Phải để cho người khác có hội hiểu sự thành tâm của mình, thì họ mới có thể hiểu được. Đó chỉ là cái giá để tạo cơ hội cho người ta thấy thành tâm. Cũng là công bằng thôi.

    Liked by 1 person

Leave a comment