Giáo dục tự tin và sáng tạo

Chào các bạn,

Nền giáo dục của chúng ta nói chung là nền giáo dục dạy ta mất tự tin. Đó là giáo dục dạy người trẻ rập khuôn theo các kiến thức, kết luận, tư duy, giá trị, lý thuyết, chủ nghĩa… mà người lớn, đôi khi chỉ một thiểu số người lớn, cho là đúng. Một nền giáo dục như thế không thể tạo ra người tự tin và sáng tạo.

Tự tin có nghĩa là chính mình phải tìm con đường và tự chon đường cho mình. Sáng tạo là tìm được và chọn được con đường mới cho mình. Tự tin và sáng tạo luôn đi đôi với nhau. Không thể có sáng tạo nếu ta không tự tin.

Một điều tất cả chúng ta đều biết là giáo dục truyền thống xưa nay của chúng ta là loại giáo dục áp đặt, và có lẽ là chúng ta đã quá quen với khuôn mẫu giáo dục đó cho nên ta không thể nào thoát ra khỏi vòng cương tỏa của nó được. Bao nhiêu bàn luận về cái tổ giáo dục xưa nay xem như chẳng mang lại được gì khả quan trông thấy trong hệ thống giáo dục tại trường học, cũng như trong cách hành xử chung ngoài xã hội hay guồng máy công quyền.

Nhưng đây là điều khó khăn của giáo dục. Làm sao để giáo dục các em biết tự tìm đường và tự chọn, khi các em chưa biết thế nào để tìm và chọn, chưa biết thế nào là tốt hay xấu, hay hoặc dở? Chọn vitamin thì không chọn, chọn ngay thuốc độc có phải là hỏng không?

Mình nghĩ là chúng ta có thể thoát ra khỏi vòng kim cô này nếu chúng ta cho nhau “cơ hội chọn lựa”.

• Người lớn (cô, thầy, bố, mẹ) có thể dạy các em về cách tư duy và lựa chọn của mình, cách phân tích lợi hại, rồi nói: “Đây là đường bố/mẹ/thầy/cô chọn. Em/con nên suy nghĩ là tự chọn kết luận cho mình, tự chọn con đường của riêng mình.”

Và khi em/con chọ con đường khác với con đường của người lớn thì đừng nổi điên lên.

• Những người trẻ phải sáng suốt để không nhắm mắt nghe theo người lớn, mà phải tự tư duy và tự kết luận mọi sự cho mình. Đương nhiên là nên học kiến thức của người nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng chính mình phải tự suy tư và quyết định. Như là võ sinh, học kiến thức và kinh nghiệm của thầy, nhưng chính mình phải lên sàn đấu.

Vấn đề lớn là chúng ta thường chỉ tay vào “người lớn” và “lãnh đạo” và nói là họ không sáng tạo, họ áp chế, họ dạy kiểu học vẹt, mà các bạn trẻ không đòi hỏi là chính mình phải có trách nhiệm tự trưởng thành.

Nếu người lớn không làm tròn nhiệm vụ của họ, và nếu bạn là một người trẻ thông minh, hiểu được điều đó, thì chính bạn phải vượt ra khỏi vòng cương tỏa tư duy, tự tìm tòi, tự phân tích, tự quyết định. Lỗi lầm của người lớn không phải là l‎ý do để các bạn trẻ tha hồ ngu dốt và đổ thừa cho người lớn. Nếu bố mẹ của bạn trí tuệ chỉ được đến lớp 3 và không thể nào suy tư khá hơn được, đó không phải là lý do để bạn không thể học xong cử nhân hay tiến sĩ.

Cho nên các bạn trẻ, hãy nghe những gì người lớn nói, hãy hỏi họ những điều bạn cần biết, hãy nghe kiến thức và kinh nghiệm của họ. nhưng hãy tự bạn lựa chọn điều bạn tin hay không tin, thích hay không thích, theo hay không theo.

Người lớn có thể đóng khung các bạn vì quán tính của họ là vậy. Nhưng chẳng l‎ý do gi các bạn trẻ, chưa có quán tính đó, lại không thể thắng quán tính đó để vươn lên.

Tự tin thật đôi khi đòi hỏi một chút can đảm của người nhảy qua bờ vực thẳm. Không thể chỉ an toàn đi theo vết cũ của mọi người đi trước để tạo tự tin.

Chúc các bạn một ngày tự chủ.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

14 thoughts on “Giáo dục tự tin và sáng tạo”

  1. Cảm ơn anh Hoành. Tư duy áp đặt của giáo dục Việt đúng là bê tông cốt thép.

    Giáo dục theo kiểu nhồi sọ (memorization) không hiểu rõ bản chất là gì cộng với ưu tiên cho toán học gò mọi thứ vào công thức khiến cho tư duy rất máy móc.

    Em nghĩ một việc nhỏ là đầu tư về các môn học về nghệ thuật hay viết lách như creative writing 🙂

    Hiển

    Like

  2. Hi Hiển,

    Vấn đề đúng là bê tông cốt thép như Hiển nói, và thực sự là không dễ giải quyết chút nào, vì nếu ta sinh ra và lớn lên với một nền giáo dục như vậy thì ta không thể nào suy tư và hành động khác đi, không thể thấy đó là sai, vì nó đã thành quán tính trong từng tế bào não bộ rồi. Như người say không thể biết mình say, người điên không thể biết mình điên. Và nhà Phật nói người si mê không thể biết mình si mê. Thế thì nói bằng cách nào?

    Nói rất nhẹ như bước trên vỏ trứng, và cầu nguyện xin Chúa/chư Phật trợ lực. Chỉ còn cách đó. Vì nói nhiều, nói mạnh một chút là sinh ra gây lộn. Gây lộn với người say thì chỉ có thua.

    Tội nghiệp cho dân ta, hết Tàu, Tây, Mỹ áp đặt mình, thì mình lại tiếp tuc áp đặt lên chính mình.

    Âu đó cũng là nghiệp chướng!

    Like

  3. Ồ, Hiển thật sự làm mình rất rất ngạc nhiên khi một engineer như Hiển (chứ không phải một nhà thơ) lại kết tội toán học một cách quá khắc khe như vậy – “gò mọi thứ vào công thức khiến cho tư duy rất máy móc” :). Dân Việt Nam mình vốn tin tưởng rằng toán học giúp cho tư duy chặt chẽ hơn, kỷ luật hơn và … đi đến đích hơn. Mình nhớ là có nghe đâu đó rằng muốn phát huy tính sáng tạo cho tuổi trẻ, trước tiên phải cho các em một cái khuôn – phải có một khuôn để sức trẻ sẽ phá nó đi và sáng tạo. Nếu ngay từ ban đầu đã không có khuôn thì cũng sẽ không kích thích sự sáng tạo.

    Tất nhiên mình hoàn toàn ủng hộ quan điểm rằng nên “đầu tư về các môn học về nghệ thuật hay viết lách như creative writing”. Mình tin rằng các môn này rất cần thiết cho sự phát triển tâm hồn và cảm thụ – những chiều kích khác của con người mà tư duy logic không thể với tới được.

    Tối nay mình vừa nói chuyện với một bác là hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tư thục (tức cấp III, high school) ở Tp.HCM. Thật sự quan điểm của bác về giáo dục rất cởi mở và hiện đại. Mình thấy rất thú vị và cảm phục. Thực tế trường của bác có những thành công mà mình đánh giá rất cao: học sinh không bị nhồi nhét kiến thức quá mức, nhưng vẫn bảo đảm qua được các kỳ thi quan trọng cuối cấp và vào đại học mặc dù đầu vào của trường chỉ là học sinh khá, không phải học sinh giỏi. Những điều này mình đã kiểm chứng vì em họ của mình đã học ở trường bác. Nhưng dù sao quan điểm giáo dục của bác cũng không thể triển khai được đầy đủ vì hệ thống sách giáo khoa chung và phải học hết, học kỹ tất cả các bài ấy để thi cử. Điều bác mong muốn là Nhà nước chỉ cần đề ra chương trình khung, những nội dung kiến thức cơ bản mà học sinh cần đạt được và trao quyền thiết kế bài giảng, chương trình giảng cũng như làm sách cho các thầy cô giáo – trả lại cho các thầy cô quyền sáng tạo trong phương pháp dạy. Mình thấy những điều bác nói là hay. Thầy cô biết sáng tạo, có sáng tạo thì mới biết cách khơi gợi và phát huy sự sáng tạo của học sinh. Thầy cô mà theo khuôn mẫu, chạy theo điểm thì chỉ muốn đoán đúng đề để gạo bài cho học sinh hoặc nhồi kiến thức “đã nấu sẵn” cho học sinh càng nhiều càng tốt và học sinh cố mà thuộc cái mớ kiến thức “đã hầm nhừ” ấy để có điểm tốt mà hầu như không còn tự tư duy hay sáng tạo gì nữa.

    Like

  4. À, một điều bác ấy nói nữa là mục tiêu của giáo dục là nhằm giúp phát huy khả năng tối đa của mỗi học sinh, chứ không phải là một mặt bằng kiến thức như nhau cho tất cả mọi người. Mình chia sẻ điều này với cả nhà và cũng để nhắc nhở chính mình – vì mình cũng đang có một học sinh 3,5 tuổi!

    Like

  5. Hi QL & Hiển,

    Rất nhiều người Á Châu ở Mỹ trong những năm qua luôn luôn khuyến khích và ép buộc con cái học toán, kỹ sư và y khoa vì người Á Châu “giỏi toán, giỏi kỹ thuật”. Nhưng những người Mỹ trẻ gốc Á Châu ngày nay nói rằng thực sự đó là là một sự sợ hãi, muốn con cái sống trong những nghề nặng kỹ thuật và ít đòi hỏi tài năng nhân văn, văn hóa và lãnh đạo.

    Sáng tạo thật sự của đời sống phần lớn là ở các môn đòi hỏi liên hệ nhân văn và văn hóa–chính trị, thương mãi, lãnh đạo…

    Like

  6. Hi Quỳnh Linh,

    Cuộc nói chuyện với bác hiệu trưởng của Linh thú vị đấy 🙂

    Đúng là về vĩ mô thì hệ thống giáo dục của VN vẫn có nhiều môn học bắt buộc vô bổ. Có lẽ cách sáng tạo của học sinh và thầy cô là đối phó để pass cho nhanh những môn đó và phát huy sáng tạo trong những môn khác, trong khi chờ đợi thay đổi từ trung ương 🙂

    Về toán học, đúng là sẽ giúp cho tư duy có lô gíc và kỷ luật hơn. Nhưng sáng tạo cần cái yếu tố phi logic thông thường ở đó. Càng nhiều quy tắc luật lệ càng khó thoát tính ỳ tư duy. 🙂

    Tất nhiên toán học là cần thiết. Nhưng cần có sáng tạo trong việc dạy toán học và cần hài hòa với các môn học khác.

    Các cao đẳng ở Mỹ đa phần là liberal arts dạy các môn rất đa dạng và cho học sinh chọn lựa ngành học. Ở Việt Nam mới có trường Tân Tạo cũng theo mô hình liberal arts thì phải.

    Hiển

    Like

  7. Hi QL and all,

    Mình có một người bạn hồi trước làm giáo viên dạy đại học và giờ đang ở Mỹ học Tiến sĩ. Bạn ý bảo sách giáo khoa, ngay cả về khoa học có nhiều chỗ viết sai.

    Để dạy sinh viên trên lớp, bạn ý tìm tài liệu tiếng Anh trên Internet, gửi link và in tài liệu cho học sinh.

    Nhưng các thầy cô trong khoa phản đối và nói là không được làm như vậy. Nghe có sợ không? Thay đổi trong một môi trường o ép không phải là dễ dàng.

    Hiển

    Like

  8. Hi Harmony,

    Anh có cảm tưởng là thiếu sáng tạo thì nó mới sinh ra những vấn đề khác. Vi dụ, học sinh thiếu sáng tạo trong một lớp hoc thiếu sáng tạo thì sẽ rất chán, nên đâm ra lười, không motivated được, tâm trí không tập trung được, nên học không vô, đâm ra bất cần đời…

    Và sáng tạo nên được dạy và học lúc còn rất bé, chẳng nên đợi. Lúc con anh mới hai ba tháng anh đã dạy nó cố trườn đến một chút để lấy đồ chơi, bằng cách để đồ chơi quá tầm tay nó chừng vài cm. Mới mấy tháng, vịn ghế đi được, là anh chận cái ghế trước cửa, chừa một khoảng trống nhỏ xíu, anh đứng bên này, nó đứng nên kia đòi anh, anh từ từ chỉ nó lần đến khoảng trống, đi qua khoảng trống để qua bên anh, vài lần như vậy nó hiểu là phải tìm khoảng trống mới qua được… Tựu trung là dạy cho các bé những problem nhỏ để các bé tìm cách giải problem đó.

    Và trong cả tiến trình giáo dục từ bé cho đến hết đại học luôn luôn phải cho các em tìm cách solve những problems như thế, nhất là những problems gần gũi với đời sống (không chỉ là giải toán).

    Đương nhiên có nhiều luật lệ bắt buộc ta không thế sáng tạo, như “không ăn cắp” là luật phải theo, chẳng sáng tạo gì cả. Nhưng ngoài một vài quy luật bắt buộc như thế, đa số mọi vấn đề trên đời có thể được giải quyết nhiều cách khác nhau, các em nên được học cách nhận vấn đề, phân tích vấn đề, tìm các lời giải khác nhau, và chọn lời giải các em cho là tối ưu theo tư duy của các em.

    Cực kỳ khó để làm cho các em thích học và chăm học nếu các em không được sáng tạo, không biết sáng tạo… vì lúc đó lớp học là một cực hình.

    Một điểm nữa là phải có những bài tập cho các em cơ hội đồng đều để thắng. Thí dụ trong lớp giờ văn nghệ, thì các em có thể thắng bằng hát, đánh đàn, kể chuyện, nói tiếu lâm, vũ, làm bất cứ thứ gì thiên hạ thích xem … chứ nếu chỉ có thi hát thì chỉ có một hai em hát hay là luôn thắng giải, các em khác sẽ rất chán.

    Giáo dục sáng tạo đòi hỏi giáo viên phải luôn luôn sáng tạo để tìm ra cách làm cho các em sáng tạo.

    Sức sáng tạo của mọi người quyết định quốc gia sẽ tiến hay lùi đến đâu. Chẳng phải là chuyện nhỏ.

    Like

  9. Mình đọc bài này từ link qua Facebook.

    Phải nói rằng có rất nhiều điểm tranh luận ở đây, mà trong khuôn khổ blog comments thế này rất khó để phân tích (break down) và phát triển một cách hiệu quả. (Ý tưởng chung là tích cực và tốt, nhưng nhiều điểm thấy rằng lộn xộn và e rằng không “thoát” được).

    Xin góp một số ý riêng lẻ:

    – Bác Hoành nói thế này “Sáng tạo thật sự của đời sống phần lớn là ở các môn đòi hỏi liên hệ nhân văn và văn hóa–chính trị, thương mãi, lãnh đạo…” và phần nói trước đó về kĩ thuật với người châu Á … thật sự là không hợp lý và “nguy hiểm”. Mong bác nghĩ kĩ và có lý do rõ ràng (đặc biệt vì bác là “một nhà phát ngôn lớn” ở đây). Lịch sử phát triển của loài “người”: tính sáng tạo là tính chất bản năng của bộ óc người, thể hiện ở 2 mặt lớn: “Khoa học kĩ thuật” và “văn hóa tinh thần”. Tất cả các nhánh nhỏ đều phát triển từ 2 mặt trên. Tất cả các tiến bộ vật chất của con người là nhờ sáng tạo “khoa học kĩ thuật”, trong khi chính trị – kinh tế … etc là phương tiện giúp các tiến bộ trên được “chạy” và “hiệu quả”, và cùng với sáng tạo “tinh thần” làm cuộc sống loài người đạt cân bằng và tiến hóa.

    Bản thân giáo dục là một cách tổ chức để giúp duy trì và phát triển kiến thức và nhận thức. Nên bất kì ở quy mô nào của loài người, không thể bỏ qua hoặc xem nhẹ bất kì mặt nào trong 2 mặt trên của sáng tạo.

    – Về điểm chính của bài này: có nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân sự “thiếu sáng tạo, thiếu tự tin” từ giáo dục VN. Nhưng nếu đã coi là bệnh phải chữa, xin không khám vội và nói đau bụng thì chắc phải đi cắt ruột thừa ngay.

    Đầu tiên phải nói, các nền giáo dục Âu Mĩ và Đông Á (các nước phát triển) cũng có một số vấn đề tương tự trong chuyện rập khuôn hình thức và thiếu hiệu quả, tuy ở mức độ khác so với VN. Đây là bài toán tối ưu với tính phức tạp cao, nên khó có sự tuyệt đối. Tất nhiên VN có thể cải thiện nhiều.

    Tuy vậy, nguyên nhân của sự “thiếu tự tin, thiếu sáng tạo” do rập khuôn hình thức không chỉ ở tính chất giáo dục, mà còn là do xã hội, đặc biệt VN ở trong tư tưởng Nho giáo và văn hóa xã hội của Đông Á, khác khá nhiều với xã hội Âu Mĩ trong cách bộc lộ con người. Nó tuy vậy không nhất thiết hạn chế sáng tạo, theo nghĩa của từ sáng tạo. Một vấn đề ảnh hương nữa ở VN đó là các tệ nạn xã hội và tính “dễ dãi”, thường kích thích “sáng tạo” và “tự tin” cần có sự “tôn trọng con người” mà vẫn còn chưa tốt ở VN.

    – Về sáng tạo: “think out of the box” không nhất thiết là “phá vỡ cái hộp”. Thêm nữa có sáng tạo tốt và không tốt, có sáng tạo tập thể và sáng tạo cá nhân…. Không thể nói VN kg sáng tạo, người VN có rất nhiều cái “khôn” ví dụ trong văn thơ, ăn nói, hài … tuy vậy, sáng tạo đó có “ích” đến đâu là vấn đề khác … Hệ thống giáo dục, do đó, cần có sự phản hồi và mở rộng thường xuyên, một cách tích cực, (!) phù hợp với con người VN (!) …. Nó không chỉ nằm ở giới hạn trường học mà là từ xã hội (“văn hóa” và các “giá trị”) và các tế bào (gia đình)
    ….

    Định tham gia vài ý nhưng thành dài quá mất. Như đã nói ở trên, rất khó để tranh luận và “kết” một vấn đề quá lớn trong khuôn khổ nhỏ ở blogs thế này.
    🙂

    Like

  10. Welcome Tùng vào ĐCN.

    Cám ơn Tùng đã phản hồi. Mình đồng ý về các điểm Tùng nói, chẳng có vấn đề gì cả.

    Chỉ có một điểm mình cần làm cho rõ thêm về việc mình nói “Người Mỹ gốc Á Châu” (không phải là người Châu Á). Khoảng 10 năm trở lại đây nhiều người Mỹ gốc châu Á trẻ đã lên tiếng hàng loạt là thế hệ bố mẹ họ khuyến khích và ép buộc con cái học kỹ thuật và y khoa là vì bố mẹ sợ, không dám cho các con dấn thân vào môi trường đòi hỏi nhiều kỹ năng về nhân văn, văn hóa bản địa, liên hệ con người, và lãnh đạo. Điều này là đúng 100%, Người gốc Á châu ở Mỹ đâm vào kỹ thuật và sợ các môn nặng về khoa học nhân văn và lãnh đạo.

    Và trong môi trường xã hội kinh tế ngày nay, người kỹ thuật luôn luôn nằm dưới quyền người lãnh đạo giỏi (nhưng có thể yếu kỹ thuật hơn). Lãnh đạo một nhóm đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo là chính rồi mới đến kỹ thuật là phu.. Và điều này làm yếu quyền lực của người Mỹ gốc Á Châu tại Mỹ, như là lãnh đạo trong guồng máy công quyền và trong các đại công ty. Người Mỹ gốc Á châu phần nhiều là chuyên viên hơn là lãnh đạo. Ngay cả về thương mãi, là việc đòi hỏi nhiều kỹ năng liên hệ con người, người Mỹ gôc Á châu đa phần vẫn chỉ là thương mãi gia đình, chưa vượt lên được hàng đại công ty.

    Đây là vấn đề xã hội của người Mỹ gốc Á Châu, có thể liên hệ một chút với “người Á Châu” nhưng cũng có thể là chẳng liên hệ gì mấy.

    (Sáng tạo thì có lẽ là sáng tạo nào cũng như nhau. Nhưng nói đến quyền lực xã hội thì thường thường quyền lực nằm trong sáng tạo về liên hệ con người và lãnh đạo, hơn là sáng tạo kỹ thuật. Điều này đúng cho cả cá nhân lẫn quốc gia).

    Tùng khỏe nhé.

    Like

  11. Chào mừng anh Tùng đến với ĐCN. Anh lại chơi thường xuyên nhé.

    Một trong những lý do lớn khiến sáng tạo khó phát huy được ở Việt Nam không phải là VN thiếu người sáng tạo, mà là những người sáng tạo bị cô thế, khó phát huy trong môi trường áp đặt.

    Nếu mọi người có thể kết hợp chơi với nhau trong những sân chơi trí thức mở và riêng tư theo tinh thần tích cực và sáng tạo, thì tự nhiên mỗi người sẽ được gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng tốt tới cộng đồng.

    Like

Leave a comment