Học và Hành

Chào các bạn,

Ngày xưa học thì học từ chương. Thầy dạy gì trò cũng phải học thuộc lòng lời thầy. “Tử nói” (Khổng tử nói) là hai từ quan trọng nhất khi mở đầu một bài viết hay bài nói chuyện.

Ngày xưa thầy là chính, học trò là phụ.

Ngày nay học trò là chính, thầy là phụ. Thầy giúp học trò tự suy nghĩ, tự phân tích vấn đề, tự kết luận. Giáo dục lấy trò là chính là giáo dục chính thống của thế giới ngày nay.

Học khoa học cũng thế, và học tâm linh cũng thế.

Các bạn đọc Kinh thánh hay Kinh Phật, lúc đầu cần nghe thầy giảng nhiều để làm quen, nhưng sau đó các bạn cần tự suy tư những lời đọc trong kinh sách, để nắm được chiều sâu của kinh sách cho chính mình. Không có vị thầy lớn nào để các bạn phải học thuộc lòng lời thầy và xem thầy như là con đường chỉ đạo. Bạn sẽ phải tìm đường cho chính mình, tìm đến đại ngộ, tìm đến chân lý cho chính mình, với sự trợ giúp của thầy.

Trong truyền thống Kitô giáo, điều hiểu biết của bạn về Kinh thánh là mặc khải của Thánh linh với bạn, cho bạn được hiểu lời Chúa ở mức độ và bản chất của bạn vào lúc đó. Và Thánh linh có thể mặc khải cho bạn nhiều lần về cùng một câu chữ, mỗi lần ở một mức độ sâu hơn.

Trong truyền thống Phật giáo thì gọi đó là căn cơ và cơ duyên. Căn cơ là bản chất của bạn, cơ duyên là luật nhân quả, khi nào mọi nhân và mọi duyên hội tụ đủ là bạn hiểu được một câu kinh ở mức rất sâu hoặc sâu hơn mức trước đó của bạn.

Và còn “hành”, học thì phải thực hành điều mình học. Thực ra, thực hành mới chính là học. Ví dụ, học nấu ăn tức là thực hành nấu ăn, không thể chỉ đọc sách nấu ăn rồi cho đó là học.

Đương nhiên, phần thực hành này trò là chính, thầy chẳng thể thực hành dùm trò.

Mình nói thế vì ngày nào mình cũng có bài cho các bạn đọc. Đọc thì đọc nhưng tư duy phải là tư duy của các bạn. Và thực hành cũng là thực hành của các bạn.

Chúc các bạn luôn tự học và hành.

Mến,

Hoành

© copyright 2015
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment