Chính trị và tâm linh

Chào các bạn,
SP
Mình rất thường được các quý vị thích làm chính trị rủ ren theo hội này, hội kia, với nhiều mục đích cao đẹp như là phát triển quốc gia, phát triển giáo dục, phát triển con người… Đôi khi một vài nhóm đó mang màu sắc tôn giáo. Và các nhóm ra đời thường là để chống lại, hay ít nhất là tranh giành ảnh hưởng với, một nhóm nào đó.

Đương nhiên là mình từ chối 100%.

“Chống lại” là con dấu đặc biệt của chính trị Việt Nam. Dù quý vị có gọi quý vị là “thiên thần của Trời” thì mình cũng xin chạy.

Mình chẳng thấy một nhóm chính trị nào chủ trương tình yêu, hòa ái, và đoàn kết.

Cho nên chính trị đã bị mình gạch bỏ trong sổ lâu rồi. Và các bạn dùng tên tôn giáo để làm chính trị cũng được mình gạch bỏ.

Mình chỉ muốn sống, và muốn dạy các bạn sống, yêu người—theo bước chân Phật, bước chân Chúa (không phải bước chân nhà chùa, hay bước chân nhà thờ).

Đó là con đường làm cho trái tim của chúng ta khiêm tốn, thành thật, yêu người, và đóng góp tích cực vào việc phát triển đất nước. Trái tim của chúng ta sẽ không có gì tiêu cực, sẽ không chống ai hay chống điều gì cả.

Ta sẽ không chống dối trá, ta chỉ tập trung vào sống thành thật.
Ta sẽ không chống trộm cướp, ta chỉ tập trung vào sống thật thà.
Ta sẽ không chống ai, ta chỉ tập trung vào yêu tất cả mọi người.
Ta sẽ không chống áp bức, ta chỉ tập trung vào yêu thương và công lý.

Có một đường để phát triển chính ta, phát triển đất nước của ta, và phát triển thế giới của ta mà chẳng tạo nên một chút năng lượng tiêu cực nào vì ăn thua đủ với nhau, đó là con đường tình yêu của các thánh nhân.

Đa số con người chẳng có lòng tin, dù họ có đọc kinh sách mỗi ngày.

Các bạn hãy có lòng tin vào con đường của các thánh nhân: khiêm tốn, thành thật, và yêu người, và chúng ta sẽ tích cực cùng với các thánh nhân chuyển hóa thế giới.

Chúc các bạn có lòng tin.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

11 thoughts on “Chính trị và tâm linh”

  1. Anh !
    Nếu ko “ngộ” được 1 phần nào đó thì con người hay “nhốt” cả chính trị tôn giáo trong bản thân mình. Vì vậy mà họ khó có sự phát triển.
    Ngay hôm qua, em mới tiếp 1 anh bạn như vậy. Âu đó cũng là Nghiệp của a ấy.

    Like

  2. Dear Anh Hai

    Đọc những điều Anh Hai gợi ra dưới đây em bỗng thấy giật mình!

    “Ta sẽ không chống dối trá, ta chỉ tập trung vào sống thành thật.
    Ta sẽ không chống trộm cướp, ta chỉ tập trung vào sống thật thà.
    Ta sẽ không chống ai, ta chỉ tập trung vào yêu tất cả mọi người.
    Ta sẽ không chống áp bức, ta chỉ tập trung vào yêu thương và công lý”

    Em giật mình vì gần như từ trước đến giờ mỗi lần phải đối diện với những vấn đề tiêu cực như: Sự dối trá, trộm cướp, mâu thuẫn hoặc áp bức và mọi thứ nhiễu nhương trong cuộc sống…

    Em thường tập trung vào vế thứ nhất mà bỏ quên vế thứ hai.

    Hôm nay đọc bài này của Anh Hai em ngộ ra: Chính vế thứ hai mới là đích điểm em phải đạt đến.

    Vì chính khi sống vế thứ hai, sẽ làm cho chính bản thân mình, chính cuộc sống mình cũng như chính xã hội mình đang sống được thăng hoa! Và như thế mình mới góp phần trong việc chuyển hóa thế giới được!

    Em cảm ơn và chúc Anh Hai an lành và thành đạt trong cuộc sống.

    Em M Lành

    Like

  3. Em nghĩ trang web của anh Hoành được nhiều người yêu thích vì lý do ,anh dạy cho mọi người cách sống theo Chân _Thiện _Mỹ với năng lượng tích cực giúp mọi người tự chuyển hóa mình và ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng .Với niềm tin sống tích cực ,sống tốt đẹp sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp( nhà Phật gọi là nhân quả).Cái đẹp mà anh truyền đạt đến mọi người rất cụ thể rất thiết thực không dính mắc tới quyền lực hay tổ chức chính trị nào .
    Cám ơn anh mỗi ngày một bài học .Chúc anh chị luôn an lạc!

    Like

  4. Em cảm ơn anh Hoành. Chắc chắn một điều rằng có niềm tin chúng ta sẽ có thể vững tâm và làm nhiều thứ đúng không ạ? Nhung để giữ lửa cho niềm tin mãi cháy thì đơn giản nhất là làm cách nào anh ơi? Đôi khi em để niềm tin đi vào quên lãng anh ạ/
    Em cảm ơn anh Hoành.
    Chúc Vườn Chuối nhà mình một ngày vui ạ,
    Em Diệp

    Like

  5. Hi Diệp,

    Câu hỏi của em thật hay: Làm thế nào để giữ vững niềm tin? Đây là câu hỏi mọi người, và mọi thánh nhân, đều hỏi.

    Anh nghiệm ra rằng muốn giữ niềm tin thì phải “tâm sự” nhiều, như là hai cô cậu yêu nhau và giữ vững niềm tin với nhau chỉ khi cả hai tâm sự với nhau nhiều.

    Muốn có lòng tin vào Thượng đế, Chúa Phật và thánh thần của mình, mình cũng cần tâm sự với Thượng đế, Chúa Phật và tánh thần thường xuyên.

    Like

  6. Anh Hoành ơi, em thấy anh có post hình ảnh cuốn sách “Spiritual Politics: Changing the World from the Inside out” bên cạnh bài viết, anh có thể cho em 1 chút review về cuốn sách đó không ạ? Em cảm ơn anh.

    Like

  7. Cám ơn Hoàng Mi. Anh chỉ lấy tên sách vì câu đó hợp ý anh, nhưng em để ý là anh không lấy cả bìa cuốn sách, vì anh chưa đọc cuốn đó. Đọc các tóm tắt nội dung anh có cảm tưởng cuốn sách nói về nhiều điều quá (anh không có thời giờ đọc nhiều).

    Anh cũng hướng dẫn các em chỉ vài điều. Đời sống tâm linh sâu sắc giúp ta khiêm tốn, thành thật, yêu người, và tĩnh lặng. Nếu nhiều người, đặc biệt là các chính trị gia, nắm được những điều này thì tự nhiên chính trị trở thành khí cụ để làm thế giới tốt đẹp và nhân ái hơn.

    Chúc em vui.

    A. Hoành

    Like

  8. Hi anh Hoành,

    Bản chất của chính trị có phải là sự chiếm hữu về tư liệu sản xuất không anh (để bảo vệ giai cấp thống trị)? Nếu không phải thì ý nghĩa khoa học thật sự của nó nằm ở chỗ nào vậy anh?

    Em có đọc một vài định nghĩa trên wikipedia nhưng thật sự em không hiểu lắm. Em thấy mọi nơi trên thế giới mình sống đều bị thể chế chính trị chi phối. Mong được chia sẻ cùng anh.

    Em xin cảm ơn anh rất nhiều ạ
    E.Trang

    Like

  9. Hi Minh Trang,

    Chính trị: Trị là quản trị, cai trị. Chính là chính đáng, đúng, không phải tà (nhưng thực tế là “chính trị tà” có tràn ngập trái đất).

    Đó là ý chính. Nhưng chính trị là gì, chính trị thế nào, thì mỗi người ý mỗi khác. Thế giới đã từng có bao nhiêu triết gia và chính trị gia, thì có lẽ có bao nhiêu lý thuyết khác nhau về chính trị.

    “Bản chất của chính trị có phải là sự chiếm hữu về tư liệu sản xuất không anh (để bảo vệ giai cấp thống trị)” là tư tưởng của Karl Marx. Ngày nay được chứng minh là sai nhiều hơn đúng.

    Nếu mà nói về tư liệu sản xuất, thì ngày nay sinh viên computer bỏ học, ngồi vọc computer, có thể tạo nên tư liệu sản xuất và thành đại gia trên thế giới. Đó là “sáng tạo tư liệu sản xuất”, chẳng chiếm hữu tư liệu sản xuất của ai cả, và đại gia đó có thể ủng hộ các tổng thống và nghị sĩ có đường lối tốt cho mình, nhưng chẳng có nghĩa là “bảo vệ giai cấp thống trị” kiểu Karl Marx nói.

    Quản lý công ty thì gọi là quản lý. Quản lý quốc gia thì gọi là chính trị.

    Nhưng ngoài ý đó, chính trị là gì, làm gì, thì mọi người nghĩ rất khác nhau. Chính trị một đảng khác đa đảng. Dân chủ trực tiếp khác dân chủ gián tiếp (đi bầu người đại diện mình). Chính trị thm nhũng khác chính trị trong sạch. Chính trị theo thánh kinh khác chính trị không theo thánh kinh. Chính trị đạo đức khác chính trị ma đạo. Dân chủ thật khác dân chủ láo. Chính trị vì dân khác chính trị đì dân…

    Em có thể điền vào chỗ trống với hàng trăm kiểu chính trị khác nhau…

    Dễ hơn vậy, em nên nghĩ ra một hệ thống chính trị của em thì có lẽ em hiểu dễ hơn là đọc các triết gia lảm nhảm. Nếu có công ty quản lý tồi, công ty quản lý tốt, thì cũng có quốc gia có chính trị tồi, quốc gia có chính trị tốt. Và mỗi công ty phải được quản lý khác nhau, chẳng công ty nào quản lý ý hệt như một công ty khác, thì chính trị cũng vậy, mỗi quốc gia phải có chính trị khác nhau. Và nếu có người quản lý thì công ty giàu, có người thì làm công ty sập tiệm, chính trị cũng vậy, có thể làm dân giàu nước mạnh, hay người ngu thì làm nước càng ngày càng ngu…

    Chính trị là nghệ thuật quản lý một quốc gia. Không phải là một khoa học, không có tính chính xác như toán học, mà chỉ có nghệ thuật quản lý của chính trị gia tài giỏi hay ngu dốt. Chẳng khác gì vũ công.

    Cái dốt của Karl Marx là tưởng rằng chính trị là khoa học.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment