Chọn mặt gởi vàng

Chào các bạn,

Thỉnh thoảng một vài thương gia nhờ mình viết hợp đồng liên doanh mở công ty, và lâu lâu mình lại gặp một trường hợp mà vị thân chủ có rất nhiều lo âu với đối tác: “Nếu mai mốt anh ta chơi tôi như vầy, như vầy, thì tôi phải làm sao.” Mình trả lời: “Việc đó thì dễ. Để mình vô hợp đồng câu này, thì tránh việc đó được.” Môt hồi sau, vị thân chủ nhắc đến một vấn đề khác: “Nếu anh ta lại tính như vầy, như vầy thì sao?” Mình đương nhiên là ghi thêm vào hợp đồng một câu mới. Một hồi sau đó, vị thân chủ lại nhắc thêm một vấn đề khác: “Còn nếu anh ta lại làm vầy, làm vầy, thì sao?” Đến lần thứ ba như vậy, mình thường thường ngưng viết, nhìn thẳng mặt vị thân chủ và nói: “Dĩ nhiên là mình có thể ghi thêm một câu đề phòng mới. Nhưng mình có vấn đề quan trọng này muốn nói với anh trước. Mình có cảm tưởng là anh không tin tưởng người bạn này và hơi lo lắng về việc anh ta chơi xấu anh phải không?” Câu trả lời mình thường nghe được là, “Cũng không phải là không tin, nhưng đề phòng trước vẫn hơn.”

Lúc đó mình thường nói câu này: “Mình làm việc này lâu rồi, thấy đủ mọi lý do cãi nhau rồi. Dĩ nhiên là làm thương mãi thì nên có hợp đồng để công việc rõ ràng, khỏi tranh cãi và mâu thuẫn. Nhưng mình đã thấy những hợp đồng dài cả trăm trang, hai bên mỗi bên có cả một nhóm luật sư chứ không phải một người. Ký xong, khoảng chừng sáu tháng một năm là cả hai bên đưa nhau ra tòa. Lý do không phải là luật sư của họ dở. Lý do là hai bên không tin nhau ngay từ đầu. Hợp đồng chỉ là tờ giấy. Tờ hôn thú không giữ được vợ chồng. Mình có cảm tưởng là anh không tin ông bạn này của anh tí nào. Đó là dấu hiệu làm ăn với nhau rất nguy hiểm, rất dễ đổ vỡ. Nếu công ty mới mở một thời gian mà hai người cãi nhau là công ty chết ngay. Mình có thể không nói gì, cứ lẳng lặng làm hợp đồng theo ý anh muốn và lấy tiền bỏ túi. Mấy tháng nữa, nếu hai người kéo nhau ra tòa, anh lại trả tiền cho mình để ra tòa. Nếu anh thực sự muốn làm tiếp hợp đồng, mình vẫn có thể tiếp tục hôm nay. Nhưng vấn đề này rất quan trọng, mình phải nhắc anh rồi tùy anh định liệu. Mình nghĩ là anh nên về nhà suy nghĩ một vài bữa, một tuần. Nếu sau đó anh thấy là anh nên làm ăn với ông bạn này, anh em mình có thể viết hợp đồng bất kỳ cách nào anh muốn, đâu có trễ?”

Ký hợp đồng
Ký hợp đồng

Trong các vụ mình cố vấn như vậy, chưa thấy có vụ nào mà người thân chủ tiếp tục dự án làm ăn. Điểm mình muốn nói ở đây là quá nhiều người trong chúng ta quên mất qui luật căn bản nhất trong liên hệ con người: “Người ta phải yêu nhau trước khi ở chung, không thể ở chung trước rồi yêu nhau sau. Hợp đồng ở chung không đưa đến tình yêu.” Liên doanh thương mãi cũng là một loại giá thú, nhất là liên doanh giữa vài cá nhân sẽ làm việc chung hằng ngày—họ sẽ phải sống chung mỗi ngày nhiều giờ hơn là sống chung với vợ/chồng ở nhà. Nếu không tin nhau, ai mà lấy nhau. Vậy thì, tại sao mình lại liên doanh với người mình không tin?

Trong các lớp học về lãnh đạo và quản lý, người ta luôn luôn đặt “vision” hay “mục tiêu tối hậu” của dự án lên hàng đầu—dùng vision để kéo mọi người vào với nhau, giữ mọi người chặt vào nhau. Dĩ nhiên là điều này đúng, nhưng không mấy ai nói thêm rằng, đối với những người lãnh đạo sáng lập công ty, thường là họ đã thân thiết nhau và tin cẩn nhau trước khi họ có vision, trước khi họ lập công ty.

Vì lòng tin cần một thời gian khá lâu để xây dựng, thông thường người ta chỉ tin những người đã quen biết lâu năm, tức là những người bạn mình đã thân lâu năm. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu bạn đang thất nghiệp, bỗng nhiên có cú điện thoại từ một người bạn cũ, bây giờ đang là tổng giám đốc một công ty, cần bạn giúp một tay để quản lý công ty. Trong đời sống thương mãi, những chuyện như vậy xảy ra hầu như hằng ngày.

Lý lẽ này có hai ứng dụng quan trọng. Thứ nhất, bạn bè của mình là vốn liếng rất lớn của mình. Cho nên hãy quí tình bạn và nuôi dưỡng nó từ lúc này. Càng lâu ngày, tình bạn càng cho mình nhiều hoa trái. Càng về sau, hoa trái càng thơm tho ngọt ngào. Thứ hai, bạn bè của mình cũng là nơi mà tiếng tăm của mình bắt đầu. Trong giới thương mãi và chính trị, chuyện như thế này thường xảy ra: “Chị Hà, chị làm việc với anh Tuấn mấy năm liền, em nghe nói anh ấy rất giỏi về vi tính, tính mời anh ấy qua bên em làm việc, nhưng không biết anh ấy thế nào. Chị thấy anh ấy thế nào?” Dĩ nhiên là câu trả lời của chị Hà trong tình huống này có ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, cách sống của mình với bạn bè và những người gần gũi mình có thể ảnh hưởng đến cuộc đời mình lớn lao hơn mình nghĩ. Và tiếng tăm mình có ngoài xã hội, phần lớn cũng là từ tiếng tăm mình có với những người gần gũi. Nếu thành thật đứng đắn với bạn bè, tức là thành thực đứng đắn với xã hội. Nếu bạn bè mình không thể tin lời mình nói, thì cả xã hội rồi cũng thế thôi. Dĩ nhiên ở đời vẫn thường có những chuyên gia chuyên lừa bịp người lạ, nhưng đó chỉ là một hai lần rồi chạy, phải không? Trong trường kỳ, chỉ có danh tiếng thực là đứng vững.

Bạn tốt
Bạn tốt

Trở lại vấn đề công ty, giã sử hai người thành lập công ty thân nhau và tin nhau. Nhưng các nhân viên là người mới, làm sao để họ có thể tin tưởng và gần gũi nhau? Thưa, đó là do các vị lãnh đạo. Nếu các vị ấy thành thật đứng đắn thì tự nhiên mọi người trong công ty sẽ thành thật đứng đắn theo, và cả công ty sẽ có danh tiếng thành thật đứng đắn. Nếu lãnh đạo dối trá, từ từ toàn thể cấp dưới cũng thế, và cả công ty sẽ có tiếng là không thành thật trên thị trường. Người tốt rồi cũng tìm cách rời công ty, hoặc nếu có ở lại thì cũng chỉ rất thụ động và tiêu cực.

Ảnh hưởng từ tâm của mình, đi ra đến bạn bè của mình, lan rộng ra cả mọi người trong công ty hay cộng đồng của mình, đi dài theo cả đời mình, rất là mạnh mẽ và trực tiếp, các bạn a. Quả tim của mình có sức mạnh nhiều hơn mình tưởng. Và trong tất cả các ảnh hưởng, có lẽ lòng thành thật (hay không thành thật) là ảnh hưởng ra ngoài mạnh nhất. Người ta có thể gần gũi với người tự cao, người tự ti, người yêu nước, người không yêu nước, người giỏi, người dốt. Nhưng không ai dám gần gũi người không thành thật. Sống chung với họ cứ như là “ngủ với kẻ thù.”

Trong năm đức tính làm người của Khổng giáo—nhân lễ nghĩa trí tín—tín tức là lòng thành thật, đứng cuối cùng. Theo Khổng giáo, nếu mất nhân thì nhờ đến lễ, mất lễ thì nhờ đến nghĩa, mất nghĩa thì nhờ đến trí, mất trí thì nhờ đến tín, mất tín thì chịu thôi!

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Vốn và sử dụng vốn

Chào các bạn,

Bất kỳ cái gì trên đời cũng đều sinh ra từ một cái gì trước đó. Bất kỳ đời ta sau này sẽ thế nào, nó bắt buộc phải sinh ra từ cuộc đời của ta hiện tại, và bất kỳ ta muốn phát triển tương lai của mình thế nào, tương lai đó phải sinh ra từ vốn liếng hiện tại và hiệu năng trong việc sử dụng vốn hiện tại. Vốn và sử dụng vốn là hai vấn đề căn bản nhất của một thực thể, dù thực thể đó là “Công ty du lịch Xanh” hay “Đời Tôi.”

I. Hãy nghiên cứu về vốn liếng của một công ty trước khi vào “Đời Tôi,” vì công ty thì dễ thấy hơn, và chúng ta ít ra cũng đã học qua một tí trong đại học. Vốn liếng của một công ty gồm tiền, nợ từ người khác, bất động sản (đất đai nhà cửa), tài sản di động (máy móc), tài sản vô hình (sở hữu trí tuệ–bằng sáng chế, bản quyền và kiến thức bí mật; danh sách khách hàng, giá trị thặng dư, gọi là “lòng tốt” hay good will trong kế toán). Hết rồi. Các bạn còn nghĩ ra điều gì nữa không?

Nếu bạn học kinh tế, thương mại hay kế toán, thì vốn liếng của một công ty chỉ có vậy. Nhưng nếu bạn đã thực sự làm thương mại, có lẽ bạn đang có cảm tưởng là danh sách này có gì không ổn. Thiếu cái gì đó, phải không? Dĩ nhiên rồi. Cái thiếu đó là “con người”—nhân viên và khách hàng. Nếu bạn đã làm chủ một công ty, chắc chắn bạn sẽ đồng ý là vốn liếng quan trọng nhất cho một công ty là những người làm việc với mình (partners, phụ tá, nhân viên) và khách hàng của mình. Tất cả những gì khác—tiền bạc, nhà cửa, máy móc, sở hữu trí tuệ—đều là yếu tố thứ yếu.

Cùng nhau
Cùng nhau

Tiền cũng vô ích nếu người của mình chỉ biết phá tiền chứ không làm tiền. Giấy nợ cũng vô ích nếu người của mình không biết cách thu tiền nợ. Bằng sáng chế cũng vô ích nếu người của mình không sáng chế (chứ đừng nói là sáng chế thêm). Về khách hàng thì, một công ty nhỏ ở Mỹ tốn trung bình khoảng ba trăm đô la (300 USD) tiền quảng cáo và tiếp thị để có được một (1) khách hàng mới đặt chân vào cửa công ty. Đặt chân vào một lần thôi nhé, có mua gì hay có trở lại lần thứ hai hay không, lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, nếu một khách hàng hiện thời của mình thích mình, người đó có thể giới thiệu 10 người bạn đến, mà mình chẳng tốn một xu. Các bạn có thể tính ra lời lỗ chưa?

Gốc rễ quản lý công ty là chỗ này: Nhân viên của mình phải vui vẻ và khắng khít như anh em. Khách hàng của mình cũng vui vẻ và khắng khít với mình như anh em. Đây là yếu tố bách chiến bách thắng. Hỏi các danh tướng lừng danh thế giới của ta hiện đang còn sống, nhất định là các vị ấy sẽ đồng ý như thế. Nhân viên chính là lõi cùa bánh xe đạp, khách hàng là vành xe, và liên hệ giữa nhân viên và khách hàng là các tăm xe. Nếu một trong ba điều này—lõi xe, tăm xe hay vành xe–mà yếu, thì bánh xe sẽ gãy. Và vành xe mạnh là nhờ lõi xe và tăm xe mạnh. Mà tăm xe mạnh là nhờ lõi xe biết làm việc. Tất cả cũng qui về cái lõi. Tất cả các khóa học về quản trị nhân viên, liên hệ quần chúng (public relations) và tiếp thị, chung qui cũng chỉ nhằm cho được ba điều này, và tất cả rồi cũng qui về điểm cốt cán nhất—nhân viên.

II.A. Cuộc đời của mình cũng vậy. Khi nói đến vốn liếng của mình ta thường nghĩ đến những gì sờ mó được, thấy được, như sắc đẹp, kiến thức, bằng cấp. Đôi khi ta có nghĩ đến các vốn liếng vô hình, nhưng có thể viết lên résume, như là kinh nghiệm làm việc. Nhưng rất ít khi ta thực sự nghĩ đến vốn liếng quan trọng nhất: con người—chính con người mình, và những người trong vòng thân thiết của mình.

Cùng vui
Cùng vui

Con người mình có rất nhiều giá trị, chứ đâu phải chỉ là những gì người ta thấy được và những gì mình có thể để trên resume đâu. Hãy xem thử những vốn liếng ta có mà không bao giờ thấy trên resume:

• Lòng vị tha: Cả đời chúng ta được huấn luyện đặt “ta” làm trọng tâm của suy tưởng, “người” thì cũng có, nhưng chút ít thôi. Cho nên đa số chúng ta suy tưởng và hành động hằng ngày cho 3 mục tiêu chính: “Tôi, cho tôi và của tôi.” Người nào có lòng vị tha mạnh, tức là rất hiếm có. Mà cái gì đã hiếm là quí giá và đắt tiền.

• Đức điềm tĩnh: Khi mọi người chung quanh sợ hãi đến đông lạnh, ta vẫn điềm tĩnh nghiên cứu vấn đề. Khi mọi người chạy theo tiếng gào thét của đám đông, ta vẫn điềm tĩnh đi đường của ta.

• Lòng khiêm tốn: Những người có resume dài, thường dễ bị bệnh tự cao. Trong trường kỳ, lòng khiêm tốn luôn luôn mang lại chiến thắng.

• Đức tự tin: Ta tin vào chính mình, chứ không phải miếng giấy ta có gọi là miếng bằng, hay là lời khen chê của người khác. Những người có lòng khiêm tốn thường rất tự tin. Ngược lại những người tự cao thường thiếu tự tin.

• Khả năng lắng nghe: Tìm được người biết lắng nghe trong thiên hạ khó gần như mò kim đáy biển. Nếu không thì nhân dân tại các quốc gia đâu phải gào thét khản cổ, mà nhà nước, toàn là các vị nhiều bằng cấp, vẫn không nghe được. Bao nhiêu bà vợ thét gào ngày đêm mà đức ông chồng ngồi đó có nghe thấy gì đâu? Khả năng lắng nghe quan trọng đến mức mà nếu bạn tập được tính lắng nghe, bạn sẽ đương nhiên có thêm được bốn đức tính nói trên.

Trên đây chỉ là nói qua một vài ví dụ. Nếu bạn ngồi làm một danh sách những vốn liếng của chính bạn, thì đương nhiên là danh sách đó dài hơn rất nhiều. Viết ra rồi, thì nhớ rằng đó là vốn liếng mình có, phải mang ra sử dụng hằng ngày, trong nhà, ngoài đường, ở sở làm. Mình phải biết sử dụng vốn liếng khôn ngoan để làm mình vui hơn, thân nhân bạn bè chung quanh gần gũi mình hơn, và công ăn việc làm thành đạt hơn. Nếu nghiên cứu những người thất bại cả đời, bạn sẽ thấy ngay yếu tố đầu tiên là họ không thấy được vốn liếng họ có, hoặc có thấy thì họ vẫn không tin đó là vốn liếng có thể dùng được: Ví dụ: Nhiều người bản tính thành thật nhưng lại được chỉ dạy và tin rằng buôn bán thì phải gian dối mới thành công.

Cùng lên đỉnh Everest
Cùng lên đỉnh Everest

II.B. Ngoài chính mình, vốn liếng “con người” của mình còn là những người trong vòng thân thuộc của mình—gia đình và bè bạn. Điều này thì không cần nói nhiều ai cũng thấy—người nào có gia đình bè bạn thành công thì mình cũng rất dễ thành công theo. Trong thế giới chính trị kinh tế thương mãi, bạn bè luôn luôn làm việc với nhau và nâng nhau lên. Và khi mình bị vấp ngã, kẻ thù của mình vỗ tay, khách bàng quang đứng nhìn rồi quay đi, chỉ có gia đình và bạn bè là còn lại. Họ là nơi trú thân và tịnh dưỡng của mình lúc đó, để hồi phục, và mở trận chiến kế tiếp.

Mà gia đình bạn bè chỉ có thể gần gũi mình nếu mình yêu họ, quan tâm đến họ, lo lắng cho họ, chia sẻ với họ. Đây là điều ai trong chúng ta cũng biết, chúng ta không cần phải nói nhiều ở đây. Mình chỉ muốn nhắc qua vài điểm quan trọng mà thôi:

1. Bụt nhà không thiêng: Vợ anh hàng xóm luôn luôn thông minh và đẹp hơn vợ mình. Bố mẹ anh em của người khác, nhất là những người được lên TV, luôn luôn hay hơn bố mẹ anh em mình. Hãy bắt đầu xem xét kỹ những gì bạn đang có trong nhà đi. Mấy ông hàng xóm cũng có thể là đang mơ người của bạn đó.

2. Vui cái vui của bạn: Ta có thể đau cái đau của bạn bè dễ dàng, nhưng chưa chắc là vui được cái vui của bạn, vì hay ganh tị. Đây là “hỉ” trong từ bi hỉ xả, tứ vô lượng tâm của Phật gia. Chưa vui được cái vui của bạn, thì chưa thực là bạn đâu.

3. Cho nhau chỗ tựa: Khi bạn mình thật sự xuống dốc, sự có mặt của mình rất quan trọng, dù là mình chẳng biết nói, và đôi khi chẳng nên nói, gì cả. Ví dụ: Một người bạn mới mất chồng, mình đến rủ bạn đi shopping, mà không cần mua gì, cũng chẳng nói gì. Chỉ cần là lý do để bạn mình ra ngoài một tí. Đây là một cử chỉ vô giá mà chỉ bạn bè mới làm cho nhau được.

4. Mỗi người một đường: Cuộc đời từ từ sẽ đưa mỗi người trưởng thành một hướng khác nhau, kể cả anh em, bạn bè, và cả vợ chồng. Đừng ép nhau phải đi cùng một hướng, và cùng một vận tốc. Ngược lại nên khuyến khích mỗi người phát triển tối đa con người của họ, theo hướng họ lựa chọn. Giá trị của tình anh em, tình bạn, và tình vợ chồng, chỉ có ở chỗ là mình ủng hộ, nâng đỡ, khuyến khích người đó trên con đường họ đi, trên sự nghiệp họ chọn.

5. Trung thành: Khi bạn của mình (hay thân nhân, chồng vợ) của mình bị cả thế giới chối bỏ, mình có đủ trung thành để đứng gần họ và nói “tôi là bạn của anh” cho họ nghe không? Và nếu cần thì cả thế giới cùng nghe không? Kể cả khi bạn mình sai 100% không? Kể cả khi mình biết chắc 100% là bạn mình sai 100% không? Bạn có biết chuyện Phê-rô chối thầy của mình ba lần không? Đứng thì khó, chứ chạy trốn và chối từ thì rất dễ, vì đó là bản tính tự nhiên, bạn ạ.

Đứng bên cạnh bạn mình, không có nghĩ là đồng ý với bạn mình, nhưng có nghĩa: “Dù sai dù đúng, bạn cũng là bạn của tôi. Bây giờ thế giới ruồng bỏ bạn, nhưng vẫn có tôi.” Nếu bạn mình đúng thì là bạn, bạn mình sai thì không còn là bạn, thì tình bạn khác gì “tình người đi chợ” mới gặp nhau giữa chợ? Trong một thế giới rất nhiều thay đổi, ít ra phải có một cái không thay đổi—đó là lòng trung thành, các bạn ạ.

Dĩ nhiên, ở đây ta chỉ tóm tắt vài điểm để có được khái niệm về vốn liếng thật sự của mình, để mình quan tâm đến, thấy rõ được sự giàu có của mình. Và sử dụng vốn liếng ấy một cách hiệu quả, để mình vui vẻ hạnh phúc hơn, và thành công hơn, dù mình định nghĩa thành công như thế nào. Triết gia Hy Lạp Sophocles nói: Người ngu dốt không biết đồ quí họ đang nắm trong tay, cho đến khi họ đã ném nó đi. Đúng như vậy. Bao nhiêu người chúng ta chạy theo những gì bên ngoài để tìm thành công và hạnh phúc, trong khi vốn liếng quan trọng nhất của thành công và hạnh phúc đã luôn luôn có đó, trong chính mình, và những người trong vòng tròn thân thiết của mình?

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Thở, cười và hạnh phúc thời khủng hoảng

Hội thảo “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp thời kỳ hội nhập” vừa được tổ chức hôm 22/2, tại Học viện Phật giáo Trung ương ở Sóc Sơn, Hà Nội. Một số lãnh đạo Phật giáo và trí thức đã góp ý vể thái độ thương mãi lành mạnh, khỏe mạnh và đạo đức cần thiết trong kinh doanh, cho hạnh phúc của doanh nhân. Đây là một hoạt động Phật học rất đáng khích lệ.

Xem thêm về bài tham luận của Đại đức Thích Nhật Từ trong buôi hội thảo này, tại đây.

Cùng sinh viên nhận diện những thói quen tốt

Trên giảng đường sao tôi lại cô đơn thế này! … Thùng rác ơi mi ở đâu? …

Đó là những khẩu hiệu nhắc đến giao tiếp và vệ sinh môi trường trong sinh viên, được các bạn sáng tạo, khi tham gia cuộc tọa đàm “Phát huy thói quen tốt trong sinh viên” do Trung ương Hội Sinh viên VN phối hợp với Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, ngày 23 tháng 2.

Nhiều sinh viên đã tỏ thái độ tâm đắc với những khẩu hiệu ngộ nghĩnh này bằng cách đi tìm thùng rác và giữ vệ sinh hành lang trong lúc ăn nhẹ vào giờ giải lao. Hội sẽ tổ chức một buổi thảo luận tương tự với sinh viên tại TP.HCM. Sau đó, hội sẽ đưa ra một danh sách những thói quen tốt để kêu gọi sinh viên cả nước thực hiện.

Theo Tuổi Trẻ

Khó Khăn

Chào các bạn,

Đã là con người thì ai cũng thích mọi sự dễ dàng—không làm mà tiền vẫn tới, không cày mà ruộng vẫn tươi, không phân bón mà cây vẫn tốt. Người nào nói mình không thích sung sướng thoải mái như vậy, chắc là hơi bệnh trong đầu rồi. Khổ nỗi cuộc đời không thiên đường như thế (kể từ khi Eve khuyến dụ Adam ăn trái cấm và cả hai bị đuổi khỏi vườn địa đàng 🙂 Hmm… đàn bà… Không biết Thánh Kinh bôi bác đàn bà hay là nói lên một sự thật căn bản của con người—từ khai thiên lập địa, đàn ông đã bị phụ nữ xỏ mũi kéo đi? 😦 ).

Đằng nào đi nữa thì ngày nay ta cũng phải đối diện với một cuộc đời đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi mồ hôi, nghị lực, và chiến đấu. Nhưng không sao, mình có tin vui cho các bạn, kể cả các bạn không thích đổ mồ hôi, hao nghi lực, hay phải chiến đấu: Bản chất kinh tế của đời sống tạo ra qui luật căn bản là những việc càng khó khăn thì càng mang lại nhiều phần thưởng. Việc càng dễ dàng thì càng nhiều người vào làm, mà càng nhiều người cạnh tranh lao động, thì giá lao động, hay phần thưởng lao động, càng thấp. Ví dụ: Làm nhân công may trên dây chuyền của hãng may thì dễ hơn làm bác sĩ—ít tốn thời giờ học ở trường, và không phải học các môn khó khăn như bác sĩ. Vì vậy, nhiều người có thể làm hãng may hơn làm bác sĩ. Giá lao động may, do đó, thấp hơn giá lao động bác sĩ. Tương tự như vậy, bán hàng rong cũng ít lời hơn là mở tiệm phở, vì hàng rong đòi hỏi ít kiến thức và vốn liếng hơn.

Như vậy, dĩ nhiên là công việc càng khó khăn thử thách, thì càng ít người muốn làm, càng ít người đủ khả năng làm, và người nào vào làm thì đương nhiên là sẽ có những phần thưởng lớn. Vì vậy, sinh viên thường thích vào những đại học khó vào, chuyên gia thường thích vào những công ty khó vào, doanh nhân thường thích vào những kỹ nghệ khó vào. Điều này lại càng đúng hơn với những người tiên phong—khai phá một khu đồi hoang, khai phá một kỹ nghệ mới, nghiên cứu một khí cụ mới. Những lãnh vực chưa ai khai phá, hoang vu, thì luôn luôn chứa nhiều khó khăn, khó khăn đến nỗi chưa ai muốn làm, chưa ai dám làm. Vậy thì đó chính là chỗ ta muốn vào, một mình một rừng, chiến đấu với muôn mãnh thú, cho đến khi ta làm chủ mảnh rừng.

Hơi khó, nhưng tha hồ ăn!
Hơi khó, nhưng tha hồ ăn!

Một đặc điểm của khó khăn là: Khó khăn cũng không khó lắm khi ta tự đâm đầu vào, nhưng sẽ trở thành rất khó khi ta bị ép vào. Và qui luật này chính là cái làm khó khăn thực sự trở thành khó khăn. Ví dụ: Một chuyên gia đã 10 năm trong nghề, bây giờ mất việc vì khủng hoảng kinh tế. Một người vợ đã 10 năm làm nội trợ nuôi con, bây giờ ly dị phải lao vào thị trường lao động. Đây thực sự là những khó khăn người ta chỉ gặp một hay hai lần trong đời, và mỗi lần phải đối diện nó mà một khủng hoảng lớn . Và sức ép của nó, cũng như mức độ stress nó tạo ra, cũng thực là kinh khủng. Người ở ngoài cố vấn thì dễ, nhưng đối với người trong cuộc, đó thực sự là một mình đối diện với một núi đá chắn đường, sau lưng là biển cả.

Làm sao để ta đối diện với những khó khăn khủng khiếp như vậy?

Trước hết, làm một ly cà phê (hay một ly bia), ngồi nhâm nhi, suy gẫm truyện “Tái ông thất mã” (Ông già mất ngựa). Trong cái xui nhất định phải có cái hên. Cái mà mình cho là xấu bây giờ, mất việc hay ly dị, nhất định đã có mầm của cái tốt trong đó. Chỉ cần một thời gian là ta sẽ thấy mầm ló dạng thành cây con. Nhưng mầm nào cũng cần thời gian để phát triển. Hãy cho “Nàng Tiên Thời Gian” một tí cơ hội để làm việc của nàng. Đừng quá bồn chồn lo lắng.

Hơn nữa, tính về lý luận xác suất, thì đúng là mỗi lần gặp khó khăn như thế, cơ hội khá hơn sẽ rất cao. Bao nhiêu năm mình đã có kinh nghiệm trong một chỗ, nhưng kinh nghiệm đó không phát tiết được, vì (1) bản chất của ngồi một chỗ thường là như thế–sếp không thấy tài năng của mình, chồng không thấy cái hay cái đẹp của mình. Bụt nhà không thiêng. Nếu phải ra ngoài bây giờ, đây chính là cơ hội để tài năng và phẩm chất của mình được mọi người nhìn thấy và giúp mình phát triển. (2) Kinh nghiệm bao năm mình đã tích lũy (trong văn phòng, hay trong việc làm mẹ), tự nó sẽ giúp mình đi lên một nấc thang cao hơn.

Điều quan trọng ta cần ghi nhớ là hiểu rõ vận hành của stress. Stress luôn luôn đến khi có thay đổi, ngay cả khi thay đổi đó là việc tốt chính mình lựa chọn, như lập gia đình, đổi nhà mới. Bản tính của con người là không thích thay đổi, cho nên nếu có thay đổi là có stress. Hỏi các cô dâu chú rể và các đại gia mới chuyển nhà, thì biết ngay. Khi mình bị ném vào thay đổi trái ý mình, như bị mất việc hay ly dị, thì stress còn cao hơn rất nhiều lần. Cộng thêm vào đó lo lắng—tìm đâu ra việc mới, làm sao lo cho mấy đứa con—stress sẽ tăng thêm một tầng rất cao nữa. Cộng thêm vào đó một cảm giác về sự bất lực và yếu kém của mình—cái cảm giác “mình chẳng đáng gì cả”—stress sẽ tăng thêm một tầng nữa. Những tầng stress này chồng lên nhau như một trái núi khổng lồ, đủ để làm mình tuyệt vọng. Nhiều người bị đau tim và chết trong những tình huống như vậy.

Lội bộ khó, thì ta đi đò
Lội bộ khó, thì ta đi đò

Vì vậy, trước tiên là ta phải biết cách quản lý stress, nếu không stress sẽ đè ta ngợp thở, chẳng làm gì được. Quản lý bằng cách nào?

Thứ nhất, về tư tưởng, ta cần phải nhắc nhở mình thường xuyên truyện “Ông già mất ngựa,” và tin rằng mầm tốt đã bắt đầu cho mình rồi, chỉ cần kiên nhẫn một tí thì sẽ thấy được, như đã nói trên.

Thứ hai, khi cực kỳ khó khăn, cũng như người bị ngã lăn từ trên xuống dưới chân dốc, con đường chỉ còn có một hướng là đi lên mà thôi. Phải nghĩ như thế.

Thứ ba, đừng coi thường mình và nghĩ là mình chẳng đáng gì cả (dù là stress SẼ làm mình nghĩ như thế). Thay vì vậy, hãy nghĩ rằng, vì bản tính con người là không thích thay đổi, cho nên Trời phải đóng ập cửa này, để đẩy mình vào một cửa tốt hơn mà Trời đã mở sẵn cho mình. Trời luôn luôn yêu mình, mình có biết chuyện đó hay không mà thôi.

Thứ tư, giữ thân thể hoạt động thường xuyên—thể thao, tài chí, nhổ cỏ, làm vườn, khuân vác, hay chạy tới chạy lui lo công việc, nhất là đi bộ hay đi xe đạp. Một cơ thể vận động thường xuyên là thần dược chống stress.

Thứ năm, uống một hai hớp (không phải một hai lít :-)) rượu chát trước khi ngủ, vừa dễ ngủ vừa tốt cho sức khỏe (Đừng dùng thuốc ngủ. Thuốc ngủ thường tăng stress).

Thứ sáu, tập trung tư tưởng vào “hôm nay”—hôm nay tôi phải làm gì?—và cứ vậy mà làm. Đừng nghĩ đến quá khứ đã qua, và ngày mai chưa đến. Đợi ngày mai đến rồi hãy tính. Ngày nay mà làm tốt, ngày mai có thể có chuyện tốt bất ngờ, chưa thể biết trước được.

Nói chung, là để quản lý stress ta phải suy nghĩ tích cực, giữ cho cơ thể hoạt động, bảo đảm giấc ngủ tốt, và tập trung tư tưởng và hành động vào “hôm nay.”

Trở lại, luận đề “khó khăn.” Ta đã nói khó khăn sẽ mang đến phần thưởng lớn. Nhưng nếu tôi khai phá thương mãi mới mà thất bại thì sao? Ồ, ý bạn nói là công ty bị bankrupt? Thế thì những thích thú bạn đã nhận được trong khi “chiến đấu” thì sao? Và những kinh nghiệm có-một-không-hai bạn đã gặt hái trong tiến trình làm việc thì sao? Đây là loại việc khó khăn chẳng ai dám làm, thành ra kinh nghiệm của bạn là loại vô giá không ai có được, không ai học được, chỉ có mình bạn có. Kinh nghiệm bạc triệu này là vốn liếng cho lần thành công lớn sắp tới của bạn đó!

Tóm lại, đã đối điện và vật lộn với khó khăn thì không lời nhiều cũng lời ít. Đây là cuộc đi buôn không có lỗ, cuộc chiến tranh không thất bại. À, viết đến đây tự nhiên mình nhớ đến đoạn Thánh Kinh kể lại chuyện Jacob vật nhau với Chúa. Sau cuộc vật đó, cuộc đời Jacob chỉ có đường đi lên. Đã bao năm mình không hiểu lý lẽ của “vật nhau.” Gặp nhau đủ rồi, mắc gì mà phải vật nhau? Bây giờ hình như là “hốt nhiên đại ngộ.” Phải chăng lý lẽ đó nằm trong hai câu mình tình cờ mới viết cách đây một phút, bên trên: “Vật lộn với khó khăn” và “Cuộc chiến không thất bại”? Thật là lạ lùng! Câu hỏi nhiều năm trong đầu, tự nhiên ngay lúc này nhảy ra, với cái gì đó như là câu trả lời. Hmm… vật nhau với khó khăn là vật nhau với chính Thượng đế, là cuộc đấu tranh không hề thất bại cho con người sao? Các bạn trả lời hộ mình nhé.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Tư duy tích cực mỗi ngày