Lo cho người

Chào các bạn,

Đạo đức kinh (Tao Te Chinh) của Lão Tử (Lão giáo hay Đạo học, Taoism), Nguyễn Duy Cần dịch, Chương 54 có đoạn:

Nếu lấy Đạo mà tu thân,
Thì Đức ấy chân thành.
Nếu lấy Đạo mà lo việc nhà,
Thì Đức ấy có dư.
Nếu lấy Đạo mà lo cho hàng xóm,
Thì Đức ấy mới dài.
Nếu lấy Đạo mà lo cho nước,
Thì Đức ấy mới thịnh.
Nếu lấy Đạo mà lo cho thiên hạ,
Thì Đức ấy mới rộng.

Đạo là từ nói chung về nguyên lý vận hành vũ trụ. Người giữ Đạo và luôn sống theo Đạo, gọi là người có Đức. Thế nên người ta hay nói: “Sống để Đức lại cho con.” Đức có nghĩa là đức hạnh của mình sống theo Đạo, và cũng có nghĩa là ân phúc (blessings) của mình để có thể truyền lại cho con cái.

Chỉ khi người có Đức lo cho người khác, Đức ấy mới dài, lớn và rộng. Càng lo cho nhiều người, cho đất nước và cho thế giới, Đức ấy càng dài, càng lớn và càng rộng.

Lo cho người khác, đó là cho đi, và cũng là bố thí.

Bố thí là đức hạnh đầu tiên trong Đường tu Bồ tát. Đường tu Bồ tát có sáu đức hạnh gọi là Lục độ ba la mật, nghĩa là Sáu đức hạnh giải thoát. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Trong lục độ thì bố thí là đức hạnh đầu tiên. Không có bố thí thì chẳng thể có năm đức hạnh sau đó. Nghĩa là, không có bố thí thì chẳng có trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

Có ba cách bố thí:

– Tài thí: cho tài sản, tiền bạc, vật dụng, cơ hội nghề nghiệp…

– Pháp thí: cho kinh Phật, giảng dạy và quảng bá Phật pháp.

– Vô úy thí: Cho cái không sợ, giúp người được bình an, giúp người biết tĩnh lặng trước mọi tình huống.

Kinh Kim Cang nói: “Bồ tát… nên không có chỗ trụ mà bố thí (Đoạn 4).” Nghĩa là, Bồ tát bố thí chẳng vì gì cả – chẳng vì là Phật tử nên mới bố thí, chẳng vì tích đức cho con cháu nên mới bố thí, chẳng vì mục đích kiếp sau giàu có (hoặc kiếp sau thành Phật) nên mới bố thí, chẳng vì cảm giác có ý nghĩa nên mới bố thí… Bồ tát bố thí chẳng vì gì. Bồ tát bố thí tự nhiên như hít thở. 

Chúa Giêsu nói: “Khi bạn bố thí cho người thiếu thốn, đừng để tay trái của bạn biết tay phải đang làm gì, để việc bố thí của bạn có thể bí mật.” (Matthew 6:3).

Đó là tinh thần bố thí, và cũng là tinh thần lo cho người khác.

Trong cuộc sống, chúng ta bố thí rất thường – từ mua hộ vài tờ vé số, đến thăm người già/ người bệnh/ trẻ em không nơi nương tựa, đến quyên góp từ thiện, đến tính chất nghề nghiệp: thầy cô, bác sĩ, người lính… Dù ta là ai, làm gì, bố thí mà như không bố thí, đó mới là bố thí; lo cho người mà như chẳng lo gì, đó mới là lo cho người.

Hơn nữa, người lo cho người khác mới là người nên nói lời cảm ơn (Người cho nên cảm ơn, 101 Truyện Thiền bình giải).

Người có Đức lo cho người khác như thế,  Đức ấy mới thực sự là có Đức. Vì không nghĩ đến Đức nên mới có Đức. Và Đức ấy mới dài, lớn và rộng. 

“Đức cao là do không có đức,
Bởi vậy mới có đức.” (Đạo Đức kinh, chương 38).

Chúc các bạn một ngày tốt lành.

Phạm Thu Hương

Leave a comment