Điên đảo mộng tưởng

Chào các bạn,

Trong đoạn cuối của Bát Nhã Tâm kinh có câu: “Bởi chẳng có gì để đạt, Bồ tát nương tựa Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên tâm không vướng mắc; vì không vướng mắc nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo niết bàn”.

Bồ tát xa lìa mộng tưởng điên đảo thì rốt ráo niết bàn.

Mộng là mơ ngủ (dream, nighmare), tưởng là ý nghĩ (thinking, thought), điên là điên khùng (insane), đảo là đảo ngược (reversed, upside down, downside up).

Mộng tưởng điên đảo là người điên, mọi tư tưởng đều không thật, như cơn mộng, và mọi thứ đều thấy đảo ngược: tốt thành xấu, trắng thành đen, thiện thành ác, thật thành giả, giả thành thật… Ví dụ: Tình tay ba là sai trái và không an toàn nhưng người điên đảo mộng tưởng thì thấy đó là ok.

Trong Luận ngữ, Khổng tử nói: “Khi yêu thì muốn người ta sống, khi ghét thì muốn người ta chết, như vậy là mê hoặc.” (Nguyễn Hiến Lê dịch, XII.10).

“Mê hoặc” nghĩa là đầu óc mờ tối lầm lẫn, không còn phân biệt được gì (theo Từ điển Hán Nôm). “Mê hoặc” chính là điên đảo mộng tưởng.

Mẹ dạy con đừng hút thuốc uống rượu, con cho rằng mẹ hủ lậu, nên con lại còn hút thuốc uống rượu nhiều hơn. Thầy bảo trò làm việc cẩn thận tỉ mỉ, trò cho rằng thầy đòi hỏi quá đáng không cần thiết. Vợ bảo chồng bớt chơi game và nên dành thời gian nhiều cho gia đình, chồng bảo “Cô nhiều chuyện quá.” Vợ chồng nên tương kính như tân, nhưng lấy nhau rồi chẳng còn tân nữa thì lại xem thường nhau. Thầy cô dạy “gặp người lớn thì chào lễ độ”, nhưng trò thì nghĩ: “Thời nay mọi người bình đẳng, lễ độ quái gì.”

Thế gian có rất nhiều người điên đảo mộng tưởng. Ai xa lìa mộng tưởng điên đảo thì rốt ráo niết bàn và trở thành bồ tát, trong một sát-na, chỉ cần quyết tâm.

Chúc các bạn một ngày quyết tâm.

Phạm Thu Hương

Leave a comment