Bồ tát dưới lòng đất

Chào các bạn,
kiến
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Kinh Pháp Hoa), phẩm 15 – Tùng địa dũng xuất – có nói hằng hà sa số Bồ tát từ lòng đất nhảy lên nghe Phật giảng Kinh Pháp Hoa:

“Lúc Phật nói lời đó, cõi Ta-Bà trong tam-thiên đại-thiên cõi nước đất đều rúng nứt, mà ở trong đó có vô-lượng nghìn muôn ức vị đại Bồ-tát đồng thời vọt ra. Các vị Bồ-tát đó thân đều sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng tốt cùng vô-lượng ánh-sáng, trước đây đều ở dưới cõi Ta-Bà này, cõi đó trụ giữa hư-không. Các vị Bồ-tát đó nghe tiếng nói của đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nên từ dưới mà đến. Mỗi vị Bồ-tát đều là bậc đạo thủ trong đại chúng, đều đem theo sáu muôn hằng-hà-sa quyến-thuộc, huống là những vị đem năm muôn, bốn muôn, ba muôn, hai muôn, một muôn hằng-hà-sa quyến thuộc. Huống là nhẫn đến những vị đem một hằng-hà-sa, nửa hằng-hà-sa, một phần hằng-hà-sa, nhẫn đến một phần trong nghìn muôn ức na-do-tha phần hằng-hà-sa quyến-thuộc. Huống là những vị đem nghìn muôn ức na-do-tha quyến-thuộc, huống là đem muôn ức quyến-thuộc, huống là đem nghìn trăm muôn nhẫn đến một muôn, huống là đem một nghìn, một trăm nhẫn đến mười quyến thuộc, huống là năm, bốn, ba, hai, một người đệ-tử. Huống lại là những vị riêng một mình ưa hạnh viễn-ly, số đông vô lượng vô-biên dường ấy, tính đếm thí-dụ chẳng có thể biết được.

Các vị Bồ-tát đó từ dưới đất lên, đều đến nơi tháp đẹp bảy báu, chỗ của đức Đa-Bửu Như-Lai và Thích Ca Mâu-Ni Phật, đến nơi rồi hướng về hai vị Thế-Tôn mà đầu mặt lạy chân Phật, và đến chỗ các đức Phật ngồi trên tòa sư-tử dưới cội cây báu, cũng đều làm lễ. Đi quanh bên mặt ba vòng, chắp tay cung-kính dùng các cách ngợi-khen của Bồ-tát mà ngợi-khen Phật, rồi đứng qua một phía, ưa vui chiêm-ngưỡng hai đấng Thế-Tôn.

Đây rõ ràng là nói đến vô số côn trùng dưới lòng đất, nhiều vị có hằng hà sa số quyến thuộc, như kiến, như mối, nhiều vị “ưa hạnh viễn ly” sống một mình—như trăn, rắn…

Đây là bình đẳng tuyệt đối của Phật gia—cả côn trùng cũng có thể thành Bồ tát. Kinh Pháp Hoa là một cách mạng bình đẳng tâm linh và xã hội mạnh mẽ nhất trong lịch sử con người. Ngoài Kinh Pháp Hoa chưa hề có một kinh nào khác, của một tôn giáo nào khác, của một trường phái triết lý nào khác, nói đến bình đẳng giữa loài người và các loài sinh vật khác trên trái đất một cách rốt ráo như thế.

Trong một thế giới bất bình đẳng giữa giàu nghèo, giữa các màu da, giữa nô lệ và chủ nhân, giữa các giai cấp tôn giáo và giai cấp xã hội, và cho đến ngày nay vẫn còn bất bình đẳng dưới nhiều hình thức, thì tư tưởng bình đẳng của Kinh Pháp Hoa như là một trận bão kinh hồn quét tất cả thành quách nhiều tầng thành bình địa.

Một đàn kiến đang bò trước mặt, một đường kiến hai dòng chảy, tới lui lăng xăng, thỉnh thoảng vài chú kiến khiêng một hạt cơm hay một vụn bánh mì, mọi kiến chăm chỉ cần cù làm việc. Mình luôn luôn có cảm tình với kiến về cách làm việc cần mẫn kỷ luật và cách truyền thông phối hợp rất thông minh. Và kiến chẳng chọc ai, trừ khi người ta chọc kiến.

Và nếu kiến là Bồ tát, thì có lẽ điều đó dễ hiểu hơn là người là Bồ tát. Một đời sống trật tự như thế thì khả năng thành Bồ tát có lẽ là cao hơn loài người nhiều tham sân si.

Dù sao thì Kinh Pháp Hoa cũng thường làm mình tự hỏi: Khoan nói đến kiến và giun, mình có nhìn thấy mọi người quanh mình là Bồ tát không vậy?

Chúc các bạn luôn bình đẳng và thương mến.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

3 thoughts on “Bồ tát dưới lòng đất”

  1. Em đọc lại nhớ đến cảnh tượng được miêu tả trong cõi Tịnh độ Cực lạc “Ở cõi nước ấy, núi non đất đai, thành quách cung điện, các thứ phương tiện, nhà cửa phố xá, hạ tầng cơ sở, cho đến hàng cây, đều nạm bảy báu: vàng, bạc, trân châu, pha lê, mã não, lưu ly, xà cừ. Cho nên cõi ấy gọi là Cực Lạc.” (bà em rất hay tụng kinh A-di-đà này 🙂 )đó chính là cõi này với tâm yêu thương nên nhìn những lá cây cũng trân quý như nhìn vật báu, nhìn đàn kiến cũng thấy bình an của Bồ tát, còn mong sanh đi đâu nữa làm chi ^^
    Nhưng cuộc sống của em thì quá dễ dàng để nói vậy, còn quá nhiều vấn đề xã hội phải quan tâm và góp sức, ngay cả cuộc đời của một vị A-la-hán khi đã nhập Niết bàn Hữu-dư-Y vẫn vất vả vô cùng, ít người biết điều đó 😀
    Em Hường

    Like

  2. Dear Anh Hai

    Đọc bài chia sẻ của Anh Hai về tư tưởng bình đẳng của Kinh Pháp Hoa cho em thêm cảm nhận:

    “Sự giữ giới không sát sinh nhằm mục đích bảo vệ công bằng, mọi chúng sanh đều muốn sống sợ chết, mọi chúng sanh đều có Phật tánh như nhau.

    Giữ giới sát sinh là nuôi dưỡng lòng từ bi. Bồi dưỡng tấm lòng từ bi mới là trọng điểm của việc không sát sinh, cũng chính là tinh thần của Phật và chư Bồ Tát giáo hóa độ thế.

    Nếu người người đều phát huy tinh thần từ bi bình đẳng thì thế giới sẽ hài hòa, hòa bình, giúp đỡ, kính trọng, yêu mến nhau, hòa hợp với nhau không có sự ngăn cách

    Và như thế ta sẽ nhìn thấy mọi người mọi vật quanh ta là Bồ tát 😛

    Em cảm ơn Anh Hai về những chia sẻ mỗi ngày.

    Em M Lành

    Like

Leave a comment