Cầu nguyện, tư duy tích cực, và luật hấp dẫn

Chào các bạn,

Mình thường nhắc đến cầu nguyện trong các bài tư duy tích cực. Hôm nay mình viết bài này để trình bày rõ ràng tại sao. Có lẽ nhiều bạn cũng đã biết câu trả lời, do tự các bạn hay qua các mảnh rời rạc mình viết trong các bài trước và các phản hồi. Nhưng có lẽ nhiều bạn vẫn còn thắc mắc, bài này là nhằm giải tỏa mọi thắc mắc đó.

Cầu nguyện là nói đến cầu nguyện với Chúa, Phật, Allah, Trời Đất, thần thánh nào đó của bạn, ở một thế giới siêu hình của bạn. Mình không nói đến chi tiết là bạn cầu nguyện với ai, và cũng không nói đến cầu điều gì. Bài này nói đến nguyên lý của tư duy tích cực trong cầu nguyện.

Norman Vincent Peale, người sáng tạo ra từ “tư duy tích cực” (positive thinking) và là cha đẻ của khoa tư duy tích cực ngày nay, đặt nền tảng tư duy tích cực trên Thánh Kinh (Thiên chúa giáo) và cầu nguyện. Rất nhiều vị thầy tư duy tích cực ngày nay, vì nhu cầu liên hệ với học trò không muốn nói chuyện siêu hình, nên thường bỏ đi phần cầu nguyện và thánh kinh, và chỉ nói đến các phần tâm lý bước đầu. Nhưng, ngoại trừ một số rất nhỏ người phi phàm, đối với đại đa số người (kể cả chính mình), khoa tư duy tích cực thuần tâm lý (mà không tâm linh) đó, sẽ có hiệu năng đến chỉ mức trung bình rồi ngưng. Muốn đạt đến mức độ tuyệt đỉnh của tư duy tích cực, chúng ta cần tư duy tích cực theo cách các trường phái tâm linh đã làm hàng nghìn năm nay, trong đó cầu nguyện là trung tâm điểm.

Trong bài này, chúng ta sẽ không nói đến khía cạnh siêu hình của cầu nguyện, như là bạn cầu nguyện với Bồ tát Quán Thế Âm cho ngưng bão, và sau đó nửa tiếng bão biến đâu mất, và đối với bạn đó là phép lạ của Quán Thế Âm Bồ tát.

Chúng ta sẽ chỉ nói đến phương diện tâm lý của cầu nguyện mà thôi.

Mọi người cầu nguyện đều biết đến 4 điều kiện tối thiểu của cầu nguyện: Lòng tin, khiêm tốn, thành thật, và tình yêu.

• Lòng tin: Không tin thì đuơng nhiên là chẳng ai cầu nguyện làm gì.

• Khiêm tốn: Không thể cầu nguyện kiểu “Ông à, đây là điều tôi muốn, ông thực hiện nó cho tôi ngay lập tức.”

• Thành thật: Không thể cầu nguyện để cho vụ ăn trộm mình đang tính được trót lọt.

• Tình yêu: Không thể cầu nguyện với thù hận: “Chúa ơi, cho mấy tên chó chết này chết hết đi.” Ngay cả khi bị ở dưới họng súng “kẻ thù” lời cầu nguyện chỉ có thể là “Xin chúa cứu con khỏi tay kẻ thù”. Và nếu cầu nguyện cho kẻ thù thì phải “Xin chúa mở quả tim người này để anh ta có thể thấy và hiểu được công lý và tình yêu.”

Vậy thì, khi cầu nguyện như vậy tâm của ta rất trong sáng và tích cực về mọi điều, mọi sự, moi người…. kể cả người trộm cắp, người “xấu xa”, “kẻ thù”… kể cả bão lụt, động đất, chiến tranh…

Do đó, sự cầu nguyện tự chính nó giúp cho người cầu nguyện có được tâm thanh tịnh, yêu ái, hy vọng, tích cực về tất cả mọi sự và tất cả mọi người. Đó là một năng lượng tích cực vĩ đại mà bình thường rất khó cho chúng ta tạo ra với đủ mọi thứ tham sân si, hỉ nộ ái ố ai lạc dục trong tâm ta.

Năng lượng tích cực này tự chính nó tạo ra những điều tích cực cho người cầu nguyện. Và nếu một người cầu nguyện đúng cách như thế thường xuyên thì năng lượng tích cực tạo ra rất nhiều, đủ sức đánh bạt được các năng lượng tiêu cực do tham sân si thỉnh thoảng đưa đến.

Ta có thể thấy cuộc đời của người có nhiều năng lượng tích cực như thế đương nhiên là sẽ nhiều hạnh phúc và thành công.

(Dĩ nhiên là nếu người cầu nguyện thường xuyên mà chỉ lảm nhảm máy móc, không chuẩn bị cho tâm mình hội đủ 4 điều kiên tối thiểu của cầu nguyện–lòng tin, khiêm tốn, thành thật, tình yêu–thì không tạo được năng lượng tích cực của cầu nguyện).

Năng lực tích cực của cầu nguyện rất mạnh. Cầu nguyện tức là sử dụng Luật Hấp Dẫn ở mức độ mạnh mẽ nhất, bởi vì lòng tin trong cầu nguyện làm mạnh mẽ tư tưởng về điều người ta cầu nguyện, nếu người ta chú tâm cầu nguyện vào điều đó, như “xin cho con thành công trong công việc” hay “xin cho con được hạnh phúc gia đình”.

Và khi nhiều người trong một vùng cầu nguyện về một vấn đề xã hội nào đó, như “Xin cho vùng này hết tham nhũng”, thì năng lượng tổng hợp do nhiều người tạo ra do cầu nguyện thường xuyên, theo luật hấp dẫn, có thể có đủ sức đưa đến sự trong sạch trong guồng máy hành chánh của vùng đó.

Cho nên, ở các bệnh viện tại Hoa Kỳ, các bác sĩ luôn luôn khuyến khích người nhà cầu nguyện cùng với bệnh nhân thường xuyên để giúp chữa bệnh. Và các tôn giáo luôn luôn dùng cầu nguyện là khí cụ số một, nếu không là khí cụ duy nhất, đề giải quyết các vấn đề cá nhân cũng như xã hội.

Các bạn không nên bỏ qua cách tạo năng lượng tích cực rất tốt này.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,
Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Cầu nguyện, tư duy tích cực, và luật hấp dẫn”

  1. Anh Hoành,
    Cám ơn sự chỉ dẫn của anh trong bài này vì em đang cảm thấy mình bất lực quá. xin nâng đở em trong lời cầu nguyện nhe, em xin thật đó vì em đang gặp khó với chính mình và với người khác hy vọng em sẽ đỡ hơn nay mai khi em biết dùng năng lượng tích cực này.
    Cám ơn Anh trước.
    Hảo

    Like

  2. Hi anh Hòanh, Em rất tâm đắc với bài viết này, khi em thực hành cầu nguyện mỗi ngày cho em một trãi nghiệm tâm linh tuyệt vời, phép lạ đã xãy ra !
    gần đây em bận quá, cầu nguyện không thường xuyên, cảm thấy không bình an anh a,

    Like

  3. Hi Tâm,

    Cầu nguyện thường chẳng tốn thời giờ gì cả, chỉ là thói quen.

    Vấn đề thường là, chúng ta đều đã được huấn luyện tự lực cánh sinh. Thái độ cầu nguyện đứng đắn nhất lại đặt trên ý niệm “total dependency on God”. Cho nên đây là vấn đề thái độ ta phải vượt qua. Ý niệm “independence” phải được loại bỏ, và thay bằng total submission, total dependency on God. Chuyển đổi thái độ như thế thực là một điều rất khó trong nền văn hóa “independent” hiện nay.

    Like

  4. Reblogged this on VỚ VẨN LẮM and commented:
    Mọi người cầu nguyện đều biết đến 4 điều kiện tối thiểu của cầu nguyện: Lòng tin, khiêm tốn, thành thật, và tình yêu.

    • Lòng tin: Không tin thì đuơng nhiên là chẳng ai cầu nguyện làm gì.

    • Khiêm tốn: Không thể cầu nguyện kiểu “Ông à, đây là điều tôi muốn, ông thực hiện nó cho tôi ngay lập tức.”

    • Thành thật: Không thể cầu nguyện để cho vụ ăn trộm mình đang tính được trót lọt.

    • Tình yêu: Không thể cầu nguyện với thù hận: “Chúa ơi, cho mấy tên chó chết này chết hết đi.” Ngay cả khi bị ở dưới họng súng “kẻ thù” lời cầu nguyện chỉ có thể là “Xin chúa cứu con khỏi tay kẻ thù”. Và nếu cầu nguyện cho kẻ thù thì phải “Xin chúa mở quả tim người này để anh ta có thể thấy và hiểu được công lý và tình yêu.”

    Vậy thì, khi cầu nguyện như vậy tâm của ta rất trong sáng và tích cực về mọi điều, mọi sự, moi người…. kể cả người trộm cắp, người “xấu xa”, “kẻ thù”… kể cả bão lụt, động đất, chiến tranh…

    Do đó, sự cầu nguyện tự chính nó giúp cho người cầu nguyện có được tâm thanh tịnh, yêu ái, hy vọng, tích cực về tất cả mọi sự và tất cả mọi người.

    Like

Leave a comment