Đầu ngày

Chào các bạn,

Ta hay nói câu “ấn tượng đầu tiên.” Lần đầu tiên gặp nhau mà có ấn tượng xấu về nhau là hỏng rồi. Đầu năm bị mắng là “dông” cả năm. Chơi bi-da mà đánh trật một hai cơ đầu là “quê cơ” cả buổi. Sáng ra ngõ gặp ga… a… a… something… là xui cả ngày. Tóm lại, một cảm giác nào đó ta có lúc ban đầu thường có tính cách quyết định cho những tình trạng sau đó.

Điều này cũng dễ hiểu. Hệ thần kinh của ta không làm việc kiểu vi tính—tắt chương trình này, mở chương tình khác được ngay, cùng lắm là reboot máy. Về tâm lý, khi đã bắt đầu hướng nào là thần kinh của ta cứ đi theo hướng đó rất lâu, giận ai thì cũng phải nửa buổi hay một ngày mới hết. (Có người giận cả đời :-(). Nếu đã bức xúc thì bức xúc cả buổi. Cho nên khi bắt đầu việc gì, ta phải bắt đầu với tinh thần và cảm giác mà ta muốn trong suốt tiến trình sau đó.

Trong các đàm phán về thương mại, người ta đó gọi là “set the tone” (tạm dịch là “xây dựng bầu không khí”). Nếu ta muốn tinh thần buổi họp đó nói lên được (1) sự quí mến, (2) thân thiện, (3) nhưng cũng nghiêm chỉnh, thì (1) ta có thể đặt cà phê, trà, bánh ngọt, ly tách sẵn trên bàn họp, hay sát bàn họp, và đèn đuốc mở sẵn, để tỏ sự quí mến với đối tác. Đừng đợi khách vào rồi mới gọi người đi pha cà phê. (2) Áo quần chỉnh tề và đề nghị nhẹ nhàng chỗ ngồi cho từng người quanh bàn, để chỉ tính nghiêm trọng. (3) Nói chuyện về thể thao, thời tiết, và hỏi thăm gia đình nhau vài câu (nếu biết một tí về gia đình, con cái), để tỏ lòng thân thiện.

Sáng sớm trong phố nhỏ
Sáng sớm trong phố nhỏ

Không nên nói một chữ, một câu nào, có tính cách tiêu cực, kể cả khi người đối tác nói tiêu cực (như “tôi không ưa ông Bush”) và ta chỉ hùa theo, vì không khí tiêu cực sẽ đến và ngồi ì đó cả ngày. Nếu muốn đồng ý theo, thì ta nên lái sang ngôn ngữ tích cực, như “tôi hy vọng là ông ấy sẽ học thêm được vài kinh nghiệm.” Ta nên nhớ rằng, cách nói phủ định luôn luôn có tính tiêu cực, ví dụ “Tôi không thích trời mưa” hay “Tôi không thích phụ nữ mặc quần như đàn ông.” Tuy nhiên, cách nói xác định vẫn có thể tiêu cực nếu dùng từ tiêu cực. Ví dụ, “ông bán quán đó là một phế nhân.”

Quan trọng hơn cả các cuộc họp trong ngày là lúc ta bắt đầu một ngày mới. Thái độ của ta lúc đầu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ và công việc cả ngày. Nếu sáng ra mà không vui hay bực mình chuyện gì đó, có thể ta là sẽ đến sở với khuôn mặt méo mó, nói chuyện thì làm người khác bực mình, vì vậy có thể làm hỏng việc, và các quyết định trong công việc cũng có thể xấu đi vì đầu óc không được sáng suốt lắm. Lúc khởi đầu rất quan trọng. Một chương trình TV chỉ có khoảng một hay hai phút đầu để hấp dẫn ta, nếu không hài lòng là ta sẽ đổi đài ngay. Vì vậy, ta cần phải quan tâm đến buổi đầu ngày, lúc mới ngũ dậy—đó là “ấn tượng đầu tiên” sẽ quyết định rất lớn đến phẩm chất toàn ngày.

Vì vậy, bước ra khỏi giường là:

1. Vận động thân thể một tí để đánh tan uể oải và làm cho mình khỏe khoắn tích cực hơn. Có một liên hệ trực tiếp giữa cơ thể và tâm trí mà nhiều chuyên gia về giáo dục đôi khi quên mất. Người bệnh thì hay cau có càu nhàu, người khỏe thì cười nói vui vẻ. Quy luật cực kỳ căn bản này ta không thể bỏ quên.

2. Nói năng vui vẻ mới mọi người trong nhà. Đây là những câu nói đầu tiên sẽ “set the air” cho mình và cho mọi người cả ngày. Câu hỏi dễ hỏi nhất là “Hôm qua trời mưa/nóng ngũ ngon không? Muốn cà phê, trà hay cái gì, anh làm cho?”

3. Để nhạc sống động một tí.

4. Đừng nên nghe tin tức trên TV, radio hay đọc báo, vì đa số báo chí ngày nay đều đăng nhiều tin xấu hơn tin vui (vì nhu cầu cần tin giật gân để làm thương mãi). Không nên bắt đầu một ngày bằng các tin làm mình chán ngán cuộc đời. (Nghe tin giữa ngày cũng được rồi).

5. Ăn hoặc uống cái gì đó mà mình thích.

Đầu ngày
Đầu ngày

6. Đừng dựng lịch quá chặt chẻ đến nỗi ta phải chạy và stress. Nếu đường từ nhà đến sở tốn trung bình 30 phút, thì nên dành cho nó 40 phút trong lịch, khi kẹt xe ta sẽ không bị stress. Stress không những phá hỏng cả ngày, mà stress sẽ giết bạn sớm.

Dựng lịch thong thả là cách tốt nhất để giảm stress, đồng thời tăng hiệu năng. Nên dựng lịch thong thả cho mọi hoạt động trong ngày. Ta thường theo thói cạnh tranh dữ dội ngày nay là làm lịch rất chặt chẻ, tưởng như thế là hiệu năng cao. Thực ra, như vậy thì hiệu năng lại thấp, vì hiệu năng của mỗi phút rất thấp, do stress. Làm một tiếng đồng hồ mà hiệu năng bằng người khác làm hai tiếng thì vẫn tốt hơn. Ví dụ: Nếu bán hàng, bạn cứ thong thả từ tốn nói chuyện trời trăng mây gió với người khách (nếu người ấy thích), thì chắc chắn là bạn sẽ bán nhanh hơn một cô cứ cố gắng đưa khách hàng qua món này đến món kia vù vù. Work smarter, not harder.

7. Ra đường, nhìn khung cảnh chung quanh, nắng ấm (hay mưa đẹp), hàng quán, xe cộ và đoàn người qua lại như khung cửi, những hàng cây cao, và tận hưởng cái đẹp và sức sống của thành phố cho một ngày mới.

8. Gặp người quen thì vẫy tay, hay tốt hơn nữa là hỏi một câu. Đừng căng quá đến nỗi chẳng thấy được ai ngoài đường.

9. Dành 15 giây, chỉ 15 giây thôi cũng đủ rồi, cám ơn trời đất đã cho ta một đêm ngũ bình yên, một cơ thể khỏe mạnh, một đầu óc sáng suốt, và một ngày mới để sống. Những người tích cực luôn luôn là những người biết thọ ơn. Có một liên hệ rất chặt chẻ giữa lòng biết ơn và tính tích cực, mà nhiều chuyên gia chưa thấy. Và dù là điều 9 này nằm cuối danh sách, bạn nên làm nó ngay đầu ngày, vào mục số 1.

Cứ như vậy, ta bắt đầu một ngày, bình thản, thong thả, tích cực, không phải để “làm việc,” không phải để “chạy”, không phải để “đi cày,” không phải để “ráng cho qua ngày,” cũng không phải để “xây dựng cuộc đời” hay vá trời lấp biển, mà chỉ đơn giản là để sống–sống một ngày cho trọn một ngày, ở đây, lúc này.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Khắc phục những suy nghĩ tiêu cực

Tác giả: Huỳnh Huệ

“Cách khắc phục những suy nghĩ tiêu cực và những cảm xúc có hại là phát triển những cảm xúc tích cực mạnh mẽ hơn” – Đạt Lai Lạt Ma.

Đối với nhiều người, cuộc sống có thể tốt hơn nếu họ nhận ra những ý nghĩ tiêu cực, những cảm xúc có hại và thay vào đó bằng những suy nghĩ lạc quan, những cảm xúc tích cực.

Suy nghĩ theo hướng tiêu cực, dưới nhiều hình thức, cách này hay cách khác len lỏi vào suy nghĩ và cách nói năng của ta mà ta không biết. Bí quyết thành công, theo thiển ý của tôi, là phát hiện ra chúng và tiêu diệt chúng như loài sâu độc hại. Hãy thay thế chúng bằng những suy nghĩ và cảm xúc tích cực, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn lao trong mọi điều bạn làm.

Tôi là một người lạc quan, đã từng nếm trải nhiều đắng cay, mất mát, và bất hạnh. Tuy nhiên, trước những thăng trầm của cuộc đời, tôi không hề mất đi niềm tin rằng cuộc sống này của tôi và của bạn vẫn đẹp. Tôi thực sự tin rằng một lúc nào đó, vận may sẽ mỉm cười với chúng ta. Thành thực mà nói, về bản thân và cuộc đời mình, tôi vẫn thấy mình hạnh phúc, chí ít là hạnh phúc hơn nhiều người khác chịu nhiều bất hạnh và đau khổ hơn tôi.

Chúng ta thử xem 10 cách thông thường nhất của suy nghĩ tiêu cực – và giải pháp – tôi đã làm như thế và cả cuộc đời tôi đã thay đổi.

1. Tôi sẽ hạnh phúc một khi tôi có….. (hay khi tôi kiếm được X)

Vấn đề: Nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể hạnh phúc cho đến khi nào bạn đạt đến một mốc nào đó, một chỉ số về tài sản nào đó, hay một kiểu nhà, hiệu xe hơi, hay cấu hình máy tính và điện thoại di động, quần áo hàng hiệu nào đó, thì bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc. Mục tiêu khó nắm bắt ấy luôn ngoài tầm với. Một khi ta đạt được những mục tiêu ấy rồi, ta có thỏa mãn không? Hay ta lại ham muốn nhiều hơn?

Giải pháp: Biết hạnh phúc với những gì ta có, với nơi ta đang ở, vị trí hiện tại, và cái ta đang là – ngay chính phút giây này. Hạnh phúc không phải là một trạng thái nào đó mà ta muốn cuối cùng đạt đến – hạnh phúc có thể tìm thấy ngay bây giờ. Biết chắt chiu hạnh phúc, đếm những may mắn của đời mình, và thấy mặt tích cực trong mỗi tình huống. Nghe có vẻ giản đơn, nhưng cách này hiệu quả.

2. Ước gì tôi bằng (một nhân vật nổi tiếng, một người bạn hay láng giềng)

Vấn đề: Chúng ta sẽ chẳng bao giờ xinh đẹp, tài ba, giàu sang, quyến rũ bằng mọi người khác. Nếu bạn tài giỏi, luôn có một ai khác giỏi hơn. Vì thế, nếu ta so sánh mình với người khác, ta sẽ thấy mình thua kém, luôn thất bại, và cảm thấy mình bất hạnh. Thế thì không thể hạnh phúc.

Giải pháp: Ngừng so sánh bản thân với người khác, và thay vào đó nhìn vào chính mình: Những điểm mạnh, những thành công, những kết quả đạt được của mình là gì, dù cho chúng còn khiêm tốn. Bạn yêu mến những gì ở chính mình? Học cách yêu bản thân, mình của hiện tại, chứ không phải cái mà mình muốn trở thành. Trong mỗi chúng ta, luôn có cái tốt, tình yêu, và tính nhân bản tuyệt vời.

3. Thấy người khác thành công sinh lòng ghen tị

Vấn đề: Trước hết đừng cho rằng chỉ có số ít người có thể thành công. Sự thực là thành công có thể đến với nhiều người – bằng nhiều cách khác nhau.

Giải pháp: Biết ngưỡng mộ thành công của người khác, học hỏi từ đó, và vui mừng với thành tựu của họ, bằng cách đồng cảm với họ và hiểu được họ đã phải làm như thế nào để trở thành họ như bây giờ. Và sau đó quay đi, nhìn lại chính mình – để thấy rằng bạn cũng có thể thành công, trong bất cứ việc gì bạn đã chọn để làm. Thậm chí bạn đã thành công rồi đấy. Chớ nhìn lên những người ở trên cao hơn bạn trong thang bậc xã hội, mà hãy nhìn xuống những người bên dưới; có hàng triệu người thua kém, cơ khổ hơn bạn – những người không thể đọc được bài báo này hay sở hữu một cái máy tính. Xét theo nghĩa ấy, bạn đã là một người rất thành công rồi.

4. Tôi là một kẻ thất bại cay đắng- Tôi chẳng thể làm gì ra hồn

Vấn đề: Mỗi người đều là một người thất bại nếu bạn nhìn vấn đề theo những cách nào đó. Mọi người đều đã có những thất bại, nhiều lần, mặt này hay mặt khác. Bản thân tôi chắc chắn không ít lần thất bại, nhiều đến nỗi tôi không thể đếm được.- và hiện tại, hàng ngày tôi vẫn còn thất bại. Tuy nhiên, nhìn nhận những thất bại như những thất bại chỉ khiến bạn cảm thấy mình tệ hơn. Với cách nghĩ như thế, ta sẽ tự tạo ra một hình ảnh rất tối tăm, đầy tiêu cực về bản thân, và sẽ không bao giờ xóa được hình ảnh không đẹp ấy…

Giải pháp: Nhìn nhận những thành công của mình và quên đi các thất bại. Nhìn lại đời mình, trong tháng qua, năm qua, hay 5 năm qua. Và cố gắng nhớ lại các thành công của bạn. Nếu bạn gặp khó khăn khi nhớ lại, hãy bắt đầu ghi chép tài liệu cho các thành công- ghi chép nhật ký, trong một cuốn sổ hay trên mạng. Ghi chép các thành công hàng ngày, hay hàng tuần. Khi bạn nhìn lại những thành quả ấy, sau một năm, bạn sẽ kinh ngạc. Cảm giác này thực dễ chịu.

5. Ta sẽ đánh bại người này và người nọ, và dẫu như thế nào, ta vẫn giỏi hơn hắn. Và bất luận thế nào, ta cũng không giúp hắn, kẻo hắn có thể đánh bại ta.

Vấn đề: Sự ganh đua – cạnh tranh luôn đinh ninh rằng có một lượng vàng phải tranh giành, và ta phải chiếm được nó trước. Tính cách này biến ta thành kẻ tham lam, nói xấu, gây tổn thương cho người và cho mình. Vì những tính ganh đua và tâm so bì, chúng ta cố gắng bằng mọi cách tranh đua quyết liệt với người khác để thành công.

Giải pháp: Học cách xem thành công như một cái gì đó có thể chia sẻ, và biết rằng nếu giúp đỡ tương trợ nhau, mỗi chúng ta có cơ hội tốt hơn để thành công. Hai người cùng hợp tác thực hiện một mục tiêu thường tốt hơn hai đối thủ tranh đua để giành giật thành công. Có nhiều hơn chỉ một thành công để không sợ phải phân phát. Hãy học cách suy nghĩ thành công chẳng của riêng ai.

6. Nguyền rủa! Tại sao những điều xấu, chuyện chẳng may này lại xảy ra với mình

Vấn đề: Chuyện rủi xảy ra với mọi người. Nếu ta mãi chăm chăm vào đó, ta sẽ mệt mỏi và chán nản.

Giải pháp: Xem những chuyện không hay như một phần tất yếu, thăng trầm của cuộc đời vô thường này. Đau khổ là một phần trong kiếp người, nhưng đau khổ rồi sẽ qua. Hết mưa lại nắng, sau cơn giông bão sẽ lại rạng rỡ ánh dương. Chớ để nỗi đau một mùa hủy diệt toàn bộ niềm vui của một đời còn lại. Chớ nhìn cuộc đời toàn màu xám đen, hãy nhìn thấy trời vẫn xanh trên đầu ta. Hãy học cách chấp nhận rủi may và học được gì từ đó và tự nhủ lẽ ra sự việc còn tệ hơn. Điều không may thực sự là cơ hội cho ta học để mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn.

7. Con/ Cô/ Anh chẳng thể làm được gì cho đàng hoàng! Tại sao con/ cô/ anh không giống như ………?

Vấn đề: Đây là lời bạn có thể nói với con cái, cấp dưới, hay chồng/vợ của mình. Vấn đề là ở đâu? Trước hết so sánh hai người luôn là một sai lầm. Người ta khác nhau, khác trong cách hành động, về những điểm mạnh và điểm yếu, về nhân cách. Nếu tất cả chúng ta đều giống nhau, ta là người máy. Hai là, nói những lời không đẹp như thế với người khác chẳng giải quyết vấn đề, hay cải thiện được gì. Điều này có thể làm bạn thấy khá hơn, nhưng thực ra, nó làm xấu đi mối quan hệ của bạn, và sẽ thực sự khiến bạn thấy khó chịu và chắc chắn khiến người kia thấy tiêu cực và sẽ tiếp tục với thái độ tiêu cực. Như thế mọi người đều thương tổn và mất mát.

Giải pháp: Lấy sai lầm hay chuyện không đúng của người ta làm cơ hội dạy dỗ người ấy. Chỉ cho họ nên làm thế nào. Sau đó, khen ngợi họ về thái dộ tích cực, và khuyến khích thành công. Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy yêu thương họ dù họ là ai, và đón nhận những khác biệt của họ.

8. Công việc của anh/ cô… là trò trẻ., chẳng ra sao. Anh/ cô rất ngu, và tôi tin rằng anh/ cô chẳng ra trò trống gì.

Vấn đề: Tôi thực sự đã nhận được lời nhận xét như thế, và cũng đã nhiều lúc không kiềm chế được bắn ra những lời không đẹp thế. Nghe có vẻ tuyệt vì tôi đã phần nào hả giận? Nhưng ta chớ xem xét nó từ góc độ của người nhận lời phê bình ấy, mà từ góc độ của người bắn ra lời nhận xét này. Nói như thế có giúp cho bạn điều gì không? Tôi cho rằng bạn có thể thấy hả dạ vì đã trút giận nếu thấy đã bị người khác làm phí thời gian., Bao nhiêu thời gian của bạn bị lãng phí? Một vài phút chăng? Do lỗi của ai? Sự thực là nói những lời nặng nề, không đẹp chỉ đặt cách tư duy của bạn trong trạng thái tiêu cực bi quan. Hiển nhiên nó không tốt chút nào để kết bạn.

Giải pháp: Trước hết, học cách đưa ra các giải pháp tích cực có tính xây dựng. Thay vì phê phán công việc của ai đó là trò trẻ … , hãy đưa ra đề nghị cải thiện để giúp nó khá hơn. Nếu phải bỏ thời gian nhận xét, hãy dùng thời gian ấy xứng đáng. Hai là biềt cách giao tiếp với người khác theo hướng tích cực- điều này khiến người ta dễ chịu và bạn cũng thấy tốt hơn. Như thế rất tốt và dễ kết bạn.

9. Trả miếng _ trả thù

Vấn đề: Nếu ai đó làm nhục hay làm bạn tức giận, bạn đáp trả lại như thế chỉ tự chuốc lấy phiến toái lên bản thân. Người này có lẽ có một ngày không may, hay một năm xui và trút lên đầu bạn vì một lý đo nào đó. Nếu bạn phản ứng tương tự, bạn cũng làm cho ngày của mình xấu đi. Vấn đề của người ta trở thành của chính bạn. Không những thế, cái vòng quay của sự lăng mạ có thể càng tệ hơn cho đến khi nó gây ra những hậu quả về bạo hành và tiêu cực đáng tiếc- cho cả hai bên

Giải pháp: Hãy để cho những lời lăng mạ, xúc phạm trôi tuột như bạn đã có lớp phủ chống dính. Chớ để vấn đề của người thành của mình. Thực thế, hãy cố gắng hiểu vấn đề hơn – tại sao ai đó lại hay nói những lời khó nghe vậy? Họ có đang gặp phải vấn đề gì chăng? Có chút cảm thông với người- không chỉ giúp bạn hiểu được những phê phán ấy không nhằm vào bạn, mà có thể làm cho bạn cảm nhận và có thái độ tích cực hơn đối với họ- và khiến bạn cảm thấy dễ chịu với chính mình trong suốt quá trinh.

10. Tôi nghĩ tôi không có thể làm được – tôi không có đủ kinh nghiệm. Để khi khác vậy

Vấn đề: Nếu bạn nghĩ rằng mình không thể làm gì thì bạn chẳng bao giờ thành công, nhất là cho những chuyện lớn. Kinh nghiệm chẳng liên quan gì- sự tập trung và niềm hăng say, động cơ mới đáng kể. Nếu bạn luôn đợi dịp khác, bạn sẽ chẳng có khi nào thực hiện được gì. Suy nghĩ tiêu cực như thế ngăn cản ta không hoàn thành được bất cứ điều gì.

Giải pháp: Thay đổi cách nghĩ: rõ ràng bạn có thể làm được. Bạn không cần nhiều kinh nghiệm, hay đợi đến khi có đủ kinh nghiệm mới khởi sự. Tìm những cách để đạt đến thành công. Nếu thất bại, bạn vẫn có bài học quí giá, hãy cố lần nữa. Thay vì gác lại mục tiêu, hãy bắt tay ngay. Và tập trung vào chỉ một mục tiêu một lúc, đặt hết tâm lực vào đó, và tìm nhựng trợ giúp từ những người khác. Bạn có thể lấp biển dời non với cách suy nghĩ tích cực như thế.

Mười giải pháp suy nghĩ theo hướng tích cực như trên thực không xa vời, hay khó khăn, mà rất hiệu quả để giúp chúng ta tu tập, rèn luyện nhân cách, và sống vui, sống đẹp hơn.

Huỳnh Huệ


Bông hoa nhỏ từ cánh rừng Mozart

Thiếu nhi Việt Nam từ lâu đã biết tới một bông hoa nhỏ trong “cánh rừng Mozart”. Đó bài hát Khát vọng mùa xuân mà nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển soạn lại từ lied Sehnsucht nach dem Frühlinge của Mozart với phần lời tiếng Việt và tiết tấu chậm hơn để các em thiếu nhi có thể hát được.

Nghe ca khúc và đọc thêm chi tiết tại đây.

Ca khúc: Sehnsucht nach dem Frühlinge
Âm nhạc: Wolfgang Amadeus Mozart
Lời thơ: Christian Adolf Overbeck
Thể hiện: Elly Ameling (soprano) và Dalton Baldwin (piano)

Một người thành đạt

Câu chuyện cảm động về Trần Văn Diệu. Chín năm đi học nhờ chị, em trai cõng; bạn trẻ ấy nay lại là một vận động viên xuất sắc của thể thao khuyết tật tỉnh Quảng Trị và đã nuôi và dạy nghề cho nhiều người khuyết tật khác. Ý chí và nghị lực đã mang lại cho Diệu những tấm huy chương trên đường đua xanh, nhưng có lẽ ý chí và tấm lòng mới chính là chiếc huy chương quý giá nhất của Diệu.

Xem Một Người Thành Đạt ở đây.

Tin 21/2/09

Chào các bạn,

1. Để thuận tiện cho các bạn, kể từ hôm nay Đọt Chuối Non đã có thêm 2 tên miền mới:

dotchuoinon.com
tuduytichcuc.com

Tên miền cũ dotchuoinon.wordpress.com vẫn hiệu lực. Cả 3 tên miền, đều đưa về một chỗ, đó là dotchuoinon.com. Mong rằng các bạn sẽ vui hơn với các tiện nghi này.

2. Chúng ta vừa mới có thêm một admin mới, đó là chị Pham Thùy Dương, pthuyduong@yahoo.com. Chị Thùy Dương vừa trở về Sài Gòn sau một thời gian học master tại Phần Lan. Như vậy hiện thời DCN có 3 admins: A. Hoành, A. Hiển, C. Thùy Dương.

3. Trang “About” mới được cập nhật và thêm vài chi tiết. Mời các bạn ghé vào.

4. Trang “Thông Tin” đã được thay thế bằng category “Thông Tin” để phù hợp với hệ thống của wordpress hơn.

5. Đọt Chuối Non là để phục vụ mỗi người chúng ta. Nếu các bạn yêu nó, xin giúp nó phát triển bằng bất kỳ cách nào thuận tiện cho bạn: Giới thiệu đến các bạn khác, comment vào các bài viết, cung cấp thông tin, đóng góp bài vở, phụ giúp ý kiến. Ngũ Đại Hồ là do các giọt nước nhỏ tụ lại mà!

Hôm nay trời rất đẹp. Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Đọt Chuối Non

Đi học bằng phiếu ăn

Nhà các bé dân tộc thiểu số ở trường mầm non Sa Bình, Kontum, rất nghèo. Các thầy cô đã có sáng kiến biến trường thành bán trú và cho bố mẹ đổi nông phẩm trồng được thành phiếu ăn cho các bé, nhờ vậy mà số lượng các bé đi học tăng thêm rất nhiều. Ai bảo là ta không có thầy cô tốt tâm và nhiều sáng kiến?

Xem Đi Học Bằng Phiếu Ăn ở đây.

Tư duy tích cực là gì ?

Chào các bạn,

Tư duy tích cực là gì? Tư duy tích cực khác với một vài loại tư duy khác như thế nào? Tại sao ta lại cần tư duy tích cực?

“Tư duy” thường có nghĩa là suy nghĩ, và nói đến suy nghĩ là ta thường có ấn tượng rằng đó là một hoạt động của não bộ một lúc nào đó. Thực ra, từ “tư duy” ở đây rông rãi hơn, và có nghĩa là một thái độ sống, một cái nhìn về cuộc đời và sự sống, tương tự như tư duy trong cụm từ “thay đổi tư duy.” Tư duy tích cực chính là “sống tích cực” hay “thái độ tích cực.”

“Tích cực” có nghĩa là … không tiêu cực 🙂 , là

(1) khi nhìn mọi sự, mọi vật, mọi vấn đề ta luôn luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt;

(2) nếu thấy cái xấu ta có khả năng biến cái xấu thành cái tốt; và

(3) luôn luôn hướng đến hành động để làm mọi sự tốt hơn.

Ví dụ: (1) Bạn A. của mình thật năng động và có lòng tốt với mọi người, (2) chỉ hơi keo kiệt một tí, nhưng như vậy thì, nếu bạn làm thủ quỹ cho nhóm mình, chắc chắn là quỹ chẳng bao giờ thiếu hụt, và (3) cứ làm từ thiện hoài thì chắc chắn là bạn sẽ từ từ biết cách “phung phí” tiền cho người nghèo khổ.

Đặc điểm của tư duy tích cực là

(1) tập trung cái nhìn và tư tưởng vào cái tốt, nếu thấy cái xấu cũng phải tìm cho ra cái tốt trong cái xấu để tập trung tư tưởng vào đó, và

(2) dùng cái tốt như là động lực thúc đẩy mình sống và làm việc, đi đến mục đích cuối cùng là làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Cuộc đời đây là cuộc đời của chính mình, và là cuộc đời của thế giới mình sống. Tức là, cái tốt vừa là động lực thúc đẩy mình sống, vừa là mục tiêu tối hậu của cuộc sống.

Thông thường người ta thường phân chia thế giới thành hai nhóm người—tích cực và tiêu cực. Nhưng đó chỉ là cách nói tắt cho thuận tiện; thực ra ai cũng vừa tích cực vừa tiêu cực, chỉ là khuynh hướng nào mạnh hơn mà thôi. Hơn nữa, thông thường ta hay có thói quen tích cực hay tiêu cực tùy theo… trời mưa nắng và tùy theo đối tượng suy tưởng là người yêu hay… ông hàng xóm khó chịu.

Ta thực tập tư duy tích cực để ta luôn luôn tích cực–những ngày nắng đẹp cũng như những ngày ngập lụt, khi dạo phố với người yêu cũng như khi bị đụng xe–đối với tất cả mọi người–bạn thân hay địch thủ, thánh nhân hay đồ tể.

Bay!
Bay!

Và ta cần “thực tập” vì tâm tính không dễ gì thay đổi được. Tâm tính của mỗi người là một bộ máy tâm sinh lý đặc biệt, cứ như thế mà vui buồn yêu ghét. Không phải muốn đổi tâm tính là có thể làm xong trong một ngày, một tuần. Nếu cơ thể cần được tập luyện mỗi ngày, khá lên mỗi ngày một tí, vài ba năm mới được như vận động viên, thì tâm tính cũng thế, cũng phải được rèn luyện mỗi ngày, không, mỗi phút giây ta sống. Và phải kiên nhẫn một thời gian thì mới có được kết quả “trông thấy”.

Nhưng tại sao ta phải suy tư tích cực? Trời sinh sao để vậy không được sao?

Trước hết, tâm tính của ta không phải do trời sinh. Các yếu tố di truyền có dự phần một tí, như là sinh ra thì có hai tay hai chân, nhưng có đai đen Judo hay một cơ thể èo ọt bệnh hoạn là do ta. Trí lực và tâm lực cũng thế, trời sinh ra có tâm trí, tích cực hay tiêu cực là do ta.

Và thực ra thì chẳng ai bắt ta phải tích cực hay tiêu cực cả, sống cách nào là sở thích cá nhân và tự do lựa chọn của mỗi người. Nếu ta muốn làm thư sinh trói gà không chặt, tối ngày thương mây khóc gió, như các nho sĩ trong Số Đỏ, thì cũng được. Nhưng nếu ta muốn mạnh mẽ từ thể chất đến tinh thần, sống như hải âu cưỡi gió trên những lọn sóng đại dương, thì ta phải tư duy tích cực. Chỉ là vấn đề lựa chọn.

Một trong những câu hỏi ta hay gặp khi nói đến tư duy tích cực là: “Đôi khi ta cũng cần phải phê phán chứ. Critial thinking cũng cần vậy.” Critical thinking, tạm dịch là tư duy phê phán, là một phương thức suy nghĩ rất được chú trọng ngày nay. Thực ra critical vừa có nghĩa là phê phán, vừa có nghĩa là nghiêm trọng. Đây là cách suy nghĩ đặt trọng tâm vào nghi vấn—đánh dấu hỏi tất cả các tiền đề, các kết luận, các dữ kiện, các phương pháp làm việc, trong một vấn đề, cho đến khi ta thỏa mãn với độ chính xác của tất cả các điều này và đi đến một kết luận chính xác. Và nếu nói đến nghi vấn và phê phán tức là nói đến việc phải mang cái xấu (và cái tốt) ra mổ xẻ. Mà nói đến cái xấu là có người nghĩ rằng như vậy có vẻ không tích cực.

Chúng ta sẽ nói đến critical thinking chi tiết hơn trong một dịp khác. Tại đây chúng ta chỉ cần nhắc rằng, critical thinking (tư duy phê phán) và positive thinking (tư duy tích cực) đều cần thiết và có thể đi đôi với nhau. Positive thinking là một thái độ sống, hơn là một phương thức suy nghĩ. Critical thinking là một phương thức suy nghĩ. Ta có thể dùng critical thinking với một thái độ tích cực, hoặc với một thái độ tiêu cực.

Ví dụ, đối diện với các vấn đề giáo dục, ta có thể dùng critical thinking để mang ra một số các vấn đề như chương trình học chưa khoa học và thực tiễn, phương pháp giảng dạy còn từ chương, lương giáo viên còn thấp, học cụ còn thiếu thốn, v.v… Nếu là người tiêu cực thì ta sẽ ngồi đó nhăn nhó phàn nàn: “Nhà nước ta tồi, dân ta tồi. Chấm hết.” Nhưng nếu là người tích cực thì ta sẽ nhìn vào các yếu tố tích cực như văn hóa Việt kính trọng thầy cô, kinh tế quốc gia phát triển khá trong thập niên qua, một số các công ty viễn thông (Internet) là công ty nhà nước, liên hệ quốc tế tốt, người Việt ở nước ngoài đông, để tính đến một kế hoạch vận dụng tất cả sức mạnh nầy vào việc cải cách giáo dục.

Critical thinking là một phương pháp phân tích để tìm hiểu một vấn đề thật kỹ. Positivie thinking là một thái độ tích cực ta có trong khi làm công việc phân tích tìm hiểu đó. Cả hai đi đôi với nhau rất tốt.

Tư duy tích cực là chủ động, dùng thái độ của mình để tạo ra thế giới của mình. Thế giới của mình là cơ thể và đầu óc của mình, gia đình mình, bạn bè mình, những công việc mình làm, những người mình giao tiếp hằng ngày. Mình chủ động tích cực để biến thế giới đó và những người trong thế giới đó trở thành vui vẻ hơn và tích cực hơn một tí. Thay vì cứ sống theo lối phản ứng—gặp người vui thì vui, gặp người cau có thì cau có—tức là làm cho thế giới của mình chao đảo từng phút từng giờ, thì mình chủ động giữ thế giới của mình an vui tích cực luôn luôn. Điều này, trên phương diện triết lý, có thể gọi là duy tâm, tức là dùng tâm thức của mình để quản lí mình và môi trường sống của mình đó, các bạn a.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Tư duy tích cực mỗi ngày