Dân ca dân nhạc VN – Dân ca La Chí

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo Dân ca Khơ Mú, mình giới thiệu đến các bạn Dân ca La Chí hôm nay.

Người La Chí là một tộc người sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam từ lâu. Theo truyền thuyết của người La Chí thì họ là con cháu của Hoàng Dìn (Vần) Thùng là một Thổ Tù (Tù Trưởng) ở xã Tụ Long tỉnh Tuyên Quang từ cuối thế kỷ XVIII. Họ có tên tự gọi là: Cù tê. Các tên gọi khác: Thổ Ðen, Mán, Xá, La Quả.

Ngôn ngữ của người La Chí thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Ðai (ngữ hệ Thái – Ka Ðai), cùng nhóm với tiếng La Ha, Cơ Lao, Pu Péo.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người La Chí ở Việt Nam có dân số 13.158 người, cư trú tại 38 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người La Chí cư trú tập trung tại tỉnh Hà Giang (12.072 người, chiếm 91,7% tổng số người La Chí tại Việt Nam), ngoài ra còn có tại Lào Cai (619 người), Sài Gòn (152 người), Tuyên Quang (100 người).

Nhà sàn truyền thống của người La Chí ở làng văn hóa.
Nhà sàn truyền thống của người La Chí ở làng văn hóa.

Người La Chí từ lâu đã làm ruộng nước, có nhiều kinh nghiệm trong việc làm ruộng bậc thang, theo kiểu canh tác truyền thống. Do ruộng ít, nương giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người La Chí. Trên nương trồng lúa, ngô, khoai, sắn, dong riềng, bầu, bí, mướp, đậu, các loại rau và nhiều loại hoa màu khác, đất canh tác của người La Chí được phân ra làm ba loại nương, nương dùng gậy chọc lỗ, nương dùng cuốc để xới đất và nương dùng cày. Người La Chí còn làm loại nương để trồng chàm và nương trồng bông, tự cung cấp một phần về vải mặc may quần áo. Nghề dệt dệt vải bông, nhuộm chàm, đan lát có truyền thống lâu đời.Theo nếp cũ, người La Chí không nuôi bò mà chỉ chăn nuôi trâu, ngựa, dê, lợn, gà, vịt, cá.

Người La Chí đã sống định canh định cư thành từng bản. Mỗi gia đình có nhà sàn để ở và nhà đất liền kề để làm bếp. Nhà sàn gồm 3 gian, chỉ có một cầu thang lên xuống ở gần đầu hồi phía giáp nhà đất, bàn thờ tổ tiên đặt tại gian nhà sàn to nhất.

Mỗi dòng họ người La Chí có riêng trống và chiêng dùng vào việc cúng bái, có ông trưởng họ là người biết cúng. Con cái đều lấy theo họ cha. Trong cưới xin, nhà trai phải nộp khoản “tiền công nuôi con gái”.

Trang phục của người La Chí đơn giản, không cầu kỳ. Đàn ông mặc áo 5 thân dài tới ngang bắp chân (ngày nay áo ngắn hơn), quần lá tọa, đầu quấn khăn. Phụ nữ mặc áo dài tứ thân, có dây thắt lưng, yếm, đội khăn dài, mặc quần hay váy tùy người. Đồ trang sức của nam chỉ có vòng tay, còn nữ có thêm vòng tai. Phụ nữ La Chí thường quen đeo địu qua trán, dù địu làm bằng vải hay đan bằng giang cũng vậy. Nam giới lại đeo gùi qua hai vai.

Vương Thị Phương, dân tộc La Chí (Hà Giang), trong một cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc.
Vương Thị Phương, dân tộc La Chí (Hà Giang), trong một cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc.

Người La Chí có vốn văn học dân gian phong phú, có thần thoại truyền thuyết và nhiều truyện cổ tích nói về nguồn gốc đất đã sinh vạn vật và muôn loài, trong đó có người La Chí cùng nhiều dân tộc khác. Các truyện tiêu biểu là truyện Pủ Lô Tô đề cập đến nguồn gốc cộng đồng của người La Chí, tryện kể về cụ tổ Hoàng Dìn (Vần) Thùng, nhiều truyện phản ảnh các hiện tượng tự nhiên như truyện: Vì sao có mặt trời mặt trăng, truyện nguồn gốc cây lúa và phong tục tập quán, quan hệ xã hội v.v…

Trai gái La Chí thường hát Ni Ca. Nhạc cụ có trống, chiêng, đàn tính 3 dây, đàn môi bằng lá cây… Dịp lễ hội thường tổ chức các trò chơi ném còn, đánh quay, đu quay, đu dây.. tại các nơi bãi rộng để có đông người tham gia.

Ca Hạnh Phúc (Dân ca Xá)

Mùa Xuân về thỏa ước mơ
Muôn sắc hoa thắm tô hạnh phúc
Rừng vui tươi , suối ngàn reo cười vang
Đồi núi thanh bình
Tiếng ai ngợi ca cuộc sống no lành.

NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.
NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.

Dưới đây mình có các bài:

– Sắc màu văn hóa của tộc người La Chí trên đất nước Việt Nam.
– Lễ xin tổ tiên bảo vệ ruộng, nương của người La Chí, Hà Giang
– Lễ hội Tết Khu Cù Tê (Cukute) – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
– Lễ mừng cơm mới của người La Chí, Lào Cai
– Người La Chí và phong tục nhận cha mẹ nuôi
– Trang phục dân tộc La Chí

Cùng với 4 clips tổng thể văn hóa dân tộc La Chí để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia & DTV)

Những ngôi nhà và ruộng bậc thang của người La Chí ở Hà Giang.
Những ngôi nhà và ruộng bậc thang của người La Chí ở Hà Giang.

Sắc màu văn hóa của tộc người La Chí trên đất nước Việt Nam.

(Lê Thị Huệ)

Có người ví đất nước Việt Nam với 54 dân tộc đẹp như một tấm thảm dệt màu sắc hài hòa của các dân tộc. Tấm thảm văn hóa Việt Nam được dệt bằng 54 sợi chỉ màu chủ đạo, bằng hàng ngàn, hàng vạn thành tố văn hóa của mỗi tộc người. Chất liệu để dệt lên tấm thảm đó là lịch sử, là ngôn ngữ, là hoạt động kinh tế, là các phong tục tập quán liên quan đến những nhu cầu thiết yếu nhất của mỗi người, mỗi cộng đồng như: ăn, mặc, ở, di chuyển, quan hệ xã hội, cưới xin, sinh đẻ, ma chay, thờ cúng, lễ tết, lịch, học, văn nghệ, chơi… Những thành tố tạo nên tấm thảm đó có chỗ giống nhau, có chỗ khác nhau, nơi màu đậm, nơi màu nhạt và chính điều đó đã tạo nên một màu sắc hài hòa, là tài sản vô giá của Tổ quốc Việt Nam.

Tộc người La Chí là một trong những sắc màu trên tấm thảm văn hóa đó. Người La Chí đã sống định canh định cư thành từng bản ở vùng núi đất từ rất lâu đời, họ sống chủ yếu ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần của tỉnh Hà Giang. Nhà của mỗi gia đình là một quần thể kiến trúc gồm nhà sàn – nhà trệt – kho thóc trong một phạm vi không gian hẹp. Mỗi nhà gồm 2 phần, mái nhà được lồng vào nhau. Phần nhà sàn để ở, còn phần nhà trệt là nơi làm bếp. Ngôi nhà chỉ có một cầu thang lên xuống ở gần phía giáp nhà trệt.

Khi đến ở nhà mới, người La Chí phải nhờ thầy cúng về cúng xua đuổi tà ma. Trong suốt 13 ngày kể từ hôm về nhà mới, bếp lửa luôn sáng thì sẽ được may mắn.

Trong lao động sản xuất, người La Chí rất giỏi khai khẩn và làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Họ sử dụng cả 3 loại nương với các công cụ sản xuất khác nhau như gậy chọc lỗ, cuốc, cày. Ngoài trồng lúa họ còn trồng chàm và trồng bông (trồng chàm để nhuộm vải, trồng bông để dệt vải).

Trang sức và trang phục của người La Chí.
Trang sức và trang phục của người La Chí.

Trong mỗi gia đình, thường là ba thế hệ hoặc các cặp vợ chồng cùng thế hệ chung sống với nhau là phổ biến. Mỗi dòng họ đều có một người đứng đầu chăm lo việc cúnglễ. Người đó không nhất thiết phải là trưởng họ mà chỉ là người biết cúng. Chọn người giữ vị trí này bằng cách bói xem xương đùi gà. Tục nhận bố mẹ nuôi cho trẻ sơ sinh cũng khá phổ biến, trẻ chào đời sau ba buổi sáng, khi đó gia đình đặt một sợi chỉ đỏ trên một bát nước đầy để ở trên bàn thờ, chờ ai đó vào nhà trước sẽ được nhận làm bố mẹ nuôi và đặt tên cho cháu bé.

Người La Chí thường thờ cúng tổ tiên vào các dịp lễ tết. Tổ tiên được cúng ba đời đối với nam, hai đời đối với nữ. Theo phong tục, nếu bố mẹ chôn ngày nào thì con cái không được gieo trồng hay cho vay, mượn vào ngày đó, vì đó không phải là ngày sinh sôi phát triển.

Kiến thức và kinh nghiệm được dân gian lưu truyền giữa các thế hệ bằng truyền khẩu. Truyện thần thoại, cổ tích đặc biệt phong phú, họ giải thích cho thế hệ trẻ bằng những hiện tượng thiên nhiên và xã hội theo quan niệm dân gian.

Trong ngày tết các thầy cúng thường nhảy múa, đánh trống mời thần linh và tổ tiên về ăn Tết.
Trong ngày tết các thầy cúng thường nhảy múa, đánh trống mời thần linh và tổ tiên về ăn Tết.

Ngày lễ tết, trai gái thường hát đối đáp, chơi đàn tính ba dây, đàn môi. Trống và chiêng cũng được dùng rất phổ biến. Họ tập trung ở bãi rộng chơi ném còn, đánh quay, chơi đu dây, trẻ em thì thích chơi ống phốc.

Trong lễ cưới của tộc người La Chí, khi đón dâu về tới chân cầu thang nhà sàn, nhà trai chuẩn bị sẵn một thùng nước ấm để người phù dâu rửa chân cho cô dâu và rửa chân mình trước khi bước lên cầu thang vào nhà.

Đối với người La Chí, lễ mừng cơm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Họ thường tổ chức lễ mừng cơm mới khi những nương lúa hè thu bắt đầu chín rộ, họ tổ chức long trọng để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã giúp gia đình có một mùa màng bội thu, con cháu được thóc đầy nhà, lợn bò đầy sân và mong muốn những mùa tới sẽ được nhiều may mắn, thuận lợi. Với tập tục đã có từ lâu đời, người La Chí thường chọn ngày Dậu đi ngắt lúa để chuẩn bị cho ngày Tuất sẽ tổ chức làm lễ mừng cơm mới. Trong những ngày sắp làm lễ cơm mới, người phụ nữ trong nhà được ví như “mẹ lúa” nên phải dậy từ rất sớm để đi ngắt lúa. Họ quan niệm rằng những bông lúa đầu tiên có ý nghĩa rất thiêng liêng vì đây là nghi lễ rước hồn lúa về nhà, gia đình sẽ được thuận lợi may mắn. Khi đi ngắt lúa “mẹ lúa” thường lặng lẽ đi, tránh gặp những người lạ, trên đường đi có gặp người quen cũng không chào hỏi mà lặng lẽ đi tiếp.

Mẹ lúa rước hồn lúa về nhà để cầu mong một năm mùa màng bội thu.
Mẹ lúa rước hồn lúa về nhà để cầu mong một năm mùa màng bội thu.

Họ quan niệm rằng nếu hỏi chuyện hồn lúa sẽ hoảng sợ mà đi mất, năm đó gia đình sẽ không gặp may mắn, mùa màng thất bát. Khi hái những bông lúa đầu tiên, bao giờ “mẹ lúa” cũng khấn cầu nhỏ: “Hồn gạo, hồn thóc đừng có chạy”, rồi tiếp tục ngắt cho đến khi đầy giỏ đủ để một bữa làm lễ cầu cơm mới. Những hạt thóc nếp được cho vào cối giã rồi trộn vào với một số loại lá cây rừng rồi cho vào chõ đồ chín. Khi xôi chín có các màu sắc rất đẹp (thường gọi là xôi ngũ sắc). Lễ vật dâng cúng lên tổ tiên, các vị thần trong ngày lễ xôi mới có: Xôi (cơm mới), rượu, thịt trâu, thịt gà, cá suối nướng… Người phụ nữ cao tuổi nhất trong nhà sẽ mặc trang phục truyền thống để làm lễ dâng cúng và mời một thầy cúng trong làng đến cầu khấn giúp. Lễ cầu cơm mới cũng là một dịp để nam thanh nữ tú trong bản thi hát giao duyên, hát đối, thể hiện một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người La Chí.

Ngoài ra người La Chí còn có tục lệ rất kỳ lạ mà không có tộc người nào có, đó là phong tục về ma chay. Tục lệ ma chay của người La Chí rất phức tạp, lạ lùng, tốn kém. Vật hiến tế cho người chết là con trâu, họ quan niệm chết là sang một thế giới khác nên vẫn phải có trâu để cày vì thế họ gửi trâu cho người chết lấy vốn làm ăn.

Đầu trâu được cắm trên cọc chôn trước mộ của người chết, phong tục của người La Chí.
Đầu trâu được cắm trên cọc chôn trước mộ của người chết, phong tục của người La Chí.

Khi có người thân trong gia đình chết đi, gia đình và bản làng sẽ mổ trâu cúng giỗ. Chiếc đầu của con trâu được giữ nguyên thịt, cắm trên đầu cây gậy mang ra chôn trước mộ của người chết. Theo phong tục cũ thì lễ cúng cho người mới chết ít nhất phải thịt 3 con trâu, nhưng đến nay tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà chỉ mổ 1 con trâu, vì vậy nhìn vào số lượng đầu trâu (sọ trâu) treo trên mỗi ngôi mộ thể hiện lòng tôn kính đối với người đã chết, ngoài ra còn có thể biết rằng con cháu của người đã khuất nghèo hay giàu. Nếu giàu thì số lượng đầu trâu cắm trên cọc sẽ nhiều hơn. Đối với gia đình nào nghèo đói, kinh tế khó khăn thì vẫn phải cố gắng lấy 1 cái sọ trâu để treo, không thể không treo thứ đó ở trước mộ nhà mình vì đó đã trở thành phong tục bấy lâu nay, không ai được phép kháng cự.

Hàng năm cứ đến dịp Tết tháng bảy, họ lại đi tảo mộ, nhà nào cũng mổ trâu để cúng giỗ tổ tiên (người La Chí coi Tết tháng bảy to hơn Tết Nguyên Đán). Trong nhà treo đầy thịt trâu khô, da trâu khô trên gác bếp, mặc dù ngày nay đời sống cũng đã có nhiều thay đổi, song người La Chí vẫn giữ nguyên các tập tục này.

Ngoài các phong tục trên, người La Chí còn có phong tục cúng thần Rừng, thần Nước hàng năm. Những phong tục này mang tính nhân văn sâu sắc của một nền văn hóa trong đời sống tâm linh của tộc người La Chí.

(Nguồn: PGS, PTS. Nguyễn Văn Huy. Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam. NXB Giáo dục.)

Các thầy mo trong điệu múa mời tổ tiên.
Các thầy mo trong điệu múa mời tổ tiên.

Lễ xin tổ tiên bảo vệ ruộng, nương của người La Chí, Hà Giang

(TH-Cinet-DTV)

Người La Chí có các phong tục về làm ruộng, làm nhà ở, cưới xin, ma chay, trang phục… Trong đó lễ xin tổ tiên bảo vệ ruộng, nương là nghi lễ lớn nhất trong năm của họ.

Người La Chí ở Hà Giang có khoảng trên 8 nghìn người, cư trú tập trung ở các xã Bản Phùng, Bản Díu và Bản Máy của các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì… Họ còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Thổ đen, Mán, Xá. Người La Chí có các phong tục về làm ruộng, làm nhà ở, cưới xin, ma chay, trang phục… Trong đó lễ xin tổ tiên bảo vệ ruộng, nương là nghi lễ lớn nhất trong năm của họ.

Lễ mừng việc cấy xong và xin tổ tiên bảo vệ ruộng, nương của người La Chí diễn ra trong tháng Bảy hằng năm. Người dân mời tổ tiên về từ ngày mồng Một, đến ngày Mười Ba tháng Bảy thì làm lễ tiễn tổ tiên về nơi ngự giá của mình.

Trong buổi đầu tiên, người dân dâng lễ mời tổ tiên về ăn tết và vui chơi cùng con cháu. Trước đây, lễ cúng tổ chức tại nhà của trưởng dòng họ. Mâm lễ được đặt tại gian thờ tổ tiên, thầy cúng (có thể là chủ nhà) ngồi đọc nội dung bài cúng “… ngày mồng Một tháng Bảy đã mời ma về uống rượu, một năm chỉ có một lần thôi, sang năm mình cùng xin giống lúa, xin giống lúa đi gieo mạ, ăn no phải chăm sóc lúa cho tốt, cho cây lúa chắc hạt, cho bông lúa chắc hạt…”.

Ngày mồng hai tháng Bảy, các dòng họ trong làng bắt đầu rộn ràng không khí mổ trâu. Đây là phong tục truyền thống có từ rất lâu đời, bởi trong ngày tết tháng Bảy của người La Chí không bao giờ được thiếu thịt trâu. Trước đây, trâu mổ trong tết tháng Bảy thường là trâu của làng, do các hộ gia đình trong làng góp tiền vào mua, sau đó giao cho một – vài gia đình trong làng có trách nhiệm nuôi trâu, đến ngày tết tháng Bảy thì mổ. Sau ngày lễ mổ trâu, các dòng họ đều tổ chức lễ ăn tết tại nhà tộc trưởng của dòng họ. Sau khi con cháu trong gia đình đến đông đủ, trưởng họ tháo trống, tháo chiêng treo gần nơi bàn thờ tổ tiên, rồi lấy chiếc giỏ tre treo trên bàn thờ tổ tiên xuống, dùng lá chuối lót bên dưới cho mấy miếng thịt trâu đặt vào trong, lấy một miếng lá chuối khác đặt úp lên trên.

Lần lượt từng thầy cúng nhảy múa theo nhịp trống chiêng để mời các thần và tổ tiên.
Lần lượt từng thầy cúng nhảy múa theo nhịp trống chiêng để mời các thần và tổ tiên.

Ngày này, các trưởng tộc đều phải làm rượu “hoẵng”, đây là loại rượu rất đặc trưng của người La Chí chỉ dùng trong các ngày lễ. Rượu hoẵng được lần lượt đổ vào các sừng trâu để trưởng họ làm lễ cúng. Sau khi chuẩn bị xong, trưởng tộc mặc quần áo theo phong tục truyền thống, lưng đeo một miếng da trâu, một tay cầm sừng trâu, một tay cầm một sợi dây treo củ gừng rồi miệng lẩm nhẩm cúng gọi ba đời tổ tiên về ăn tết tháng Bảy với con cháu. Mời xong, ông cầm chén uống hết rượu để làm lý rồi lại tiếp tục gọi người khác. Sau lễ cúng, trống, chiêng nổi lên rộn rã trong suốt những ngày dân làng ăn tết.

Đến hết ngày Mười Ba tháng Bảy, con cháu tiếp tục làm mâm lễ tiễn tổ tiên về nơi ngự giá của mình. Mâm lễ cúng không có gì thay đổi so với ngày đầu, thầy mo mặc trang phục sinh hoạt thường ngày, ngồi vào vị trí và khấn theo nội dung: “Hôm nay là ngày Mười Ba tháng Bảy… năm nay lúa ruộng, lúa nương của mình sẽ tốt, bông nào cũng to, không bị con sâu ăn lá, không bị con sâu đục thân, cấy lúa một khóm được một khóm nhá…”

Trước đây, vào tháng Bảy, đồng bào La Chí thường tổ chức cúng tổ tiên, thi hát, trò chơi ở những bài trống, thì nay, thay vào đó là những tiệc rượu. Theo một số người cao niên, lý do chính dẫn tới quy mô giảm đi của lễ hội là do người dân di cư không đầy đủ theo một dòng họ, không có ông “then” đại diện cho mỗi dòng họ, dân cư ít, không có nơi vui chơi cộng đồng, thiếu đạo cụ, nhạc cụ…

Có thể nói, mặc dù dân số không đông, nhưng người La Chí ở Hà Giang luôn cùng kề vai sát cánh với các dân tộc khác trong lao động xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong sự phát triển của mình, người La Chí giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một số phong tục tập quán tốt đẹp tiếp tục được phát huy, một số hủ tục đang dần được uốn nắn để nhanh chóng hòa đồng với các dân tộc khác trong vùng, để thích ứng với sự phát triển chung của đất nước hiện nay.

Lễ hội Tết Khu Cù Tê – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Tết Khu Cù Tê – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Tết Khu Cù Tê – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(TH-Cinet-DTV)

Lễ hội Tết Khu Cù Tê được xem là ngày tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người La Chí. Đây là dịp để người La Chí cầu cho dân bản có cuộc sống bình yên, ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Đến Hà Giang vào tháng Bảy Âm lịch hàng năm, du khách sẽ được hòa mình vào không khí của những lễ hội tâm linh đầy màu sắc, đặc biệt nhất phải kể đến lễ hội “Khu Cù Tê” đặc trưng của đồng bào dân tộc La Chí.

Rượu “hoãng”, rượu này chỉ dùng trong các ngày lễ tết.
Rượu “hoãng”, rượu này chỉ dùng trong các ngày lễ tết.

Lễ hội Tết Khu Cù Tê có lịch sử lâu đời, thể hiện những yếu tố văn hóa thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng nguyên thủy, coi vạn vật hữu linh, niềm tin vào thế giới thần linh và đặc trưng cho nền văn hoá sản xuất nông nghiệp. Đối với cộng đồng người La Chí, Lễ hội Tết Khu Cù Tê là dịp những người trong dòng họ có dịp gặp nhau. Đến ngày tết dù ở xa cũng quay trở về cùng gia đình dòng tộc của mình, cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, đồng thời cầu cho cuộc sống ấm no gia đình hạnh phúc chính vì vậy mà cộng đồng dân tộc La Chí trong truyền thống hàng năm của mình không thể thiếu Lễ hội này.

Lễ Tết Khu Cù Tê thường kéo dài từ những ngày đầu tháng Bảy đến giữa tháng Bảy mới kết thúc. Trong ngày tết tháng Bảy của người La Chí không bao giờ được thiếu thịt trâu vây nên ngay từ ngày mồng hai tháng Bảy, khắp các buôn làng nguời La Chí đã bắt đầu rộn ràng mổ trâu ăn tết. Sau ngày lễ mổ trâu, các dòng họ đều tổ chức lễ ăn tết tại nhà tộc trưởng của dòng họ.

Lễ cúng Tết Khu Cù Tê của người La Chí diễn ra rất trang trọng.
Lễ cúng Tết Khu Cù Tê của người La Chí diễn ra rất trang trọng.

Vào ngày Tết, các trưởng tộc đều phải làm một loại rượu rất đặc trưng của người La Chí đó là rượu “hoãng”, rượu này chỉ dùng trong các ngày lễ tết. Rượu hoẵng được lần lượt đổ vào các sừng trâu để trưởng họ làm lễ cúng.

Lễ cúng Tết Khu Cù Tê của người La Chí diễn ra rất trang trọng. Các cụ trong hội đồng già làng sẽ bày giỏ, mâm, rượu cúng trong tiếng trống tiếng chiêng rộn rã, tiễn đưa cụ tổ của người La Chí cùng các cụ tổ tiên ba đời về nơi ở làm ăn, cầu mong phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, yên ổn, mùa màng tốt tươi.

Lễ hội Tết Khu Cù Tê đã trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc La Chí từ ngàn đời xưa đến nay, chính vì nét văn hoá đặc sắc đó mà Lễ hội đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Người La Chí ở Lào Cai.
Người La Chí ở Lào Cai.

Lễ mừng cơm mới của người La Chí, Lào Cai

(TH-Cinet-DTV)

Lễ mừng cơm mới có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sản xuất của người La Chí sinh sống ở Lào Cai, được tổ chức để tạ ơn tổ tiên đã giúp đỡ gia đình có vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mùa mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi.

Lễ mừng cơm mới của các dân tộc thiểu số ở Lào Cai có từ lâu đời. Đây là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của hầu hết đồng bào vùng cao, trong đó có người La Chí. Mặc dù ngày nay đời sống vật chất, tinh thần có nhiều đổi mới, song họ vẫn còn giữ nguyên nét đẹp truyền thống mang đậm đà bản sắc tộc người…

Người La Chí thường chọn ngày dậu đi ngắt lúa, ngày Tuất tổ chức lễ cơm mới. Đây là nghi lễ rất quan trọng, nên trước ngày tổ chức, người vợ của chủ nhà được ví như “mẹ lúa” sẽ phải dậy rất sớm chuẩn bị gùi, nhíp đi ngắt những bông lúa đầu tiên đồ cơm mới cúng tạ ơn tổ tiên. Việc đi ngắt những bông lúa đầu tiên còn có ý nghĩa rất thiêng liêng, bởi đây còn là nghi lễ “rước” hồn lúa về, với mong muốn cầu cho mùa vụ mới của gia đình sẽ may mắn, thuận lợi.

Chuẩn bị lễ vật mừng cơm mới.
Chuẩn bị lễ vật mừng cơm mới.

Theo quan niệm của người La Chí, khi đi ngắt lúa, “mẹ lúa” kiêng không cho người khác biết, kiêng gặp người lạ, khi đi trên đường nếu gặp người khác cũng không chào, không hỏi, vì họ quan niệm nếu hỏi chuyện, hồn lúa hoảng sợ sẽ đi mất thì năm sau mùa màng của gia đình sẽ không được may mắn. Khi hái bông lúa đầu tiên, “mẹ lúa” nói nhỏ “Hồn gạo, hồn thóc đừng có chạy”, sau đó hái ba bông đầu gói vào một lá chuối theo lý đó là hồn gốc lúa được cất vào trong gùi rồi mới tiếp tục ngắt các bông lúa khác.

Các cum lúa hái về được cất trong kho thóc để tránh trẻ nhỏ trông thấy, sờ vào vì họ sợ sau này khi nấu cơm hay bị sống, sẽ không may mắn cho gia đình. Đến đêm, khi các thành viên trong gia đình đã ngủ say, “mẹ lúa” lấy các cum lúa mới ra sấy trên bếp rồi cho vào cối giã, sàng, sảy thành gạo để sáng sớm hôm sau dậy đồ cơm. Người La Chí chỉ dùng gạo nếp để làm cơm mới cúng tổ tiên.

Đến ngày Tuất, các gia đình đều mời thầy cúng trong làng đến cúng giúp. Lễ vật dâng trong lễ cơm mới của người La Chí rất đơn giản gồm: Cá, rượu, thịt trâu (miếng da trâu), đặc biệt không thể thiếu được thịt chuột (để cả con). Khi các món ăn đã chế biến xong, chủ nhà bày lên chiếc mâm đặt trước bàn thờ tổ tiên (có gia đình làm lễ tại nương). Trong buổi lễ, người phụ nữ cao tuổi mặc trang phục truyền thống chỉnh tề đóng vai “Mẹ lúa” dâng lễ cúng. Bà mẹ lúa tiến hành nghi lễ gặt lúa tượng trưng, diễn tả động tác gặt lúa, giã gạo và lẩm nhẩm cúng khấn. Ý nghĩa của bài cúng là nhờ có tổ tiên dạy bảo biết làm ra hạt gạo nuôi sống con người, hôm nay gia đình làm cơm mới mời tổ tiên, thần lúa, thần gạo… chứng kiến lòng thành, phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, sản xuất được nhiều lúa gạo. Trong lễ mừng cơm mới, các nam thanh, nữ tú còn thi hát giao duyên, hát đối đáp và chơi các trò chơi bập bênh, đu đôi nam nữ./.

Bé gái La Chí.
Bé gái La Chí.

Người La Chí và phong tục nhận cha mẹ nuôi

(TH-Cinet-DTV)

Tục nhận cha mẹ nuôi là một nét văn hóa truyền thống của người La Chí (Lào Cai), nó thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong việc nuôi dạy con cái.

Nhận cha mẹ là phong tục có ở nhiều đồng bào dân tộc, nhưng mỗi dân tộc lại có quan niệm, cách thức và những nghi lễ nhận con nuôi một cách khác nhau. Với người La Chí ở Lào Cai thì tục nhận cha mẹ nuôi cho trẻ xuất phát từ nguyên nhân những đứa trẻ hay ốm đau, chậm lớn, còi cọc, hay hờn dỗi thì họ cho rằng đứa trẻ có số mệnh không hợp bố mẹ đẻ. Do vậy, bố mẹ đẻ phải tìm cho đứa trẻ một người làm bố mẹ nuôi thì đứa trẻ mới mau lớn, khỏe mạnh, không bị ốm đau…

Để tìm người làm bố mẹ nuôi cho đứa trẻ, bố mẹ đứa trẻ nhờ một thầy cúng là người đại diện cho người trần liên hệ với giới thần linh trong cộng đồng sẽ mách bảo cho bố mẹ đứa trẻ đến một gia đình nào đó trong dòng họ, trong làng xin một bát gạo mang về nấu cháo cho đứa trẻ ăn. Nếu sau khi ăn cháo, đứa trẻ không còn hờn dỗi, khóc lóc hay đau ốm như trước thì bố mẹ đứa trẻ sẽ chọn một ngày tốt địu đứa trẻ, đồng thời mang một con gà, một bộ quần áo, một sợi chỉ màu để nhận gia đình nhà đó làm thông gia.

Khi đến gia đình, bố mẹ đứa trẻ sẽ trình bày lý do để gia đình đó chấp nhận làm bố mẹ nuôi. Sau đó chủ nhà mang gà đi mổ, luộc chín đặt lên mâm cúng báo cáo tổ tiên là từ nay gia đình có thêm một thành viên mới. Rồi bố mẹ nuôi đứa trẻ lấy sợi chỉ màu buộc vào cổ tay đứa trẻ với ý nghĩa để giữ hồn không cho đi lang thang và mọi người cùng ăn uống vui vẻ.

Khác với cách thức trên, một số gia đình lại chọn bố mẹ nuôi cho đưa trẻ bằng cách vào buổi sáng sớm, bố đứa trẻ sẽ mang bát múc đầy một bát nước đặt lên bàn thờ tổ tiên. Lấy các sợi chỉ màu vê thành một sợi dây đặt lên miệng bát nước. Sau đó người chủ gia đình ngồi uống nước, hút thuốc đợi xem ai là người đầu tiên bước lên trên sàn nhà, thì chủ nhà sẽ mời người đó vào nhà uống nước, rồi thưa chuyện với người khách. Nếu họ đồng ý thì hai gia đình nhận làm thông gia.

Bố mẹ đứa trẻ sẽ mổ gà, mời người đó ở lại ăn cơm với gia đình. Đồng thời, buộc dây chỉ vào cổ đứa trẻ, với ý nghĩa để giữ hồn, nhờ vía của người đó mà đứa trẻ sẽ hay ăn, trong lớn, không bị ốm đau, bệnh tật. Rồi gia đình hẹn ngày đưa con, cùng lễ vật sang gia đình vái nhận làm cha mẹ nuôi cho con mình.

Ngoài ra, bố mẹ đứa trẻ có thể chọn cha mẹ nuôi cho đứa trẻ bằng cách khác. Gia đình sẽ chọn một ngày tốt, sau đó bện một sợi chỉ màu rồi người bố địu con trên lưng đi theo lời chỉ dẫn của thầy cúng. Người bố địu con đến một đoạn đường nơi có nhiều người qua lại rồi đứng ở đó chờ khi nào gặp được người đầu tiên thì bố mẹ đứa trẻ sẽ nhận người đó làm cha, mẹ nuôi. Rồi nhờ người đó buộc sợi chỉ vào tay cho đứa bé và đặt tên mới theo dòng họ của cha mẹ nuôi.

Sau khi nhận được cha mẹ nuôi, hai gia đình nhận làm thông gia thường xuyên qua lại, thăm hỏi lẫn nhau. Khi hai gia đình có công việc lớn, hay vào các dịp lễ tết, họ đều mời nhau đến nhà chơi, ăn cơm, uống rượu thể hiện tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa hai gia đình.

Qua đó, cho thấy tục nhận cha mẹ nuôi cho trẻ của người La Chí mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Trang phục phụ nữ La Chí.
Trang phục phụ nữ La Chí.

Trang phục dân tộc La Chí

(TQ-DTV)

Người La Chí duy nhất chỉ có ở Hà Giang, họ rất giỏi trồng trọt, nhất là trồng bông, trồng chàm để dệt vải tuy nhiên trang phục của họ không cầu kỳ về hình thức nhưng lại rất tỉ mỉ về những họa tiết và đường nét.

Nhìn chung, trang phục truyền thống của nam giới La Chí là mặc áo 5 thân dài tới ngang bắp chân, quần lá tọa, đầu quấn khăn, trong khi đó, phụ nữ thường mặc áo dài tứ thân, có dây thắt lưng, yếm, đội khăn dài, mặc quần hoặc váy.

Đối với người La Chí, thuê thùa và may vá là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá phẩm chất, đạo đức, sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ. Ngay từ nhỏ, trẻ em La Chí được mẹ dạy cách tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ để sau này lớn lên có thể tự trồng bông, dệt vải, thêu thùa, may vá những bộ trang phục cho riêng mình. Con trai La Chí trước khi chọn vợ cũng thường “để ý” những cô gái đảm đang việc khâu vá.

Trang phục của người La Chí có hai nét tiêu chí là hoa văn thêu chỉ và hoa văn ghép vải. Thêu chỉ là mẫu hoa văn được trang trí phổ biến nhất trên trang phục của phụ nữ. Có hai loại thêu, thêu móc và thêu xuyên. Người La Chí dùng các loại sợi chỉ màu do mình tự làm ra, hay đi mua từ chợ về để thêu. Các mẫu hoa văn thêu trang trí trên trang phục của nữ chủ yếu được thêu ở hai bên cổ áo gồm các mô-típ hoa văn hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám kết hợp với các đường viền với nhiều gam màu khác nhau như xanh, trắng, đỏ, vàng, tím tạo nên nét nổi bật của các mô-típ, họa tiết hoa văn.

Trang phục dân tộc La Chí.
Trang phục dân tộc La Chí.

Mô típ trang trí chủ đạo là hoa văn nằm ở giữa, xung quanh là các đường viền được thêu móc thành hình chấm tròn với nhiều màu sắc khác nhau.

Trong khi đó, hoa văn ghép vải được xem là tinh hoa của nghệ thuật trang phục truyền thống La Chí. Các mẫu hoa văn ghép vải chủ yếu là các đường viền, hoa văn hình tam giác cân với các màu sắc chủ đạo là màu đỏ và màu tím, đây cũng là hai màu mà người La Chí ưa thích, tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc. Còn các mẫu hoa văn thêu chỉ chủ yếu là hoa văn hình đối xứng, chấm nhỏ và các đường viền lượn sóng được thêu thành các dải hình chữ nhật.

Theo phong tục, trong đám cưới, anh em họ hàng thường tặng cô dâu, chú rể một đội địu với ý nghĩa cầu chúc sự may mắn, yên lành và mong vợ chồng sớm sinh con. Vì vậy, chiếc địu luôn được làm rất cẩn thận và cầu kỳ, tỉ mỉ, tinh tế trong từng đường nét. Để chuẩn bị thêu, người phụ nữ chọn những loại vải hoa, có nhiều màu sắc khác nhau, sau đó cắt thành các mẫu hoa văn theo ý muốn rồi dùng kim khâu đính với phần thân địu. Các mẫu hoa văn trang trí trên địu của người La Chí có sự kết hợp hài hòa giữa các mẫu hoa văn ghép vải và hoa văn thêu chỉ.

Để trang phục có hoa văn ghép vải trở nên tinh xảo, cách bố trí bố cục của các mẫu hoa văn là rất quan trọng. Đó là việc trang trí hài hòa trong các đường viền hình vuông, bên ngoài là các mẫu hoa văn ghép vải, phần tâm là các mẫu hoa văn thêu chỉ được phối hợp nhiều màu sắc khác nhau, tạo nên sự mềm mại, độc đáo trong cách trang trí của mình.

oOo

Bí ẩn Hoàng (Dìn) Vần Thùng:

 

Việt Nam 54 Dân Tộc – Tập 93 – “Trên Cánh Đồng La Chí”:

 

Việt Nam 54 Dân Tộc – Tập 94 – “Người La Chí Ở Hoàng Su Phì”:

 

Lễ Đánh Cồng Chiêng Của Dân Tộc La Chí:

 

Leave a comment