Biết Đạo, biết đủ

Chào các bạn,

Đạo đức kinh (Tao Te Chinh) của Lão Tử (Lão giáo hay Đạo học, Taoism), Nguyễn Duy Cần dịch, Chương 46:

Thiên hạ có Đạo,
Ngựa chở phân bón.
Thiên hạ không Đạo,
Ngựa chiến nuôi ngoài thành.

Không họa nào lớn bằng không biết đủ.
Không hại nào to bằng muốn đặng.
Bởi vậy
Biết đủ trong cái đủ
mới luôn luôn đủ.

“Thiên hạ có Đạo,
Ngựa chở phân bón.”

Hiểu được Đạo – hiểu được nguyên lý vận hành vũ trụ – thì như mình nuôi ngựa chỉ để làm việc hòa bình là chuyên chở phân bón để nuôi dưỡng ruộng nương của mình.

“Thiên hạ không Đạo,
Ngựa chiến nuôi ngoài thành.”

Người không biết Đạo thì luôn phải lo đấu đá và chiến tranh, cũng nuôi ngựa, nhưng phải nuôi ngựa chiến thường xuyên. Nhưng đầu óc thì u mê – nuôi ngựa chiến ở ngoài thành. Mình ở trong thành, ngựa chiến nuôi ở ngoài thành, thì khi địch quân đến tấn công thành, mình không có ngựa để chiến đấu, trong khi ngựa của mình nuôi thì lại đứng ngoài thành, để quân địch đến chiếm ngựa mình và dùng ngựa mình để tấn công mình.

“Không họa nào lớn bằng không biết đủ.
Không hại nào to bằng muốn đặng.
Bởi vậy
Biết đủ trong cái đủ
mới luôn luôn đủ.”

“Không họa nào lớn bằng không biết đủ.” – Trời nắng thì muốn trời mưa, trời mưa thì muốn trời nắng. Chưa có việc làm thì muốn có chỗ để làm việc; có việc làm rồi thì muốn có sếp biết điều, đồng nghiệp vừa mắt và lương cao. Tức là mình luôn cảm thấy mình thiếu thốn đủ mọi thứ, luôn đứng núi này trông núi nọ, và luôn luôn thấy mình nghèo khổ.

“Không hại nào to bằng muốn đặng.” “Muốn đặng” là muốn cho bằng được. – Muốn tiền, muốn tình, muốn danh tiếng, muốn quyền lực… Vì muốn, cho nên thường giành giật, đấu đá, lừa dối, gian lận, nói xấu người, đâm sau lưng người… Đôi khi có thể tạo ra những hình tội lớn như đánh người hay giết người.

“Bởi vậy
Biết đủ trong cái đủ
mới luôn luôn đủ.”

Trong Kinh Lời dạy Cuối cùng, “Vào đêm cuối trước ngày Niết-bàn vô dư, giữa rừng Sa-la, dưới cây song thọ, không gian thật vắng lặng, yên tĩnh, Đức Phật đã nhắn nhủ những điều cốt lõi của chánh pháp như sau.” Đoạn 9:

“Này các đệ tử, nếu các vị muốn giải thoát mọi đau khổ thì nên thường xuyên tu tập quán biết đủ. Pháp biết đủ là cơ sở của sự an lạc, hạnh phúc và sung mãn. Người biết đủ dẫu nằm trên đất vẫn thấy an lạc. Người không biết đủ dẫu sống ở thiên đường vẫn chưa thấy toại nguyện. Không biết đủ tuy giàu mà rất nghèo. Biết đủ thì tuy nghèo nhưng rất giàu có. Người không biết đủ là kẻ nô lệ của năm thứ dục lạc* thấp kém và còn là tấm bia đời đáng thương xót đối với hành giả biết đủ.”

* Chú thích: Có hai cách hiểu khái niệm “ngũ dục” (năm thứ ham muốn):

1. Ngũ dục là sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục và xúc dục (tham hình ảnh, tham âm thanh, tham mùi, tham vị và tham cảm giác).

2. Ngũ dục là tài dục, sắc dục, danh dục, thực dục và thụy dục (tham tiền, tham sắc, tham danh, tham ăn và tham ngủ).

Vậy, người biết Đạo thì việc làm sáng suốt và hanh thông, cũng như luôn biết cái đủ của mình để lòng luôn thanh tịnh và an lạc. Người không biết Đạo thì luôn lo sợ, giành giật, đấu đá vì đầu óc u mê và không bao giờ thấy mình có đủ, nhưng công việc thì lại thường thất bại vì đầu óc không sáng suốt.

Chúc các bạn một ngày đầy đủ.

Phạm Thu Hương

Leave a comment