Xóa bỏ rào cản

Mặt nạ (Indonesia)
Mặt nạ (Indonesia)

Chào các bạn,

Khi người ta phải dập mình xin xỏ điều gì, người ta hay nói “xin mở lòng từ bi.” Khi nàng sầu đời, con tim của nàng “khép kín.” Khi nàng chưa có ai, nàng mang sợi giây chuyền với con tim và chìa khóa lủng lẳng bên cạnh. Thế nghĩa là, con tim của ta có cửa và có khóa, phải không các bạn? Vậy thì, con tim của bạn có cửa có khóa không? Nếu có, thì chúng đang mở hay đóng? Và, thực ra cửa và khóa là cái gì? Bạn hãy thử trả lời đi. Nếu không trả lời được thì nguy. Bởi vì nếu chính con tim của mình mà mình không hiểu rõ, thì phiền quá phải không?

Có lẽ là ta nên dùng một khái niệm khác dễ thấy hơn là cửa và chìa khóa. Hãy nói đến hàng rào phòng thủ vậy. Mỗi người chúng ta có đủ loại hàng rào phòng thủ cho đủ mọi loại người. Gặp người lạ thì ta đưa hàng rào ra, không nói nhiều. Có nói thì cũng chỉ là chuyện chung chung, không tiết lộ thông tin cá nhân. Gặp người ghét, thì đẩy hàng rào lên rất cao, không muốn nghe gì, cũng không muốn nói gì. Gặp người có lập trường khác mình, thì chỉ nói chuyện khi nằm dưới chiến hào, sau mấy lớp kẽm gai.

Đương nhiên là khi đứng sau hàng rào để nói chuyện với nhau, ta hiểu ý nhau theo kiểu “đối thoại qua rào”, từ hai chiến tuyến. Rất khó để hiểu nhau như đôi uyên ương đang thủ thỉ. Có nghĩa là, trong những giao tiếp sau hàng rào, cơ hội để người ta hiểu nhau và gần gũi nhau xuống gần đến zero, và cũng rất có thể là số âm, tức là con số của các hiểu lầm trong liên hệ hằng ngày.

Các điều này rất dễ hiểu, nhưng đến một mức tế nhị hơn, thì khó thấy hơn một tí. Ví dụ, nhiều người ở trong một diễn đàn Internet cả bao nhiêu năm, nhưng không ai biết người đó hiện diện. Hàng rào ảo (cyber-fence, virtual-fence) quá cao, cho nên có mặt đó, nhưng không thể cho ai thấy mặt. Có người thì cũng thảo luận thường xuyên nhưng hầu như người ta chẳng biết gì về anh ta cả, vì anh ta không bao giờ nói gì về mình. Có nói thì chỉ là nói chuyện khác-mình, như là chính trị, xã hội, kinh tế. Giống như là môt computer nói chuyện.

Internet là một ví dụ sống động vì nó cho chúng ta thấy ta rất gần nhau nhưng cũng rất xa nhau. Bên ngoài Internet thì tình trạng chẳng khá hơn. Bao nhiêu người trong chúng ta nói gì với anh hàng xóm sâu xa hơn là ai thắng trận bóng hôm nay? Hay câu hỏi công thức, “Chào anh, anh khỏe không?”

Mặt nạ (Da Đỏ)
Mặt nạ (Da Đỏ)

Và bao nhiêu lần trong một tuần, chúng ta có chuyện hiểu lầm trong công việc chỉ vì ông nói gà bà hiểu vịt? Và trên Internet, dĩ nhiên là mức độ hiểu lầm, hoặc không chịu hiểu nhau, còn cao hơn đời sống bên ngoài rất nhiều.

Sở dĩ thế là vì các hàng rào có khả năng ngặn chận sự hiểu biết và gia tăng hiểu lầm giữa các cá nhân. Tại sao vậy? Thưa, tại vì mỗi câu nói tự nó không có nghĩa lý chính xác. Nghĩa lý của mỗi câu nói lệ thuộc nặng nề vào ai nói, và nói trong hoàn cảnh nào. Ví dụ: “Tôi không thích chuyện đó.” Nếu câu này đến từ miệng một cô bé đi xe máy mới bị bạn chạm nhẹ ở bánh sau, nó hoàn toàn khác với cùng một câu nói nhưng phát ra từ miệng của một tên cướp đang dí dao vào cổ bạn khảo tiền.

Những người luôn luôn tự gói mình bên trong hàng rào, thường rất yếu về truyền thông (communication). Trong lúc đối thoại, họ thường không hiểu đúng ý người nói, và cũng không nói ra được chính xác điều họ muốn nói. Vì vậy người đối thoại với họ rất hay hiểu lầm ý họ. Cái yếu của những người này có hai lý do. Thứ nhất, thiếu thực tập. Những người nhiều hàng rào thường ít nói chuyện, nên khi nói thường hay gây hiểu lầm, vì không giỏi sử dụng ngôn ngữ. Thứ hai, không có đồng cảm. Đồng cảm thì dễ hiểu nhau. Nhưng người nhiều hàng rào thì không đồng cảm được với mấy ai.

Vì vậy muốn gia tăng khả năng truyền thông ta phải gia tăng hai điều: (1) Đồng cảm , và (2) khả năng sử dụng ngôn ngữ–tức là khả năng (a) nói và (b) nghe. Tất cả các điều ngày có thể đạt được bằng cách xóa bỏ hàng rào quanh ta, và trò chuyện với người chung quanh thường xuyên hơn và cởi mở hơn.

Xóa bỏ bằng cách nào?

1. Rất giản dị, chỉ cần bạn nói nhiều hơn về những cảm xúc trong lòng bạn, với mọi người chung quanh. Cách hay nhất và dễ nhất mà tất cả mọi chúng ta đều nên thực tập là những câu khen tặng và cám ơn, vì những lời này không những là dễ nói mà còn là hoa trái cuộc đời. Chúng làm cho người nghe vui thêm và người nói vui thêm. Chúng làm cho cuộc đời đẹp thêm, và ảnh hưởng đến mọi người như vitamin trong ngày. Trong văn hóa Việt, trừng phạt và phê phán xảy ra thường xuyên hơn khen tặng. Sao lại thế? Chúng ta cần phải thay đổi con người của mình và góp phần tích cực, mỗi phút trong mỗi ngày, đưa văn hóa nước nhà đến một hướng tích cực hơn.

2. Cao hơn một tí, ta chia sẻ xúc cảm của ta với người chung quanh. Cái gì làm mình buồn? Cái gì làm mình vui? Mình bất bình về việc gì và vui với việc gì trong xã hội? Nói chung là làm cho người khác hiểu lòng mình hơn. Chỉ có một cách kéo mọi người đến gần mình là mở lòng mình ra để họ hiểu mình hơn. Chẳng còn có cách nào khác. Mình càng nhiều rào cản, thì người quen càng phải đứng xa mình, ngoài rào. Giản dị thế thôi.

Tâm sự
Tâm sự

Nhưng mở rộng lòng mình là một thử thách, phải không các bạn? Bởi vì chúng ta thường có ấn tượng là nếu chúng ta mở lòng, chúng ta sẽ dễ bị tổn thương, dễ bị tấn công. Đa số chúng ta nấp sau chức vị và công việc. Đã là giám đốc, đi đâu cũng phải “ăn nói như ông giám đốc.” Hay là luôn luôn nấp sau khuôn mặt nghiêm trọng, lạnh lùng, ít nói ít cười. Hay là đằng sau những cười nói giả tạo. Tại sao mình cứ không là mình? Tại sao mình ở nhà và mình ở sở là hai người hoàn toàn khác nhau? Dĩ nhiên là ở sở thì không tự do ở trần như ở nhà, và ăn nói cũng chặt chẽ hơn một tí. Nhưng một người, với hai cách hành xử hơi khác nhau ở sở và nhà, vẫn không phải là hai người biệt lập, khác nhau hoàn toàn, phải không các bạn?

Hơn nữa lý thuyết rằng, càng mở lòng ta càng dễ bị tấn công, không đúng trong thực tế, vì hai lý do. Thứ nhất, những người mở lòng thường xuyên với mọi người, thường rất giỏi về truyền thông và liên hệ, họ không dễ bị đả thương. Thứ hai, họ có nhiều bạn hơn thù. Rất khó đả thương người có nhiều bạn hơn thù.

Mình không có ý nói là đi đâu cũng không giữ ý, giữ tứ, bạ đâu nói đó vì “tui thẳng như ruột ngựa.” Thành thật không có nghĩa là ăn nói thiếu lịch sự và tế nhị. Người ăn nói tế nhị ý tứ, dùng ngôn ngữ làm mát lòng người, khác với người lúc nào cũng lặng câm sau mớ rào cản, hay là người đi đâu cũng xúc phạm người khác.

Mình cũng không có ý nói là bạn phải lớ ngớ đến mức gặp ai cũng tin, ai nói gì cũng tin. Xã hội có nhiều người không thành thật. Bạn không nên đi xe ôm ban đêm qua những con đường vắng. Không nên cho người lạ địa chỉ nhà. Nhưng, không tin người không có nghĩa là mình không dịu dàng và thân ái với mọi người.

3. Một mức cao hơn nữa để mở lòng mình là tham dự vào các thảo luận công cộng và các dự án cộng đồng. Nhưng mức này thực sự chỉ có thể tốt nếu chúng ta đã làm được 2 bước đầu. Nếu trong liên hệ với những người chung quanh, ta lạnh lùng, đóng kín và thiếu thành thật, thì có lẽ là các tham dự của ta vào các công việc cộng đồng chỉ có hại nhiều hơn là xây dựng. Con người chúng ta không thể thân ái với xã hội khi ta không thể thân ái với những người quanh ta hằng ngày.

Nói thì dài nhưng vấn đề thực ra rất đơn giản. Muốn thành công ở đời, chúng ta phải có nhiều bạn, và giỏi truyền thông. Muốn giỏi truyền thông ta phải truyền thông nhiều, tức là nói chuyện với mọi người nhiều. Muốn có nhiều bạn ta phải mở lòng mình ra, đừng kéo bao nhiêu dãy hàng rào bao bọc quanh mình. Người Việt ta gọi đó là “người cởi mở.” Và tính cởi mở liên hệ trực tiếp đến óc thông minh. Nếu bạn cởi mở và thân thiện với mọi người, người ta nói 1 bạn hiểu 10. Ngược lại, với người đứng sau hàng rào, người ta nói 10 mình hiểu 1. Thành ra, người cởi mở luôn luôn thông thái và nhanh nhẹn hơn người không cởi mở. Vì vậy, họ dễ thành công hơn. Và trên phương diện xã hội học, mỗi người chúng ta càng có nhiều bạn thân, xã hội chúng ta càng thêm cường thịnh.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Bài này đã được đăng trên ĐCN ngày 9-3-2009.

© copyright 2024
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment