Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – 7 bài

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng”- Bài 1: Đìu hiu Phú Quốc

SGGP 09/11/2023 09:13 (GMT+7)

LTS: Chưa bao giờ ngành du lịch từ đảo ngọc Phú Quốc cho đến “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt, hay “thủ phủ” resort nghỉ đông Mũi Né…, khách du lịch quốc tế lẫn nội địa lại vắng vẻ như hiện nay; khách sạn, nhà hàng cũng ế ẩm theo. Một khung cảnh khác biệt so với thường kỳ những năm trước…

Những năm gần đây, Phú Quốc – được mệnh danh là “thiên đường” nghỉ dưỡng của Việt Nam – đã thu hút ào ạt nhà đầu tư với hàng loạt khách sạn, biệt thự mọc lên như nấm, đẩy giá nhà đất tăng phi mã, một tương lai xán lạn cho đảo ngọc. Bỗng dưng, ngành du lịch nơi đây rơi vào cảnh ế ẩm, vắng vẻ. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi, mới đây tỉnh Kiên Giang phải tổ chức cuộc họp “giải cứu” du lịch Phú Quốc.

Tàu chở khách tham quan nằm bờ tại cửa sông Dương Đông, Phú Quốc

Cảnh “chợ chiều”

Để ghi nhận cận cảnh hoạt động du lịch ở Phú Quốc tại thời điểm này, từ đất liền, chúng tôi đi phà (tuyến Hà Tiên – Phú Quốc) đến đảo. Thấy chúng tôi chụp hình khách đi phà, anh Cường, nhân viên phục vụ trên phà, cho hay, hai tuần nay, người dân rời đảo Phú Quốc rất nhiều. “Trên mỗi chuyến phà về đất liền đều có vài chục người đi xe máy, chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh. Phần lớn trong số họ là lao động nhập cư ra đảo làm thuê trong các quán ăn, nhà hàng, bán nước ở khu vui chơi… Giờ du lịch ế ẩm, thất nghiệp, họ phải rời đảo để tìm kế mưu sinh”, anh Cường chia sẻ.

Chúng tôi thuê một khách sạn nằm trên trục đường trung tâm đảo Phú Quốc. Quản lý khách sạn đưa chúng tôi lên phòng, nói vui nhưng giọng trầm xuống: “Khách sạn có hơn 40 phòng nhưng chỉ có 2 anh ở thôi, nên rất thoải mái. Cảnh vắng vẻ này kéo dài nhiều tháng nay, chủ khách sạn vừa cho nghỉ hơn chục nhân viên để giảm chi phí”.

Buổi tối, dọc đường Trần Hưng Đạo (tuyến đường được ví như “phố Tây” của đảo Phú Quốc), hàng quán dù sáng đèn, nhạc vẫn xập xình đây đó, nhưng nhìn từ ngoài vào chỉ thấy… toàn nhân viên phục vụ tụm năm tụm bảy tám chuyện. Có quán may mắn thì được 1 hoặc 2 bàn có khách. Tại chợ đêm Phú Quốc, trước cổng khá đông người đứng cầm dù che mưa, thoạt nhìn cứ tưởng khách du lịch, khi đến gần hóa ra là cánh tài xế taxi đứng chờ bắt khách. Bên trong chợ, nhiều sạp hàng kinh doanh đủ loại mặt hàng, bày tràn ra giữa đường, nhưng có rất ít khách xem, mua sắm.

Cuối chợ, một quán nhậu treo bảng bán hải sản tươi sống với đầy đủ các loại mực ống, tôm biển, mú đỏ, nhum, ốc đỏ, ốc hương, tôm hùm…, nhưng khi khách vào gọi món, chủ quán cho biết, chỉ có tôm biển và mực ướp đá. “Mấy anh nhậu đỡ, lúc này ế quá, em không dám nhập hàng sống. Trước đây, mỗi tối bán cả chục triệu bạc, giờ có bữa chỉ bán được vài trăm ngàn đồng. Tuần rồi, em tính trả mặt bằng, nghỉ bán, nhưng ráng gồng đến hết tháng xem thử có thay đổi…”, chủ quán nhậu than thở.

Dì Năm bán bánh canh gần Trường Tiểu học Dương Đông 1 cho hay, dì không tưởng tượng có ngày đảo Phú Quốc lại vắng khách đến vậy. Số lượng tô bánh canh dì Năm bán ra mỗi tối từ cuối tháng 8 đến giờ chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái. “Lúc trước, tối nào cũng có đông khách Tây đến ăn, bây giờ cả tháng cũng không có đến một người, chủ yếu bán cho người địa phương”, giọng Dì Năm buồn rượi.

Tình cảnh ế ẩm, vắng khách không chỉ xuất hiện ở quán xá, nhà hàng, chợ đêm mà còn lan đến các khu vui chơi, giải trí. Ở các khu vui chơi có quy mô hoành tráng, tên gọi mỹ miều, như “Đảo thiên đường Hòn Thơm”, “thị trấn Địa Trung Hải”… chỉ thấy toàn nhân viên. Bãi Khem gần resort 5 sao JW Marriott cát trắng mịn cũng vắng dấu chân người.

Giảm giá vẫn vắng khách thuê

Hầu hết hàng quán ở khu Grand World Phú Quốc đã đóng cửa ngừng kinh doanh

Trước đó, chúng tôi liên hệ Sun World Hòn Thơm để đặt vé đi cáp treo Hòn Thơm thì nhân viên ở đây cho biết, hệ thống cáp treo đã tạm ngừng hoạt động từ ngày 19-9, hiện chưa có thông báo khi nào sẽ chạy lại. “Khách muốn đi Hòn Thơm có thể đặt ca nô của Rooty Trip, hoặc các công ty dịch vụ giới thiệu trên mạng”, nữ nhân viên Sun World Hòn Thơm hướng dẫn, nhưng cũng lưu ý: “Hòn Thơm chỉ mở cửa đón khách du lịch từ thứ tư đến thứ bảy, các ngày còn lại không hoạt động. Khi nào ra Hòn Thơm, anh nên điện tổng đài hỏi trước, vì hiện nay các dịch vụ như Dòng sông lười, Bãi biển nhân tạo…, một số ngày không hoạt động, do khách du lịch ít”.

Từ Hòn Thơm, chúng tôi ngược về phía Nam đảo Phú Quốc, đến khu vực Cửa Cạn, Cửa Dương. Tại đây, hoạt động du lịch của các resort, bungalow (mô hình nhà nghỉ dưỡng) cũng không mấy sáng sủa. Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên bungalow Ý Nghĩa ở ấp Ông Lang (xã Cửa Dương), anh Khuyến, nhân viên bungalow này, cho biết, khách Tây thường đến đây du lịch, nghỉ dưỡng, vì ngoài phòng nghỉ còn có vườn tiêu, cây ăn trái, sinh vật cảnh để tham quan, thư giãn.

Lúc trước, mỗi phòng nghỉ ở đây có giá 800.000 đồng/ngày đêm và luôn trong tình trạng kín phòng, nhưng thời gian gần đây, lượng khách sụt giảm mạnh, dù chủ bungalow đã hạ giá phân nửa. “Toàn khu có 21 phòng, nhưng chỉ có 2 khách nước ngoài ở. Hai người này cũng không phải khách du lịch lưu trú ngắn ngày, mà là khách lâu năm, tạm trú lâu dài trên đảo Phú Quốc để làm việc”, anh Khuyến chia sẻ. Chủ một số khách sạn lớn ở Phú Quốc cho biết, chuẩn bị đến Noel, Tết Dương lịch, mọi năm đến thời điểm này, khách du lịch đã đặt kín phòng, nhưng năm nay, số lượng khách liên hệ, đặt phòng cho các kỳ nghỉ trên chỉ khoảng 20%-30%, trong đó có rất nhiều khách chưa cọc tiền trước.

“Du lịch thời gian qua ế ẩm, những người làm du lịch như chúng tôi chưa hết ám ảnh, giờ lại đang sốt ruột, lo lắng trước viễn cảnh thất thu, thua lỗ trong những đợt nghỉ lễ cao điểm cuối năm”, chủ một khách sạn 4 sao ở Phú Quốc (xin giấu tên) chia sẻ.

QUỐC BÌNH

Giảm một nửa chuyến bay đến Phú Quốc

Theo Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, hiện mỗi ngày chỉ có khoảng 22-25 chuyến bay tới đảo (trong đó 3-4 chuyến quốc tế). Con số này cùng thời điểm năm trước là 45-50 chuyến. Theo Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, thời gian qua, du lịch Phú Quốc gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Lễ 2-9 năm nay, Phú Quốc chỉ đón hơn 19.000 lượt khách lưu trú, giảm gần 40% so với cùng kỳ và công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%.

Thống kê khách tăng, doanh thu tăng nhưng lại “kêu cứu”

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, lũy kế 10 tháng, riêng đảo Phú Quốc ước đón 5.196.872 lượt khách (tăng 17,4% so với cùng kỳ, đạt 86,6% kế hoạch năm), khách quốc tế ước đón 540.323 lượt khách (tăng 242,4% so với cùng kỳ, vượt 54,4% kế hoạch năm); tổng thu đạt trên 13.203 tỷ đồng (tăng 105,4% so với cùng kỳ, vượt 14,8% kế hoạch năm).

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh khách sạn ở Phú Quốc cho biết, rất lấy làm khó hiểu khi du lịch ở Phú Quốc thời gian qua ế ẩm, nhưng UBND tỉnh Kiên Giang lại báo số lượng khách du lịch đến đảo này tăng mạnh so với cùng kỳ. Nếu khách du lịch đến Phú Quốc tăng, hoạt động du lịch ổn định, phát triển, UBND tỉnh Kiên Giang họp Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, các doanh nghiệp, cơ quan liên quan tìm giải pháp để làm gì? Lý giải vấn đề này, ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, nói: “Số liệu là tính từ đầu năm tới nay, tức là có thời điểm đông khách. Việc vắng khách chỉ mới xảy ra trong thời gian gần đây, nên ít ảnh hưởng tới chỉ tiêu cả năm”.

Trả lại môi trường bình an cho “đảo ngọc”

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP Phú Quốc, lực lượng làm nhiệm vụ đã đấu tranh, triệt xóa, làm tan rã 8 băng nhóm tội phạm với 104 đối tượng; phát hiện 74 đối tượng dương tính ma túy, bắt 5 vụ, 7 đối tượng có hành vi tàng trữ và sử dụng ma túy; phát hiện 2 vụ với 10 đối tượng tụ tập, mang theo vũ khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn; phát hiện, bắt, xử lý, giải tán 32 sòng bạc lớn nhỏ; khám phá, xử lý 2 vụ cướp…

Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, nhằm thiết lập lại sự ổn định về an ninh trật tự, đặc biệt kịp thời ngăn chặn các loại tội phạm lừa đảo, trộm cắp, cướp giật…, góp phần thúc đẩy du lịch Phú Quốc phát triển, Công an tỉnh Kiên Giang đang triển khai nhiều kế hoạch, cao điểm trấn áp tội phạm với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm đối với các loại tội phạm, không để tội phạm có “đất sống” tại Phú Quốc.

***

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Bài 2: Vắng vẻ “thành phố ngàn hoa”, lác đác miền di sản

SGGP 10/11/2023 10:23 (GMT+7)

TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được ví là “thành phố ngàn hoa”, “xứ hoa anh đào” có khí hậu mát mẻ, là nơi trốn nắng duy nhất của cả khu vực Nam bộ, thường xuyên thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Vậy mà nay TP Đà Lạt vắng vẻ du khách đến kỳ lạ. Ở khu vực phía Bắc, “thủ phủ” du lịch, quần thể vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, cũng chung nỗi niềm… !

Bãi biển khu du lịch Mũi Né – Hàm Tiến (Bình Thuận) thưa thớt du khách. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

 

Phòng ốc mốc meo

Những ngày này, lượng khách đến Đà Lạt thưa thớt hơn nhiều so với mọi năm. Tại khu vực các tuyến phố trung tâm, không còn cảnh ùn tắc đường cục bộ, hay quá tải các dịch vụ ăn uống, đi lại… Thay vào đó, đường phố trở nên thông thoáng, cho dù là ngày cuối tuần. Dịp hè, lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, lượng khách đến với Đà Lạt cũng ít đi nhiều. Khách vắng, các cơ sở lưu trú rơi vào cảnh lao đao.

Chị Nguyễn Thị Vinh Hạnh (chủ cơ sở lưu trú tại phường 3, TP Đà Lạt) cho biết: “Nếu như trước đây, vào dịp cuối tuần, khách phải đặt phòng sớm mới có, còn nay luôn có sẵn, dịp cuối tuần không kín phòng như trước kia. Các phòng không có khách ở thường xuyên nên bị ẩm mốc, xuống cấp, vì vậy chúng tôi lại tốn thêm chi phí bảo dưỡng; chưa kể khuôn viên lúc nào cũng phải chăm sóc cây, hoa để có cảnh quan cho khách ngắm”.

Nhiều cơ sở lưu trú được thuê lại còn khó khăn hơn, vì phải chật vật tìm cách tồn tại. Anh Thái Hà (quản lý biệt thự du lịch tại phường 9, TP Đà Lạt) thở dài: “Mỗi tháng chi phí mặt bằng hết 60 triệu đồng cho căn biệt thự 12 phòng, cộng với tiền thuê nhân viên buồng phòng, điện nước, chăm sóc khuôn viên, nhưng lượng khách chỉ lác đác vài nhóm khách lẻ vào dịp cuối tuần; những ngày trong tuần hầu như không có khách”.

Không chỉ các cơ sở lưu trú nhỏ, hiện những khách sạn có quy mô lớn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tại khách sạn Dalat Palace (tiêu chuẩn 5 sao) với 70 phòng, có khuôn viên rộng, đẹp, vị trí đắc địa giữa trung tâm TP Đà Lạt, nhưng công suất từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 50%.

Ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Gia Đà Lạt (đơn vị kinh doanh khách sạn Dalat Palace), cho biết: “Lượng khách bắt đầu suy giảm từ tháng 3-2023, sau đó tới dịp nghỉ lễ 30-4 thì tiếp tục giảm. Chúng tôi phải giảm số ca trực của một số bộ phận vì vắng khách”.

Ghi nhận tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Lạt, lượng khách giảm đi thấy rõ, các bãi xe tại đây hầu như không còn cảnh quá tải. Tại khu du lịch thác Datanla – Công ty Dalat Tourist, thường xuyên áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho gói dịch vụ trải nghiệm, nhưng lượng khách vẫn hụt so với trước.

Tương tự, tại chuỗi các khu điểm du lịch tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương của Công ty Dalat Tourist cũng ghi nhận lượng khách giảm mạnh.

Ông Nguyễn Nhật Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Tourist, cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 10, lượng khách Việt Nam đến các khu du lịch của công ty quản lý đạt gần 1,5 triệu lượt. Tuy nhiên, con số trên đã giảm 50% so với trước đây.

Theo ông Nguyễn Nhật Vũ, Đà Lạt đang bị sự cạnh tranh từ các địa phương lân cận, nhất là Phan Thiết. “Các tỉnh thành phía Nam cung cấp lượng khách lớn nhất cho Đà Lạt, tuy nhiên kể từ thời điểm cao tốc nối Phan Thiết – Dầu Giây hoàn thiện, các phương tiện di chuyển dễ dàng hơn. Trong khi đó, năm nay thời tiết tại Lâm Đồng mưa nhiều, các vụ sạt lở, ngập úng cục bộ cũng khiến tâm lý du khách ngại lên Đà Lạt vì sợ bị ảnh hưởng”, ông Vũ cho biết.

Vịnh Hạ Long “ngủ đông”

Những ngày này, vịnh Hạ Long – điểm du lịch nổi tiếng phía Bắc, khách vắng hoe. Tuyến đường bao biển trước đây thường xuyên tấp nập xe cộ, giờ vắng vẻ. Cả khu vực bờ biển Bãi Cháy xinh đẹp cũng chỉ lác đác một vài xe cá nhân dừng chân chụp ảnh rồi đi tiếp. Ki ốt, hàng quán đều đóng cửa im ỉm… Gần 12 giờ trưa, tại nhà hàng ăn uống Minh Phi nằm trên trục phố lớn ở Hạ Long, cả cụm 3 phòng ăn lớn thênh thang chỉ có hơn chục khách.

Chị thu ngân kiêm luôn chân chạy bàn dốc bầu tâm sự: Từ Bắc Giang theo chồng về Hạ Long lập nghiệp đã hơn chục năm, ngoài một nhà hàng dành cho khách bình dân nằm ở phường Hà Khẩu, ngay đầu TP Hạ Long, vợ chồng mở thêm một cửa hàng cỡ 500 khách chuyên dành đón khách du lịch. “Nhưng hè năm nay chán lắm, chỉ đông được 1 tháng, còn sau đó khách vãn hẳn…”, chị than thở.

Nhớ lại thời “hoàng kim”, cũng mùa này hồi trước dịch Covid-19, nhà hàng duy trì hơn 100 nhân viên; năm ngoái nhân viên tuy giảm nhiều nhưng cũng được 30-40 người, nay chỉ còn 2 bếp chính và 4 người phục vụ. Vậy chứ nhiều khách sạn, nhà hàng lớn ở trong phố còn treo biển bán”, chị chép miệng.

Khách du lịch vắng vẻ, nhiều nhà hàng, khách sạn tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đóng cửa, treo biển bán, sang nhượng. Ảnh: MAI AN

Tại cảng khách quốc tế Tuần Châu – Quảng Ninh, chúng tôi chứng kiến phòng đợi rộng thênh thang nhưng chỉ có vài nhóm khách nhỏ ngồi đợi hướng dẫn viên hoàn thành các thủ tục chuẩn bị ra tàu.

Anh Mai Trung Hiếu, Trưởng bộ phận marketing của khu du lịch Tuần Châu – Hạ Long phân tích, sau lễ 2-9, chuyện vắng khách cũng theo quy luật. Tuy nhiên, năm nay số lượng khách nội địa về nơi này sụt giảm 30%-40%. Khách Trung Quốc chỉ mới bắt nhịp lại nên ngoài những dịp cuối tuần khách lưu trú có tăng chút ít thì công suất phòng nhìn chung vẫn trầm lắng, giảm 20%-30% so với cùng kỳ.

Theo đại diện đơn vị khai thác dịch vụ du thuyền 5 sao tại vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ, các du thuyền lưu trú thời điểm này cũng ghi nhận có sự quay lại của khách quốc tế như Ấn Độ, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc… nhưng số lượng chưa nhiều, chỉ mới đạt khoảng 20%-30% so với trước dịch.

Bên cạnh đó, khách nội địa, vốn được coi là “cứu tinh” của du lịch trong mùa Covid, đặc biệt là dòng khách từ TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam đến với Hạ Long, năm nay chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái, nên đội tàu đang ở mức duy trì chứ không nhộn nhịp như trước.

Trong khi đó, thống kê từ Sun World Hạ Long cho thấy, mới phục hồi hơn 60% so với năm 2019. Để tăng sức hút, nhiều khu công viên Sun World đưa ra giá vé chỉ với 150.000 đồng/người, áp dụng tới cuối năm 2023. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng lưu trú giảm từ 10%-20% giá dịch vụ nhưng không khí vẫn ảm đạm. “Năm nay bết hơn mọi năm, dù là thời điểm Covid cũng không khó khăn bằng”, một doanh nghiệp với nhiều dự án đầu tư lớn cho du lịch ở khắp Bắc – Trung – Nam chia sẻ.

Mũi Né, Nha Trang: Khách sạn, resort thoi thóp Vào thời điểm này của những năm chưa bùng phát dịch Covid-19, khu vực Mũi Né – Hàm Tiến hầu như không còn chỗ để khách nội địa lưu trú, bởi lượng khách quốc tế ồ ạt đến. Tuy nhiên, mùa du lịch trú đông năm nay, khách quốc tế vắng lặng, khách nội địa thưa thớt.

Chủ resort Little Muine Cottages thông tin: “Cơ sở chúng tôi có khoảng 80 phòng, công suất phòng vào ngày cuối tuần được khoảng 20%-30%, còn ngày thường chỉ được 10%-20%, chủ yếu là khách nội địa. Đối với khách nước ngoài thì hôm nào may mắn được 2-3 phòng”.

Tương tự, ông Trần Anh Thi, Giám đốc điều hành Seahorse Resort & Spa, cho biết, lượng khách nước ngoài đến trú đông năm nay đang giảm rất mạnh. “Đến thời điểm hiện tại, lượng khách quốc tế đến lưu trú tại resort chỉ đạt khoảng 6%-7% so với thời điểm năm 2017-2018, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát”, ông Thi chia sẻ.

Vì ế ẩm nên nhiều cơ sở kinh doanh du lịch Mũi Né – Hàm Tiến “gồng mình” duy trì đội ngũ nhân sự, chi phí hoạt động. Khảo sát một số khách sạn ở Nha Trang, tình trạng trống phòng rất nhiều. “Ba tháng nay, khách sạn chỉ hoạt động tối đa 50% công suất phòng vì khách du lịch ít so với cùng kỳ”, ông Trần An, chủ khách sạn 4 sao trên đường Trần Phú cho biết.

Một loạt khách sạn nằm mặt tiền đường Trần Phú cũng báo còn phòng dù giá lưu trú ở những nơi này chỉ bằng một nửa so với trước dịch.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, nếu so với thời điểm trước dịch Covid-19 thì con số 6,2 triệu lượt khách của 10 tháng đầu năm 2023 vẫn rất ít, trong khi tiềm năng và khả năng phục vụ của ngành du lịch Nha Trang – Khánh Hòa rất lớn.

NGUYỄN TIẾN – MAI AN

***

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Bài 3: Chặt chém, chụp giựt: Lợi nhỏ làm hư việc lớn

SGGP 11/11/2023 11:27 (GMT+7)

Mới đây, vụ EU Tourist có trụ sở tại TPHCM nhận hơn 1,2 tỷ đồng của đoàn khách tại TPHCM để tổ chức chuyến du lịch Trung Quốc, nhưng sau đó bỏ trốn, là một ví dụ điển hình cho tình trạng làm ăn chụp giựt… Thực tế, kiểu làm ăn này xảy ra khắp nơi.

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Trước lễ 2-9 năm nay, 12 thành viên gia đình chị M.T. (TP Thủ Đức) mua tour trọn gói của Công ty du lịch S.V.T. (quận Bình Tân, TPHCM) theo lộ trình TPHCM – Đà Lạt 3 ngày 2 đêm, giá 2,6 triệu đồng/người. Tất cả số tiền này được thanh toán trước khi đi.

Lúc chào bán, nhân viên giới thiệu khách được ăn uống ở nhà hàng đạt chuẩn, đi xe máy lạnh đời mới, giường nằm. Thế nhưng, khi trải nghiệm thực tế, dịch vụ rất tệ, khách phải ăn cơm phần, xe ghế ngồi. Đỉnh điểm câu chuyện, lúc trả phòng khách sạn ra về, cả đoàn bị thu giữ hành lý do công ty chưa thanh toán 18 triệu đồng tiền phòng.

Chưa dừng lại đó, về tới trạm dừng chân, tài xế không chịu mở cửa cho mọi người xuống xe do công ty chưa trả 5 triệu đồng. Sau khi đoàn khách quyết liệt, thậm chí gọi điện nhờ cơ quan chức năng can thiệp, đoàn khách mới được về nhà.

Bán hàng rong ở Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: MAI AN

Vào tháng 8, trên mạng lan truyền thông tin một YouTuber Nhật Bản hỏi giá 3 đôi vớ và bị một tiểu thương chợ Bến Thành hét giá hơn 700.000 đồng. Tương tự, mới đây một nữ du khách Đài Loan (Trung Quốc) hỏi mua 1 trái dừa của người bán hàng rong ngoài hàng rào Bảo tàng TPHCM trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), bị hét giá 150.000 đồng/trái, sau khi kỳ kèo người bán hạ còn 50.000 đồng/trái. Nữ du khách trên đã đăng vụ việc trên TikTok, sau khi bỏ đi, không mua dừa.

Những thông tin tiêu cực nêu trên được các du khách lần lượt đăng trên YouTube, TikTok, thu hút lượng xem đáng kể, khiến “bộ mặt” du lịch của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng đáng kể.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Hà Nội. Tháng 3 năm nay, du khách người Mỹ nhờ khách sạn đặt xe đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm). Quãng đường chỉ khoảng 3km nhưng tài xế đã lấy 500.000 đồng. Cũng xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, cuối năm 2022 dư luận ồn ào về việc một nhóm khách đã phải trả cho người bán hàng vỉa hè 80.000 đồng một củ khoai nướng, 20.000 đồng một quả trứng…

Ở nơi này và một tuyến phố lân cận, nhiều du khách người Việt, thậm chí là người ở Hà Nội, cũng phải “ngậm đắng” khi mua những túi hoa quả trộn được tính theo lạng với giá “trên trời”.

Thực tế cho thấy, không chỉ người bán hàng rong mới hành xử kiểu “chụp giựt” mà nhiều hộ kinh doanh cố định cũng tham gia nhiệt tình vào cuộc đua “chèo kéo” khách. Dạo một vòng qua vài con phố “Tây” như Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến… vào buổi tối, không ít người giật mình vì bị nhân viên chặn giữa phố, lôi lôi, kéo kéo…

Một vụ việc khiến cộng đồng du lịch “dậy sóng”, là câu chuyện của ông K.Gie – du khách người Hà Lan. Trong chuyến du lịch ra Phú Quốc mới đây, ông mua một sản phẩm ngọc trai với giá 1.600EUR tại cửa hàng bán ngọc trai trong resort 4 sao Sài Gòn – Phú Quốc. Khi bán, cửa hàng cung cấp giấy chứng nhận kiểm định ngọc trai thật. Tuy nhiên, lúc mang về, ông kiểm định lại thì tá hỏa khi biết đó là đồ giả.

Ông Phạm Xuân Hải, Phó Tổng giám đốc Điều hành Resort Sài Gòn – Phú Quốc, xác nhận có vụ việc trên. “Trước đây, resort có hợp đồng cho 1 cá nhân thuê mặt bằng làm nơi trưng bày và bán sản phẩm ngọc trai của một thương hiệu nổi tiếng trên đảo. Khi nhận thư yêu cầu bồi thường của du khách người Hà Lan, phía resort đã làm việc với cửa hàng bán ngọc trai, yêu cầu người này trả lại tiền; đồng thời xin lỗi du khách. Sau vụ việc này, resort hủy hợp đồng với đơn vị thuê bán ngọc trai và hiện chúng tôi không còn dám nghĩ đến chuyện liên kết, hợp đồng làm ăn với các đơn vị bán ngọc trai trên đảo Phú Quốc nữa”, ông Hải cho hay.

“Ăn xổi ở thì”

Bà Thu Thủy, giám đốc một công ty du lịch lữ hành tại TPHCM, xót xa kể lại câu chuyện xảy ra cho đoàn khách ruột ở châu Phi. Những năm trước, đoàn khách này vừa đi du lịch xuyên Việt kết hợp mua hàng đem về nước kinh doanh. Tại TPHCM, khách ghé vào công ty may mặc, có lần mua “vét sạch” kho hàng; điểm ưa thích là tấp vào một tỉnh phía Bắc để mua tóc giả – ngành vốn rất thịnh hành bên nước bạn.

Sau khi làm quen ban đầu, trong những lần mua hàng sau đó, bên bán sẽ đóng kiện gửi khách đúng mẫu, số lượng, bên mua sẽ thanh toán qua kênh quốc tế. Tuy nhiên, lần này đoàn quay lại Việt Nam để trả đồ, vì bên bán gửi đồ dỏm, nhưng khi mang hàng qua sân bay lại bị đóng thuế hơn 3.000USD.

Là tổng giám đốc một doanh nghiệp du lịch lớn ở TPHCM, bên cạnh hoạt động lữ hành là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, ông T. vẫn chưa hết “sốc” về một lần đưa khách ra Phú Quốc. Năm 2022, vào lúc cao điểm, 3 đoàn khách hơn 100 người của công ty phải trả tiền phòng từ 500.000 đồng/người lên gấp đôi; chi phí đồ ăn thức uống cũng tăng 40%, vì giá “tăng đột biến”.

“Mình là công ty lớn, đối tác quen thuộc của các nhà hàng, khách sạn ở Phú Quốc nhưng vẫn bị “chém” ngọt xớt, chẳng được ưu đãi gì”, ông T. than.

Sau nhiều thập niên hưởng lợi từ nguồn khách dồi dào ở TPHCM, ngành du lịch Vũng Tàu phát triển khá mạnh. Ngành du lịch nơi này có đặc trưng “no dồn, đói góp”, khi khách dịp lễ, cuối tuần đông nghẹt nhưng ngày thường lại vắng vẻ. Vì vậy mà nơi đây tồn tại vấn nạn giá phòng ngày lễ, cuối tuần bị đẩy lên gấp 2-3 lần so với ngày thường, khiến du khách rất khó chịu.

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định, hành vi “chặt chém” khách du lịch trong và ngoài nước diễn ra khá phổ biến tại các địa điểm du lịch không riêng phố cổ Hà Nội, mà còn ở các tỉnh thành đang phát triển du lịch khác.

Đây là hành động vi phạm đạo đức kinh doanh, đáng bị xã hội lên án. Hệ lụy của việc “chặt chém” là làm xấu đi hình ảnh của các điểm đến du lịch. Từ tâm lý không thoải mái, du khách ác cảm với điểm đến, rồi thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè về tình trạng này, từ đó làm mất đi tính hấp dẫn của điểm đến du lịch. Chỉ một hình ảnh xấu lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, mọi công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay.

Theo nhiều chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý an ninh điểm đến. Chỉ khi nào đưa đến cho khách cảm giác an toàn, trải nghiệm trọn vẹn…, đó mới là cách quảng bá du lịch hiệu quả và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận, tình trạng “chặt chém”, nói thách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch nước ta. Có thực tế là sau dịch Covid-19, đội ngũ hướng dẫn viên nói riêng, nhân lực du lịch chất lượng cao nói chung, thiếu hụt trầm trọng. Do vậy, có những công ty lớn phải đào tạo cấp tốc, thuê hướng dẫn viên thời vụ trong mùa cao điểm nên chất lượng lao động không đồng đều.

Đà Lạt: khó chịu vì đậu xe tính theo giờ

Ông Tưởng Hữu Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt, phàn nàn rằng khu trung tâm Đà Lạt thời gian qua đang thiếu nghiêm trọng chỗ đậu xe “miễn phí”, gây phiền hà cho du khách. Đi tìm chỗ đậu xe trên các tuyến phố Phan Bội Châu, Bùi Thị Xuân, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh… rất khó vì hầu hết có biển cấm đậu xe, nếu có thì một số vị trí đang thu phí đậu xe theo giờ rất cao.

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức lữ hành đưa khách đến Quảng trường Lâm Viên mà mất phí gửi xe 50.000 đồng/giờ thì không dễ gì khách hài lòng. Việc phí chỗ đậu xe cao và tính theo giờ (từ 30.000 đồng/giờ trở lên) tại những vị trí trung tâm trước đây là khu vực công cộng, không khác gì hành động “chặt chém” du khách.

THI HỒNG – MAI AN – QUỐC BÌNH

***

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng”- Bài 4: Thiếu liên kết, sức cạnh tranh kém

SGGP 12/11/2023 09:41 (GMT+7)

Tình trạng mạnh ai nấy làm đã và đang khiến cho ngành du lịch Việt Nam thiếu chiến lược bài bản, dẫn tới khó cạnh tranh với các quốc gia lân cận. Điều đó lý giải một phần tại sao khi người dân đi du lịch trong nước lại đắt đỏ hơn đi du lịch nước ngoài.

Thuế, phí “ăn cụt” tiền du khách

Giữa tháng 6 năm nay, gia đình anh Lương Văn chọn chuyến du lịch tại Thái Lan, thời gian 5 ngày 4 đêm, với giá 6,3 triệu đồng/người. Đơn vị bán tour là doanh nghiệp du lịch lữ hành trong nước. Sau hơn 1 giờ bay từ TPHCM đến thủ đô Bangkok, gia đình anh Lương Văn lên ô tô đi tiếp Pattaya – một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Nam Thái Lan, và chặng cuối là về lại Bangkok. Các điểm du lịch nổi tiếng đều được tour đưa đến, ở tại khách sạn 4 sao, ăn uống tươm tất, có luôn dịch vụ massage dành cho cả nam lẫn nữ; đặc biệt có buổi tiệc buffet tại tòa nhà 84 tầng với nhiều món đặc sản. Điều khiến anh Lương Văn bất ngờ là dọc các địa điểm tham quan, khách sạn, nhà hàng…, các đoàn khách đến từ Việt Nam “áp đảo” với đủ chất giọng Bắc – Trung – Nam.

Anh Võ Tấn Quan, hướng dẫn viên của đoàn, chia sẻ: “Chi phí như thế thật rẻ, ở Việt Nam sẽ không tìm ra, cho dù thu nhập của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan. Nguyên nhân là do các đơn vị liên kết lại, đồng lòng giảm giá để thu hút du khách”.

Từ câu chuyện du lịch ở nước bạn để nhìn lại thực trạng giá dịch vụ du lịch trong nước còn quá cao, trong đó chi phí vé máy bay là ví dụ điển hình. Ngày 9-11, chị Bông Mai, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM, mua vé máy bay 1 chiều của hãng VietJet Air đi du lịch tại Thanh Hóa, giá vé ghi 680.000 đồng, nhưng cộng cả thuế phí các loại đội lên gần 1,4 triệu đồng.

Cũng của hãng VietJet Air, chủ nhật 12-11, chuyến bay từ Hà Nội đi Phú Quốc lúc 12 giờ 50 phút, giá 2 triệu đồng/vé, nhưng cộng các chi phí khác lên gần 2,9 triệu đồng. Hoặc của Vietnam Airlines chuyến Hà Nội đi Phú Quốc ngày cuối tuần 17-11, bay chuyến 10 giờ 5 phút, giá 2,769 triệu đồng/vé nhưng cộng dồn chi phí lên tới 3,618 triệu đồng. Cho dù có thời điểm các hãng hàng không tung giá vé 0 đồng, nhưng cuối cùng khách phải trả từ 600.000-800.000 đồng/vé (tùy theo chặng bay), do các loại thuế, phí.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing TST Tourist, phân tích, giá vé máy bay chiếm 30%-40% cơ cấu giá tour. Ví dụ, một tour trọn gói khoảng 10 triệu đồng, giá vé máy bay chiếm 3-4 triệu đồng. Do đó, chỉ cần giá vé máy bay “mềm” thì giá tour sẽ thấp xuống, kích thích du khách kéo vali đi chơi.

Các doanh nghiệp du lịch phản ánh, mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT (còn 8%) thực sự không đáng kể. Thêm nữa, điều doanh nghiệp du lịch mong muốn là các chính sách ưu đãi vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động, bởi họ phải vay lãi suất cao hoặc vay nóng từ người thân để xoay xở tạm công việc. Tuy vậy, qua nhiều lần làm việc với ngân hàng, chính một lãnh đạo ngân hàng nhà nước xác nhận, rất khó cho doanh nghiệp du lịch vay vì ngành nghề rủi ro, nên doanh nghiệp đành… “tự bơi”.

Một giá thành khác cũng chiếm tỷ lệ quan trọng trong giá thành tour là tiền khách sạn. Bà T., giám đốc một hệ thống khách sạn 3 sao trên địa bàn quận 3 (TPHCM), cho biết, giá phòng hiện gánh thêm các khoản thuế, phí, như 8% VAT, 5% phí phục vụ (riêng các công ty liên doanh phí phục vụ lên 6%-8%)… làm đội giá thành.

“Vừa qua, hoạt động kinh doanh khó khăn do dịch Covid-19 nên khách sạn chúng tôi được miễn giảm tiền điện 30%-40%, được chậm nộp thuế đất hơn 10 tỷ đồng. Thực tế, việc kinh doanh vẫn còn rất khó khăn, do khách du lịch ít, nên chúng tôi phải chật vật xoay xở. Với công suất phòng chưa tới 70% như hiện tại, doanh thu chỉ tạm bù đắp trượt giá cũng như các chi phí vận hành, trả công nhân viên. Nếu được nhà nước miễn tiền thuế, phí, chúng tôi cũng đồng lòng giảm tiếp tiền phòng, chắc chắn giá tour sẽ rẻ hơn hiện tại rất nhiều, nhờ đó sẽ kích ngành du lịch”, bà T. phân tích.

Tân Hóa trở thành làng du lịch tốt nhất thế giới, được xem là nơi tạo ra lực hút du khách mới ở Quảng Bình. Ảnh: HÓA MINH

Liên kết lẻ mẻ, thiếu giải pháp tổng thể

Khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã ghi nhận nhiều phân tích tâm huyết của các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Các ý kiến đều cho rằng, điểm yếu nhất hiện nay của ngành du lịch là sự thiếu liên kết bài bản. Chẳng hạn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây luôn là một trong những điểm lựa chọn hàng đầu cho du khách, nhưng thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp than phiền vắng khách lưu trú.

Thống kê từ Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, thời gian thấp điểm chỉ đạt 40%-50% công suất phòng, nhiều đơn vị không có khách hàng truyền thống thì con số này còn thấp hơn rất nhiều. Một vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lữ hành hiện nay quan tâm, đó là vấn đề liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Cho dù được bàn thảo nhiều lần nhưng có rất ít tour tuyến liên tỉnh trong vùng được hình thành; việc liên kết trong vấn đề du lịch vẫn còn rời rạc, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, chưa có sự hợp tác sâu rộng. Trong khi đó, vùng Đông Nam bộ hội tụ đầy đủ tiềm năng thu hút du khách bởi có núi, có biển, có các di tích lịch sử, có các điểm tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Ông NGUYỄN VĂN PHÚC Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế: Ban hành chiến lược phát triển vùng để tránh trùng lắp Cần ban hành chung chiến lược phát triển du lịch của vùng để mỗi địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của địa phương bổ trợ cho nhau nhưng không trùng lắp, nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, kéo dài kỳ tham quan của du khách là rất cần thiết. Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp “tay ba” giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành và hệ thống vận tải.

Mặt khác, theo các chuyên gia, cho dù có liên kết thì cũng lỏng lẻo. Chẳng hạn, nhờ sở hữu các di sản cũng như vị trí địa lý gần nhau, 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã chủ động ký kết hợp tác với chủ đề “Ba địa phương – một điểm đến”. Tiếp đó, đầu năm 2022, hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch đã mở rộng ra 5 địa phương (thêm tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình). Các địa phương luân phiên giữ vai trò trưởng nhóm liên kết. Dù vậy, thực tế cho thấy không tránh khỏi những vướng mắc nhất định do công tác phối hợp chưa đồng bộ.

Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú cho biết, khi cao điểm khách nội địa, các đơn vị, doanh nghiệp của mỗi địa phương đều rất bận rộn với kế hoạch, thị trường riêng nên công tác kết nối còn “lỏng lẻo, lác đác”. Chia sẻ nguồn lực để cùng phát triển, tuy vậy muốn rõ nét cần một “nhạc trưởng” điều phối chung cho nhịp nhàng cả vùng.

Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí nhìn nhận, ngành du lịch được xem như “hàn thử biểu” của nền kinh tế, nên phản ứng của người dân, du khách với các điểm đến cần được xem xét, điều chỉnh ngay cho phù hợp. Ví dụ tại Thái Lan, ngay sau vụ lộn xộn ở trung tâm thương mại Siam Paragon (thủ đô Bangkok), lo sợ lượng khách đến sụt giảm, ngành du lịch Thái Lan đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách miễn visa thêm Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc); kéo dài thời gian mở cửa đến 4 giờ sáng cho các điểm giải trí tại Bangkok, Phuket, Chiangmai và Chon Bori.

“Họ nghiên cứu kỹ thị hiếu, phản ứng của khách đối với thị trường du lịch để nhanh chóng điều chỉnh kịp thời. Họ làm rất nhanh, sản phẩm, dịch vụ cũng liên tục được nâng cấp; đặc biệt ngành du lịch Thái Lan rất cầu thị. Chính vì thế, dù đến Thái Lan nhiều lần nhưng khách vẫn mê, bởi giá cả thống nhất, người bán vui vẻ… Không ít du khách thừa nhận, họ đã móc túi tiêu đến đồng tiền cuối cùng, bởi cách làm du lịch của Thái Lan quá khéo”, ông Nguyễn Đức Chí dẫn chứng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lữ hành Saigontourist, cho biết: “Lời giải chính là các địa phương, doanh nghiệp du lịch, điểm đến phải bắt tay nhau thật chặt, giữ mức giá tốt, tâm huyết đi đến cùng vì quyền lợi của khách hàng. Thêm nữa, công tác hậu kiểm rất quan trọng để đánh giá hiệu quả toàn bộ tiến trình ký kết, hợp tác”.

THI HỒNG – XUÂN QUỲNH

***

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Bài 5: Bất động sản nghỉ dưỡng… nghỉ luôn!

SGGP 13/11/2023 10:20 (GMT+7)

Trong một thời gian ngắn, dọc ven biển Bắc – Trung – Nam mọc lên hàng trăm dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng với gần hàng chục ngàn sản phẩm như condotel, biệt thự, resort… Sự đóng góp của những sản phẩm này cho ngành du lịch chưa rõ hiệu quả bao nhiêu nhưng hiện tại chủ đầu tư, người mua cùng điêu đứng!

“Mắc cạn” vì đầu cơ

Năm 2021, chị H., ngụ tại TPHCM, đặt cọc hơn 600 triệu đồng mua một căn hộ condotel tại tỉnh Bình Thuận. Khi thị trường BĐS xuống sâu, chị không tiếp tục đóng các khoản tiền theo thỏa thuận, với lý do là dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, trong khi đơn vị bán hàng liên tục ra các thông báo vi phạm hợp đồng và sẽ xử lý mất cọc. Chị H. giãi bày: “Thực ra, khi tham gia mua căn hộ condotel của dự án này, tôi chỉ muốn đóng vào một ít, rồi “lướt sóng” kiếm lời. Nhưng không bán được, tôi không có khả năng đóng tiếp. Nếu mất khoản này, coi như tiền tích cóp lâu nay mất trắng”.

Condotel của Dự án Cocobay Đà Nẵng xây dựng xong bỏ hoang

Cũng xuôi lòng theo lời môi giới, năm 2020, chị V., ngụ ở Quảng Ngãi, đã mua căn nhà 5 tầng của một dự án BĐS nghỉ dưỡng nằm ven biển Phú Quốc với giá gần 7,8 tỷ đồng. Chị đã nộp 7,2 tỷ đồng, chìa khóa chủ đầu tư trao tay, khi có sổ đỏ sẽ nộp phần còn lại. Rao bán mãi không được, tiền lãi từ thế chấp căn nhà đang ở mỗi tháng phải trả gần 60 triệu đồng, khiến cả gia đình điêu đứng. “Thiệt may, vừa rồi tôi bán 6,9 tỷ đồng, chấp nhận lỗ 1,6 tỷ đồng. Nay xem các quảng cáo, căn đó đang rao bán 6,5 tỷ đồng”, chị V. bộc bạch.

Trên đây là vài ví dụ về khách hàng bị “mắc cạn” khi mua các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, trong thời điểm thị trường sốt nóng. Tại tỉnh Quảng Ninh, số lượng các dự án nghỉ dưỡng rất lớn, tập trung ở các TP Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái. Cuối năm 2021, giá biệt thự biển được rao bán rầm rộ 40-70 tỷ đồng/ căn, thậm chí hơn 100 tỷ đồng/căn vị trí đẹp; giá shophouse 14-17 tỷ đồng/căn; condotel được rao bán 35-120 triệu đồng/m2 …

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, thị trường BĐS Quảng Ninh hạ nhiệt rất nhanh, lượng giao dịch đã giảm 70%-80% so với lúc cao điểm. Anh Hoàng Văn Ngọc, tư vấn BĐS tại TP Hạ Long, cho biết, vào thời điểm này, thanh khoản phân khúc nghỉ dưỡng rất yếu, hầu như không có giao dịch. Giá biệt thự tại phường Bãi Cháy từng có giá 28-35 tỷ đồng/căn, hiện chỉ 20-25 tỷ đồng/căn; condotel FLC Grand Hạ Long căn có hướng nhìn vịnh Hạ Long đang được rao 1,3 tỷ đồng khi giá mua ban đầu là 2,1 tỷ đồng…

Một số dự án khác lại được quảng cáo rầm rộ, có chính sách chia sẻ doanh thu và cam kết lợi nhuận 8%-12%/năm nhưng chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết, như dự án FLC Grand Hạ Long. Ông Lương Thanh Nhã (Hà Nội) cho biết, có gần 300 nhà đầu tư như ông là nạn nhân của dự án này. Năm 2017, FLC Hạ Long quảng cáo ì xèo lôi kéo khách hàng mua căn hộ nghỉ dưỡng, hứa hẹn trả lợi nhuận 12%/năm trong 8 năm đầu. Nhưng sau đó, công ty này trì hoãn trả tiền cho nhà đầu tư!

Trong khi đó, tại miền Trung, dự án Cocobay Đà Nẵng được khởi công giữa năm 2016 với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng trên diện tích 31ha, từng làm sôi động thị trường BĐS du lịch vùng giáp ranh Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, từ cuối 2019 đến nay, dự án đìu hiu, nhiều tòa nhà, biệt thự rơi vào cảnh hoang tàn. Nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa khi đổ tiền vào dự án trước lãi suất cam kết 12%/năm mà đến nay chẳng thấy đâu! Các dự án khác ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng, như Times Square của Công ty CP Kim Long Nam; Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Riverview Complex của Công ty TNHH Vincom Retail Miền Nam; Dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng của Công ty TNHH Hòa Bình… cũng rơi vào cảnh tương tự.

Gần 30 tỷ USD đổ vào BĐS nghỉ dưỡng

Số liệu từ Hiệp hội BĐS Việt Nam cho thấy, hiện tại, trên cả nước có khoảng 239 dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính trị giá dự án condotel khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villa khoảng 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse khoảng 154.245 tỷ đồng, tổng trị giá gần 30 tỷ USD. Sau một thời gian phát triển nóng phân khúc này đã bị chững lại, gần như đóng băng.

Mất kiểm soát

Có đường bờ biển chạy dài 20km, khu vực Bãi Trường (TP Phú Quốc) được UBND tỉnh Kiên Giang quy hoạch là khu du lịch – khu dân cư. Mục đích giúp du khách và người dân Phú Quốc tiếp cận dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và giải trí đẳng cấp quốc tế với kiến trúc đẹp, hiện đại trong môi trường cảnh quan tự nhiên. Theo thống kê chưa đầy đủ, đảo Phú Quốc hiện có khoảng 117 dự án đầu tư BĐS nghỉ dưỡng với hàng ngàn căn condotel, shophouse, biệt thự biển.

Thế nhưng, sau 17 năm thực hiện quy hoạch, nơi đây trở thành một tổ hợp “nhà hoang” với hàng trăm dự án dang dở. Rất nhiều công trình bị tháo dỡ, trơ khung sắt, bên cạnh bảng cảnh báo của chính quyền và ngành chức năng địa phương “Đất do Nhà nước quản lý, cấm mọi hành vi phá hoại, mua bán, xây dựng”.

Nằm cạnh đường Nam – Bắc Bãi Trường là khu phức hợp nghỉ dưỡng Sonasea Villas and Resort 132ha của CEO Group. Tại đây, hàng trăm công trình nhà phố, shophouse được xây xong, nhưng chỉ lác đác vài người ở. Các tuyến đường nội bộ, tiểu cảnh bên trong cỏ mọc um tùm do lâu ngày không được chăm sóc. Đi sâu vào bên trong khu vực Bãi Trường, hàng loạt dự án khác như: Novotel Villas; Best Western Premier Sonasea Phu Quoc (CEO Group); Phú Quốc Marina (BIM Group); The Residence Phú Quốc (Tập đoàn Hạ tầng Đô thị Corporation); Milton Europa Village (Milton Holding)… cũng trong tình trạng tương tự.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế:

Trả lại giá đất hợp lý cho cộng đồng du lịch

Từ năm 2013-2014, BĐS nghỉ dưỡng đem lại cơ sở vật chất “xịn” cho ngành du lịch, tạo dòng tiền kinh doanh lưu trú khá tốt. Nhưng từ năm 2017, hàng loạt dự án condotel, quá nhiều resort mọc lên, cạnh tranh nhau và làm môi trường bị ảnh hưởng. Khi cảnh quan thiên nhiên, môi trường bị xuống cấp, du khách giảm dần…

Tóm lại, BĐS nghỉ dưỡng khó khăn sẽ đem lại mất mát rất lớn cho các công ty BĐS và các nhà đầu tư cá nhân. Nhưng sự “sụp đổ” đó là cần thiết để giá đất ở các vùng biển trở về hợp lý; để các cá nhân và công ty đầu tư kinh doanh du lịch lưu trú chuyên nghiệp có thể đầu tư sinh lời hợp lý, người dân địa phương kinh doanh dịch vụ sinh sống tốt, ngành du lịch phát triển bền vững.

Tại Bình Thuận, nếu như năm 2014, địa phương này chỉ có 271 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số hơn 10.000 phòng thì hiện tại, toàn tỉnh có trên 600 cơ sở lưu trú, đạt gần 18.000 phòng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận Trần Văn Bình tâm tư: “Chỉ tính riêng tại TP Phan Thiết, có tới 12.000-13.000 phòng lưu trú, tăng khoảng 50% tổng số phòng so với khoảng 3 năm trước. Miếng bánh bị chia nhỏ, lượng du khách có hạn, trong khi nhiều dự án nghỉ dưỡng chưa được phép kinh doanh lại hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến những cơ sở kinh doanh đàng hoàng”. Trong khi đó, toàn tỉnh có 16 dự án BĐS nghỉ dưỡng đã được cấp phép triển khai, xây dựng nhưng tất cả các dự án này chưa đủ điều kiện đưa vào giao dịch do chưa thực hiện đầy đủ pháp lý.

Tại tỉnh Khánh Hòa, hàng ngàn căn hộ nghỉ dưỡng được hình thành dựa trên sự hợp tác giữa chủ đầu tư và người dân thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư. Với cách vận hành theo kiểu “ký gửi”, chủ đầu tư sẽ đứng ra kinh doanh và chia tỷ lệ lợi nhuận theo thỏa thuận, thường là 70/30, nhưng việc kinh doanh thực tế không như mong muốn. Dự án Khu nghỉ dưỡng The Arena (TP Cam Ranh), từ khi đi vào vận hành ngày 11-11-2022 đến 30-6-2023, tổng doanh thu chỉ đạt là 11,4 tỷ đồng, trong khi chi phí tới 27,3 tỷ đồng. Trong thông báo gửi đến khách hàng là chủ sở hữu căn hộ, Giám đốc Công ty cổ phần Trần Thái Cam Ranh Lê Anh Trứ cho rằng, kinh doanh lỗ nên không chia lợi nhuận cho khách hàng.

XUÂN QUỲNH – NGUYỄN TIẾN – MAI AN

***

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Khó giảm giá vé máy bay

SGGP 14/11/2023 10:14 (GMT+7)

Loạt bài Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” đăng trên Báo SGGP từ ngày 9 đến 13-11, phản ánh một trong những nguyên nhân khiến ngành du lịch bị sụt giảm mạnh thời gian gần đây là do giá vé máy bay quá cao. Ông Đinh Việt Thắng (ảnh), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), đã trao đổi với PV Báo SGGP xoay quanh nội dung này.

Hành khách đáp chuyến bay xuống sân bay Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: THANH HẢI

Tin liên quan

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng”- Bài 1: Đìu hiu Phú Quốc

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Bài 2: Vắng vẻ “thành phố ngàn hoa”, lác đác miền di sản

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Bài 3: Chặt chém, chụp giựt: Lợi nhỏ làm hư việc lớn

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng”- Bài 4: Thiếu liên kết, sức cạnh tranh kém

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Bài 5: Bất động sản nghỉ dưỡng… nghỉ luôn!

PHÓNG VIÊN: Theo Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, hiện mỗi ngày có 20-25 chuyến bay tới đảo, trong đó có 3-4 chuyến bay quốc tế, chỉ bằng 50% cùng kỳ năm trước. Vì sao số chuyến bay đến đảo Phú Quốc lại giảm mạnh như vậy, thưa ông?

* Ông ĐINH VIỆT THẮNG: Lý do khách du lịch nội địa đến Phú Quốc năm 2023 giảm là do du lịch ra nước ngoài phục hồi và tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế trong nước chưa đạt tăng trưởng như mục tiêu và kỳ vọng, người dân phải cân nhắc việc cắt giảm chi tiêu cho hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng. Nhu cầu đến Phú Quốc của hành khách giảm nên các hãng hàng không buộc phải điều chỉnh kế hoạch khai thác để phù hợp, đảm bảo hiệu quả khai thác đội bay. Tính đến hết tháng 9, tổng lượng khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đạt xấp xỉ 3,4 triệu khách, giảm 25% so cùng kỳ 2022.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Số chuyến bay giảm trong khi giá vé tới Phú Quốc lại tăng rất cao. Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, giá vé chặng Hà Nội – Phú Quốc đang được bán ở mức 6-9 triệu đồng/vé khứ hồi…

* Hiện tại, giá dịch vụ hành khách trên các đường bay nội địa được điều chỉnh theo Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Đường bay Hà Nội – Phú Quốc có độ dài lớn nhất trong hệ thống các đường bay nội địa Việt Nam, có chi phí cao nhất, nên khung giá trên đường bay này cũng cao nhất so với các đường bay khác.

Không chỉ đi Phú Quốc, giá vé máy bay nội địa trong thời gian qua cũng “neo” ở mức cao. Dịp tết, nhiều chặng giá đang rất cao, ông có thể lý giải về điều này?

* Giá vé máy bay được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường, điều kiện vé, thời điểm xuất vé… Đối với thị trường nội địa, các hãng HKVN đang tuân thủ khung giá vận chuyển, không bán vé quá giá trần quy định. Tuy nhiên, giá vé máy bay đi lại phụ thuộc vào quy luật cung/cầu. Vào dịp cao điểm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao và dồn vào những ngày và khung giờ đẹp, dẫn đến giá cao. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù khai thác lệch đầu vào dịp cao điểm, các hãng phải tăng giá vé chiều đông khách bù đắp cho chặng bay cả hai chiều. Dự kiến, mặt bằng giá vé Tết 2024 vẫn tương đương năm 2023.

Nếu so sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng trong khu vực thì mức giá vé tính theo kilômet tại Việt Nam vẫn khá thấp. Ví dụ như chặng Hà Nội – TPHCM, mức cao nhất quy định chỉ khoảng 0,11 USD/km; trong khi chặng bay Bangkok đi Chiangmai (Thái Lan) mức giá cao nhất của Thai Airways là 0,22 USD/km; chặng bay Bắc Kinh – Thượng Hải (Trung Quốc) của Air China là 0,27 USD/km…

Theo Cơ quan thống kê về giá tiêu dùng Hoa Kỳ, giá vé máy bay trên phạm vi toàn cầu hiện đang cao hơn 15%-17% so năm 2022 do các chi phí đầu vào tăng cao. Hiện các hãng hàng không đang phải đối mặt với việc nhiên liệu bay Jet A1 tháng 10 có giá trên 122 USD/thùng, tăng hơn 60% so với năm 2019. Đặc biệt, do tỷ giá hối đoái biến động (70% chi phí bay thanh toán bằng ngoại tệ), nên các hãng HKVN vẫn chưa thể có lãi. Giá vé máy bay chưa đủ chi phí nên hãng hàng không khó có thể giảm giá vé.

Nhưng giá vé bay nội địa đang vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người dân. Cục HKVN có giải pháp gì để khắc phục vấn đề này?

* Để giá vé máy bay ở mức hợp lý, phù hợp với nhu cầu của nhân dân, đặc biệt trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, Cục HKVN đã chỉ đạo các hãng hàng không tăng nguồn cung. Trong dịp cao điểm Tết Giáp Thìn, các hãng dự kiến cung ứng 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cục HKVN cũng hỗ trợ và khuyến khích các hãng tăng năng lực bằng cách tìm kiếm máy bay thuê ngắn hạn, kéo dài thời gian khai thác hàng ngày của đội bay, tăng cường khai thác các chuyến bay ban đêm; yêu cầu các cảng hàng không chuẩn bị nguồn lực phục vụ nhu cầu bay đêm. Cục HKVN cũng báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ phối hợp, tăng cường năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Ông PHẠM S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Tăng cường xúc tiến du lịch để thu hút du khách

Về lâu dài, địa phương sẽ tiến hành các hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch địa phương, những thế mạnh về phong cảnh, văn hóa của Đà Lạt – Lâm Đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư vào du lịch, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xúc tiến các chương trình, dự án lớn về du lịch đang triển khai sớm hoàn thành để phục vụ du khách.

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch, nhất là với các địa phương của Hàn Quốc, đây là thị trường rất tiềm năng. 10 tháng đầu năm có 328.000 lượt khách quốc tế đến với Lâm Đồng, trong đó trên 50% khách quốc tế đến từ Hàn Quốc. Hiện trung bình mỗi tuần, Cảng hàng không Liên Khương đón 27 chuyến bay đến từ các vùng của Hàn Quốc.

ĐOÀN KIÊN

Ông NGUYỄN LƯU TRUNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Đòi hỏi có cách nhìn, cách làm khác về du lịch

Đại dịch Covid-19 cho thấy, du lịch ở Kiên Giang là một trong những ngành dễ bị tổn thương, đòi hỏi người làm du lịch cần có cái nhìn khác về cách làm du lịch. Kiên Giang đang đứng trước những thách thức như: tỷ lệ du khách đi tour trọn gói, lưu trú dài ngày, chi tiêu của du khách có chiều hướng giảm; tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện hữu rõ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi…

Rõ nhất, dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách du lịch đến Phú Quốc giảm 26,5% so với cùng kỳ, không đạt như kỳ vọng. Đây cũng là một “nốt trầm” cần thiết để Kiên Giang nhìn nhận lại điểm hạn chế để khắc phục, điều chỉnh…

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm vực dậy du lịch. Tỉnh chỉ đạo phát triển du lịch theo chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người.

UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch mới, khác biệt để xây dựng, giữ gìn thương hiệu du lịch Kiên Giang. Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; nghiên cứu triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch và đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…

LÊ QUỐC

BÍCH QUYÊN thực hiện

***

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng”: Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, điều phối

SGGP 15/11/2023 08:39 (GMT+7)

Trao đổi với phóng viên xung quanh loạt bài Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” , đăng trên Báo SGGP từ ngày 9 đến 13-11, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội khẳng định, cách đặt vấn đề của Báo SGGP hoàn toàn đúng đắn.

Tin liên quan

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Khó giảm giá vé máy bay

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Bài 5: Bất động sản nghỉ dưỡng… nghỉ luôn!

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng”- Bài 4: Thiếu liên kết, sức cạnh tranh kém

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Bài 3: Chặt chém, chụp giựt: Lợi nhỏ làm hư việc lớn

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” – Bài 2: Vắng vẻ “thành phố ngàn hoa”, lác đác miền di sản

Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng”- Bài 1: Đìu hiu Phú Quốc

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội

PHÓNG VIÊN: Du lịch không phải là câu chuyện của mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp…, vì vậy để có được sự bứt phá, phát triển, vai trò của “nhạc trưởng” là vô cùng quan trọng. Song, tại thời điểm này, có phải dấu ấn của người “tổng chỉ huy” dường như còn mờ nhạt, thưa ông?

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN: Trong thời gian qua, Bộ VH-TT-DL đã xây dựng chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; Cục Du lịch quốc gia đã triển khai đề án quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến 2045… Du lịch Việt Nam luôn được đánh giá cao và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của thế giới, với nhiều giải thưởng du lịch được trao tặng, ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành. Tuy nhiên, so với tiềm năng thực tế và kỳ vọng của chúng ta vào sự phát triển của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thì ngành du lịch cần phải cố gắng rất nhiều, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn đang đối mặt. Ví dụ như, quy hoạch liên kết giữa các vùng, địa phương trong phát triển du lịch của chúng ta còn thiên về định hướng không gian địa lý hoặc vùng kinh tế, chứ chưa dựa vào vùng du lịch; hoặc nhiều địa phương chưa tạo ra sản phẩm đặc thù, như du lịch miệt vườn ở miền Tây Nam bộ, hoặc khu phố đi bộ, chợ đêm ở nhiều địa phương… có cách tổ chức giống nhau.

Một số địa phương cũng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động liên kết tỉnh, vùng trong quảng bá điểm đến như hội nghị liên kết vùng, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, các doanh nghiệp. Song, nhiều ý tưởng liên kết thiếu thực tế, ví dụ như một tỉnh miền Tây Nam bộ liên kết với một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, hoặc có trường hợp liên kết vùng quá lớn như 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, thay vì những kết hợp khả thi hơn như con đường di sản thế giới ven biển miền Trung… Việc liên kết này thiếu sự nghiên cứu thị trường và nhu cầu khách du lịch. Từ thực tế đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trung ương trong việc hướng dẫn cho các địa phương hoạt động, liên kết tạo ra chuỗi các điểm hiệu quả là rất cần thiết.

Các giải đua thuyền, thể thao biển quốc tế là một giải pháp giúp ngành du lịch tỉnh Bình Định khởi sắc, phát triển trong giai đoạn tới. Ảnh: NGỌC OAI

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng mọi vấn đề liên quan tới du khách như giao thông đi lại, môi trường, an ninh, giá cả, giải trí… đều được cho là trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch. Làm thế nào để giải quyết những vấn đề căn cơ này?

Hoạt động du lịch là một chuỗi các dịch vụ có gắn kết như: giao thông hàng không, đường bộ, đường thủy; cơ sở dịch vụ như lưu trú, ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí, và các dịch vụ bổ sung liên quan tới nhiều ngành khác như thương mại, sản xuất. Đồng thời, hoạt động du lịch tại một điểm đến còn có sự gắn kết, hỗ trợ của người dân địa phương.

Để giải quyết một cách căn cơ cho vấn đề này, theo tôi, chúng ta nên chú ý đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, ở cấp trung ương và địa phương đã có Ban Chỉ đạo du lịch gồm các cơ quan quản lý ở các ngành tham gia, tức là chỉ bao gồm khu vực công. Tuy nhiên, mô hình này cần phải có một số cải tiến cho phù hợp hơn với điều kiện hiện nay. Ví dụ, cần có thêm đại diện doanh nghiệp hoặc hiệp hội du lịch, thậm chí là đại diện cộng đồng địa phương để sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận tiếng nói, đóng góp của tất cả các bên liên quan; hoặc nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo này để kịp thời lắng nghe những khó khăn và rào cản mà khu vực doanh nghiệp đang gặp, đưa ra được quyết sách kịp thời, đáp ứng được vấn đề cấp bách của ngành, bao gồm cả dịch vụ, giá cả, quy tắc ứng xử, an toàn tính mạng và tài sản của khách, giao thông, môi trường, an ninh…

 

×

Thứ hai, nên thành lập cơ quan quản lý điểm đến với sự tham gia của các ngành liên quan ở địa phương và các đối tác khác nhau (cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương). Việc tăng cường quản lý điểm đến cần có hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý ở cấp quốc gia như Bộ VH-TT-DL, Cục Du lịch quốc gia để đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các địa phương biết cách thành lập cơ quan quản lý điểm đến, gồm: cơ cấu tổ chức, trách nhiệm, nhiệm vụ, điều lệ, hoạt động, ngân sách/quỹ hoạt động, cơ chế báo cáo… Theo đó, thành lập cơ quan quản lý điểm đến ở các địa phương trọng điểm trước, để tạo ra mô hình điển hình, sau đó điều chỉnh, nhân rộng ra các điểm đến khác.

Hàng loạt doanh nghiệp ven biển Đà Nẵng gặp khó khi tiền thuê đất tăng cao. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông, sự phục hồi của ngành du lịch còn chậm so với nhiều nước lân cận, có phải một phần là do thiếu những hoạt động xúc tiến quảng bá ở tầm quốc gia, quốc tế?

Dù có rất nhiều nỗ lực trong thời gian qua, nhưng chúng ta vẫn thiếu hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch lớn ở tầm quốc gia, quốc tế. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa vận hành tốt Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và thiếu vắng các cơ quan đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Tháng 12-2022, Hội đồng Tư vấn Du lịch phối hợp một số đơn vị làm một khảo sát khách du lịch sau dịch Covid-19. Kết quả, 56% khách du lịch nhận biết điểm đến chủ yếu thông qua mạng xã hội, báo điện tử; 42% qua trang web và 41% qua các công cụ tìm kiếm thông tin trực tuyến; 3% nhận biết điểm đến thông qua hội chợ, sự kiện du lịch; 1% qua các biển quảng cáo và 1% qua tờ rơi, tập gấp. Điều này cho thấy các thông tin cung cấp cho khách du lịch là chưa đầy đủ, toàn diện, kịp thời. Do vậy, chúng ta cần cố gắng rất nhiều để những hoạt động xúc tiến, quảng bá lớn đem lại lợi thế cho du lịch Việt Nam.

Cụ thể, chúng ta cần vận hành tốt hơn Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; cần thực hiện nghiên cứu thị trường để đưa ra những chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp với từng thị trường mục tiêu nhằm thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch đạt được hiệu quả; có thể xem xét xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia mới để thích ứng với hoàn cảnh phát triển du lịch sau dịch Covid-19 với hành vi, tâm lý, sở thích của khách du lịch đã có nhiều thay đổi. Cùng đó, các địa phương cần phải có hợp tác công – tư, cũng như cần nghiên cứu thị trường, không sao chép mô hình của các địa phương khác để tránh trùng lặp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các địa phương, các khu du lịch trọng điểm quốc gia mời chuyên gia quốc tế từ các công ty, tổ chức tư vấn tầm quốc tế có kinh nghiệm đến nghiên cứu thị trường, phân tích tính độc đáo của địa phương để xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch.

Tổng hợp: THI HỒNG

 

Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành

Tại phiên chất vấn trong chương trình kỳ họp thứ 6 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (ảnh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề phát triển du lịch của Việt Nam.

Đại biểu NGUYỄN NGỌC SƠN: Du lịch là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai. Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới?

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH: Tài nguyên du lịch của đất nước ta rất phong phú về truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt có chiều dài bờ biển trên 3.000km trải dài từ Bắc đến Nam; người dân Việt Nam thân thiện, mến khách, cần cù, yêu lao động. Đó là những lợi thế của ngành du lịch Việt Nam. Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng đã có. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Có nguyên nhân liên quan đến vấn đề về chính sách, về thể chế, về lãnh đạo, chỉ đạo, về nguồn nhân lực, bố trí quy hoạch để phát triển ngành du lịch; có những vướng mắc, khó khăn cả chủ quan và khách quan, nhưng theo Thủ tướng, chủ quan là chính. Về giải pháp để phát triển ngành du lịch, trước tiên cần triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng về ngành du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Phải thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương này bằng các luật pháp của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, các thông tư liên quan của các bộ. Thứ hai, phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung để xác định rõ trọng tâm phát triển. Thứ ba, phải có nguồn lực cho hạ tầng du lịch. Thứ tư, phải có nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thứ năm, đây là một ngành kinh tế tương đối tổng hợp, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các ngành.

LÂM NGUYÊN


Bà NGUYỄN THỊ QUYÊN THANH, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Phải đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, con người yêu chuộng hòa bình, năng động, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, qua đó thu hút đầu tư du lịch. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nhiều mặt, về làng nghề, lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp và độc đáo. Cần tăng cường xúc tiến đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án du lịch mang tính chiến lược, tạo động lực để phát triển bền vững.


Ông PHẠM HUY BÌNH, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group): Muốn phát triển du lịch bền vững, cần có các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho ngành du lịch như miễn giảm sâu hơn các loại thuế, phí…; cần có sự điều tiết từ cấp độ quốc gia trong quản lý du lịch, tạo nên sự liên kết đồng bộ giữa các lĩnh vực dịch vụ thành phần, điểm tham quan, đơn vị cung ứng vận chuyển, cơ sở lưu trú tại điểm đến… Từ đó, các địa phương, công ty lữ hành sẽ có “thành phẩm” du lịch hấp dẫn, giá cả hợp lý, mà vẫn đảm bảo yếu tố chất lượng dịch vụ cung cấp đến du khách.

THI HỒNG – LÂM NGUYÊN ghi

MAI AN thực hiện

Leave a comment