Thắng và bại

Chào các bạn,

Tư duy về thắng và bại hầu như tiêu thụ hết cả cuộc đời của chúng ta. Ngay từ nhỏ chúng ta đã được người lớn huấn luyện về thắng và bại mỗi ngày. Trong lớp thì có thứ hạng từ 1 đến bét. Mẹ dạy con gái phải nói năng lễ độ, ăn mặc lịch sự, để lớn lên làm hoa hậu. Bố dạy con trai lớn lên làm tướng… Cứ y như là những nghề khác chẳng đáng quan tâm. Và những nghề như hốt rác, bán ve chai, bán bánh mì, bán vé số… chẳng ai khuyến khích con làm, ngược lại dùng những nghề đó để de dọa con cái.

(Theo mình nghĩ thì chẳng nên khuyến khích con làm gì cả, để chúng nó biết tự lo. Mình chẳng nói đến một chữ là hai cô con gái mình nên làm gì. Mình chỉ nói: “Thích học gì thì học. Học xong không có việc làm, thì ở nhà ba nuôi. Cô thứ hai còn không đi học đại học. Mình ứng xử như là một loại bảo hiểm để hai cô tự do lựa chọn mà không phải quan tâm về nghề nghiệp và tiền bạc sau này. Rốt cuộc hai cô vẫn thành công lớn trong các nghề hai cô tự chọn. Mình nghĩ là các bạn nên tìm cách để các con được tự do phát triển tiềm năng và ý muốn của các con, thay vì hướng các con đi theo ý của bố mẹ. Dùng được tiềm năng và ý thích của chính mình là cách chắc chắn nhất để một người thành công lớn trong đời).

Trở lại đề tài chính. Chúng ta học được cạnh tranh thắng bại từ hồi còn bé, và lớn lên một chút thì khỏi nói – vô được trường này trường kia, thi đậu chỗ này chỗ kia, được giải thưởng này giải thưởng kia, được học bổng này học bổng kia, làm hoa hậu, làm sao ca nhạc, sao thể thao, làm nhiều tiền… Báo chí và văn hóa phổ thông tạo ra một nền văn hóa tập trung dữ dội vào nổi tiếng, chiến thắng, tiền, sắc đẹp, thời trang… ôi thôi đủ thứ tham sân si trên đời.

Phật chỉ có một cái miệng, nhưng báo chí, truyền thông và Internet có cả triệu cái miệng, để dạy những điều Phật bảo là nên tránh.

Các bạn, đừng dạy con phải hơn thiên hạ và phải thắng thiên hạ. Mình biết là văn hóa thắng bại quá mạnh trên thế giới, cho nên mình cũng phải dạy con mình thắng bại cách này: “Đừng cạnh tranh đấu đá với người khác, kẻ cả những người đang cạnh tranh kinh tế với mình trong cùng một thị trường. Hãy luôn cạnh tranh với chính mình. Ngày nào mình cũng phải khá hơn một chút. Ngày hôm nay mình khá hơn hôm qua, và ngày mai mình sẽ khá hơn ngày nay. Nếu mình mỗi ngày mỗi tiến như thế thì mình không cần cạnh tranh với đồng nghiệp trong cùng thị trường, nhưng mình vẫn tự nhiên thành công trong kinh doanh, vì mình siêu. Đồng nghiệp là bạn, không là đối thủ.”

Và thắng với bại, thật sự là chúng vậy nhưng không phải vậy. Đôi khi cái bạn nghĩ là thắng lại có thể là cái thua, như là bạn thi vào trường y khoa, 20 năm sau bạn cảm thấy bác sĩ không thực sự là nghề bạn thích nên cứ ì ạch mãi. Đứa vào y khoa không được, đành đi học trường luật, thì 20 năm sau khám phá ra luật là con đường siêu đẳng của mình. (Đó cũng khá giống với trường hợp học luật của mình. Chẳng là tưởng tượng).

Tái ông thất mã. Âm trung hữu dương căn, dương trung hữu âm căn. Trong thắng có bại, trong bại có thắng. Cuộc đời thay đổi liên tục, cho nên đa số mọi chuyện thấy vậy mà không phải vậy. Người tình lý tưởng tuyệt với của mình – đẹp trai, con nhà giàu, ăn học giỏi – làm các cô khác thấy mình cũng ganh tị, nhưng lấy nhau 5 năm có 2 đứa con thì mình phải ôm con ra tòa ly dị. Đó là thắng hay bại? Và hai đứa con không còn bố này, nhờ mẹ nuôi nắng và không có ảnh hưởng côn đồ của bố, 30 năm sau thành các chuyên gia xuất sắc trong nước. Vậy thì mất bố là bại hay thắng?

Các bạn, cuộc đời là một dòng sông khi trong khi đục, khi lặng khi sóng, khi nhu mì khi ghềnh gập… mỗi nơi một kiểu, mỗi thời một kiểu… nhưng mọi nơi mọi kiểu đều như nhau, chỉ là một khúc tự nhiên của dòng sông. Dòng sông không có khúc thắng khúc bại. Chỉ có khúc ta mệt và khúc ta khỏe mà thôi.

Cho nên các bạn. Đừng bám vào thắng bại. Đó chỉ là ảo tưởng, không có thật. Hãy chỉ bám vào một điều: Quyết tâm đi tốt trong cả dòng sông, mỗi ngày, dù ta đang ở khúc nào.

Chúc các bạn thành công trên dòng đời.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

2 thoughts on “Thắng và bại”

  1. Theo em nghĩ, xem đồng nghiệp bên kia chiến tuyến là đối thủ cũng hay đấy chứ. Nó giúp ta có động lực canh tranh qua đó sẽ thúc đẩy phát triển lẫn nhau. Miễn là trong tâm mình không ganh ghét, không xem họ là kẻ thù và có sự tôn trọng nhất định. Như thế vẫn tốt anh nhỉ

    Em Trung

    Like

Leave a comment