Danh mục lưu trữ: Kỹ năng tìm việc

Làm phụ bếp: Khiêm tốn, tập trung và học làm việc nhóm

Chào các bạn,

Vừa rồi mình đi phụ bếp cho bạn mình, là đầu bếp chuyên nghiệp, để nấu phở và một số món Việt Nam cho khoảng 80 người ở một social kitchen ở Lisbon – tạm gọi là bếp cộng đồng. Sau bữa ăn, khách đến ăn đều rất happy.

Chia sẻ với các bạn một chút về social kitchen này. Đây là một bếp ăn và “nhà hàng” với ý tưởng tạo cơ hội cho ai cũng có thể là bếp trưởng để nấu các món ăn cho cộng đồng. Từ người bình thường cho đến các đầu bếp mới ra trường hay các đầu bếp nổi tiếng đều có thể và từng đăng ký nấu ăn ở đâu.

Đọc tiếp Làm phụ bếp: Khiêm tốn, tập trung và học làm việc nhóm

Kiên trì Học tiếng Anh

Chào các bạn,

Việc học tiếng Anh là một trong những ưu tiên mà ĐCN nhắc lại rất nhiều lần cho các bạn đặc biệt các bạn trẻ và đang là học sinh sinh viên. Bài này mình không nhắc lại chi tiết về những kỹ năng nghe nói đọc viết, các bạn có thể xem lại nhiều lần ở mục Học tiếng Anh cột bên trái của ĐCN.

Một điều quan trọng là người VN nói chung cần phải cải thiện trình độ tiếng Anh thêm rất nhiều nữa. Các bạn hãy đặt học tiếng Anh như một thứ thức ăn trong sinh hoạt hàng ngày vậy. Cần phải biến việc học tiếng Anh trở thành thứ không có đụng đến một ngày thì không chịu được. Một ngày không nói, không nghe, không đọc không viết một chút gì bằng tiếng Anh dính tới tiếng Anh thì cảm thấy thiếu. Đọc tiếp Kiên trì Học tiếng Anh

Được gì qua hội thảo việc làm!

Chào các bạn, hội thảo việc làm là hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng tìm việc, tạo cơ hội cho sinh viên và doanh nghiệp tiếp xúc với nhau. Cũng qua đó, sinh viên có dịp trải nghiệm những khác biệt giữa văn hóa học đường và văn hóa doanh nghiệp.

Trước đây vài tháng mình có tìm kiếm trên internet và xin tài liệu từ các anh chị đã đi làm, đã có kinh nghiệm về kỹ năng apply một hồ sơ, kỹ năng trả lời phỏng vấn cũng như một số hình thức thi tuyển vòng loại đang phổ biến hiện nay. Đọc tiếp Được gì qua hội thảo việc làm!

Mỗi ngày là một món quà

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu với các bạn một tác giả mới của ĐCN nhé – đó là Nhữ Hoa Quỳnh Nga.

Quỳnh Nga hiện đang học Master in Finance ở University of Porto, Bồ Đào Nha theo học bổng Erasmus Mundus.

Quỳnh Nga biết đến Đọt Chuối Non qua Thu Hằng. Cám ơn Hằng đã mang Quỳnh Nga tới ĐCN. 🙂 Đọc tiếp Mỗi ngày là một món quà

Sinh viên “săn” hội thảo, hội nghị ở nước ngoài

 

19/12/2013 03:45 (GMT + 7)
 TTTháng 1 đi Thái Lan dự hội thảo xây dựng hòa bình thế giới, tháng 8 đi Malaysia làm tình nguyện viên Đông Nam Á, tháng 11 đến Indonesia dự hội nghị về vai trò thanh niên trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tháng 12 sang Nhật tham gia chương trình thanh niên Nhật Bản – ASEAN…

 

Tôn Nữ Tường Vy tại Chương trình tình nguyện viên ASEAN vì môi trường ở Malaysia tháng 8-2013- Ảnh: H.Bình

Đó là lịch trình năm 2013 của bạn Tôn Nữ Tường Vy – sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM.

Cũng như Vy, nhiều bạn trẻ khác đã “săn” được những chuyến đi nước ngoài tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, giao lưu văn hóa, tình nguyện viên… Không những được đi du lịch miễn phí, những chuyến đi ấy đã mang lại cho các bạn sinh viên cơ hội nâng cao năng lực bản thân, tìm hiểu văn hóa các nước cũng như mở rộng quan hệ với bạn bè trong khu vực và trên thế giới.
Đọc tiếp Sinh viên “săn” hội thảo, hội nghị ở nước ngoài

Tự tin khi đi interview tìm việc

Chào các bạn,

Chúng ta đã nghe thường xuyên là vào interview tìm việc thì phải tự tin. Mọi công ty đều muốn người tự tin. Ngày xưa mình được học kiểu “khiêm tốn” là nếu ai hỏi mình “Anh có rành loại công việc này không?” thì dù ta là đại cao thủ cũng phải trả lời kiểu trong truyện chưởng “Dạ tôi biết được chút đỉnh,” kiểu thiên hạ đệ nhất kiếm trả lời, “Tại hạ cũng may mắn được tôn sư dạy vài chiêu kiếm phòng thân.”

Đọc tiếp Tự tin khi đi interview tìm việc

Ba đức tính để thành công

Chào các bạn,

Đây là những lời khuyên dành cho các ứng viên đi xin việc mà các nhà tư vấn nghề nghiệp ở Mỹ đã đúc kết lại và in trong cẩm nang dành cho người đi xin việc. Mình tình cờ có được bản in hai trang của tờ cẩm nang này nên dịch ra đây để chia sẻ với các bạn, nhất là các bạn trẻ.

Ba đức tính này không chỉ cần thiết để thành công trong quá trình tìm việc, mà còn áp dụng đối với tất cả những vấn đề khác trong cuộc sống. Nếu bạn muốn thành công ở bất cứ lĩnh vực nào, hãy luôn nhớ:

1. Người thành công khẳng định thành công của mình…dù là nhỏ

Người thành công biết rằng những thành công lớn thường là kết quả của việc đạt được những thành công nhỏ. Người thành công hiểu rằng những thành công nhỏ hay những hành động đã thực hiện xong rất quan trọng…và khẳng định điều đó.

Một thành công lớn là khi chúng ta đạt được mục tiêu hoặc vượt qua một vấn đề. Thành công nhỏ, mặt khác, là những hành động tích cực mà chúng ta thường chẳng mất gì để có chúng, khi chúng ta cố gắng đạt mục tiêu hoặc vượt qua các vấn đề.

Khẳng định những hành động của chúng ta hoặc những thành công nhỏ giúp chúng ta hiểu rằng thường thường sự khác biệt giữa thành công và thất bại là một hành động nhỏ.

Khi giải quyết một vấn đề hoặc thách thức, chúng ta thường không luôn làm đúng mọi thứ. Để ý vào tầm quan trọng của những hành động tích cực, chúng ta sẽ làm tăng khả năng thành công.

• Xem lại những thành công lớn nhỏ trong ngày của bạn.
• Viết chúng ra giấy mỗi ngày.
• Lưu chúng lại để bạn có thể xem lại sau những vấn đề mà bạn đã vượt qua và những mục tiêu mà bạn đã đạt.
• Giúp gia đình và bạn bè bằng cách khẳng định thành công của họ. Bằng cách giúp họ, bạn sẽ giúp chính mình trở nên ngày càng thành công hơn.

2. Người thành công nỗ lực hơn nếu họ thất bại lần đầu tiên.

Người thành công biết một sự thật đơn giản mà Ben Franklin đã nói rằng: “Nếu ban đầu bạn không thành công, hãy cố gắng, cố gắng, lần nữa”.

Nếu bỏ cuộc, những người không thành công đảm bảo rằng họ sẽ không thay đổi cuộc đời mình; bằng cách chẳng làm gì, họ mặc nhiên tạo ra một suy nghĩ sai rằng họ không có sức mạnh để thay đổi cuộc đời mình.

3. Khi người thành công thất bại lần nữa, họ sẽ xem lại mục tiêu, xem lại những lí do gây ra thất bại và cố gắng lần nữa.

• Đôi khi chúng ta đặt ra những mục tiêu, sử dụng các kế hoạch/hành động đúng nhưng lại không đủ nỗ lực.

Hãy nhớ rằng…những người thành công cố gắng hơn nữa nếu họ thất bại lần đầu tiên.

• Đôi khi chúng ta đặt ra mục tiêu đúng, sử dụng kế hoạch/hành động đúng, nhưng lại bị dừng lại bởi những điều không định trước.

Những người thành công cũng có ngày không tốt. những người thành công hiểu rằng bất kì ai cũng thất bại vì những lúc không ngờ tới hoặc không may mắn. Khi người thành công thất bại vì không gặp may hay những điều không ngờ trước, họ cố gắng lần nữa.

• Đôi khi chúng ta đặt ra các mục tiêu đúng nhưng lại có các kế hoach/hành động sai.

Cố gắng hơn chẳng giúp gì nếu chúng ta đang sai khi giải quyết các vấn đề của mình hay đạt được mục tiêu.

• Đôi khi chúng ta đặt ra mục tiêu nhưng lại không thực tế.

Cố gắng hơn không giúp ích gì nếu chúng ta đặt ra những mục tiêu thiếu thực tế hay không thể thực hiện được. Một mục tiêu là một cam kết nỗ lực mà bạn đặt ra cho mình. Người thành công lên kế hoạch để thành công bằng cách đặt ra những mục tiêu thực tế cho chính họ.

o Viết ra những mục tiêu của mình giúp bạn hiểu được bạn muốn hoàn thành cái gì
o Viết ra các bước để hoàn thành để đạt được mục tiêu của bạn
o Sử dụng từ “Tôi sẽ…” khi bạn viết ra các mục tiêu của mình và các bước để thực hiện chúng
o Luôn đặt ra cho mình những hạn định thời gian để thực hiện các bước đó.
o Thảo luận về các mục tiêu của bạn với một người bạn đáng tin cậy và hỏi ý kiến của họ.
o Xem lại các mục tiêu của bạn mỗi ngày và thay đổi chúng khi mà bạn càng rõ hơn các mục tiêu của mình.

Hoàng Khánh Hòa sưu tầm và dịch

Cưa đổ nhà tuyển dụng

Chào các bạn,

Là những sinh viên sẽ, sắp, hoặc đã ra trường, các bạn chắc hẳn luôn băn khoăn về con đường sự nghiệp tương lai của mình. Đặc biệt hơn, điểm khởi đầu cho con đường ấy – công việc đầu tiên của bạn sau khi tốt nghiệp – luôn là một dấu mốc rất quan trọng. Ở bài trước, anh Hoành đã chia sẻ các bí kíp để bạn có nhiều kinh nghiệm làm việc trong thời gian là sinh viên. Sau đây, mình sẽ bật mí với các bạn một số thủ thuật để có công việc đầu tiên ưng ý bằng chính cách các bạn dùng để cưa đổ bạn trai, bạn gái mình. Nào, cùng tìm hiểu nhé!

1. Tìm kiếm đối tượng

Bạn đang single ư? Bạn muốn có người để dung dăng dung dẻ đi ăn kem, hay tíu tít buôn chuyện hàng ngày? Vậy trước tiên, bạn phải có một mục tiêu – tìm kiếm đối tượng là bước đầu tiên trong quy trình này. Cũng như việc bạn vô tình hay cố ý tham gia một lớp học, một câu lạc bộ, một nhóm bạn, và gặp được người thương mến, một công việc mơ ước sẽ không tự nhiên rơi trúng bạn – bạn phải chủ động tìm kiếm.

Có nhiều cách để bạn tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân mình. Trước tiên, các website tuyển dụng là một nguồn thông tin phong phú bạn có thể tận dụng. Các website này phân chia công việc theo ngành nghề, theo kinh nghiệm làm việc, vậy nên bạn có thể dễ dàng tìm các công việc phù hợp bằng công cụ tìm kiếm, ví dụ như chọn mục Mới tốt nghiệp, hay chọn các công việc ở mức bắt đầu (entry level). Nếu bạn chưa có nhu cầu tìm việc ngay, như khi bạn vẫn còn là sinh viên và chỉ đang chủ động nghe ngóng xem đâu là vị trí thích hợp cho mình, các thông tin mô tả công việc, yêu cầu đối với ứng viên, quyền lợi đối với từng vị trí, hay các giấy tờ trong hồ sơ cũng rất hữu dụng. Dựa vào đó, bạn có thể hình dung ra các loại công việc trong ngành mình muốn làm sau này, và sự chuẩn bị cần thiết cho các vị trí đó.

Bạn cũng có thể bắt đầu bằng một công ty, nhãn hàng, hay ngành mà bạn đặc biệt yêu thích. Ví dụ như cô Nga bạn mình, thích uống sữa vô cùng, nên cô mong muốn làm việc ở một công ty sản xuất sữa để tha hồ uống thỏa thích. Cô sẽ đi tìm các công ty hoạt động trong ngành này, cân đối với ngành học và sở trường của cô để tìm ra vị trí thích hợp cho mình trong các công ty đó. Hay anh Dũng đã từng học Tiếng anh ở trung tâm A, và rất ấn tượng với cung cách làm việc cũng như chất lượng của họ, vậy anh sẽ quan tâm tìm hiểu các vị trí làm việc A có, và xem liệu có vị trí nào phù hợp với mình không. Các công ty trong nước và nước ngoài thường có mục Nghề nghiệp/ Careers trong website chính thức của mình, thông tin về môi trường làm việc, lợi ích của nhân viên hay các giá trị cốt lõi công ty đề cao có thể tìm được dễ dàng ở đó. Dựa vào những thông tin này, các bạn có thể hiểu hơn về công ty và xác định mình có phù hợp không.

2. Tiếp cận đối tượng

Biết rằng mình mến cô này hay anh này lắm rồi, giờ làm sao để áp sát và gây ấn tượng với nàng/ chàng đây? Haiz, câu hỏi khó ghê. Đối với ứng viên cũng vậy, tiếp cận và gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng là một vấn đề nan giải, đặc biệt đối với những sinh viên mới ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm. Nếu đó là một vị trí công ty đang cần tuyển, được đăng tải rộng rãi trên báo chí, website, thử thách này dễ dàng hơn đôi chút, với việc chăm chút cho CV, thư xin việc, các bằng cấp, chứng chỉ liên quan thật nuột nà và phù hợp với vị trí đó. Nhưng nếu oái oăm là bạn không biết chắc liệu công ty có cần tuyển vị trí mà bạn tin rằng bạn được sinh ra là để dành cho nó hay không, bạn cũng đừng lo vì ngay sau đây sẽ là một số bí kíp bạn có thể dễ dàng áp dụng.

Trung sách: Các công ty thường cung cấp email cho ứng viên để liên lạc, bạn có thể chủ động gửi CV, thư xin việc nêu rõ các lí do bạn phù hợp cho vị trí X trong công ty, và mong muốn công ty sẽ liên lạc và xem xét hồ sơ của bạn khi có nhu cầu cho vị trí đó. Nếu mạnh dạn hơn, bạn có thể thử hỏi xin làm thực tập sinh trong công ty, để có cơ hội hiểu hơn về môi trường làm việc, cấu trúc và đặc thù các vị trí. Nếu được chấp nhận, xin chúc mừng, bạn đã rất gần với việc trở thành nhân viên chính thức của công ty rồi – rất có thể công ty sắp có sự thay đổi nhân sự, hay có một vị trí tương đối phù hợp với nguyện vọng của bạn – và bạn có cơ hội cực cao để ngồi vào chiếc ghế đó.

Thượng sách: Áp sát anh ấy/cô ấy trực tiếp với một nụ cười thật tươi và những câu chuyện hài hước, dí dỏm chắc hẳn sẽ để lại nhiều ấn tượng hơn một email làm quen, phải không nào? Trường hợp tương tự xảy ra khi bạn đi xin việc. Tìm hiểu về công ty thật kĩ càng. Cố gắng tìm tên của một nhân viên phòng nhân sự, hoặc trưởng phòng nhân sự. Chuẩn bị một đoạn giới thiệu về bản thân mình ngắn gọn trong 2 phút, nêu rõ các thế mạnh, kinh nghiệm cũng như mong muốn cống hiến cho công ty. Gọi điện đến công ty xin gặp người đó, giới thiệu về bản thân mình và xin được gặp mặt để trình bày kĩ hơn. Chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ, cẩn thận và càng chuyên nghiệp càng tốt, với những minh chứng đầy đủ về việc bạn đủ khả năng và phù hợp với vị trí X trong công ty. Dự đoán những câu hỏi, chuẩn bị trước câu trả lời và nhớ lại những kinh nghiệm có thể minh họa cho câu trả lời của mình. Ăn mặc đứng đắn, lịch sự. Cười tươi và nghĩ rằng mình đang chiến thắng – ít nhất là chiến thắng cái tôi nhút nhát đeo nơ thỏ đế. Ngẩng cao đầu và cưa đổ nhà tuyển dụng phát rụp! Có đơn giản không nào?

Để chuẩn bị cho 2 bước trên, tốt nhất bạn nên bắt đầu trước khi đi thực tập/ ra trường khoảng 6 tháng. Tìm kiếm các công ty, vị trí mà mình yêu thích trong 2 tháng đầu, sau đó làm hồ sơ xin việc cho từng công ty sao cho có sự phù hợp giữa những kinh nghiệm, kĩ năng của bạn và yêu cầu của công việc. Tiếp cận với nhà tuyển dụng khoảng 2 tháng trước khi đi thực tập/ ra trường để có thể được nhận một vị trí thực tập/ nhân viên khi đã hoàn thành việc học tập.

Những chia sẻ của mình hi vọng có thể giúp các bạn có được công việc chính thức đầu tiên suôn sẻ và tự tin hơn. Kiên nhẫn và có chiến lược rõ ràng là hai yếu tố quyết định trong việc cưa đổ cô gái, chàng trai bạn yêu mến, và chỉ khéo léo áp dụng những điều đó thôi, công việc mơ ước cũng sẽ vù đến tay bạn đó. Chia sẻ với mình nếu nhận được tin vui đó nhé!

Thanh Hằng

Thiếu Kinh Nghiệm Làm Việc?

Chào các bạn,

Khó khăn nhất của sinh viên mới ra trường là đi tìm việc, vì nơi nào cũng tuyển người có kinh nghiệm, mà mới ra trường thì thường không có kinh nghiệm. Vậy thì làm thế nào để bạn có được kinh nghiệm làm việc trước khi ra trường.

Dĩ nhiên cách mà mọi người thấy được ngay là tìm một công việc bán thời gian để làm trong khi còn đi học. Loại công việc này quan trọng hơn là số lương ít ỏi bạn có từ nó, vì nó cho bạn kinh nghiệm và tăng giá trị CV của bạn. Nhưng nếu bạn không tìm được việc làm tin học nào thì sao?

Có nhiều cách để chúng ta có việc làm, và cách dễ dàng nhất luôn luôn là làm việc không công. Rất nhiều đại học tại nhiều quốc gia có các chương trình cho sinh viên thực tập tại các công ty (“internhip”). Tuỳ theo mỗi công ty, các chương trình này có thể có lương hoặc không lương, nhưng điều chính là các chương trình này cho sinh viên kinh nghiệm và giá trị CV. Nếu trường của bạn không có chương trình này, thì bạn vẫn có thể xin với người quen nào đó, để vào thực tập không công cho công ty của họ.

Tại nhiều đại học, các giáo sư cần phụ tá trong việc nghiên cứu. Nếu bạn xung phong xin làm phụ tá không công cho giáo sư, thường thường là các thầy cô sẽ rất hoan nghênh. Chỉ cần xung phong làm việc vài ba tiến đồng hồ một tuần là bạn đã có thêm được một công việc hấp dẫn để ghi vào CV.

Ngoài kinh nghiệm và giá trị CV, các công việc bán thời gian, dù là có lương hay không lương, đều cho bạn thêm một lợi ích lớn lao khác là mở rông mạng lưới quan hệ, Có thể công ty bạn thực tập sẽ mời bạn ở lại làm việc sau khi ra trường. Hoặc là bạn có thể có liên hệ tốt với các khách hàng cuả công ty nơi bạn thực tập, và các liên hệ tốt đó sẽ giúp bạn tìm việc sau này.

Nói chung là bạn phải tìm cách lao đầu vào thị trường và công việc càng sớm càng tốt, trong khi còn đi học. Trừ khi bạn rất cần tiền, nên chú tâm vào công việc mà không nên quá quan tâm vào việc lương bổng. Lương hay không lương, kinh nghiệm và CV đều có giá trị như nhau. Bạn có thể là “mới ra trường” nhưng vẫn “nhiều kinh nghiệm.” Đó chính là khả năng tìm việc của bạn say này.

Chúc các bạn một ngày vui.

Hoành

Chú thích: Bài này đã đăng trên Báo Lao Động khoảng 3 năm trước.

Phỏng vấn tuyển việc

Chào các bạn,

Phỏng vấn tuyển việc, job interview trong tiếng Anh, là cuộc gặp giữa đại diện công ty và người đang tìm việc. (Nhiều người dịch là phỏng vấn tuyển nhân viên, nhưng cách dịch đó quá một chiều). Đến bước này là thư tìm việc của bạn đã qua khỏi vòng loại đầu tiên, nói theo kiểu Mỹ, là một danh sách dài gồm nhiều đơn tìm việc gởi vào công ty đã được shortlisted (thu ngắn lại) và bạn đang nằm trong shortlist (danh sách ngắn). Thông thường phỏng vấn là giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên cho những chức vị quan trọng, có thể có đến 2 hay 3 vòng phỏng vấn, mỗi vòng là một cuộc thu ngắn (shortlisting). Trong bài này chúng ta sẽ nói đến các phương cách chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn.

1. Đến lúc này thì có lẽ bạn đã khảo sát một tí về công ty trong giai đoạn gởi thư tìm việc. Việc đầu tiên cho việc phỏng vấn là nghiên cứu một thêm một tí về công ty. Chỉ cần Google một tí trên Internet là có khối thông tin. Nhớ một ít chi tiết, để khi phỏng vấn không lớ ngớ như Bác Ngố lên thành.

2. Khảo sát thêm về người sẽ phỏng vấn mình. Thông thường là cả hai người–giám đốc nhân viên và giám đốc của phòng mình sẽ làm việc (ví dụ, giám đốc IT). Nhưng đôi khi chỉ có một trong hai người này. Tuy vậy, cứ chuẩn bị cho cả 2 người cho chắc ăn. Việc “chuẩn bị” này nên lồng vào việc “tạo dây liên hệ” với công ty theo tiến trình sau đây:

• Gọi vào công ty, nói chuyện với người đã báo tin cho bạn về cuộc phỏng vấn (thường là giám đốc nhân viên, hay trợ lý của bà ta). Đại khái nói ý này: “Em tên là XYZ. Em mới nhân được thơ báo tin phỏng vấn của cô. Em rất vui. Em gọi vào để cám ơn. Và để xác nhận với cô là em sẽ có mặt đúng 2 giờ chiều ngày … như thơ cô báo.”

Cú điện thoại này của bạn thực ra là một cuộc phỏng vấn rồi đó; nhưng cuộc này bạn nắm phần chủ động 100%. (Các bạn nên ghi nhớ các “tư tưởng chiến lược” trong ví dụ này nhé. Vì đây là phương cách giao tiếp thương mãi chung, không phải chỉ cho phỏng vấn tìm việc).

Xin chú ý, trong thí dụ này mình dùng cách xưng hô cô và em, cách xưng hô thân mật và lễ độ của người Việt. Nếu bạn xưng hô “bà” và “tôi”, nhất định là không có việc. Nếu xưng hô bà và em, cơ hội tăng một tí, xưng hô cô và em lại tăng thêm một tí nữa.

Nhưng giả sử nói chuyện với cô thư ký của bà ta thì sao? Nếu cô ấy nhỏ hơn mình vài tuổi thôi, chớ có kêu cô ấy bằng em, nếu cô này hay tự ái vặt, tìm cách rĩ tai bà chủ, thì hỏng cả việc của mình. Cứ kêu là chị, cách xưng hô trong đại học và giới trí thức. Xưng là mình hay là gì đó. “Tôi” là từ lạnh lùng nhất trong ngôn ngữ Việt. Lễ độ và dễ thương với mấy cô thư ký. Các cô ấy phải là đồng minh của mình thì việc mới thành.

Hỏi cô: “Cô có thể cho em biết cô hay là ai sẽ phỏng vấn em để em chuẩn bị tinh thần.” Câu hỏi này nhằm nhiều mục đích. Thứ nhất, để mình biết cách chuẩn bị. Thứ hai, để cô biết là mình rất quan tâm đến cuộc phỏng vấn, như vậy là mình rất quan tâm đến công việc. Thứ ba, để nói một cách rất tế nhị là “Cô ơi, em hơi run. Cô giúp em.” Nói như vậy, nhưng thực ra không nói vậy, cho nên không tỏ ra vẻ yếu ớt. Ngược lại, nó tỏ ra vẻ mình rất quan tâm đến công việc. Lưu ý, trong câu hỏi này mình nói “cô hay là ai”; đừng bỏ cô ra ngoài câu nói.

Hỏi thêm: “Cô ơi. Trong cuộc phỏng vấn em nên xưng hô với cô và với ông giám đốc IT như thế nào ?” Câu này vừa để cho mình biết cách xưng hô hay nhất, vừa để cô thành đồng minh giúp mình.

Nếu nói chuyện với cô thư ký, thì cũng hỏi như vậy, và nhớ là phải rất dịu dàng lễ độ với các cô thư ký, vì các cô ấy thường nhiều tự ái hơn là bà chủ.

Đừng nên nói quá lâu và quá nhiều trong cuộc điện đàm này.

Phỏng vấn
Phỏng vấn

• Sau đó, gởi vào một lá thơ để “cám ơn cô đã báo tin phỏng vấn”, và cám ơn việc “cô đã nói chuyện với em trong điện thoại hôm nay,” và “như em đã nói, em sẽ có mặt hôm ấy.”

Gởi thêm một email với nội dung tương tự. Trong email nhớ nhắc là mình cũng có gởi một lá thơ thường. Muc đích của email là vận tốc. Mục đích của thơ thường là để nó có dịp nằm chình ình trên bàn cô. Mục đích của cả hai là “tạo liên hệ” với công ty.

Tức là đến lúc này mình đã có bốn liên hệ với công ty: Thơ xin việc, cú điện thoại, email, và thơ thường. Ba liên hệ sau cùng là giữa mình và người sẽ phỏng vấn mình.

Đừng text vào điện thoại di động (nếu bạn biết số). Texting là dành riêng cho việc riêng thôi.

• Google để tìm thêm thông tin về những người sẽ phỏng vấn mình.

3. Đến ngày phỏng vấn:

• Ăn uống cái gì đó cho tỉnh táo trước khi đi. Cách ăn mặc thì có lẽ các bạn đã rành hết rồi.

• Đến trước khoảng 10 hay 15 phút để làm quen với không khí, và may ra thì có dịp nói chuyện một tí với cô thư ký.

• Mang theo một tập tài liệu, gồm vài resume của bạn (phòng khi cô làm lạc trong đống hồ sơ của cô rồi, và vài tài liệu về công ty). Điều quan trọng là trên tay có cầm cái gì thì cũng làm cho mình thoải mái hơn là thấy hai cái tay quá thừa thải.

• Chuẩn bị tinh thần: Đừng nghĩ rằng đây là một cuộc khảo thí. Cứ xem đây là môt cuộc nói chuyện với vài người bạn mới. Nếu không được việc làm, ít ra mình cũng biết thêm được hai người quan trọng. Biết đâu mai mốt lại gặp nhau trong một trường hợp khác. Dù không được việc, ít ra cũng có hai người có cảm tình với mình rất nhiều.

Cũng cần nhớ rằng, đây vừa là cơ hội để công ty biết thêm về mình, vừa là cơ hội để mình biết thêm về công ty. Chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi về công ty. Đây là đường hai chiều, công ty chọn mình và mình chọn công ty, chứ không nhất thiết là đường một chiều của người “xin” việc. Và người phỏng vấn mình cũng cố làm cho mình thích họ, chứ không phải chỉ có mình cố gắng một chiều.

Một đối diện ba
Một đối diện ba

4. Lúc vào phỏng vấn:

• Nếu cô đưa tay ra bắt, thì bắt tay một cách chắc chắn, tự tin.

• Đợi mời ngồi rồi hãy ngồi. Tốt hơn là không nên ngồi trước.

• Nếu cô mời trà hay cà phê, thì cứ xin một ly. Đây là nghĩa là “Vâng, em cám ơn ly trà của cô.” Từ chối lời mời thường là việc không tốt. Nhưng nếu cô quên mời, thì đừng nên tự hỏi.

• Chủ động nói trước bằng một vài nhận xét tốt, như “Cửa sổ này của cô nhìn ra ngoài đẹp quá, em rất thích”, hay “Em thích bức tranh này quá”, hay “Cô thích nhạc cổ điển sao?” (nếu cô đang mở nhạc cổ điển), hay “Đấy là ảnh của con gái cô sao?”

• Lực chọn cách ngồi thoải mái nhất cho mình. Ngồi thẳng lưng, tréo chân, hay tay để trên đùi (gần đầu gối) là cách ngồi trung tính và thoải mái nhất. Ngồi hay chân sát vào nhau cũng được. Tuy nhiên thế ngồi này, nếu không thẳng lưng thì nhìn rất khúm núm. Hơn nữa, nếu ghế hơi cao thì rất phiền. Khi ngồi, hoặc thẳng lưng hoặc hơi hướng đến phía trước. Đừng dựa hẳn vào lưng ghế.

• Lúc cô nói, thì thỉnh thoảng gật đầu. Đến lúc quan trọng thì chồm người đến phía trước một tí, nhìn thẳng mặt cô, để lắng nghe.

• Lúc trả lời câu hỏi thì tuyệt đối không nói câu nào tiêu cực như là không thích việc đang làm, không thích công ty đang làm, v.v… Đổi thành, “Công ty này của cô lớn hơn và có nhiều cơ hội cho em tiến hơn” hay “Em đang làm hãng xe hơi, nhưng em từ lâu lại rất thích IT. Em nghĩ là tương lai thế giới nằm trong IT, nên em muốn vào công ty IT của cô.” (Chúng ta sẽ bàn thêm về các câu nói trong phỏng vấn trong một dịp khác).

• Nếu có dịp thì hỏi thêm về công ty, và dùng các dịp này để cho cô biết mình rành về công ty. Ví dụ: “Em đọc báo thấy công ty quý vừa rồi lời 2 triệu đô la, như vậy đợt tuyển này có phải là công ty bành trướng thêm không ạ?” hay “Thưa cô, nếu em được vào làm ở đây, và nếu em làm khá, thì trong 5 năm em có thể có những đường tiến nào trong công ty ?” Đây là câu để cô biết là ta chính chuyện đường dài với công ty.

• Tuyệt đối không nên hỏi chuyện tiền. Nếu cô hỏi: “Em muốn lương bao nhiêu?” Câu trả lời hay nhất là: “Em nghĩ là nếu cô tuyển em vào đương nhiên là cô biết em xứng đáng được bao nhiêu, em sẽ tin vào ý cô.” Vài quyển sách ở Mỹ nói chuyện trả giá ở đây, nhưng theo ý mình, đó là rất tồi và không hiệu quả.

• Nhưng nên hỏi về các quyền lợi khác như bảo hiểm.

• Không nên hỏi về vacation.

• Nếu cô hỏi đúng điều gì mình không biết thì cứ trả lời không biết một cách thành thật và tự tin. Ví dụ: “Thưa cô em chưa có dịp phải sử dụng C language, nhưng nếu cần học em có thể học rất nhanh. Em không lo về việc ấy. Em có rất nhiều kinh nghiệm về các ngôn ngữ lập trình khác rồi.” Chú ý: Câu này chấm dứt bằng một đoạn rất tích cực. Đừng có trả lời “Dạ em không biết” rồi ngưng tại đó luôn, nói thêm một cái gì rất tích cực.

5. Phỏng vấn về viết ngay một email và một thơ thường, cám ơn. Sau đó, cứ vài ba bữa là gọi vào cô hỏi tin tức. Cho đến khi biết kết quả. Nếu không được việc, cũng nên gởi một cái thơ cám ơn, và nhắn “Hôm nào cô cần thêm người thì nhớ đến em.” Biết đâu 3 hôm nữa cô lại cần thêm ngưởi. Tất cả các lá thơ và các cú điện thoài này đền nhằm xây thêm liên hệ giữa mình và công ty (cô).

Trên đây là tóm tắt vài ý chính giúp các bạn khi vào phỏng vấn. Các vấn đề này nếu viết kỹ và dài dòng thì thành một quyển sách. Chúng ta sẽ cứ nói từ từ ở đây, trên blog này. Bốn điều quan trọng cần ghi nhớ trong bài này là: Thứ nhất, tích cực trong tư duy và cách nói chuyện. Thứ hai, chuẩn bị. Thứ ba, luôn luôn chủ động. Thứ tư, xây dựng quan hệ—nếu không được công việc, cũng được quan hệ. Thực ra, nếu bạn suy nghĩ kỹ thì công việc là chuyện tức thì, quan hệ là chuyện lâu dài. Nếu được cả hai thì càng tốt, nhưng nếu không được cái tức thì, ít ra mình cũng xây dựng được cái lâu dài.

Chúc các bạn nhiều may mắn.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use