Chỉ ngón tay vào hoàn cảnh

Chào các bạn,

Mọi chúng ta đều có những khó khăn như nhau, chẳng người nào cuộc đời chỉ là một chuyến chơi thuyền đêm trăng. Mỗi người đều đã có lúc nghĩ rằng mình là người đau khổ nhất thế giới, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Đau khổ nhất thế giới có thể chỉ để dành riêng cho người đặc biệt nhất thế giới. Mọi chúng ta đều chẳng có gì đặc biệt cả. Người ở hành tinh khác đến sẽ nói: “Chúng mày nhìn đứa nào cũng y hệt nhau. Chán bỏ mẹ!”

Nói thế để các bạn thấy là hoàn cảnh của bạn, dù là khó khăn đến mức nào, chũng chẳng thể khác khó khăn trong những hoàn cảnh của mọi người khác. Mọi chúng ta sinh ra đều sàn sàn như nhau về mọi thứ – thông minh, sắc đẹp, sức mạnh, hoàn cảnh. Kể cả con tổng thống và con người ăn mày, mới thấy thì có vẻ như là hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Nhưng kinh nghiệm con người qua nhiều ngàn năm cho thấy những đứa con nhà nghèo thường thành những nhân vật lớn trong lịch sử và chẳng mấy đứa con nhà giàu và quyền lực mà để lại được gì cho đời. Nhà nghèo thường giúp cho đứa bé biết chịu thương, chịu khó, cố gắng vượt khó từ lúc mới 2, 3 tuổi, cho đến cả đời, nên chúng thường là chuyên gia vượt khó để chiến thắng.

Cho nên, các bạn, đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ chỉ ngón tay vào hoàn cảnh. Một hoàn cảnh mình nghe thường nhất là “Bố mẹ mình” như là: bố mẹ mình là nông dân ít học, nên chẳng biết gì để dạy mình lúc nhỏ; bố mình say xỉn cả ngày chỉ có mẹ tất bật lo cho mấy chị em mình; bố mẹ mình đấu đá nhau cả đời và tụi mình đứa nào cũng bị stress cả đời chẳng học hành gì được… Tâm lý học phổ thông ngày nay từ Âu Mỹ lại rất thích lôi bố mẹ ra để chạy tội cho mấy đứa vị thành niên trộm cắp: Nó như thế vì hồi nhỏ bố mẹ nó thế này, thế này. Và rất nhanh cả thế giới học nhau đổ lỗi cho bố mẹ. Tiện quá, mình làm gì tồi tệ cứ đổ lỗi hết cho bố mẹ, mình là thiên thần vô tội. Mình có đứa cháu, có vợ, và làm em vợ mang bầu, và nó nói thẳng với mình đó là vì ba nó có máu chơi bời. Allelujah!

Chỉ tay vào bố mẹ là trào lưu giáo dục trốn trách nhiệm và trốn tội lớn nhất thế giới ngày nay, và cũng là lớn nhất lịch sử loài người.

Mình không nói hoàn cảnh hoàn toàn chẳng ảnh hưởng gì đến bạn – nghèo thì thiếu thốn, không được giáo dục thì tù mù – nhưng hoàn cảnh cũng luôn có những yếu tố tích cực trong đó – mình nghèo thì cần cố gắng để mai sau thoát nghèo, bố mẹ chẳng dạy chúng mình được thì mình phải học cho giỏi để dạy các em… Không thể có chuyện hoàn cảnh chỉ là một chiều – làm cho bạn bị tận diệt mà chẳng giúp bạn được gì.

Nói chính xác ra thì hoàn cảnh chẳng có ý kiến gì đến đời bạn. Hoàn cảnh chỉ là ngày mưa ngày nắng. Cũng như mưa nắng, hoàn cảnh cóc quan tâm gì đến bạn và chẳng cố gắng làm tốt làm xấu gì cho bạn. Hoàn cảnh không có cái đầu để suy nghĩ gì cả, hoàn cảnh vô tình – không có cảm xúc, như gỗ đá. Bạn sẽ phải thông minh đủ để sử dụng mưa nắng vào việc trồng trọt – trồng thứ gì thì tốt trong mùa mưa hay mùa nắng. Hoàn cảnh nào thì làm gì để tốt cho mình. Hoàn cảnh vô tình, hoàn cảnh là môi trường sống – bạn sống trong môi trường ẩm thấp, hoặc nắng ráo, lạnh đông đá, hoặc sa mạc đổ lửa, bạn đều có cách sống tốt trong mọi môi trường, nếu bạn sử dụng môi trường vào cách sống của bạn.

Mình đã nghe thấy rất nhiều bạn trẻ mở miệng ra là đổ lỗi cho bố mẹ. Và đám đổ lỗi thường nhất thường là đã tốt nghiệp đại học. Hình như trẻ em nhỏ hơn và ít học hơn, chẳng biết chỉ ngón tay vào bố mẹ và thường gần gũi, giúp đỡ bố mẹ hơn. Chỉ có đám đại học là học được tâm lý học phổ thông Âu Mỹ: Chỉ ngón tay vào bố mẹ cho những thất bại của mình. Đã hơn một lần mình nói thẳng: “Đừng bao giờ đổ lỗi cho bố mẹ. You chịu trách nhiệm cho đời you. Kể cả khi bố mẹ you làm gì sai 20 năm trước. Giờ you phải chịu trách nhiệm làm cho đời you khá hơn. Không thể phàn nàn gì về bố mẹ, vì nếu you cứ chỉ ngón tay vào bố mẹ you, you sẽ chẳng làm được gì cả, ngoại trừ phàn nàn về bố mẹ you, và thất bại trong đời sống, cho tới khi you chết.”

Bố mẹ chỉ là một nơi để thiên hạ chỉ ngón tay vào cho những thất bại của mình. Nhưng có cả trăm thứ khác trong cái gọi là “hoàn cảnh” để chỉ ngón tay vào. Và những người phàn nàn về hoàn cảnh của họ, mình nghe qua là nghĩ thầm ngay: “Cậu này sẽ chẳng đi tới đâu cho tới khi cậu ngưng phàn nàn về hoàn cảnh và biết sử dụng hoàn cảnh như vũ khí chiến đấu của mình.” Và mình ít khi nói gì nhiều với những người đổ thừa cho hoàn cảnh. Đơn giản là họ sẽ chẳng hiểu điều gì mình nói và họ sẽ nói thầm hoặc nói ngay vào mặt mình: “Anh không hiểu gì hoàn cảnh của tui.” Wow, nếu các cậu ngồi nghe mình kể những khó khăn mình đã phải vượt qua, các cậu sẽ thấy những khó khăn của các cậu chỉ là đi du lịch sinh thái.

Các bạn, hoàn cảnh cũng chỉ như là mọi thứ khí cụ  – cái cuốc, cái xẻng, con dao – nó ở đó cho mình dùng, nếu mình biết cách dùng có lợi cho mình.

Đổ thừa cho hoàn cảnh, tức là đổ thừa cho mưa nắng. Come on!

Chúc các bạn biết dùng hoàn cảnh như khí cụ làm việc.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

2 thoughts on “Chỉ ngón tay vào hoàn cảnh”

  1. Thưa anh,
    Từ lâu rồi em rất muốn nghe những khó khăn của anh phải trải qua từ trước tới giờ. Để em coi đó là tấm gương để mình học tập phấn đấu.
    Mong có dịp được anh chia sẻ ạ.

    Like

  2. Hi Long,

    Lâu lâu anh viết về anh một chút trong một bài trà đàm nào đó, khi thấy có nhu cầu làm ví dụ. Nhưng viêt về mình nhiều là điều không tốt, cho nên anh thường chẳng muốn nói nhiều về anh.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment