Pháp môn cao nhất

Chào các bạn,

Người ta thường nói đến rất nhiều pháp môn khác nhau để tu tập – Thiền, cầu nguyện, suy niệm, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, Bát Nhã, Pháp Hoa, Kim Cang… – và đường nào rồi cũng đến đích hoặc không đến đích. Đến hay không chẳng tùy thuộc vào pháp môn mà thuộc vào hành giả tập trung, kiên trì và căn cơ đến mức nào. Mình muốn giúp các bạn không bị lạc vào rừng của 84 ngàn pháp môn đó.

Mình thấy rằng mọi pháp môn đều có hai điểm chính: Thứ nhất, đỉnh điểm của mọi pháp môn đều là để yêu người. Bồ tát độ mình và độ mọi chúng sinh – đó chính là tình yêu vô lượng của Bồ tát dành cho mọi chúng sinh. Chúa dạy yêu Thượng đế và yêu mọi người – yêu Thượng đế là để yêu loài người. Không thể yêu được loài người đầy tham sân si mà chẳng có yêu Thượng đế trước đó – yêu Thượng đế giúp ta yêu người.

Và thứ hai, yêu người vừa là đỉnh điểm vừa là thước đo – bạn đã giác ngộ được đến đâu có thể đo được dễ dàng bằng cách xem bạn yêu mọi người được đến đâu. Giác ngộ là từ trừu tượng, chẳng ai biết giác ngộ là gì, nhưng yêu người nhiều đến đâu thì mỗi người đều biết chính lòng mình.

Hai điều đặc biệt đó về yêu người giúp chúng ta có thể kết luận rằng mọi pháp môn cũng chỉ quy về một điểm là yêu người. Vậy thì cách dễ nhất cho chúng ta đi chắc chắn mà không bị lạc bao giờ là yêu người – vừa là một pháp môn chính yếu, vừa là đỉnh điểm.

Đương nhiên đây là một điều cực kỳ khó chấp nhân đối với đa số mọi người , nếu không là tất cả mọi người. Thiên hạ có thể thích nói về đủ mọi thứ trên đời – phương pháp thiền, luận giải kinh sách, bố thí cho người nghèo, ăn chay trường… – nhưng nói đến yêu người, đặc biệt là yêu mọi người, thì hầu như ai cũng đều gạt bỏ như là một mệnh đề vô lý, vô bổ, và chẳng cần thiết.

Đó chính là vấn đề hầu như là duy nhất trong tu tập, và vấn đề đó đẻ ra mọi thất bại trong tu tập cũng như mọi thất bại của giáo pháp, cho cả thế giới, trong suốt chiều dài lịch sử loài người: Thiên hạ nói đủ mọi thứ, nhưng luôn loại bỏ “yêu mọi người” ra ngoài tư duy của họ. (Ai cũng chỉ chấp nhật yêu một số người mà thôi, số lớn còn lại thì dửng dưng, và lại có nhiều người mình ghét trong đó).

Các bạn, hãy quan sát điều này. Hãy quan sát mọi thầy bạn biết, mọi guru bạn biết, mọi thánh bạn biết, điều gì có thể giúp bạn nhận được trái tim của một vị đã giác ngộ được đến đâu? Cứ quan sát thường xuyên rồi bạn sẽ thấy: Điều giúp bạn thẩm định một thánh chẳng phải là họ nói hay đến đâu, giảng hay đến đâu, viết bao nhiêu sách cao siêu, có bao nhiêu chức vụ cao quý. Điều duy nhất để định giá một vị thánh là người ấy yêu loài người, yêu mọi chúng sinh đến đâu, như mẹ Teresa, Đạt Lai Lạt Ma… Chính tư duy và thái độ đầy từ bi đối với mọi người và mọi chúng sinh giúp chúng ta định giá trái tim của mỗi người – thánh hay phàm phu.

Mình không biết có cách thứ hai để chúng ta có thể định giá một vị thánh – hoặc là yêu mọi người, yêu mọi chúng sinh, hoặc là không yêu đủ. Đó là thước đo ai là thánh ai là phàm phu. Mọi thứ khác đều không dùng để đo lường được, như là nói hay đến đâu, viết hay đến đâu, giảng hùng hồn đến đâu…

Vậy mình tóm lại một điều để các bạn dễ nhớ và bớt lạc đường – yêu người, yêu tất cả mọi người (yêu tất cả chúng sinh) là thước đo trái tim bạn và cũng là đỉnh điểm của tu tập. Tất cả bao nhiêu ngàn pháp môn khác đều phải dẫn đến yêu người. Cho nên hãy tập trung vào một pháp môn chính yếu nhất, vừa dễ để đo lường, vừa vụ thể, vừa cao nhất, vừa khó bị lạc.

Bồ tát mà ghét chỉ một người thì không là Bồ tát.

Chúc các bạn luôn thông tuệ.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Pháp môn cao nhất”

  1. Anh ơi,
    Anh có thể giúp em phân biệt “yêu người” và “từ bi” không ạ?
    Theo em hiểu thì “từ bi” có nghĩa rộng lớn hơn. Không chỉ bao gồm yêu người mà yêu đến cả cây cỏ mọi vật trên thế gian này, và các sinh linh ở thế giới khác.
    Xin anh phân tích để em hiểu ạ.
    Em cảm ơn anh.

    Like

  2. Hi Long,

    Thường thì người ta hiểu “từ bi” là “yêu”. Từ bi với người là yêu người. Từ bi với mọi chúng sinh là yêu tất cả mọi sinh vật (kể cả người).

    A. Hoành

    Like

  3. Kính gửi anh Hoành,

    Cảm ơn Anh về bài Trà Đàm ngày hôm nay. Có một một thắc mắc sau đây, mong được anh giải đáp.

    Với em, em không muốn bản thân mình thành Thánh, cũng không muốn mình làm Bồ Tát; vì theo kinh nghiệm sống của em thì mình càng hiền thì càng dễ bị người khác ức hiếp, chà đạp. Vì vậy, em không mong gì hơn ngoài việc sống làm sao cho mình được vui vẻ nhất, bản thể của mình có thể nở hoa hoàn toàn nhất, đẹp đẻ nhất với tư cách là một con người.

    Với vốn sống của em, đã hơn 40 tuổi, em vẫn không hiểu tại sao phải “yêu người, yêu tất cả mọi người ” ạ. Ví như trường hợp cái đứa đã lừa lấy hết tiền dành dụm để học hành cho con cái của em; rồi cái gã hàng xóm suốt ngày để chó qua trước nhà em đái ỉa, khi em phản hồi lại thì bị tấn công, dúi chó lao vào cắn nhiều vết sâu hóm; thì mình làm sao có thể yêu họ được ạ?! Và yêu để làm gì với mấy người đó cơ chứ ?! Trong suy nghĩ của em, mấy đứa đó chỉ sống cho chật mặt đất, chứ chẳng làm nên trò trống gì?! Tại sao ta phải yêu mấy đứa như thế ?!

    Câu hỏi có phần hơi khó chịu, nhưng em vẫn mong được Anh khai sáng.

    Em cảm ơn Anh,
    L.D

    Like

  4. Hi Dư,

    Good question. Những điều em nói hoàn toàn có lý.

    Tuy nhiên, yêu người làm mình vui, ghét ngườ i tạo điều khó chịu, thì cả thế giới ai cũng làm như thế. Có gì để học? Chẳng cần phải học gì cả.

    Học là để có được cái gì mình không học thì không thể có, như là học võ để có võ. Yêu tất cả mọi người luôn cho chúng ta một cái nhìn rất sâu sắc về loài người, hiểu mọi sự trên đời sâu hơn và rộng hơn, có thể làm nhiều điều sâu sắc hơn cho con người và cho thế giới. Tức là giúp đươc đời nhiều hơn và hiệu quả hơn.

    Nhưng nếu những điều này đều không quan trọng đối với mình, thì mình cứ xóa nó khỏi lịch làm việc của mình. Chẳng sao cả. Có lẽ ở mức tận cùng thì phàm thánh như nhau (nói theo Phật triết).

    Tuy nhiên, anh quan sát thấy rằng đa số người trên thế giới đều muốn hoàn thiện mình. Chẳng muốn mình cứ mãi như thế. Chính vì vậy mà ai cũng muốn học những cách hiệu quả, dù khó khăn, để “hoàn thiện” mình hơn – dù “hoàn thiện” được định nghĩa thế náo.

    Đó là “Ngư ông và biển cả” của Hemingway (chiến đấu với cá mập chỉ để chiến đấu và chiến thắng. Chẳng để được gì cả).

    Chúc em vui.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment