Vô niệm

Chào các bạn,

Có một điều làm cho mình suy nghĩ từ hồi còn nhỏ xíu: Tại sao các nhà sư Thiếu Lâm tập võ lâm gì? Mà võ học của các vị rất thâm hậu. Đệ nhất giang hồ. Rất ít có đối thủ. Lớn lên mình từ từ hiểu ra là con đường từ bì cũng đòi hỏi hỏi mình phải có sức mạnh nếu muốn sống trong chốn chợ đời để chăm sóc chúng sinh.

Thế cho nên các võ đường chân chính thường lấy hiền dịu hòa bình làm chủ đạo. Luôn dạy võ sinh học võ để tự vệ và để làm việc thiện giúp đời. Võ học thực sự là đường Thiền – tĩnh lặng và yêu người. Chính vì vậy mà trong võ học Nhật Bản, cả quyền đạo, nhu đạo, lẫn kiếm đạo đều luôn luôn lấy Thiền làm trọng – No mind – dịch đúng là Vô niệm. Đây cũng mà một thực hành của vô chấp, thấy tất cả nhưng không bám vào đâu. Chiến binh tĩnh lặng đối diện đối thủ, thấy toàn bộ đối thủ, thấy rất rõ từng chi tiết cử động của cơ thể nhưng không bám vào điểm nào mình thấy.

Vô niệm là thấy mọi thứ, có đủ thứ niệm chạy vào đầu mình, nhưng không bám vào niệm nào. Không phải là “chẳng có niệm nào trong đầu” như các thầy giản dị dịch từng chữ – vô là không, vô niệm là không có niệm nào. Điều này là ú ớ lạc đường cực kì lớn, vì bạn chỉ có thể không có niệm nào trong đầu khi bạn đã nằm đó chết cứng đơ. (Cũng như vô ngã, không tôi, không có nghĩa là không có tôi. Bà xã nói: “Ông nói gì? Không có ông hả? Đứng yên đó tui dộng cho ông mấy đấm để ông còn nói không có tui không.”)

Kiếm sĩ vô niệm, thấy một cử động tay có vẻ như là đối thủ sẽ tấn công từ hướng trái của mình, nhưng không bám vào đó và suy tính gì cả, chỉ tiếp tục quan sát toàn cảnh nhưng rất chi tiết. Khi đối thủ bắt đầu chuyển động mình sẽ chuyển động theo. Nghĩa là đối thủ thường chẳng đánh lừa mình bằng các tín hiệu giả được.

Thấy tất cả nhưng không bám vào đâu, đó chính là awareness (nhận thức) mà chúng ta thường nghe nói đến trong Thiền – Thiền sư thấy tất cả, nhưng không bám vào đâu.

Vô niệm như thế cũng chính là vô chấp – thấy tất cả nhưng không bám vào đâu. Điều này là trung tâm thực hành của Phật triết. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm – không trụ vào đâu thì sinh tâm bồ đề, tức là tâm giác ngộ (bồ đề, Bodhi là giác ngộ, tỉnh thức).

Chúng ta đi qua mỗi ngày thấy rất nhiều thứ và bám theo hầu như tất cả mọi điều ta thấy – thấy một cô xinh quá đi qua, ước gì cô ấy là bạn gái của mình; thấy chiếc mercedes thể thao màu đỏ chiến quá, ước gì mình có chiếc đó; thấy ca sĩ nổi tiếng, minh quyết tâm thành ca sĩ nổi tiếng; thấy anh kia nói năng kiêu căng, mình muốn bước đến dạy cho anh ta một bài học; bà khách hàng đòi hỏi lung tùng, muốn lấy băng dán dán miệng bà ấy lại…

Chúng ta đi qua mỗi ngày, bám theo cả trăm điều như thế. Thế thì bạn hiểu vô chấp khó thế nào. Vô chấp là chẳng bám vào đâu, chẳng trụ vào đâu. Zero. Từ chấp cả trăm thứ một ngày, giảm xuống đến zero mới gọi là vô chấp. Chẳng dễ.

Nhưng đó là con đường giác ngộ. Kể cả khi bạn đang chiến đấu trên chiến trường.

Thấy đủ mọi thứ và làm đủ mọi thứ trong ngày nhưng với trái tim vô niệm, vô chấp, no mind, tĩnh lặng, tinh tuyền, và từ bi.

Sư Thiếu lâm thường phải đấu một chút với các cậu ăn cướp, để có thể thuyết phục các cậu ngưng ăn cướp. Đó là chiến đấu với cướp nhưng không khinh chê người cướp đó, mà chỉ tìm cách giúp người đó thay đổi tư duy. Đó là vô niệm, không bám vào niệm nào trong đầu mình. Và đó cũng là vô chấp, không chấp vào niệm nào Vô chấp ở đây không có nghĩa là vô can – không can thiệp. Ăn cướp không phải là chuyện của tôi. Cướp ngay trước mắt tôi, tôi cứ lờ đi như chẳng thấy gì, và rẽ sang lối khác. Đó không phải là vô niệm hay vô chấp, mà là vô tâm (không có trái tim), vô cảm (không cảm xúc), vô trách nhiệm, và đôi khi vô nhân đạo.

Các bạn thấy, các khái niệm căn bản của nhà Phật, thực ra chỉ là một điều, diễn tả bằng các từ khác nhau tùy theo mỗi nội dung ngôn ngữ khác nhau. Vô ngã, vô niệm, vô chấp, vô trụ … cũng đều là không bám – Không bám vào tôi là vô ngã. Không bám vào tư duy nào, đó là vô niệm. Không bám vào điều gì cả là vô chấp, vô trụ.

Và mọi chữ vô đó cũng chỉ là một chữ lớn “Không” – bản thể cội nguồn cùa tất cả. Không thì thường hằng; lục giới – sắc thanh hương vị xúc pháp — là hiện ảnh phù du. Khi ta không bám vào điều gì – sắc thanh hương vị xúc pháp – thì đó là Không – Niết Bàn.

Chúc các bạn luôn tính tấn.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
http://www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Vô niệm”

  1. anh Hoành và cả nhà năm mới khoẻ ạ 😀

    Bài này hay quá, em Phước phải log vào comment chia sẻ một chút trải nghiệm và kiến giải của em ạ.

    Mỗi người chúng ta ở đây để học được những bài học đôi khi không giống nhau, tuỳ thuộc vào tình trạng phát triển của mỗi người.

    Em cũng thấy là “thấy ra mọi thứ” là một cấp độ nhận thức mà mọi người cần học được. Và vô chấp lại là một thứ cần thiết để “thấy ra mọi thứ”.

    Tuy nhiên em cho rằng vô chấp không phải là mục đích, mà chỉ là một nửa. Thấy ra mọi thứ cốt để cho ta có thể linh hoạt ứng biến một cách chính xác, đáp ứng tuỳ duyên thuận pháp với tình huống hiện tại, nghĩa là biết được lúc nào nên chấp và lúc nào không nên chấp.

    Như ví dụ võ sĩ phòng thủ đòn đánh, ta vẫn phải chấp, bám theo đòn đánh vào đúng thời điểm thích hợp.

    Như vậy ở đây cái nhận thức chính xác mọi thứ để ta có thể nắm/ buông một cách đúng nhịp, không nhanh không chậm, không vội không trì trệ, để đạt được hiệu quả cao nhất trong hành động mới là điều ta hướng tới.

    Không hay vô chấp cũng chỉ là một nửa, phải hợp với có và chấp thì mới hoàn chỉnh. Thông qua trải nghiệm và gặp gỡ, em thấy rằng không phải tất cả đều là học vô chấp. Có những người từ khi sinh ra họ đã rất “vô chấp” thậm chí có phần trở thành thờ ơ. Và em thấy là thứ họ cần học lại là phải “nắm, chấp” một chút, để cảm nhận được sự thú vị và giá trị của nhân sinh 😀

    Ai thiếu nửa nào thì học nửa đó để cuối cùng ung dung tự tại tuỳ tâm sở dục trong mọi tình huống.

    Một vài cảm nhận của em.
    Chúc anh Hoành và cả nhà năm mới vui vẻ 😀

    Liked by 1 person

  2. Phước nói rất phải. Chỉ là dùng từ khác cách anh dùng từ, nhưng cùng một ý nghĩa.

    Vô chấp thì luôn luôn vô chấp, trong mọi tình huống, với bất kì điều gì, không có ngoại lệ.

    Điều Phước đang nói là “dùng” một quy tắc hay cách thức nào đó. Khi nào thì nên dùng, khi nào không nên dùng.

    Nếu dùng điều gì khi nào nên dùng, và không dùng điều đó khi nào không nên dùng, đó là vô chấp.

    Nếu lúc nào cũng nhất quyết dùng chỉ một quy tắc, hoặc lúc nào cũng nhất quyết không dùng một quy tắc nào đó, thì đó là chấp.

    Phước thực sự đang nói đến “dùng” và “không dùng”. Và anh nói đến “chấp” và “vô chấp.”

    Ví dụ: Lúc nào cũng phải la mắng học trò, hay lúc nào cũng nhất quyết không la mắng học trò, thì đó là chấp.

    Còn la mắng trò khi cảm thấy cần la mắng, và dịu dàng khi cảm thấy cần dịu dàng, đó là vô chấp (đối với cả la mắng lẫn dịu dàng).

    Chúc em vui khỏe.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  3. Dạ vầng, em đã hiểu sâu hơn điều anh nói về vô chấp.

    Chính vì vô chấp nên mới có thể linh hoạt cho đúng

    Em cảm ơn đại ca 😁

    Like

Leave a comment