Vượt lên tới tầng giải thoát

Chào các bạn,

Không có bố hay mẹ nào trên thế giới nói với con: “Mày yêu tao thì tao yêu lại, mày ghét tao thì tao ghét lại.” Thái độ đó đơn giản là không hiện diện trong tình phụ tử và mẫu tử tự nhiên – “tự nhiên” có nghĩa là trời sinh ra như thế, chẳng ai phải học, làm bố làm mẹ thì tự nhiên biết. Bố mẹ tự nhiên yêu con, dù con tốt hay xấu, dù con yêu bố mẹ hay không. Đó là tình yêu vô điều kiện.

Tình mẫu tử phụ tử đó là tư duy tích cực, là tình yêu vô điều kiện mà các thánh nhân đã dạy loài người ứng xử với nhau kể cả khi người ta không phải là bố con hay mẹ con. Sống yêu người vô điều kiện là cách sống mọi người đều có sẵn trong khả năng làm bố làm mẹ. Chỉ là họ quên dùng tình yêu như thế đối với người không phải là con cái họ. Nhưng tình yêu vô điều kiện như thế là chìa khóa mở xiềng xích si mê để giải thoát con người khỏi vòng khổ lụy của đời sống, và lên đến một tầng cao hơn, tĩnh lặng hơn, bác ái hơn, và hạnh phúc hơn, mà người ta thường gọi là Thiên đàng, Niết bàn, hay Giác ngộ.

Các bạn, bạn có thể dạy thiên hạ triết học, đạo học và thần học cả đời nhưng bạn vẫn luôn ở trong xiềng xích của si mê và khổ lụy nếu bạn không thực hành tình yêu vô điều kiện đối với mọi người.

Các thánh nhân không tự nhiên mà dạy yêu người vô điều kiện cả nhiều ngàn năm nay, tại mọi nơi trên thế giới mà các vị xuất hiện, chẳng bỏ qua quốc gia nào hay nền văn hóa nào. Yêu mọi người vô điều kiện là vô ngã, là không còn tôi nữa. Nếu bạn yêu người có điều kiện – yêu tôi thì tôi yêu, ghét tôi thì tôi ghét, hay tôi chỉ yêu người tôi cho là tốt và không yêu người xấu – thì tình yêu đó thực sự là bám cứng vào tôi, rất “chấp ngã”. Nếu yêu người tôi phán đoán là tốt hay là người yêu tôi, thì đó là bạn chẳng yêu người mà thực sự là yêu cái phán đoán của bạn. Và đó là chấp ngã từ trong căn bản tư duy.

Đương nhiên là bạn có thể đòi hỏi điều kiện để yêu người nếu bạn muốn. Nhưng nếu muốn sống như thế thì bạn phải tu tập, thiền định, cầu nguyện, học kinh sách để làm gì? Mọi người của thế giới, kể cả kẻ trộm cướp giết người, cũng đều yêu có điều kiện – yêu tôi tôi yêu, ghét tôi tôi ghét; tốt tôi yêu, xấu tôi ghét. Bạn cần học thêm điều gì?

Trong đời sống thật, chỉ có một điểm duy nhất làm bạn khác mọi người và vượt lên trên chính bạn và thế giới, để đến mức Thiên đàng, Niết bàn, Giác ngộ. Đó chính là yêu mọi người vô điều kiện. Không có tình yêu này, dù bạn cố gắng làm gì thì bạn cũng chẳng thể khác mọi phàm phu tham sân si khác của thế giới.

Nói thế không để thúc dục lòng tham của bạn để chạy theo Thiên đàng, Niết bàn hay Giác ngộ. Mà nói thế để các bạn nhớ rằng: Nếu bạn luôn than vãn là thế giới này quá tồi tệ, thì cần nhớ là bạn đang sống trong thế giới đó. Giài pháp đương nhiên là nếu bạn chán thế giới đó thì cần vượt lên trên đến một tầng cao hơn, một thế giới trong sáng hơn và hạnh phúc hơn, của các thánh nhân. Thế giới của những người đã được giải thoát.

Chúc các bạn luôn biết yêu người vô điều kiện.

Mến,

Hoành

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Vượt lên tới tầng giải thoát”

  1. Yêu Mến gửi anh Hoành,
    Có 1 điều này em cảm thấy khó nghĩ trong lòng: về việc Yêu người vô điều kiện, nghĩa là ta dùng tình yêu để hồi đáp lại 1 người/ 1 việc dù tốt, dù xấu. Mặt khác, em e rằng, nếu ko lên tiếng bảo vệ cái đúng, phê phán người làm việc xấu thì lại góp phần dung túng cái xấu. Em nghe 1 câu nói, đại ý rằng: Im lặng, Không lên tiếng bảo vệ cái tốt cũng đồng nghĩa với việc làm điều xấu. Bởi vậy nhiều khi em cảm thấy rất phân vân. Liệu rằng nếu mình lên tiếng là nên hay ko? Mình gay gắt lên án cái sai, đứng về lẽ phải hay nên dĩ hòa vi quý, cho rằng ai cũng có thể mắc sai lầm.
    Anh advise giùm em
    Em Hiền 🙂

    Like

  2. Hi Hiền,

    Mẹ yêu con vô điều kiện , và vì thế mẹ luôn luôn nhắc con điều gì đúng, điều gì sai. Nhắc nhở thì vẫn nhắc nhở, yêu thì vẫn yêu. Nhắc nhở với tình yêu thì đương nhiên khác nhắc nhở với thù hận. Chỉ là hai giọng nói khác nhau cho hai kiểu nhắc khác nhau.

    Chúc em vui khỏe.

    A. Hoành

    Like

  3. Hi anh Hoành,
    Cảm ơn anh đã trả lời em thật sớm 🙂

    Đối với những người thân yêu xung quanh mình, có lẽ việc thực hành yêu vô điều kiện sẽ dễ dàng/ tự nhiên hơn vì mình luôn trân quí và mong điều tốt nhất đến với họ. Nhưng em muốn hỏi về cách ứng dụng của yêu thương vô điều kiện trong xã hội. Trước 1 sự kiện của xã hội. Liệu mình nên phê phán cái xấu khi nhìn thấy nó xấu hay nên im lặng, chỉ đứng vai trò quan sát và để cho người xấu được đối xử bằng sự bao dung sẽ tự nhận ra. Em e rằng nếu ko tỏ rõ thái độ phê phán thì có thể là 1 hình thức dung túng cái xấu. Ví dụ khi thấy 1 kẻ cắp, 1 người tham nhũng, hay thậm chí 1 người bạn lừa dối mình.
    Nhiều khi e thấy thật bối rối. Lên án gay gắt thì sợ ngta rơi vào đường cùng mà ko lên án thì e rằng đang dung túng cái xấu.

    Em chúc a ngày vui
    Em Hiền

    Like

  4. Hi Hiền,

    Em muốn phê phán cái xấu thì cứ phê phán đi chứ. Có sao đâu?

    Nhưng vẫn đề phức tạp hơn vậy. Ví dụ: Ở VN có nhiều tham nhũng khắp nơi. Nhà nước này đã và đang chống tham nhũng rất tốt. Mình thì đương nhiên không thích tham nhũng. Nhưng nếu mình cứ ngày ngày than vãn “tham nhũng, tham nhũng” thì được gì? Cứ than vãn kiểu đó mãi thì chúng ta càng kéo thêm tham nhũng đến – đó là Luật Hấp Dẫn. Tốt nhất là nên yên lặng, sống tử tế, chính mình đừng tham nhũng và gian dối, và dạy con cái mình sống ngay thẳng thành thật. Đó là chống tham nhũng thực sự.

    Thiếu gì người tối ngày phàn nàn, chỉ trích VN tham nhũng rầm trời. Họ chẳng giúp được gì mà chỉ làm vấn đề thêm tồi tệ.

    Vì thế thấy vấn đề là một chuyện, nên làm gì lại là một chuyện khác.

    Anh tin rằng việc tốt nhất để chống tham nhũng lại VN là sống ngay thẳng trong sạnh, và dạy con cái và mọi người sống ngay thẳng trong sạch. Chẳng nên phàn nàn gì tham nhũng, nhưng hỗ trợ mọi công việc chỗng tham nhũng mà nhà nước đang làm. Đồng thời đóng góp thưởng trực vào việc cải tiến hệ thống hành chính công quyền và hệ thống pháp lý để tham nhũng sẽ mất đi từ từ.

    Đó không hẳn là vì yêu người vô điều kiện,, mà chỉ là cách giải quyết vấn đề hợp lý nhất.

    Nhưng nói về yêu người vô điều kiện, em chưa làm thế thì thấy khó. Em đã làm thế thì thấy dễ. Không phải là yêu thì không thấy cái sai và không tìm cách chỉnh sửa. Thực sự là mình yêu con nên luôn phải tìm cách chỉnh sửa cho con, chứ con hàng xóm mà sai thì mình chẳng thèm chỉnh sửa nếu mình không yêu nó.

    Em đừng đồng hóa yêu với vô trách nhiệm. Thực sự là càng yêu người, chúng ta càng cảm thấy có trách nhiệm giúp cho người hết sai – dù bằng cách ngọt ngào hay cách trừng phạt.

    Dù vậy, yêu người vô điều kiện không phải là điều chúng ta có thể tranh luận bằng lý thuyêt. Em cứ thực hành thì sẽ hiểu. Anh nói lại: Mọi bà mẹ đều yêu các con vô điều kiện và chính vì vậy mà giáo dục các con rất kỹ và rất tốt.

    Càng yêu, chúng ta càng có trách nhiệm. Em thực hành một lúc rồi sẽ thấy. Nhưng em không muốn thực hành thì cũng chẳng sao cả, chẳng có gì là sai. Chỉ là hai cách tư duy hơi khác nhau một chút trong căn bản thôi. Chẳng phải là đúng-sai đâu.

    Chúc em vui khỏe.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  5. Hi anh Hoành và các bạn. E nghĩ như này có đúng k ạ.
    Với những người xấu, kẻ tham nhũng …chúng ta hoàn toàn vẫn thực hiện các hình phạt, lên án và ủng hộ việc chống lại điều đó. Kẻ ác vẫn phải trừng trị. Tuy nhiên, việc khác nhau căn bản là trừng trị với tâm yêu thương, không phải tâm sân hận.
    Như các bậc cha mẹ đôi khi vẫn có thể đánh con, nhưng đánh vì yêu thương khác. Như Trần Nhân Tông, đánh giặc, giết giặc nhưng rồi vẫn trở về tu lập thành phái Trúc Lâm Yên tử.

    Like

  6. Cảm ơn anh Hoành và các bạn đã làm rõ. Chỉ đọc phản hồi em đã thấy được 1 tình yêu lan tỏa 🙂
    EM Hiền

    Like

Leave a comment