Nghĩ đến điều mình làm tốt

Chào các bạn,

Chúng ta thường khi làm một điều gì đó mà sau đó ta nghĩ là không nên làm, và đó là điều ta thấy là xấu, và ta cứ băn khoăn bứt rứt về điều đó mãi. Đương nhiên là một chút ân hận thì rất tốt để mình nhớ mà không lập lại sau này. Nhưng băn khoăn bứt rứt mãi về một điều xấu thì không hay vì, dưới Luật Hấp Dẫn, đó chính là mình đang hấp dẫn điều xấu thêm vào mình.

Nếu cần nghĩ đến thường xuyên, hãy nghĩ đến những điều tốt mình đã làm – giúp đỡ người nghèo, đạt được học bổng, được tín nhiệm và thăng thưởng… Những điều tích cực – những thành quả mình đã đạt được, những công việc phục vụ mọi người, những cố gắng đã thành công – đều là những điều mà nếu mình nghĩ đến thì sẽ lôi thêm tích cực vào mình. Cho nên, nếu muốn nghĩ đến những chuyện mình làm, hãy nghĩ đến những điều tốt đã làm.

Còn điều không tốt, nếu nghĩ đến thì hãy xin lỗi trời phật một câu thành tâm, rồi gạt nó ra ngoài. Chuyện đã làm không xóa đi làm lại được. Cho nên hãy quên đi, để bắt đầu làm những điều tích cực khác, không ngồi đó ủ rủ ray rứt để lại lôi thêm tiêu cực vào mình.

Đối với người khác cũng thế. Người ta đã làm một điều tiêu cực, nếu bạn muốn chỉ dạy như chỉ dạy con cái, thì hãy nói một câu. Rồi đừng bao giờ nhắc lại nữa, vì càng nhắc lại thì bạn càng lôi thêm tiêu cực vào bạn và người kia. Chẳng được lợi ích gì. Nếu muốn nhắc thường xuyên chuyện cũ cho người kia nghe, thì hãy nhắc lại những điều tích cực người kia đã làm.

Luật Hấp Dẫn rất có hiệu lực. Bạn cần nhớ điều này để mà sống vói hiệu năng cao.

Chúc các bạn luôn có hiệu năng cao.

Mến,

Hoành

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Nghĩ đến điều mình làm tốt”

  1. Bài này đến với em thật đúng lúc. Không hiểu sao những việc em làm tốt em đều coi đó là điều hiển nhiên và quên rất nhanh. Em cũng tránh canh cánh trong lòng chuyện chưa tốt nhưng thỉnh thoảng nó cứ ùa về. Em phải làm thế nào để có thể tập trung đúng chỗ cần thiết ạ?

    Like

  2. Hi Ngọc Anh,

    Trong văn hóa Việt Nam, chúng ta được dạy tập trung vào cái yếu của mình, và không tập trung vào cái mạnh. Như hồi nhỏ, anh đi học, thường đứng số 1 trong lớp, nhưng chẳng bao giờ được khen. Lâu lâu xuống số 2 (đương nhiên là đã đứng số 1 thì chỉ có một đường đi là đi xuống), và mỗi lần xuống số 2 thì bị ba mắng. Anh rất bực mình, cứ nghĩ thầm: “Đứng số 1 thì phải có lúc xuống số 2, chứ có đường nào khác nữa? Sao khi đứng đầu thì không khen, và đứng số 2 thì bị la?”

    Nói chung giáo dục truyền thống VN là dùng chê và phê phán là chính, và không dùng khen. Anh luôn nghĩ rằng đó là giáo dực của dân nô lệ. Dân Tàu cai trị ta, dân Pháp cai trị ta, các ông chủ lớn luôn phải phê phán ta ngu, ta dốt, để ta tin ta ngu ta dốt và các ông chủ thì giỏi và mạnh, để mà luôn vâng lời các ông và không dám chống đối.

    Chúng ta phải tích cực đảo ngược truyền thống nô lệ đó, tâp trung vào điều tốt, điều mạnh của mình, và phe lờ điều yếu của mình.

    Một người chỉ có một hai điểm mạnh, phải tập trung vào đó. Và mỗi người đều có cả trăm điểm yếu, tập trung vào cả trăm điểm yếu làm gì? Mà cũng chẳng tập trung vào cả trăm điểm được.

    Lo cho mình mạnh, bằng tập trung vào một hai điểm mạnh.

    Cứ tốn thời giờ sợ cái yếu thì mình chẳng có thời giờ để tập cho mạnh, và như thế cứ yếu cả đời.

    Chúc em vui khỏe.

    A. Hoành

    Liked by 3 people

  3. Cảm ơn anh đã giải thích cặn kẽ, thấu đáo. Để ý mới thấy ba má anh chị em của em .. cứ suốt ngày chê mấy đứa cháu nhỏ. Em nhắc thì nói: ủa tao chê đúng chứ có gì sai đâu, mày khen nó riết sẽ làm nó hư.

    Like

Leave a comment