Khóc

Chào các bạn,

Cuộc đời có nhiều điều buồn đau, nếu không thì Chúa Giêsu đã không hay khóc. Có khi Chúa khóc vì thấy loài người đau khổ, như khóc khi thấy người thân của Lazaro khóc than đau đớn vì Lazaro đã chết (và sau đó được Chúa Giêsu cứu sống lại), đôi khi than khóc có lẽ vì cô đơn, như khi ở trong vườn Gethsemane cầu nguyện trước lúc bị bắt và hành hình (mà Giêsu biết là sắp xảy ra), đau đớn đến mức mồ hôi đổ ra như máu.

Và chúng ta sẽ buồn khi chúng ta gặp điều đau lòng. Tĩnh lặng không có nghĩa là chai đá. Rất nhiều người tu Thiền chỉ để tập cho mình chai đá trước mọi sự, mà họ không biết đó là lạc đường. (Xin đọc truyện Thiền “Không có từ tâm“). Thực sự là càng Thiền thì chúng ta càng yêu người, càng yêu người thì càng đau lòng khi thấy người khổ.

Tĩnh lặng là dù buồn vui gì thì mình cũng giữ lòng mình tỉnh táo bình lặng đủ để làm điều gì nên làm và không làm điều không nên làm. Không thể để vui hoặc khổ làm mình mất bình tĩnh và mất sáng suốt. Con người vui thì kiêu, khổ thì điên. Đó là vấn đề. Nhưng tĩnh lặng không có nghĩa là vô cảm, chẳng cảm xúc gì cả. Tĩnh lặng chỉ là: dù gì thì tâm trí vẫn không bị mắt kiểm soát, vẫn luôn sáng suốt và tỉnh táo để suy nghĩ.

Thế cho nên các bạn đừng sợ khóc. Nếu Giêsu khóc được thì mình cũng khóc được. Có lẽ là nếu ta thấy con người và thế giới đau khổ mà ta chẳng muốn khóc thì cũng nên hỏi lại mình là mình đã thành chai đá rồi hay sao.

Bồ tát yêu thương mọi người và mỗi người vô hạn. Yêu như thế thì chắc chắn là có nhiều lúc rất đau lòng trước nỗi đau của con người.

–>
weepingbuddha.jpg
The Weeping Buddha

Nếu chúng ta yêu thương loài người, yêu thương đất nước, yêu thương đồng bào, thì đương nhiên là sẽ có lúc ta khóc vì thấy mọi người đau khổ.

Đó là nước mắt trí tuệ của một trái tim nhạy cảm với tình yêu.

Hãy mừng vui nếu ta biết khóc vì nỗi đau của người khác. Đó là dấu ấn của trái tim thánh nhân.

Chúc các bạn luôn nhạy cảm với tình yêu.

Mến,

Hoành

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Khóc”

  1. Cảm ơn anh. Bài viết có thể giúp nhiều người ngộ ra sự khác biệt giữa tĩnh lặng và trơ lì, chai đá!

    Like

Leave a comment