Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 17: Anh em Không phân biệt

Toàn tập 21 chương >>

Nữ quân đoàn về đến Hòa Cường vào đúng ngọ. Hàng ngàn người dân đã đợi ở đầu huyện để chào mừng. Mọi người đều hân hoan và hãnh diện với thành tích của quân đoàn. Và khi quân đoàn đến gần, người ta bắt đầu nghe những khẩu hiệu tung hô Đại Diệu Tâm, như “Nguyên soái Đại Diệu Tâm muôn năm,” “Vạn tuế Nguyên soái Đại Diệu Tâm”…

Đại quân lấy làm thích thú, nhưng Đại Diệu Tâm từ ngạc nhiên biến thành áy náy. Cô cảm thấy có gì không ổn, dù cô cũng chưa biết đó là gì. Nhưng rồi cô cũng giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng, rồi nói: “Xin các cô, các dì, các chú, các bác đừng lấy Đại Diệu Tâm làm trọng. Cháu chỉ là một người trong quân đoàn. Mọi công lao đều do cả quân đoàn đóng góp. Và hơn vậy nữa, đó là do công sức của tất cả mọi người dân cùng chung tay chung lòng lo việc nước. Chẳng nên đổ vinh quang về hết một người.” Mọi người vỗ tay ào ạt, nhưng cũng hiểu ý cô và không còn tán tụng cá nhân cô nữa.

Về đến trại, cô hỏi han Hữu phó nguyên soái Trần Lý tình hình. Trần Lý nói mọi sự đều yên ổn. Cô bèn chạy qua chùa thăm sư mẫu ngay. Gặp sư mẫu, cô kể lại mọi chuyện xảy ra ở kinh thành, đặc biệt rất chi tiết cuộc hòa đàm giữa cô và Lã Quý Phi. Sư mẫu theo dõi thật là thích thú. Và khi nói đến chuyện tể tướng đang thành lập phủ Phật Tâm, cô nói với sư mẫu mấy hôm nay câu chuyện xảy ra với các vị sư trong ngôi chùa nhỏ làm cô nghĩ rằng nên xây một viện phật học dành riêng cho tăng ni cả nước ở phủ Phật Tâm, rồi mời các cao tăng cao ni về dạy, để nâng cấp hiểu biết phật pháp của cả nước. Sư mẫu cho là ý kiến rất tốt, và nói sư mẫu sẽ bắt đầu liên lạc với bạn bè đồng đạo khắp nơi về điều này, và cũng sẽ bàn với quan tri phủ.

Tối hôm đó, cô ra một tảng đá bên bờ sông gần trại binh ngồi thiền dưới ánh trăng. Trăng thanh gió mát làm cô thấy được nghỉ ngơi thoải mái. Giờ cô mới cảm thấy mọi việc đã đi qua quá nhanh. Khi đang làm việc thì không thấy nhanh, nhưng giờ xong rồi, nghĩ lại thì mọi sự như là một giấc mơ qua vùn vụt. Cô cảm thấy ngồi dưới ánh trăng một mình quả là cách rất hay để thời gian ngừng lại.

Bỗng cô thấy có ba người cưỡi ngựa chạy vùn vụt trên con đường nhỏ ven bờ sông. Người giữa có bao gì sau lưng, trên lưng ngựa. Cô có cảm tưởng bao đó có gì đáng nghi. Cô lấy tù và trong túi áo ra và thổi một hồi báo động. Có những tiếng tù và báo động khác đáp ứng tức thì. Và trong chớp mắt, mọi con đường gần trại binh đều bị phong tỏa. Cô thủng thẳng đi theo về hướng ba người phi ngựa, được một quãng đã thấy ba người bị trói tay đứng bên đường cùng một nhóm chiến binh của cô.

Cô đến gần, và một chiến binh chỉ một cô gái đang nằm như ngủ bên lề đường: “Bẩm Nguyên soái, cô này nằm trong bao này của anh này,” cô vừa nói vừa chỉ vào một chiếc bao vải cô đang cầm trên tay và một trong ba người đàn ông bị trói. Cô hỏi anh ta: “Anh có giải thích gì không?” Anh ta chẳng nói gì. Cô gật đầu ra hiệu. Hai cô trinh sát đến giữ hai vai anh ta, và một cô cầm hai cổ tay anh ta đang bị buộc sau lưng đẩy lên trời. Anh ta bắt đầu rên nho nhỏ vì đau. Đại Diệu Tâm nói: “Cô này sẽ tiếp tục đẩy. Nếu anh không khai thì đương nhiên là chỉ một lúc hai cánh tay của anh sẽ bị gãy rời khỏi vai.” Người đàn ông rên rỉ lớn hơn rồi nói: “Tôi khai.” Cô trinh sát hạ tay anh ta xuống. Anh ta nói:

– “Chúng tôi chỉ là thủ hạ. Bắt người về cho thủ lĩnh mà thôi.”
– “Các anh có quen biết cô này không?” Đại Diệu Tâm chỉ cô gái nằm bên đường.
– “Không. Chỉ thấy cô ấy đi một mình nên chúng tôi bắt.”
– “Phải cô này bị mê hồn hương không?”
– “Phải.”
– “Các anh ở đâu, làm nghề gì?”

Anh ta chỉ đến một ngọn núi thấp xa xa và nói: “Chúng tôi ở trên đó. Cần gì thì xuống núi chận người đi qua để cướp, hoặc về các làng xóm gần đây như hôm nay để cướp.”

– “Các anh có bao nhiêu người?”
– “Hai mươi ba người.”
– “Vậy anh dẫn đường cho người của tôi lên đó bây giờ. Nếu anh làm việc tốt, lấy công chuộc tội, anh sẽ được tha. Nếu anh trí trá, việc đầu tiên là cô này sẽ bẻ hai cánh tay anh gãy rời khỏi vai trước, rồi mọi chuyện khác tính sau,” Đại Diệu Tâm vừa nói vừa chỉ cô trinh sát đang nắm cổ tay anh chàng.

Phó nguyên soái Trần Lý cũng vừa đến và chào chị. Đại Diệu Tâm gật đầu và chỉ một anh khác cũng đang bị trói tay: “Anh, đi theo anh này. Nếu anh này chỉ sai đường, nhiệm vụ của anh là nói với các cô là anh này chỉ sai đường. Anh làm tốt thì sẽ được tha. Anh cũng trí trá thì đương nhiên là hai cánh tay của anh cũng sẽ rời vai trước.”

Rồi Đại Diệu Tâm nói riêng với Trần lý mang 100 quân lên núi bắt hết bọn cướp về, nhưng nếu gặp trở ngại bất ngờ thì không cần phải cố gắng, đi về bàn cách khác. Trần Lý gật đầu, cho người về trại gọi 100 quân, đặt hai người đàn ông bị trói tay ngồi trước hai cô trinh sát trên lưng ngựa, rồi cả nhóm khởi hành.

Có lẽ hai tên cướp, anh nào cũng sợ anh kia khai ra mình trí trá, nên hai tên chỉ đường rất chính xác. Chưa đến nửa canh giờ là Trần Lý và toán trinh sát đã đến vòng rào trại cướp. Bên trong rào là một khoảng trống rộng với năm chiếc nhà tranh dài quanh một mảnh sân đất trống. Các cô chia nhau đến những căn nhà và dùng mê hồn hương ru mọi người trong nhà ngủ. Chỉ một lúc sau là bắt được hai mươi người đàn ông, trói tay họ ngược sau lưng, rồi lên ngựa, cột mỗi ông trên lưng ngựa, sau lưng một cô trinh sát. Rồi cả đoàn về trại.

Các cô mang hai mươi tù binh mới và hai tù binh cũ về trình báo với Đại Diệu Tâm. Giờ đây cả hai mươi người bị mê hồn hương đều đã tỉnh. Họ được đưa xuống ngựa, và cùng ba người đã bị bắt trước đó, sắp hàng ngay ngắn trước mắt Đại Diệu Tâm.

– “Ai là thủ lĩnh?” Cô hỏi.
– “Tôi,” một người râu quai nón rậm rạp trả lời.
– “Anh tên là gì?”
– “Hai Chính.”
– “Anh tên chính sao anh làm việc tà vậy?”
– “Tại sao cô nói tôi làm việc tà?”
– “Bắt đàn bà con gái là tà đạo.”
– “Tôi bắt hồi nào?”
– “Anh không bắt nhưng cho thủ hạ bắt về cho anh cũng vậy?”
– “Thủ hạ tôi là ai?”
– “Ba anh này,” Đại Diệu Tâm chỉ vào ba anh cướp bắt người bị bắt đầu tiên.

Hai Chính quay qua nhìn ba tên thủ hạ, rồi la lớn: “Trời ơi, ba thằng mất dạy. Ba ngày trước tụi nó bắt con gái, tôi biết được, thả cô gái về và đánh cho ba đứa nó một trận. Bây giờ tụi nó còn dám nói đi bắt gái cho tôi. Cô vạch lưng ba thằng đó ra coi thì thấy vết roi tôi đánh tụi nó.”

Đại Diệu Tâm vạch lưng ba người và người nào cũng đều có cả chục vết roi mưng mủ đầy lưng. Cô hỏi: “Ba anh có gì nói không?”

Anh đầu tiên bị bắt chở cô gái trong bao nói lí nhí: “Chúng em xin lỗi. Chúng em nói dối.”

– “Vậy là hôm nay các anh lại trốn anh Hai Chính đi bắt gái nữa phải không?” Đại Diệu Tâm hỏi.

Cả ba gật đầu. Hai Chính lắc đầu: “Tổ mẹ tụi bây.”

– “Nhưng tại sao các anh lại làm cướp núi?” Đại Diệu Tâm hỏi. Hai Chính nói:

– “Tất cả anh em chúng tôi đều là những phạm nhân đã mãn hạn tù và được trả lại tự do. Chúng tôi đã phạm tội, đã bị ở tù, và đã trả nợ đầy đủ cho xã hội. Nhưng khi ra tù, chẳng ai cho chúng tôi công ăn việc làm gì cả. Đến đâu xin việc cũng không được, vì chúng tôi là cựu tù nhân. Đó là một bất công lớn. Chúng tôi đã làm sai, đã chịu tội, đã trả nợ, sao mọi người vẫn tiếp tục làm khó chúng tôi cả đời, không cho chúng tôi có cơ hội sinh sống? Chính vì vậy mà anh em chúng tôi phải rủ nhau lên núi.”

Hai Chính ngưng. Đại Diệu Tâm và các cô cũng đứng đó lặng yên ngẫm nghĩ những điều Hai Chính vừa nói.

– “Và cô đừng gọi chúng tôi là cướp núi. Chúng tôi làm ăn lương thiện,” Hai Chính tiếp tục.

Khi hắn nói đến từ “lương thiện”, các cô trinh sát liếc nhìn nhau.

– “Lương thiện sao?” Đại Diệu Tâm hỏi.
– “Con đường núi dưới chân trại tụi tôi vốn là nguy hiểm. Mưa thì lầy lội trơn trượt, và đá thường lăn từ trên núi xuống. Chúng tôi sửa sang đường cho khô ráo, dễ đi ngày nắng cũng như ngày mưa, thường xuyên cắt cỏ và quét sạch lá rừng. Thường xuyên xem xét đá núi, thấy hòn đá nào sắp rơi, chúng tôi gỡ ra hay cho rơi khi không có ai. Chúng tôi giữ con đường an toàn và sạch sẽ. Thậm chí chúng tôi chẳng cho bọn cướp núi nào lảng vảng gần đấy. Và khi chúng tôi cần một ít tiền chi dụng, chỉ khi cần ít tiền chi dụng, chúng tôi mới chận những người qua đường giàu có, không chận những tiều phu, người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, chỉ những người giàu có và xin một chút tiền mãi lộ. Chúng tôi chỉ xin một chút tiền đủ để chi dụng cho những nhu cầu cần thiết. Không bao giờ lấy hết tiền trong túi của ai. Không lấy nhiều hơn chúng tôi cần. Và hoàn toàn không bao giờ xúc phạm ai, không hành hung ai, không làm ai bị thương.”

– “Anh chưa bao giờ đánh ai?” Đại Diệu Tâm hỏi.
– “À… à… Nếu các vị đưa tiền thì chúng tôi chẳng làm gì. Thỉnh thoảng có người nhất định không trả đồng nào, có lẽ chúng tôi chỉ cho vài đấm thị uy.”

Các cô trinh sát nhìn nhau, cố nín cười.

– “À, các cô mới vào trại chúng tôi rồi, các cô thấy đó, chúng tôi sống rất đơn sơ bần hàn, vì chúng tôi chỉ xin tiền mãi lộ vừa đủ cho chúng tôi chi dụng, không lấy nhiều. Chúng tôi sửa đường và giữ đường sạch sẽ, thì thỉnh thoảng xin một chút tiền mãi lộ là công bình. Chúng tôi không phải cướp núi.”
– “Thôi được,” Đại Diệu Tâm nói. “Chúng ta không cần phải tranh luận cách làm ăn lương thiện của anh có lương thiện không, và các anh làm dịch vụ đường xá hay cướp núi. Chúng ta sẽ tạm đồng ý là các anh không đến nỗi quá tệ. Vậy bây giờ các anh muốn gì?”
– “Sao cô hỏi kì vậy? Cô đang trói chúng tôi thì chúng tôi hỏi cô muốn gì. Còn chúng tôi đang bị trói thì làm sao có quyền gì để muốn?”
– “Ha ha…” Đại Diệu Tâm không nín cười được, và cả bọn trinh sát cười theo rầm rầm. Các cô nãy giờ nhịn cười lâu rồi, giờ cười ồ ạt kiểu tức nước vỡ bờ.

Các anh cướp núi, chẳng ai cười. Các anh có vẻ rất nghiêm chỉnh và nhìn nhau có vẻ ngạc nhiên sao mấy cô điên này cười cái gì.

– “Ít ra là mọi chúng ta đều có thể đồng ý với nhau là xã hội không công bình với các anh. Các anh đã làm sai, đã trả nợ hết rồi, nhưng xã hội vẫn cứ trừng phạt các anh cả đời. Chỉ lỗi lầm một lần mà bị phạt cả đời, dù mình đã trả xong hết nợ, đó là một bất công không chấp nhận được.”

Đại Diệu Tâm ngừng một chút rồi nói tiếp:

– “Còn cách các anh tự kinh doanh nghề sửa đường và lấy thuế đường thì… a… chắc là thiên hạ có vấn đề. Nhưng tôi tin là anh Hai Chính và các anh là những người trung trực, ngay thẳng và đáng tin. Giờ tôi có công việc lương thiện một trăm phần trăm mà các anh có thể làm để sinh sống, các anh có muốn làm không?”

– “Cô nói đi. Nếu có việc lương thiện để sinh sống, anh em chúng tôi sẽ làm,” Hai Chính trả lời.

Đại Diệu Tâm bảo các cô cởi trói cho các anh, rồi nói:

– “Sư mẫu tôi và tôi mới bàn việc sẽ xây một viện phật học ở vùng này cho tăng ni cả nước về đây học. Công việc xây cất sẽ cần nhiều nhân công cho nhiều loại công việc khác nhau. Nhưng có một công việc mà các anh có thể làm ngay từ bây giờ. Vùng này có nhiều loại đá núi đẹp, người ta thường dùng để khắc tượng. Viện phật học nên có nhiều tượng Phật vui vẻ, kiểu như Phật Di Lặc, to béo, bụng phệ, cười híp mắt, để trang trí khắp khuôn viên viện. Nếu các anh thích làm nghề khắc tượng, ngày mai tôi sẽ có thầy dạy các anh làm liền. Sau này khắc nhiều, ta có thể mang tặng hay bán cho các chùa khác khắp nước. Các anh thấy được không?’

– “Oa… hấp dẫn quá. Làm nghề điêu khắc. Nhà điêu khắc là một nghệ sĩ. Còn nghề gì hơn vậy. Lại chuyên tạc tượng Phật Béo cười. Còn gì vui hơn. Tôi đồng ý, và mọi anh em tôi cũng đều đồng ý với tôi.”

Cả bọn các anh nhao nhao đồng ý.

– “Nhưng ba thằng côn đồ này thì tôi không cho theo tôi nữa,” Hai Chính chỉ ba anh tù binh đầu tiên.

Một trong ba anh nói: “Anh Hai, tụi em đúng là côn đồ. Lỡ dại. Xin anh bỏ qua lần này. Nếu tụi em còn tái phạm làm gì ngu ngốc vậy nữa, anh chặt chân tụi em, tụi em cũng không dám phàn nàn.”

Hai anh kia cũng lí nhí nói theo: “Dạ, đúng vậy anh Hai, cho em theo với.”

– “Được, tụi mày quá tệ. Còn giở thói côn đồ một lần nữa, tao sẽ chặt chân từng đứa.”

Rồi Hai Chính quay sang Đại Diệu Tâm: “Cô có bằng lòng cho ba thằng côn đồ này làm việc điêu khắc Phật không?”

– “Anh đồng ý, thì tôi đồng ý. Vậy ngày mai ta bắt đầu nha?”
– “Được,” Hai Chính gật đầu.
– “Còn điều này nữa, anh Hai Chính, chúng ta kết nghĩa anh em có được không?”
– “Cô là ai, phải biết mới được chớ.”
– “Nguyên soái Đại Diệu Tâm.”
– “Oa… Cô là cô nguyên soái nhóc tì vang lừng cả nước đó phải không?”
– “Đúng vậy.”
– “Vậy thì được. Ta kết nghĩa anh em.”

Đại Diệu Tâm cho người mang ra một ly rượu và một bó nhang. Cô lấy kiếm cắt đầu ngón tay nhỏ vào ly rượu vài giọt, rồi đưa kiếm cho Hai Chính cắt ngón tay nhỏ vài giọt. Rồi cô đốt bó nhang, chia mỗi người một nửa và nói: “Anh là anh thì anh đọc lời thề cho cả hai đi.”

– “Tôi Hai Chính.”
– “Tôi Đại Diệu Tâm.”
– “Nay xin trời đất chứng giám,” Hai Chính nói tiếp, “cho chúng tôi kết nghĩa anh em, sống cùng sống, chết cùng chết, hỗ trợ và trung thành với nhau. Đứa nào thay lòng đổi dạ, thì xin trời tru đất diệt.”

Hai Chính nói xong, hai người cầm nhang vái ba lạy. Rồi mỗi người uống nửa ly rượu thề, Hai Chính uống trước, Đại Diệu Tâm uống sau. Mọi người vỗ tay cười vui vẻ.

Đại Diệu Tâm nói: “Giờ chúng ta hãy ăn nhậu một lúc, rồi sau đó các cô sẽ chỉ các anh nơi ngủ, và sáng mai các anh dậy cùng giờ với mọi người khi có tiếng kèn thức sáng. Rồi chúng ta sẽ bắt đầu làm việc.”

***

© copyright 2020
Trần Đình Hoành & Phạm Thu Hương
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 17: Anh em Không phân biệt”

  1. Đọc chương này càng thấy bản thể ban đầu con người là hiền lành, tốt bụng. Chẳng qua vì hoàn cảnh làm cho người ta thay đổi mà thôi.

    Em cảm ơn anh Hoành, chị Hương đã viết truyện.
    Em xin cầu nguyện để anh Hoành, chị Hương, gia đình anh, chị và gia đình Đọt Chuối Non luôn mạnh khỏe ạ.

    Like

  2. Tình bạn bè, tình anh em, sống chết cùng nhau .. cũng là 1 cái duyên mà không phải ai cũng may mắn có được. Mừng cho Đại Diệu Tâm & Anh Chính.

    Liked by 1 person

  3. Chương này có nhiều điều làm cho em cảm động quá.

    Lòng khiêm tốn của một người lãnh đạo chân chính, Diệu Tâm luôn hiểu rằng công lao hay vinh quang thuộc về tất cả mọi người, và mình cũng như mọi người, cũng chỉ là người góp một phần nhỏ vào chiến thắng cuối cùng. ” Lãnh đạo phục vụ” em thấy rõ được điều này qua Diệu Tâm.

    “Mọi sự như một giấc mơ trôi qua vùn vụt”! Cảm nhận này của Diệu Tâm sau một chặng đường dài mang một ý nghĩa thâm sâu. Thời gian trôi rất nhanh, không chờ đợi một ai. Đời người thì vốn dĩ ngắn ngủi. Rồi em nhớ đến mấy câu thơ:

    Tất cả pháp hữu vi
    Như mộng ảo bọt bóng
    Như sương cũng như ánh chớp
    Nên bắt đầu nhìn như thế

    (Kinh Kim Cang)

    Sự bất công không thể chấp nhận được của xã hội giành cho những người đã phạm lỗi. Chao ôi, đó là sự ngu si bởi định kiến của con người.
    Thánh kinh viết:
    “Chúng ta không có ai là hoàn hảo, chỉ có Thượng đế là hoàn hảo”.
    Làm gì có ai chưa bao giờ phạm lỗi? Chúng ta tha thứ được cho người cũng như tha thứ cho mình không?. Chúng ta tin vào Phật tính của chính mình cũng như của người khác không?
    Nếu như biết có lòng tin vào trái tim mình và trái tim người, chúng ta sẽ chỉ có tình yêu, sẽ không còn phán xét ai cả! Không còn định kiến…

    Em rất cảm động với tinh thần bình đẳng của Diệu Tâm. Đường đường là một Nguyên soái nhưng lại sẵn sàng kết nghĩa anh em với một người từng là kẻ tù tội. Diệu tâm nhìn vào hiện tại, nhìn được bản chất tốt đẹp bên trong của Hai Chính. Tấm lòng nhân ái và bình đẳng đó. Thật sự rất đẹp. Tình huynh muội vượt lên trên nhị nguyên đó, thật đáng trân trọng.

    Và còn nhiều điều nữa…

    Em cám ơn anh chị về những chương truyện tuyệt vời như thế.

    E. Thắng

    Like

  4. Em cám ơn chị Ngọc Anh, anh Long; mình cám ơn Thắng, Phương… comment hằng ngày cho Truyện cổ tích. Đó là những vitamin tinh thần cho em/mình và anh Hoành để có thể tiếp tục viết truyện mỗi ngày.

    Em/ Hương

    Liked by 1 person

  5. Cảm ơn anh chị viết chuyện.

    – Trong Phật giáo có chuyện “Đồ tể buông đao thành Phật”. Trong Kitô giáo (các nhánh liên quan) thì đều biết Chúa đến thế gian để tháo gỡ tội lỗi cho con người, chứ không phải buộc tội.

    Người ta ra tù rồi thì cho người ta cơ hội hoàn lương. Cũng như ai đó hay chính mình làm sai, thì nên cho ai đó hay chính mình cơ hội làm lại cho tốt. Chứ người ta đầu vừa ngoi ra khỏi bùn, đã bị nhúng lại vào bùn, thì đây gọi là hành vi gì?

    – Em rất thích đoạn kết nghĩa anh em trong chuyện. Và rất trân trọng những tình cảm huynh đệ như vậy. Ngoài đời thực, hai người, ba người hay một nhóm bạn… có thể ăn mặc trang trọng, cùng nhau đến nhà thờ hoặc nhà chùa hoặc trước ảnh/tượng Chúa Phật (hoặc đứng giữa Trời Đất) cùng nhau kết nghĩa huynh đệ thì thật đẹp và hay biết mấy.

    Em tin rằng những tình cảm được Trời Đất Chúa Phật chứng giám, thì Trời Đất Chúa Phật sẽ bảo vệ và nâng đỡ cho mối quan hệ này.

    Em Phương.

    Like

Leave a comment