Nhìn thiên nhiên

Chào các bạn,

Mỗi khi nhìn biển, sông, hay núi, chúng ta thấy gì ngoài vẻ đẹp, vẻ hùng vĩ của chúng? Mình hay nghĩ đến lịch sử nghìn năm, triệu năm đi qua, và đại dương này, núi đá này, dòng sông này đã là nhân chứng, đã nhìn thấy vạn vật và loài người sống, chết, và qua đi, và biến hóa, và thay đổi.

Đời sống của chúng ta chỉ là một chấm nhỏ trong dòng sống của trái đất, và một chấm cực kì nhỏ hơn trong dòng sống của vũ trụ. Và dòng sống của vũ trụ lại là một bí ẩn lớn. Tây phương cho rằng vũ trụ do Chúa sinh ra và đó là điểm khởi đầu của vũ trụ, và ngày cuối cùng là ngày tận thế sẽ đến. Ngày nay, khoa học nói Big Bang là điểm khởi đầu của vũ trụ (và Big Gang tự có). Nhà Phật thì tư duy vừa khoa học vừa triết lý hơn ai cả, cho rằng vũ trụ không có khởi đầu và không có kết thúc (vô thủy vô chung), tức là dòng sống và dòng thời gian của vũ trụ là một vòng tròn, không phải là một đường thằng.

Dù gì đi nữa thì sự thật rõ ràng là cuộc đời chúng ta chỉ là một điểm cực nhỏ trong dòng sống của vũ trụ – nhỏ hơn cả con kiến so với trái đất – vậy thì các bạn ta ơi, đừng cho rằng tôi quan trọng đến thế nào. Tôi chẳng là gì đáng nói.

Nhưng tôi nhỏ tí ti tí tì này lại là con Thượng đế, người tạo ra muôn loài, và người đã thổi hơi sự sống vào tôi.

Và tôi nhỏ tí ti tí tì này cũng là người sẽ thành Phật một lúc nào đó, thoát ra khỏi luân hồi sinh tử để trường tồn mà độ mọi chúng sinh của mọi thế giới.

Tức là, dù rất nhỏ, tôi lại có một vị thế đặc biệt trong dòng lịch sử của vũ trụ.

Tức là, tôi cực nhỏ, đồng thời cũng cực lớn, trong đời sống vũ trụ.

Những điểm triết lý này rất quan trọng cho tư duy của chúng ta. Chúng định hình rất chính xác là tôi cực nhỏ – vậy thì hãy không tôi, đừng tham sân si, đừng kiêu căng, đừng bám vào tôi – nhưng tôi cũng thật quan trọng cho đời sống mọi sinh linh khác trong dòng sống của thế giới này và mọi thế giới khác của vũ trụ – vậy thì hãy sống đúng vai trò của mình – như một vị Phật, như Thánh linh Chúa.

Các bạn, những điểm này mình chia sẻ với các bạn, không chỉ là để chia sẻ kiến thức với các bạn, nhưng còn để chia sẻ thích thú của mình – mình rất thích tư duy cực nhỏ nhưng cực lớn này trong đời sống con người, chúng ta đúng là cực lớn so với vi khuẩn, nhưng cực nhỏ so với bất kì ông sao nào.

Chúc các bạn luôn khiêm tốn và tích cực.

Mến,

Hoành

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Nhìn thiên nhiên”

  1. H khẳng định hạnh phúc hay tốt hơn không phải mình muốn là được. Hạnh Phúc Thật và Tốt Hơn Thật của Chúa khác với định nghĩa hạnh phúc và tốt hơn con người! – Một người bạn tin lành nói với em như vậy! Phải chăng con người không thể nào tự do & hạnh phúc được như Chúa?

    Like

  2. nguyenhaiha09 thân mến, khi nào bạn còn so sánh thì khó có được hạnh phúc toàn diện. Đây là kinh nghiệm của bản thân.

    Liked by 1 person

  3. Mình không so sánh, mình đang tìm hiểu, mình đang tìm ý nghĩa cuộc sống, mình cần biết cái nào đúng cái nào sai, cái này là hoài nghi chứ không phải so sánh!

    Like

  4. Hi Hà,

    Anh chẳng biết hanh phúc như Chúa là thế nào. Có lẽ là Chúa hiện hữu, và không có hạnh phúc cũng như đau khổ. Hạnh phúc và đau khổ là hai khái niệm tương đối của logic của con người. Chúa/Phật là tuyệt đối, mà tuyệt đối thì không thể giới hạn – không có tốt xấu, vui buồn, hạnh phúc-đau khổ…

    Người Tin Lành (hay nói đúng hơn là phần lớn người Kitô giáo) tin rằng mọi sự đều là do Chúa cho, cho nên hạnh phúc cũng là do chúa cho chúng ta, không phải là do chính ta.

    Anh nghĩ rằng thần học đó không được chính xác là dòng tư duy chính. Dòng tư duy chính cần thêm vào đó công sức và cố gắng của chính ta.

    Ta phải cố gắng sống cách để có hạnh phúc, tức là có an lạc trong tim mình. Phần của Chúa là: (1) có thể tích cực cho ta hạnh phúc (nhưng ít nhất ta cũng phải biết nhận quà cho), hay (2) hỗ trợ cố gắng của ta để có hạnh phúc, hay (3) chẳng cần hỗ trợ nhưng cho phép hạnh phúc đến với ta vì cố gắng của ta.

    Tức là Chúa luôn “nhìn” chúng ta và làm việc, chẳng để chúng ta mồ côi một mình bao giờ.

    Còn hạnh phúc của ta như thế nào, có khác hạnh phúc của Chúa không? Đây là câu nói trật đường rầy. Chúa không có hạnh phúc hay đau khổ cho chính Chúa, vì hạnh phúc và đau khổ là tương đối, mà Chúa là tuyệt đối.

    Nhưng người Kitô giáo có thể nói hạnh phúc trong Chúa (happiness in Christ), tức là hạnh phúc vì mình ở trong Chúa và Chúa ở trong mình. Đây là điều anh nói “kết nối với Chúa làm một”. Đây là hạnh phúc như là an lạc của Bồ tát đã đạt đạo – an lạc vượt lên trên hạnh phúc và đau khổ – khác với hạnh phúc một lúc rồi khổ đau một lúc như hạnh phúc của phàm phu. Có lẽ đây là điều bạn của Hà muốn nói.

    A. Hoành

    Liked by 3 people

  5. Em cảm ơn anh Hoành. Có những cảm giác em mới cảm nhận được nhưng không diễn tả được rõ ràng. Giải thích của anh làm em hiểu sâu hơn và tự tin hơn vào cảm nhận của mình.

    Like

Leave a comment