Thành thật – chữ tín

Chào các bạn,

Trong đời sống tâm linh, yêu người là đức hạnh quan trọng hơn tất cả. Yêu người là mẹ đẻ của các đức hạnh khác. Nếu bạn yêu người, bạn sẽ có được khiêm tốn, thành thật, và ngay cả tĩnh lặng khá dễ dàng. Tuy nhiên trong đời sống chợ búa đầy tham sân si, thành thật là đức tính quan trọng hơn cả.

Thiên hạ có lẽ chẳng cần biết bạn có yêu người, khiêm tốn hay tĩnh lặng không, nhưng họ cần bạn thành thật, cần biết lời nói bạn đáng tin, cần biết bạn sẽ không nói dối, không lừa gạt, không trộm cắp, không đạo đức giả, không mang mặt nạ… Đây là điều rất dễ hiểu. Ai ở đời cũng sợ bị lừa gạt bởi người dối trá.

Trong ngũ thường – năm điều vĩnh cửu, tức năm đức hạnh của người quân tử trong Khổng giáo: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, tạm dịch phiên phiến sang tiếng Anh là love, proper behavior, loyalty, wisdom, và trustworthiness. Nhân, yêu người (lòng nhân), là đức tính quan trọng nhất. Tín, đáng tin, là đức tính ít quan trọng nhất. Nếu ta mất nhân, thì còn lễ (tác phong đúng đắn). Mất lễ thì còn nghĩa (trung thành với nhau). Mất nghĩa thì còn trí (khôn ngoan, trí tuệ). Mất trí thì còn tín (đáng tin). Mất tín thì còn zero, con người chẳng còn gì cả.

Thành thật/đáng tin, là thành trì đức hạnh cuối cùng, mất thành thật/đáng tin thì không còn gì nữa, tức là đứng dưới chuẩn làm người.

Nhưng thiên hạ vẫn không quan tâm đến chữ “tín”. Rất nhiều người trong xã hội lời nói không đáng tin, hay là đáng tin chỉ một phần nhỏ xíu, phần lớn thì chẳng đáng tin.

Có nhiều lý do lời nói không đáng tin. Nói dối trắng trợn thì đương nhiên rồi, nhưng phần lớn là không nói dối trắng trợn nhưng vẫn không tin được, như là:

Nói mù mờ: Khi nào rảnh em sẽ đến thăm chị. “Rảnh” là khi nào? Sang năm? Hay vài năm nữa?

Hứa lèo: “Hai tuần nữa em trả sách cho chị.” (Nhưng 5 tuần rồi chị vẫn chẳng thấy sách đâu). “Đọc xong em trả lại cho chị.” (Khi nào thì em đọc xong?)

Nói mà không nói: Em đi đâu đó? Dạ, em có vài chuyện phải làm. Nói thế thì chẳng nói gì cả. Đôi khi ta có chuyện không nên nói, thì không nói rõ được. Nhưng thường thường ta không có lý do để mờ ảo, nên nói rõ cho lời nói có ý nghĩa và cho thấy mình có cách nói chuyện đáng tin: Em đi đâu đó? Dạ, em ra tiệm sách tìm xem có cuốn nào thích thì mua về đọc.

Những người chuyên nói mờ ảo, mù mờ là người không đáng tin, vì họ cố tình mù mờ với mọi người như thế. Nói mà chẳng nói gì. Đó chẳng là nói với nhau. Người muốn giữ bí mật cả những điều chẳng có lí do để bí mật là người chẳng tin ai, và do đó chẳng ai tin người đó được.

Nói không bằng chứng: Einstein nói “Yêu người là đức hạnh của người trí tuệ.” Sách nào ghi Einstein nói vậy?

Nói kiểu superlative (nhất): “Cô bạn này là ca sĩ có một không hai trong thành phố này.” “Anh này là người kiến trúc sư giỏi nhất nước.”

Nói kiểu tuyệt đối: “Mọi người đều tham.” “Mọi người đều dối trá.” “Con người không đáng tin.”

Chẳng bao giờ commit (đứng vào một vị thế rõ ràng): Anh thích Hồng Nhung không? Cũng được. Phật Thích Ca? Cũng được. Chúa Giêsu cũng được? Michelle Pfeiffer? Cũng được. Phim người lớn? Cũng được. Chủ nghĩa tư bản? Cũng được. Xã hội chủ nghĩa? Cũng được?

Nếu điều gì bạn cũng thích một chút như thế, thì nói một hai câu vì sao bạn thích (và có điểm gì bạn chẳng thích) thì đáng tin hơn là nói ba phải kiểu Chí Phèo.

Có lẽ có nhiều cách nói nữa làm bạn không đáng tin. Nhưng điều quan trọng là bạn phải hiểu nói làm sao để lời nói mình đáng tin:

– Nói rõ ràng: “Em thích cuốn sách này, ngoại trừ kết cục làm em hơi cụt hứng. Có lẽ có hậu thêm một chút, thì em thích hơn.”

– Nói chính xác: “Trong Thánh kinh, Chúa Giêsu nói: ‘Muốn vào nước thiên đang thì hãy như trẻ em.'” “Ngày mai em sẽ đến nhà chị 9:30 sáng, hay xê xích một chút, tùy theo có kẹt xe không.”

– Hứa rõ ràng và giữ lời hứa: “Hai ngày nữa em có tin, em sẽ gọi chị”. Nếu hai ngày nữa chưa có tin, thì gọi chị báo: “Em chưa có tin. Có lẽ đợi thêm 1, 2 ngày nữa. Có tin thì em gọi chị.”

– Điều gì không biết thì nói không biết, không chắc thì nói không chắc, chắc chừng 70% thì nói chắc 70%…

Nói chung là lời nói của bạn phải là sự thật trong lòng bạn. Thành thật nghĩa là lời nói nào của mình cũng là sự thật theo hiểu biết tốt nhất của mình. Điều gì không nói thật được thì đừng nói. Giản dị như thế.

Các bạn, bạn phải sống thành thật, nói thành thật nhiều năm mới có được uy tín là người đáng tin. Nhưng bạn chỉ cần nói dối 1 lần là uy tín đó bị thương tổn, vài lần thì uy tín đó có thể sụp đổ hết.

Thành thật là thành trì. Không bảo tồn thì thành đổ.

Chúc các bạn luôn thành thật.

Mến,

Hoành

Bài cùng chuỗi
Thành thật – chữ tín
Chữ lễ
Chữ nghĩa

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

 

2 thoughts on “Thành thật – chữ tín”

  1. Em cảm ơn Anh, em rất thích bài này ạ, vì có nhiều ví dụ cụ thể cho mọi người thực hành.

    Có hai câu này trong bài em thấy thật thú vị về mặt triết lý:

    – “Tuy nhiên trong đời sống chợ búa đầy tham sân si, thành thật là đức tính quan trọng hơn cả.”
    – “Tín, đáng tin, là đức tính ít quan trọng nhất [trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín].”

    Chữ tín là quan trọng nhất trong đời sống chợ búa, nhưng lại là ít quan trọng nhất trong đời sống tâm linh. Có bạn hỏi: Tại sao Tín lại là ít quan trọng nhất? Điều là thành lũy chống đỡ cuối cùng, điều là nền tảng thì là quan trọng nhất hay ít quan trọng nhất?

    Bạn lấy ví dụ: “Mất đi người yêu, tôi vẫn còn bạn bè. Mất đi bạn bè, tôi vẫn còn gia đình. Mất đi gia đinh, tôi vẫn còn chính mình. Còn mất đi chính mình, tôi chỉ còn zero, tôi không là gì cả.”
    Mình cảm thấy đoạn ở trên rất logic và nó tương tự với đoạn mình trích dẫn. Thì là, mình cảm thấy, rõ ràng chính mình mới là quan trọng nhất, đúng ko?”

    Em có trả lời cho bạn là, “Bạn nghĩ như vậy thì cũng được, nhiều người nghĩ vậy, nhưng thực sự thì “cái tôi” hay “chính mình” chẳng quan trọng đến thế đâu, chỉ như là một sóng nước trên mặt biển đời vô tận thôi. Vì vậy mà Phật nói dẹp bỏ cái tôi (vô ngã) thì mới nhìn được sự thật.
    Nhưng dù cái tôi ít quan trọng, tôi cũng là nền tảng, giống như thành thật là phẩm chất nền tảng. Trên nền tảng đó ta xây dựng những điều tốt đẹp hơn, tình bạn, tình yêu, tình người. Có gia đình, người yêu, bạn bè của tôi thì đã có tôi trong đó rồi. Giống như anh Hoành nói các chữ khác trong ngũ thường đều đã bao hàm/sinh ra chữ tín rồi.

    Có lẽ so sánh hơn kém khiến chúng ta suy nghĩ khác nhau. Và đây cũng là một lời dạy của Phật nói rằng sự phân biệt, so sánh là đầu mối của chia rẽ, đau khổ. Đúng là nói ở mức sâu thì các phẩm chất đều rất gần nhau, chỉ cần tập trung giữ một đến mức rốt ráo là có được tất cả [lúc này đời sống chợ búa và tâm linh đã thành một ạ].

    Nhưng ở mức còn phân biệt, thì nền là nền và vẫn thấp hơn trần (tình yêu). Chữ tín, thành thật, là nền và ta phải cố gắng tối đa để giữ gìn, khi đất nước ta đang đứng ở thành trì cuối cùng này. Chỉ trong những trường hợp để cứu người (lòng nhân) hoặc cần thiết vì an toàn mới có thể không nói hoặc nói dối mà trong triết học gọi là “lời nói dối trắng”. Ví dụ về “lời nói dối trắng” là biểu hiện của việc lòng nhân cao hơn chữ tín, hay là vô chấp với những nguyên tắc của thế gian.

    Chỉ có hai điều tuyệt đối mà hai Thầy lớn dạy ở phương Đông và phương Tây (mà thực ra cũng chỉ là những lời khác nhau về cùng một điều) – Vô chấp và Tình yêu vô điều kiện – là những nguyên tắc không có ngoại lệ, là trần cao vô hạn mà chúng ta hướng tới.”

    Thảo luận này thiên về triết lý nhưng vì em rất ấn tượng nên em đã trả lời cho bạn ạ, giống như em cũng rất ấn tượng một bài anh viết về một câu khác của Khổng Tử : “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”, đa số người nghĩ đây là đi từ cái nhỏ đến cái lớn, từ việc nhỏ đến việc lớn. Nhưng trong tâm linh, thì ngược lại, “Tu thân là gốc rễ. Ta là gốc rễ của mọi điều ta làm, mọi sự ta có. Nên tu thân là đầu tiên, là quan trọng nhất.” Và thảo luận ở cuối bài này cũng là về điểm về điểm việc dễ, việc khó, việc ít quan trọng, việc quan trọng hơn này ạ.

    Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ

    em Hường

    Like

  2. Hường đưa ra một vấn đề lý luận rất interesting. Thực sự thì chúng ta có một chuỗi giá trị, nhưng nhìn từ hai hướng khác nhau. Và anh có cả hai hướng trong bài.

    1. Hướng tâm linh: Lấy người là chính, ta là phụ. Ta nên là “không tôi” (vô ngã). Trong hướng này thì nhân (người) là chính và ta (được người tin) là phụ.

    2. Hướng xã hội (đầy tham sân): Lấy ta là chính, thì “tín” là quan trọng nhất.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment