Cuộc đời là những liên hệ

Chào các bạn,

Cuộc đời của mỗi chúng ta là tổng số những liên hệ của ta với mọi người – bố mẹ anh chị em, thân nhân, bạn bè trong trường, bạn bè ở sở làm, đồng nghiệp, các bosses, khách hàng, đối tác… và Chúa, Phật, thánh thần… Chính vì đời sống là những liên hệ, cho nên những người bặt thiệp, giỏi ngoại giao, thường thành công – họ biết cách nói chuyện và ứng xử để làm mọi người vui.

Đương nhiên là bạn có thể học những phương pháp ngoại giao, nhưng chúng chỉ là bên ngoài. Nếu bên trong bạn tiêu cực về người đối diện, nhưng bên ngoài vẫn vui vẻ xã giao, thì thường bạn sẽ có vẻ gì đó lịch sự nhưng lạnh lùng, và do đó không thuyết phục. Cách ứng xử ngoại giao tốt nhất là tâm mình phải ấm áp và tích cực về người đối diện, thì những cung cách ứng xử ngoại giao bên ngoài mới toát ra một vẻ nồng ấm chân tình.

Nếu bạn có thói quen yêu tất cả mọi người, hay ít nhất là thói quen tích cực thân thiện với tất cả mọi người, thì cảm tình bên trong đó sẽ tự động biểu lộ ra ngoài trong cung cách chào hỏi và nói chuyện của bạn. Bạn chẳng cần phải học ngoại giao. Cách nói chuyện của bạn sẽ tự nhiên làm cho người ta có cảm tình.

Rất nhiều lần, một người mới gặp mình lần đầu (do bạn mình giới thiệu, chẳng hạn), nói với mình: “Anh có vẻ gì đó làm cho người mới gặp là đã tin tưởng anh. Anh làm kinh doanh hay gì thì cũng thành công.” Bà con nói thế cũng khá thường cho nên mình bắt đầu suy nghĩ: “Tại sao?” Câu trả lời, có lẽ là vì mình luôn ứng xử chân tình và tích cực với mọi người. Mình chẳng bao giờ phán đoán ai, chẳng bao giờ định giá người mới gặp, gặp nhau là nói chuyện chân tình. Có nhiều người mới gặp bạn là định giá bạn tức thì, thường bằng một liếc mắt rất nhanh từ trên xuống dưới. Có người gặp nhau lần đầu nói chuyện không mở rộng và có nhiều rào đón. Mình chẳng bao giờ muốn định giá ai, kể cả người mình biết ngay là đang nói chuyện thiếu thành thật với mình, nhưng mình vẫn quý các bạn như thế (vì người nói chuyện thiếu thành thật tràn ngập thế giới, có gì đáng quan tâm? Ai mình cũng quý). Và mình cũng chẳng bao giờ rào đón khi nói chuyện (nhưng đương nhiên là mới gặp nhau thì tránh nói những chuyện dễ gây tranh cãi). Có lẽ vì vậy mà các bạn nói là mình đáng tin tưởng. Ngay cả khi mình phải định giá đối thủ trong tòa chẳng hạn, định thì định vì nhu cầu chiến lược, nhưng mình cũng không vì thế và ứng xử tiêu cực hay thiếu chân tình. Tự nhiên mình vậy, chẳng phải cố gắng gì cả.

Có lẽ các bạn đã từng có kinh nghiệm gặp ai đó là có cảm tình ngay dù người đó chẳng có vẻ gì là rành ngoại giao ăn nói. Chân tình bên trong người đó tỏ lộ ra ngoài cho thế giới nhận ra.

Điều mình muốn nói là nếu bạn yêu (hay ít nhất là quý) tất cả mọi người, thì bạn tự nhiên thành công trong các liên hệ con người mà chẳng cần phải cố gắng.

Chúc các bạn luôn có nhiều liên hệ tốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

8 thoughts on “Cuộc đời là những liên hệ”

  1. Thành công và hạnh phúc của mỗi người được quyết định từ sự lựa chọn của họ. Em lựa chọn sống “yêu thương mọi người vô điều kiện” như anh nói.
    Nhưng cốt lõi của cách sống này là gì anh?

    Like

  2. Cach song nay la cach song cua Bo tat , cua The gioi hoa binh , khong san han , han thu , do ky ….the gioi cua hanh phuc ….nhu Bhutan ….

    Like

  3. Dạ, do em chưa trình bày đúng ý.
    Ý em là cách tốt nhất để sống yêu thương mọi người vô điều kiện có phải là: tâm mình luôn hướng đến người khác, luôn muốn giúp người khác không màng lợi ích cho bản thân đúng không ạ?

    Like

  4. Hi Hà,

    Chị thấy câu hỏi của em nên thử đưa câu trả lời theo kinh nghiệm của chị nhé.

    “Ý em là cách tốt nhất để sống yêu thương mọi người vô điều kiện có phải là: tâm mình luôn hướng đến người khác, luôn muốn giúp người khác không màng lợi ích cho bản thân đúng không ạ?”

    Lúc mình mới luyện tâm, đúng là mình có sự cố gắng “hướng tâm đến người khác” để không chỉ tập trung vào bản thân mình, thậm chí “không màng lợi ích cho bản thân”. Thực ra lợi ích ở đây là khi mình giúp đỡ và đem hạnh phúc đến với người khác, thì ngay lúc đó mình đã nhận được hạnh phúc rồi.

    Nhưng có một điểm lưu ý là vì đây là một nỗ lực chủ động, nên sẽ có lúc bị mệt, và có thể bị suy yếu qua thời gian, vì tư duy thông thường sẽ trỗi dậy: “ủa tại sao mình phải khổ như vậy, mình cũng cần lợi ích cho mình vậy”.

    Vì thế nên chị thấy nếu ngay từ đầu mình biết yêu mình và yêu người bình đẳng thì đỡ mệt hơn, đi sẽ chậm hơn nhưng chậm mà chắc. Và không phụ thuộc vào công thức, vì khi mình cảm nhận được tình yêu thật sự trong lòng thì tình yêu đó sẽ giúp mình biết cần phải làm gì.

    Yêu mình

    Và vẫn hướng đến yêu tất cả mọi người để nhận thức được ý nghĩa của “lợi ích” ở tầm mức rộng lớn hơn. Khi tâm đạt đến mức không phân biệt giữa mình và người khác nữa thì làm việc tốt trở nên tự nhiên như bản năng của mình vậy, và khi đó việc “không màng lợi ích cho bản thân” cũng dễ như hơi thở vậy. Vì lợi ích thật sự không nằm ở vật chất mà ở trong tình yêu, mà tình yêu thì vô hạn.

    Chúc em vui trên đường tu tâm,
    c. H

    Liked by 3 people

  5. Câu hỏi của Hà rất hay.Cảm ơn Hường đã giúp trả lời.

    Yêu theo nghĩa anh nói – tức là yêu với cảm xúc yêu, như yêu người yêu, yêu bố mẹ, chứ không phải là một khái niệm trừu tượng như bổn phận gì đó để làm – thì phải là tự nhiên.

    Nếu mình chưa yêu hay không yêu một cô, thì làm sao để mình yêu cô ấy được?

    Yêu phải đến với mình tự nhiên. Chưa yêu thì người ta thường có nhiều cách để gần gũi hơn với một người,như là:

    – Tôn trọng: cô ấy người Ninh Hồ (mình tạo ra tên này làm ví dụ, không biết có bị đụng chạm không), dù dân Ninh Hồ chẳng tin được, nhưng cô ấy có vẻ rất thật thà đáng tin. (Nếu ta có rào cản ngay từ đầu thì rất khó gần).

    – Đồng cảm: cô ấy cũng là sinh viên xa nhà như mình, chắc cần có bạn để chia sẻ

    Những ý thức về bình đẳng và đồng cảnh ngộ thường làm cho người ta gần nhau hơn. Nếu mình nhìn mọi người như là đồng cảnh ngộ “làm người” như mình, thì mình gần mọi người hơn. Nhưng đó vẫn chưa là yêu. Và chúng ta cũng thấy con người nói nhiều về bình đẳng, tương thân tương ái, blah blah… nhưng vẫn đánh nhau chí chóe, vì những khái niệm về bình đẳng và đồng cảnh vẫn chưa cho tình yêu để gắn bó. (Chú thích: bình đẳng thường có nghĩa là tôi có quyền nói gà, anh có quyền nói vịt, và chúng ta có quyền cãi nhau, và có quyền ghét nhau – đó là dân chủ).

    Anh cảm thấy hình như chỉ có một đường để đến với yêu mọi người vô điều kiện – Phật và Chúa đã đi qua, và anh cũng có kinh nghiệm như vậy.

    Đó là mình nhận ra được con người quá khổ – tham lam, sân hận, si mê, giành giật, stress, căng thẳng, ganh tị, dối trá, lường gạt, đâm sau lưng nhau, đấu đá, đánh nhau, giết nhau, tham nhũng, bần tiện, sợ hãi, băn khoăn, luôn thấy chênh vênh, bấp bênh, khó thở… Danh sách còn dài.

    Mình THẤY được con người (kể cả chính mình) sống như thế rất khổ, và mình rất THƯƠNG và TỘI NGHIỆP cho con người. Và mình NHẬN RA là có con đường để thoát được lối sống đó (mà mình vẫn sống với đời như bao người khác). Và do đó, minh rất MUỐN đi đường đó, trải nghiệm đường đó, rồi dạy lại cho mọi người bớt khổ.

    Đó là trái tim của một vị thầy, một Bồ tát (dù chỉ là Bồ tát mới tập sự vì đã Phát Bồ đề tâm – muốn giúp mọi người hết khổ chính là phát tâm nguyện Bồ tát).

    Đó là yêu với một cảm xúc rất mạnh, muốn mang đến cho mọi người hạnh phúc, hay ít nhất là mang đến cho họ con đường đưa đến hạnh phúc để họ lựa chọn. (Thực sự là có nhiều người làm lễ Phát Bồ đề tâm trong chùa, nhưng chẳng biết yêu gì cả, vì họ dùng công thức và làm việc lễ bái, nhưng chẳng biết yêu, và thường là trong lòng họ vẫn đầy đối đãi hơn thua, cho nên chẳng nghĩa lý gì).

    Anh không nói lễ chùa. Khi tâm mình tự hướng đến con người và tình yêu tự phát vì xúc cảm trong mình thúc đẩy trong lòng mình, thì đó là lúc tình yêu đã đến và chín muồi để mình yêu mọi người luôn luôn trong máu mình, mà chẳng phải cố yêu, như là mẹ yêu con – mẹ chẳng làm gì để thực hiện yêu, mẹ yêu trong dòng máu mẹ, không bao giờ quên yêu hay ngưng yêu.

    Anh có cảm tưởng rất khó để yêu mọi người vô điều kiện nếu mình không nhìn được cả thế gian như là một biển người mà mỗi người cần có cơ hội để tự giải thoát họ ra khỏi nhà tù của tâm trí họ.

    A. Hoành

    Liked by 2 people

  6. Chia sẻ với Hà chút kinh nghiệm của mình trong việc “luyện” yêu vô điều kiện nghen. 🙂

    Cũng như Hà, mình chọn yêu vô điều kiện trước khi thực sự yêu vô điều kiện. Nên tất nhiên, sẽ có không ít những lúc cảm thấy “yêu không nổi” – ngay cả đến bây giờ. 😀

    Như anh Hoành nói, yêu là cảm xúc trong tâm. Và mình thấy tâm truyền tâm. Nên yếu tố lớn giúp mình là cảm nhận về con người và tình yêu của Chúa Jesus. Đối với mình, Chúa là một “người” nhân từ, dịu dàng, luôn yêu tất cả mọi người – vô điều kiện -, dù là người hèn kém, lầm lạc, yếu đuối, yêu đến mức hạ mình xuống để nâng họ lên. Và tất nhiên, mình được Chúa yêu như vậy. Để mỗi khi khó khăn, để những khi lòng đầy bức bối, sân hận, mình trở về và được Chúa dang rộng tay đón nhận, một cách dịu dàng, và vỗ về. Và truyền cho mình thêm tình yêu, dạy mình cứ tiếp tục yêu – vô điều kiện – như vậy. Nhờ thế, lòng mình dịu lại, yên ổn và vững tâm, để tiếp tục nhìn mọi người với ánh mắt yêu thương. 🙂

    Liked by 1 person

Leave a comment