Chuẩn yêu người vô điều kiện

Chào các bạn,

Mình đã nói chúng ta nên có 30 ngàn thầy tâm linh, tức là thầy về cách sống với trái tim linh thiêng của chính mỗi chúng ta. Các bạn muốn đồng hành làm thầy tâm linh với mình thì lấy chuẩn thầy này: Yêu tất cả mọi người của thế giới, vô điều kiện.

Mình suy nghĩ về vấn đề này cả mấy chục năm. Các thầy trong các đền thờ của các tôn giáo hầu như bị ngập vào tham sân si, chính trị, quyền lực, đấu tranh, mê tín… Đó là các thầy tạm gọi là đứng đắn, không tính các thầy lừa lọc thuộc loại tội phạm.

Vấn đề rất rõ là các quý vị làm bất cứ điều gì, lễ bái kiểu gì, thuyết giảng kiểu gì, cầu nguyện kiểu gì, thì chỉ có một điều quý vị chẳng bao giờ thực hành là yêu tất cả mọi người vô điều kiện như Chúa Phật dạy. Mình quen biết đủ các cha, thầy, mục sư hàng lớn của thế giới, để biết quý vị tận mặt, chẳng là đoán mò. Mọi người đều thích nói đủ mọi thứ triết lý và thần học, nhưng một điều cần kíp thì chẳng ai làm.

Các bạn, đối với thế giới chúng ta, việc bạn vào Niết Bàn, Thiên Đàng, thành Bồ Tát, thành thánh, đều có zero nghĩa lý. Nghĩa lý đối với thế giới này chỉ nằm trong một điểm duy nhất: Bạn có yêu thế giới loài người đủ, để thấy toàn thể loài người là anh chị em của bạn đang trong vòng si mê đau khổ vì đủ mọi thứ, và bạn vượt hẳn lên trên mọi tranh chấp, đúng sai, thành kiến, phán đoán để chỉ yêu anh chị em của mình, dù người ấy tốt hay tệ thế nào?

Nếu bạn được vào Thiên đàng. Tốt, cho bạn. Nhưng chẳng ăn nhập gì đến thế giới nếu bạn chỉ nằm ngủ ở Thiên đàng và không quan tâm đến ai. Cho nên, chỉ một điều có ý nghĩa cho đời sống tâm linh của chúng ta là yêu người – yêu tất cả mọi người vô điều kiện (vì yêu đối đãi có qua có lại kiểu phàm phu thì cũng như không, tạo được zero hay số âm năng lượng tích cực cho chính bạn và cho thế giới).

Cho nên, chúng ta hãy là những người thầy chân thật. Không lảm nhảm lý thuyết, mà thực hành chân thật, bằng tình yêu mênh mông của mình.

Hãy khởi sự tại đó – tình yêu – rồi chúng ta sẽ cùng đồng hành trên con lộ tình yêu đến vô tận.

Đó là chuẩn thầy. Mình nhận ra chuẩn này là chuẩn cao nhất chúng ta có thể có vì nó (1) từ Phật Thích Ca và Chúa Giêsu và (2) thiên hạ chẳng ai chịu làm.

Cao như thế, nhưng mình đã thực hành nhiều năm và thấy nó dễ hơn là sống đối đãi yêu ghét rất nhiều, vì chỉ có một việc để làm là yêu, khỏi phải tính toán khi nào yêu khi nào ghét và yêu thì làm gì hoặc ghét thì làm gì cho bỏ ghét.

Nếu chúng ta có 30 ngàn thầy hạ quyết tâm yêu người như thế, chúng ta sẽ thay đổi thế giới. Bắt đầu từ Việt Nam đi ra. And that is my promise.

Chúc các bạn luôn yêu người.

Mến,

Hoành

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Chuẩn yêu người vô điều kiện”

  1. Có một phát hiện nho nhỏ chia sẻ với mọi người:
    Muốn khỏe (thể xác tốt, tinh thần tốt) thì âm dương thuận hòa thủy hỏa cân bằng. Muốn khỏe cần đạt được tĩnh lặng. Tĩnh lặng tạo ra nhiều điều kỳ diệu cho mỗi cá nhân và mọi người xung quanh.
    Nhưng nếu không yêu người thì sẽ không thể có tĩnh lặng.
    Cảm ơn anh Hoành luôn chia sẻ và chỉ dạy.

    Like

  2. Em cảm ơn anh! Vì tâm anh lớn như vậy cho đất nước nên những ngày đầu vào DCN đọc bài, cho tới nay gần 7 năm biết tới anh và chị Phượng, em nhận thấy em có nhân duyên và động lực lớn để tăng trưởng tình yêu thương, phúc tuệ và muốn lan toả cho cộng đồng anh Hoành ạ.
    Em cảm ơn anh và chị Phượng!

    Like

  3. Gửi anh Hoành,

    Đọc bài của anh một thời gian rồi, hôm nay em muốn hỏi và chia sẻ với anh một điều. Em đọc và biết được rằng Yêu người vô điều kiện là cái cốt lõi của lời dạy Chúa/Phật. Em muốn thực hành điều đó nhưng em cứ gặp khó khăn vấp váp hoài anh ơi. Mỗi ngày nhìn lại, em đều thấy trong ngày mình đã có những hành động phê phán, chỉ trích hay tấn công hoặc có suy nghĩ chê bai người khác. Dù cuối ngày có thấy áy náy, quyết tâm mai lại cố gắng khắc phục nhưng rồi hôm sau lại hành xử, suy nghĩ như vậy.

    Giữa ý muốn và suy nghĩ hành động của em có sự khác biệt như vậy nên em thấy rất buồn. Khi mà mình biết đâu là cái đúng, nhưng mình vẫn hành xử rất bản năng, như đó giờ xã hội vẫn dạy mình chứ chưa theo được lời dạy Chúa/Phật. Dẫn đến đọc bài của anh mỗi ngày em lại thấy cắn rứt với lòng mình. Em có trò chuyện với Chúa Jesus mỗi tối, nói về những điều mình làm chưa theo lời dạy của Chúa, nhờ Chúa giúp em ngày hôm sau, nhưng em cứ cảm thấy mọi chuyện xảy ra quá nhanh, em không kịp nắm tay Jesus hay cầu nguyện gì cả khi mọi chuyện xảy ra, và đâu lại vào đấy.

    Em đang không biết nên làm gì, nên đi như thế nào để đồng nhất được cái mong muốn của mình với cái mình làm thực tế anh ạ.

    Anh Hoành chỉ dẫn giúp em với nhé!

    Liked by 1 person

  4. Em cũng thấy yêu vô điều kiện dễ hơn. Ngoài việc đỡ phải phán đoán, lựa chọn, rất mệt đầu, mà nhiều khi có những người mình “xếp” họ vào nhóm “không đáng yêu”, rồi lại có lúc thấy người ta có những cái hay, những cái dễ thương mà mình thấy “rất đáng yêu”, khi đó lại (i) lúng túng vì đã lỡ xếp họ vào nhóm “không đáng yêu” để giờ không thể thể “yêu” thoải mái và (ii) nếu xếp họ lại sang nhóm “yêu” thì cũng áy náy là trước đây xếp nhóm sai cho họ. Rất nhức đầu, tội cho mình. 😀

    Liked by 1 person

  5. Dear chị Mai Anh,
    Em xin chia sẻ chút kinh nghiệm của bản thân.
    Em hay đặt bản thân mình vào vị trí người khác để nghĩ. Trước khi định chỉ trích, phê phán ai đó, em biết họ cũng đầy những niềm đau, nổi khổ. Bản thân họ cũng có những lý do, những khó khăn riêng mà mình không thể thấu hết được. Vậy, khi em quán vào những điểm đó, em thấy dễ đồng cảm với mọi người hơn rất nhiều.

    Thánh Kinh dạy, yêu người vô điều kiện, yêu một chiều. Em coi mọi người như anh chị em ruột thịt, người thân của mình hoặc coi họ là mình vì mình và họ đều là con Chúa mà chị. Khi giả thiết như vậy, cách cư xử của em với mọi người cũng dịu dàng, ân cần hơn, như với người thân hoặc bản thân mình vậy chị ạ.

    Càng lớn, em thấy cái chuẩn để đánh giá một người tốt xấu, đúng sai càng rộng. Họ có thể sai ở khía cạnh này nhưng khía cạnh khác thì chưa chắc. Kiến thức, tầm nhìn của mình là hạn hẹp, nhiều khi ý kiến của mình chỉ là định kiến của bản thân lên người đó. Hơn nữa, một người có thể thay đổi chỉ qua một sát na. Hôm nay, họ có thể xấu đó nhưng biết đâu ngày mai họ là Thánh Nhân. Bản thân mình cũng vậy chị ạ. Em luôn cố gắng canh giữ trái tim mình. Hôm nay mình tốt, nhưng liệu ngày mai cuộc đời đưa đẩy, mình còn tốt nữa không? Cái đánh giá, nhận xét của mình giờ thật tạm thời.

    Có một thời gian, em hơi khủng hoảng khi phát hiện ra xung quanh mình, có nhiều người làm những điều không tốt. Lúc đó em hơi shock. Và nhờ hai bài viết này của anh Hoành, em thấy mình ổn hơn nhiều:

    Giữ trái tim tinh khiết

    Can đảm

    Dù bây giờ chị đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề yêu người, chị cũng đừng lo chị nhé. Nhà phật bảo mình không được chấp, chấp vào việc “ yêu người vô điều kiện “ cũng khiến mình đau khổ đó chị. Chị cứ chấp nhận toàn bộ con người mình có bây giờ. Dần dần mọi thứ sẽ tốt lên và chị đang tốt lên mà chị không thấy đó ạ .
    Chị đọc thêm bài này của anh Hoành ạ:

    Làm lại với tấm bảng sạch

    Khi có nhiều nỗi buồn hay có vấn đề cảm thấy quá sức với mình, em hay đi bộ ngoài công viên hoặc đi bơi. Em giao tất cả mọi thứ lên tay Chúa. Đây là lời cầu nguyện của em: “Chúa ơi! Xin Người ôm lấy con người nhỏ bé, yếu đuối của con lúc này. Chuyện này thật khó khăn với con, con giao hết mọi chuyện vào tay Người. Con tin Người luôn chỉ những con đường tốt nhất mà con nên đi. Mọi kế hoạch, mọi mục tiêu, tất cả những gì con có, con xin được dâng lên Người. Có Người ở bên, con thật bình an. “ Và sau đó, em thấy mọi thứ ổn hơn rất nhiều.

    Em duy trì đọc bài của anh Hoành hằng ngày. Đọc lời cầu nguyện của chị Hương và câu chuyện của chị Matta Xuân Lành như một liều thuốc, để căn dặn, duy trì và cải thiện thái độ sống của mình. Cố gắng làm mọi việc với Chúa, Phật. Em cũng hay quên lắm nhưng em đang tập, quên em lại Xóa Bảng và làm lại từ đầu.

    Em vẫn còn nhiều tham sân si, dễ nổi cáu nhưng em luôn tin, em đang tốt dần lên.
    Cuộc sống của em nhiều bình an khi thấy mình gần Chúa Phật.
    Và hơn hết, như chị Quỳnh Linh nói, yêu người vô điều kiện thì mình đỡ mệt chị ạ 🙂
    Một chút chia sẻ với chị, chị nhé!
    Mong bình an của Chúa, Phật luôn bên chị.
    Em Linh.

    Liked by 4 people

  6. Gửi anh Hoành!
    Nếu chúng ta phải học yêu thương vô điều kiện, đối với từng cá nhân chúng ta sẽ có thể làm điều đó. Tuy nhiên, với các chính trị gia, những người phải lo cho công dân của họ thì em nghĩ khó.
    VD: đặt trường hợp trong việc xây tường biên giới của Mỹ, anh sẽ tiếp nhận những người nhập cư bất hợp pháp hay anh sẽ từ chối họ để tránh những xung đột có thể xảy ra cho công dân của mình?

    Like

  7. Hi Hà,

    Very good question. Anh nói yêu tất cả mọi người. Anh chẳng nói phải làm gì trong mỗi trường hợp, vì mình chẳng biết làm gì cho đến khi chính mình ở trong trương hợp đó, vì mọi suy đoán đều là lý thuyết và suy đoán.

    Mẹ dạy con, yêu con, nhưng vẫn có khi phải mắng mỏ, la rầy, và phạt… vì giáo dục thì có nhiều phương tiện, và mỗi phương tiện đều dùng được một lúc nào đó. Thẩm phán vẫn yêu tù nhân những vẫn phải tuyên án tù.

    Nhưng mẹ mắng con vì yêu con và dạy con khác với mẹ mắng con vì mẹ đi làm về mệt và stressed quá và mắng như một phản xạ của stressed. Nhà tù có tình yêu khác với nhà tù không có tình yêu và ứng xử với tội phạm như côn đồ đáng bị trừng phạt mỗi ngày.

    ANh chẳng là tổng thống Mỹ để quyết định về việc dân nhập cư tại biên giới, nhưng có lẽ anh có một số điểm mốc để tư duy:

    – Anh có khuynh hướng muốn biên giới Mỹ mỏ rộng cho di dân vì nước Mỹ là nước di dân, do di dân xây dựng và phát triển, và chính anh cũng là di dân. ANh tin rằng nước Mỹ cường thinh nhờ luôn có máu mới của di dân chảy vào.

    – Tại sao tự nhiên có hàng ngàn người từ vài quốc gia rủ nhau đến biên giới Mỹ? ANh muốn tìm hiểu nguyên nhân và tổ chức.

    – Anh muốn làm việc và thảo luận với các quốc gia lân cận, nhất là Mexico, để nhờ hợp tác về an ninh và giải quyết vấn đề di dân.

    – Anh muốn tim hiểu nếu loạt di dân này mình nhận vào gần hết, thì mình có kích thích thêm hằng loạt di dân lớn hơn cả chục lần, làm náo loạn cả vùng biên giới cũng như các quốc gia Nam và Trung Mỹ hay không.

    – ANh muốn làm việc với LHQ và Security Council của LHQ về khả năng vấn đề di dân có thể được ai đó thổi nó lớn lên thành vấn đề an ninh trong vùng.

    – Nói chung anh sẽ làm việc với thế giới, và dùng luật di dân và luật về human rights của Mỹ và quốc tế, để xác định những người nào nên cho vào Mỹ, những người nào có thành tích tội phạm và không có lý do chính đáng để xin tị nạn. ANh sẽ giữ các di dân ở biên giới Mexico ngoài Mỹ, hợp tác với Mexico để tạo trại tị nan cho họ ở ngày đó và giúp Mexico trả chi phí cho trại tị nạn, và kêu gọi cộng đồng quốc tế phụ vào.

    – Anh sẽ cho hệ thống di trú và an ninh của Mỹ đủ thời gian để lọc người cẩn thận, và thời gian đó cũng cần để làm tình hình giảm nóng, và không kích thích nhiều di dân ồ ạt đến nữa (Vì chờ lâu một chút thì nhiều người chẳng muốn nhào vô).

    – Và qua kinh nghiệm di dân của anh, anh biết là di dân luôn làm cho nước Mỹ giàu mạnh. Nước khác nuôi người dân lớn lên 20, 30, 40 năm, tự nhiên họ chạy vào nước mình phục vụ mình. Nếu không nhận là dại. Nước Mỹ không được như ngày nay nếu không có di dân tiếp tục vào Mỹ từ thời lập quốc cho đến nay.

    Nhưng TT Trump có chính sách hiện thời là gỡ nước Mỹ ra khỏi các gánh nặng quốc tế Mỹ gánh chịu xưa nay cũng như các thiếu hụt trong cán cân thương mại của Mỹ. Chính sách đó có tính nhất quán của nó, và trong một số trường hợp nó có vẻ và/hay có thể cực đoan. But he is the president and I am not.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  8. Hi Mai Anh,

    Cảm ơn Thiều Linh đã chia sẻ kinh nghiệm trả lời Mai Anh.

    Vấn đề rất giản dị, Mai Anh. Nếu mình đang đai vàng thì chẳng thể nào vào một đòn nhanh như chớp mắt, nhẹ nhàng như vũ công đang múa, nhưng ném đối thù văng xa cả 7m, 8m và nằm luôn đó. Môn học nào cũng cần thời gian.

    Anh đã học nhiều môn ở đời và môn nào cũng đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn của mình. Cho nên anh chẳng hấp tấp khi học môn gì. Điều chính là “không nghỉ học”, tức là ngày nào, giờ nào, cũng giữ trong đầu ý niệm “yêu thương tất cả mọi người vô điều kiện.” Ý niệm kiên trì học hỏi đó chính là bước vào trường mỗi ngày, rồi từ từ mình sẽ khá. (Kiểu như là: Anh không cần mua hoa cho em mỗi ngày, không cần phải đón em về học mỗi ngày. Nhưng ngày nào anh cũng nhớ là anh yêu em, vậy là đủ cho em. Tâm là chính.)

    Khái niệm của mình về cuộc đời và con người cũng giúp mình nhiều. Từ lúc anh nhận ra Phật pháp cực kì sâu sắc ở chữ “si mê”, con người ta si mê (ngu dốt) rất nhiều tầng, từ tầng ăn cướp đến tầng tăng ni thầy bà, thì anh nhận ra là con người thật là đáng thương, thật ngu si dại dột. Nếu mình hạ quyết tâm yêu mọi người vô điều kiện là mình mất hết nhiều si mê lắm rồi, chỉ còn lại một ít, so với bàng dân thiên hạ. Nếu mình đã sáng ra một mớ như thế, mà thiên hạ vẫn chẳng biết gì, thì cũng thấy tội nghiệp họ vẫn đắm chìm trong bóng tối.

    Tôi nghiệp tức là yêu. Từ tội nghiệp tới yêu chỉ nửa bước.

    Chúc em vui.

    A. Hoành

    Liked by 4 people

  9. Gửi chị Thiều Linh,
    Đọc những chia sẻ của chị em thấy rất ấm áp.
    Em thấy đúng là em đang chấp vào việc phải yêu người vô điều kiện nên tự gây đau khổ cho mình.
    Mỗi buổi tối em hay đi dạo bộ, thực hành thêm câu cầu nguyện chị Linh chia sẻ em thấy mình bớt căng, nhẹ lòng hơn nhiều.
    Cảm ơn chị nhé!

    Ví dụ của anh Hoành làm em nhớ đến lúc tập võ, vô tình em đeo đai vàng thật, khi được thầy thực hành cùng một thế tự vệ bẻ tay và vật em xuống thì em la oai oái, mắt tự động nước mắt lưng tròng vì đau. Cơ thể lúc ấy chưa chịu đựng được cơn đau ấy như mấy anh chị đai đen khác. Nên là em hiểu được ý của anh nói ghê. Và thấy mọi thứ đơn giản hẳn. Trước đó em đã tự thúc em mình quá.
    Cảm ơn chia sẻ của anh nhiều.

    Like

Leave a comment