Đối đãi và rốt ráo

Chào các bạn,

Rốt cuộc rồi mình cũng có thể nói với các bạn lý do chính của mạt pháp.

“Mạt pháp” là chữ mình nghe từ hồi còn nhỏ, chẳng biết là mấy tuổi, và mình cũng hiểu mang máng đó là nói về đạo đức xuống cấp. Lớn hơn một chút, có lẽ là thời học triết ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, mình hiểu mạt pháp là sự xuống cấp của giáo pháp (the degeneration of Dharma), và đây là từ của Phật triết, và mạt pháp là nói về xuống cấp của Phật pháp.

Tuy nhiên, mình chẳng mất thời gian gì để thấy ngay là mọi tôn giáo đều đang ở thời mạt pháp như nhau, vì mọi tôn giáo – từ hàng tu sĩ đến giáo dân – đều tham sân si như nhau. Duy chỉ có Phật giáo là nghiêm chỉnh và khiêm cung nhất để xác nhận mình đang bị mạt pháp. Chẳng giáo pháp nào khác của thế giới thấy hay chấp nhận là mình đã xuống cấp, dù đã xuống cấp cả hàng nghìn năm, chẳng chỉ mới cách đây một tháng.

Dù mình hiểu mạt pháp là gì, chỉ cần nhìn vào tư duy và tác phong của người các giáo phái là biết ngay, nhưng bí mật vẫn là điều gì tạo ra mạt pháp. Nếu các bạn Google, có lẽ cùng lắm là các bạn tìm được một ít mô tả về mạt pháp là gì, nhưng có lẽ các bạn sẽ chẳng tìm ra lý do của mạt pháp. Một lý do, mà chẳng là lý do, ta có thể nghe nói là “vì thời này đã xa thời Phật đang hành đạo trên cõi ta bà này.” Nhưng đó chẳng là câu trả lời. Kiểu như “Mấy đứa con hư vì không có bố mẹ gần bên.” Yes, nhưng tại sao chúng nó hư? Vì chúng nó không chịu học? Không có tiền đóng tiền học? Chạy chơi theo mấy đứa du côn? What?

Sau nhiều năm, nhờ cố gắng thực hành lời Chúa Giêsu và Phật Thích Ca, mình đã khám phá ra lý do chính của mạt pháp.

Nhưng có một điểm quan trọng mình cần mở ngoặc ở đây để nhắc nhở các bạn. Các bạn, muốn học điều gì đến nơi đến chốn – tức là nắm được tinh yếu của môn học – thì các bạn phải học rất nghiêm chỉnh. “Rất nghiêm chỉnh” nghĩa là “bài học của thầy thế nào thì cứ như vậy mà thực hành cho đến khi thuần thục.” Câu này giản dị vậy, nhưng khi dùng thì hầu như cực kỳ ít người làm được.

Ví dụ: Thầy dạy là yêu mọi người. Đó là bài học: “Yêu mọi người”. Vậy thì ta phải “Yêu mọi người.” Mọi người là mọi người. Nếu không làm được, thì tập làm cho đến khi làm được. Đừng đổi thành “Yêu mọi người… tốt/cùng đạo/không gian tham/không ghét mình…” Đó là học không nghiêm chỉnh, và đó không phải là bài học của thầy, mà là bài học của bạn, cho bạn.

Điều này cực kì quan trọng cho sự học của bạn. Mình rất nhiều năm thắc mắc tại sao mình có nhiều bạn rõ ràng là thông minh hơn mình, hay ít nhất là bằng mình, lại học hành chăm chỉ siêng năng hơn mình, mà mình học thì thường trội hơn chúng hắn, và học càng lâu thì mình càng vượt chúng hắn rất xa. Đây là một bí ẩn làm mình rất áy náy nhiều năm, vì mình cảm thấy có gì đó unfair (thiếu công bình) cho các bạn của mình. Chẳng lẽ ông trời bất công, thiên vị cho mình và đì chúng hắn? Rất nhiều năm sau mình mới khám phá ra là ông trời chẳng thiên vị, mà đó chỉ là vì mình học rất nghiêm chỉnh – bài của thầy thế nào thì cứ thế mà làm, không đổi một ly, làm không được thì làm mãi cho đến khi làm được.

Các môn cực kì chính xác như toán hay vậy lý thì không nhúc nhích gì được, nhưng các môn thiên về nghệ thuật một chút như văn, sử, đến kinh tế, xã hội học, rồi đến triết lý, rồi tâm linh.. độ lỏng lẻo và uyển chuyển càng tăng thì học trò càng có khuynh hướng chỉnh bài học của thầy thành bài học của mình.

Và điều này đưa ta đến nguyên nhân chính của mạt pháp: Mọi tôn giáo đều bỏ lời của Thầy và chỉ học lời của họ cho chính họ.

Điểm gốc trong giáo huấn của Phật và Chúa là: Yêu tất cả mọi người vô điều kiện. Tức là từ tâm vô lượng. Tức là yêu mọi người, không loại trừ một người nào trên thế giới. Vô điều kiện là chẳng đòi hỏi gì ở mỗi người – tốt, đẹp, thánh thiện, tử tế, không ăn cướp, không giết người… Bất kì là ai, họ thế nào, thì cũng yêu họ. Đó là vô điều kiện. (Đôi khi mình thêm “một chiều” cho rõ ràng thêm, nhưng “vô điều kiện” thì đương nhiên là “một chiều” – không đòi chiều ngược lại).

Nhìn cách các tôn giáo tư duy và ứng xử trong thực tế, chẳng ai thực hành điều dạy này. Và họ đổi bài học, từ trong lý thuyết và giáo điều ra đến hành động trong cách sống hằng ngày, thành yêu có điều kiện.

Yêu có điều kiện là yêu tôi thì tôi yêu, ghét tôi thì tôi ghét. Yêu Chúa thì tôi yêu, ghét Chúa thì tôi ghét. Giữ đạo pháp thì tôi yêu, chống đạo pháp thì tôi ghét. Tốt với dân thì tôi yêu, không tốt với dân thì tôi ghét…

Yêu có điều kiện thế này thì sao, các bạn? Không phải yêu có điều kiện thì rất hợp lý sao?

Đương nhiên yêu có điều kiện thì hợp lý với lý lẽ của chúng ta. Nhưng có vài vấn đề ở đây:

1. Đó không phải là điều Thầy dạy. Thầy dạy yêu mọi người của thế giới, không chừa ai, vô điều kiện.

2. Chín tỉ người của thế giới, kể cả trẻ em, người ngu, người tâm thần, kẻ sát nhân, phường trộm cắp, đều yêu có điều kiện. Vậy một tôn giáo mà mọi người đều yêu có điều kiện, thì bạn đã học được gì? Tại sao “luyện tập trái tim” mình bằng chỉ làm điều mình vẫn làm xưa nay, và mọi người kể cả mọi tội phạm của thế giới cũng làm? Sao tốn thời giờ cả đời để luyện tâm kiểu “không luyện tâm chút nào”?

3. Đây là điều chính: Bạn không làm đúng lời Thầy, bạn tuyệt đối chẳng học được gì, cho cá nhân bạn và cho cả giáo phái của bạn.

Đó là lý do chính của mạt pháp. Thiên hạ không học yêu mọi người vô điều kiện, và tất cả, mọi cá nhân và mọi giáo phái, đều học và ứng xử kiểu đối đãi – tức là có qua có lại – yêu có điều kiện, yêu kiểu “hợp lý” của người thế gian.

Nhưng điều các Thầy dạy là trí tuệ từ Trời, từ Phật. Sâu thẳm hơn mọi lý lẽ thế gian.

Dù vậy mọi “đệ tử” vẫn vui vẻ, sung sướng, không ngượng ngùng, hăng hái bỏ lời Thầy, để thoải mái sống với bản tính tham sân si của mình xưa nay. Hơn thế nữa, yêu và ghét kiểu có qua có lại là giáo điều chính thức của hầu hết mọi giáo phái – kiểu phe Chúa chống phe Satan, phe Phật tử chống lại phe phá hoại giáo pháp…

Các bạn, nến bạn muốn sống kiểu phàm phu đối đãi, mình chẳng có gì thấy sai. Bạn hoàn toàn có quyền sống như thế. Nhưng nếu bạn sống như thế, thì please, hãy có một chút công bình cho Chúa/Phật, đừng mang tên Chúa/Phật ra để nói gì, đừng nói “Tôi theo Phật theo Chúa”, đừng nói “Đạo tôi thờ Chúa, thờ Phật” (trừ khi bạn nói chuyện kiểu: “Tôi nói tôi ‘thờ Chúa thờ Phật’ là vái lạy nhang đèn, tôi có nói tôi ‘học Chúa học Phật’ hồi nào đâu.”)

Tội nghiệp cho Chúa Phật quá đỗi. Mình thường rất đau lòng cho Chúa Phật, hầu như mình đau hằng ngày, vì thế nhân ngu dốt lạm dụng (abuse) hai vị kinh khủng quá.

Đây là vấn đề lựa chọn cá nhân. Các bạn chọn sống thế nào cũng được. Nhưng nếu các bạn chọn sống đúng như lời Chúa Phật dạy, thì nhớ là các vị dạy như thế không chỉ để bạn có Thiên đàng/Niết bàn trong lòng bạn, mà còn là để các bạn dạy nhiều người khác sống như thế để họ thoát được khỏi si mê của họ, và để chúng ta thêm một chút Thiên đàng vào thế giới ta bà nhiều đau khổ này.

Làm đẹp thế giới bằng làm đẹp trái tim con người, đó là điều ta làm khi ta làm đúng lời Thầy dạy.

Chúc các bạn luôn học rốt ráo lời Thầy.

Mến,

Hoành

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

8 thoughts on “Đối đãi và rốt ráo”

  1. Em cảm ơn anh Hoành!
    Đích của bài này anh muốn nói tới đó là muốn học được tinh yếu của môn gì ta cần:
    1/ “Phải học rất nghiêm chỉnh”.
    2/ Y HÀNH theo lời thầy dạy.
    => Điều này là rất chuẩn mực.
    Đúng là bản thân em
    mắc rất hay tư duy và làm theo thói thường tức là theo ý của mình mà không theo chuẩn mực lời dạy của thầy.
    Và khi làm chuẩn mực theo lời thầy
    rồi ta phải trì được điều đó. Nếu không cũng uổng phí anh ạ.
    Anh cho em hỏi làm thế nào để biết lời thầy dạy “là Trí tuệ từ Trời, từ Phật. Là sâu thẳm hơn lý lẽ thế gian ạ?”
    Nếu y hành theo lời thầy là tư duy của thầy thì ta sai lầm ạ?
    Có cái gì để ta bám vào quy chuẩn ạ?
    Xin anh chia sẻ cho em.
    Em cảm ơn anh!

    Like

  2. Em thấy có một xu hướng dùng đạo Phật để nói về thế giới thiên thần, tinh linh,… hoặc là một xu hướng khác là Thiền khai mở luân xa, hoặc một xu hướng nữa là nói về linh hồn bất tử. Những xu hướng này khiến em cảm thấy rất phân vân, không biết đường đó có xa rời cuộc sống thực tế quá không?

    Nhưng có lẽ mỗi người đều có mối quan tâm của riêng mình tùy theo sở thích và căn cơ, em chỉ mong mọi người có thể hiểu được cốt lõi của đạo Phật rất đơn giản như thế, như anh đã tập trung nói lại mỗi ngày: là từ bi hỉ xả, là tình yêu từ trái tim vô ngã. Chỉ cần dùng một điều đó, từ bi, là có thể đánh giá được toàn bộ đạo pháp hay trình độ tu tập của Phật tử. Vậy mà tại sao người ta vẫn đi lạc?

    Em có người bạn rất giỏi, là tiến sĩ Toán, và bạn nói “Tớ cuối cùng cũng chẳng hiểu rõ vấn đề chùa Ba Vàng là sao? Có phải là đấu đá nội bộ hay thực sự có vấn đề? Lên tới chức Đại đức đó thì cũng phải am hiểu phần nào chứ nhỉ?”
    Em nghĩ nếu dùng tâm từ bi để đánh giá thì đâu có khó để nhận ra chùa BV sai lạc chánh pháp đến mức nào. Nhưng có phải vì bạn em và có thể nhiều người nghĩ đến những điều phức tạp, về mọi thứ “tái sinh, địa ngục, cõi trung giới, hoặc ngạ quỷ, vong hồn, hoặc atula, hay chư thiên, hoặc phạm thiên, các cảnh giới cõi thượng giới…” mà quên mất cốt lõi giản dị này chính là tâm điểm giáo pháp không ạ?

    Còn sự đi lạc trong Thiên chúa gia, hoặc Hồi giáo, em nghĩ là tình yêu với điều trừu tượng, vào một hình ảnh Thiên chúa trong lòng mỗi người mà gây mâu thuẫn với nhau. Có lẽ đây là lý do về điều răn “Không được thờ hình tượng” trong Mười điều răn đầu tiên của Thiên Chúa. Và cũng rất giống với Sự Thật mà Đức Phật nói đến, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ hay bằng bất kì hình thức nào. Vì điều không thể diễn tả này mà người ta cứ cố đi tìm, để rồi đi lạc vì thực ra điều đó cũng ở ngay trước mặt, trong trái tim mỗi người phải không ạ? Là tình yêu một chiều vô điều kiện mà anh đã rất tập trung chỉ lại cho chúng em.

    Em thử trả lời cho câu hỏi của Bích Diệp ở trên ạ: Anh cho em hỏi làm thế nào để biết lời thầy dạy “là Trí tuệ từ Trời, từ Phật. Là sâu thẳm hơn lý lẽ thế gian ạ?”
    Lời Thầy dạy là yêu mọi người. Đó là bài học: “Yêu mọi người”.
    Chỉ vậy thôi em ạ. Tình yêu thật sự tự nó sẽ sinh hoa trái.

    Like

  3. Hi Hường,

    Gốc của giáo pháp chỉ là môt, hai điều. Nhưng một hai điều đó chỉ là một điêu.

    Vi dụ: Vô chấp, vô ngã, từ bi vô lượng.

    – vô chấp là vô ngã.

    – vô chấp cũng là tư bi vô lượng – yêu moi người và không lấy phán đoán của mình để quyết định yêu hay không, vì phán đoán của mình là chấp ngã. Vô ngã, vô chấp tức là yêu mọi người vô lượng.

    Cho nên, vô chấp, vô ngã, từ bi vô lượng là 3 từ, nhưng thực ra chỉ là một điều.

    Dùng từ bi vô lượng (yêu mọi người vô điều kiện) là lấy cụ thể về cách sống của mình với mọi người để đo lương. (Vô chấp và vô ngã có khuynh hướng trừu tượng hơn và khó đo lường hơn).

    Chỉ một điều gốc, thiên hạ (kể từ sư ni đến giáo dân) đã chặt mất gốc, và thay thế bằng đối đãi phàm phu của họ. Thì một triệu thứ rác khác ùa vào khi thành trì đã bị vỡ là điều đương nhiên.

    Mọi tôn giáo cũng bị mất gốc như thế, thay lời Thầy bằng rác của phàm phu, và qua nghìn năm tôn giáo nào cũng có, anh nhẩm tính, ít nhất là môt ngàn thứ rác khác nhau – tức là các lệ luật, giáo điều, tín điều và các practices (hoạt động) rác rến. Có gì là đáng ngạc nhiên?

    Nhưng bản tính con người là vậy. Luôn đổi mọi điều thầy dạy bằng chính tham sân si của mình đế sống theo kiểu tham sân si của mình. Và từ đó nhà thánh trở thành bãi rác.

    Giải pháp không phải là dọn rác, mà là dạy cho mọi người biết điểm gốc của chánh pháp là gì. Khi người ta nắm dược điểm gốc đó thì người ta có ánh sáng, và ánh sáng tự động đầy lùi bóng tối (rác rến).

    Mất gốc là mất tất cả.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  4. Dear chị Hường,
    Việc nhiều người tin theo gọi vong giải nghiệp vừa rồi rất là đáng thương và buồn lòng chị nhỉ. Em đoán là anh Hoành không muốn lan toả thêm tiêu cực nên chỉ giảng bày chân lý chứ không đề cập trực tiếp sự việc trên trà đàm.
    Chị Hường nói ý hay quá. Đó là về liên hệ các thế giới siêu hình và thế giới của chúng ta. Việc này được đề cập trong nhiều kinh sách và các tôn giáo khiến nhiều người bị lớ ngớ, trong đó từng có em. Những thứ này khiến ranh giới giữa trí tuệ và mê tín nhiều khi khó mà phân biệt nếu không có sự học nghiêm chỉnh.
    Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa ( Một kinh rất là lớn và quan trọng và trên ngôn cú thì có rất nhiều diễn giải về thần thông, siêu hình) có câu nói nổi tiếng ” In the three worlds, there is no peace” (Trong ba cõi nước không có bình yên). Phật ẩn dụ ba cõi như nhà cháy và tìm cách cứu chúng sanh mê mờ ra khỏi nhà cháy. Thú thực là em đọc cũng chả hiểu gì.
    Gần đây em được nghe thầy Nhất Hạnh giảng rằng Tổ dạy nếu nghĩ là phải chạy trốn khỏi ba cõi (xa lánh thế gian) là ngớ ngẩn. Thoát khỏi ba cõi thì mình ở đâu bây giờ. Ba cõi là ẩn dụ cho tâm của mình, việc ra khỏi ba cõi là việc mình tự tại khỏi tù ngục trong tâm của mình.
    Vậy nên việc một số “thầy” hướng dẫn trò hướng ngoại tìm cầu là rất là sai lầm. Cầu Phật để được niết bàn còn không được lấy chi giải vong, cúng thần mà được tự tại.
    Vì vậy em nghĩ cũng chả cần quan tâm có hay không các cõi siêu hình, bí ẩn làm gì ( Chính Phật Thích Ca cũng từ chối trả lời các câu hỏi siêu hình mà sao mấy “thầy” ngày nay cứ cố giải làm gì). Giản dị thì như các vị Thầy lớn và anh Hoành vẫn dạy Tâm linh chỉ hai điều chính: yêu thương mọi loài chẳng đối đãi và tự mình luôn cảm thấy thong dong tự do (bởi vậy ngay trong cõi này mà anh chị em mình có thể thấy rất là vui sướng, an lạv cùng nhau mà chẳng cần đợi khi chết mới được về cõi nước của Phật A Di Đà, Thiên Đàng,..).
    Em mạo muội nêu lên ý hiểu của mình. Chị Hường với anh Hoành xin cứ chỉ bảo ạ.

    Liked by 2 people

  5. Em cảm ơn anh đã nhắc nhở điểm chính: “Giải pháp không phải là dọn rác, mà là dạy cho mọi người biết điểm gốc của chánh pháp là gì. Khi người ta nắm dược điểm gốc đó thì người ta có ánh sáng, và ánh sáng tự động đầy lùi bóng tối (rác rến).”

    Cảm ơn Harmony đã chia sẻ với chị, chị rất thích comment của em : “bởi vậy ngay trong cõi này mà anh chị em mình có thể thấy rất là vui sướng, an lạc cùng nhau”. Đúng là như vậy, điều khiến chị phân vân là bởi vì có những người bạn vô cùng thánh thiện, hiền dịu và nhiều tình thương, biết về tâm linh, nhưng lại luôn hướng đến những thế giới thần tiên vô hình đó, khiến cho chị cảm thấy đó là đi lạc nhưng không dám chắc chắn để nói như thế, sợ bạn bị tổn thương. Nhưng mà đúng là chỉ cần mình giữ cái gốc của chánh pháp, và tình cảm của mình tự nó sẽ điều chỉnh cái nhìn khi chúng ta tiếp xúc với nhau.

    Lại có những người bạn ngược lại, bạn tìm đến em vì “rất thích sự bình thản và suy nghĩ sáng suốt và thấu đáo của cậu”, bạn nói “Tớ không coi tớ theo Thiên chúa hay Phật giáo, thì cái gì tớ cần nghĩ tới khi tớ cần tĩnh lặng”. Em chỉ cho bạn cách quán tâm, quán hơi thở, về tư tưởng bình đẳng, từ bi, và bạn nhớ ra những điều đó đã ở trong lòng bạn từ nhỏ, từ những lời bà nói “không nên nghĩ xấu về ai”. Em nói với bạn là những tư tưởng Phật giáo đã nằm sâu trong văn hóa của mình, và bạn thực ra cũng rất hướng Phật, trước tụi em cũng đi những buổi thiền chánh niệm cùng nhau, chỉ là do sự ngăn cách lớn với hai từ “tôn giáo” nên nhiều người không nhận ra nền tảng tâm linh “tâm Phật” đã có sẵn trong mình.

    Em chia sẻ thêm một chút về những người bạn em gặp , đúng là chỉ cần mình thấy đường thì không lo người khác lạc ạ.

    em Hường

    Like

  6. Hi Bích Diệp,

    Chữ “trời” anh nói đây có ý nghĩa triết lý bao gồm những điều sau đây cùng với nhau: ông Trời, tính thiện sâu thẳm trong trái tim mỗi người, tính thiện sâu thẳm trong trái tim của một thánh nhân nào đó; nói chung là “cõi thiện” – một “cõi” linh thánh, một tinh thần, trong mọi nơi, mọi thời, mọi người, mọi vật – không phải là khái niệm về không gian “một chỗ.”

    Làm sao để ta có thể biết một kiến thức đến từ trời:

    1. Tư duy hướng về yêu thương và quan tâm đến người khác: yêu người, khiêm tốn với người, nhẫn nhục với người, chăm sóc người…

    Không tập trung vào lợi lộc cho chính mình. Nếu mình nên yêu mình và chăm sóc mình, là để mình khỏe mạnh tinh thần và thể chất là để phục vụ đời và phục vụ người.

    Tập trung vào mình được giàu sang, quý phái, sung sướng đời này hay đời sau, dưới đất hay trên trời, đều là tập trung vào mình – ích kỷ. Nhưng tập trung vào thành công kinh doanh để giúp nhiều người có công ăn việc làm và đất nước phát triển thì đó là phục vụ người và phục vụ đời.

    “Tôi” là trung gian để phục vụ người và phục vụ đời thì được.

    2. Yêu người rốt ráo: yêu tất cả mọi người của thế giới, không chừa ai – hiền dữ, tốt xấu, thánh nhân tội đồ, bạn thù, thiên thần đồ tể…

    Đây là điểm rõ nhất để cho thấy giáo huấn đến từ trời: Tình yêu vô biên giới – không đối đãi (có qua có lại như tình yêu phàm phu đổi chác), không nhập nhằng “nếu”, “nhưng”, “tuy nhiên”…

    Ghét tội nhưng yêu người có tội.

    Yêu thương, khiêm tốn, thành thật… với tất cả mọi người, không chừa ai.

    3. Khi thực hành đúng cách mình thấy thân tâm an lạc, và làm cho mọi người quanh mình từ từ an lạc theo (dù có thể không được như mình là người đang thực hành và mọi người chỉ là được ảnh hưởng tinh thần từ mình).

    “Thực hành đúng cách” là chỉ thực hành nghiêm chỉnh để thuần dưỡng trái tim và tình yêu trong lòng mình.

    Không dùng điều mình đang thực hành để ép hay dạy mọi người phải làm theo (đừng làm thầy khi trò chưa muốn học), hay tỏ ý phê phán là họ si mê, hay dùng điều mình đang thực hành để làm thước đo mọi người… (Thiên hạ khắp thế giới mới học được điều gì thì liền đêm điều đó ra làm khổ mọi người xung quanh, cho nên khắp thế giới người ta thường ghét những người “tu”. Và đương nhiên là người ta có lý do đúng để ghét).

    * Thực hành thì quy chuẩn là “trái tim mình” – không phải trái tim Thầy hay trái tim ông hàng xóm. “Yêu mọi người” là yêu mọi người, mình phải biết trong lòng mình là mình đang yêu mọi người (như cảm giác mình yêu người yêu của mình). Chẳng có một quy chuẩn nào khác. Em có một chuẩn mực nào khác với “cảm xúc trong trái tim” thì em bắt đầu đi lạc (và mọi điều anh nói trở thành nước trôi xuống ống cống).

    Đại khái là vậy, Diệp.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  7. Vâng ạ. Em cảm ơn anh đã chỉ ra cho em những điều tinh cốt này!

    Like

  8. Dear Harmony,

    Hôm trước trong comment của em có nhắc đến kinh Diệu Pháp Liên Hoa, chị cứ nhớ mãi và cảm thấy thích lắm:

    Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa ( Một kinh rất là lớn và quan trọng và trên ngôn cú thì có rất nhiều diễn giải về thần thông, siêu hình) có câu nói nổi tiếng ”In the three worlds, there is no peace” (Trong ba cõi nước không có bình yên). Phật ẩn dụ ba cõi như nhà cháy và tìm cách cứu chúng sanh mê mờ ra khỏi nhà cháy. Thú thực là em đọc cũng chả hiểu gì.
    Gần đây em được nghe thầy Nhất Hạnh giảng rằng Tổ dạy nếu nghĩ là phải chạy trốn khỏi ba cõi (xa lánh thế gian) là ngớ ngẩn. Thoát khỏi ba cõi thì mình ở đâu bây giờ. Ba cõi là ẩn dụ cho tâm của mình, việc ra khỏi ba cõi là việc mình tự tại khỏi tù ngục trong tâm của mình.

    Chị nhớ ra chị vẫn chưa đọc kinh này mà chỉ nhớ một đoạn về tinh thần bình đẳng triệt để của Kinh Pháp Hoa trong bài viết Bồ tát dưới lòng đất của Anh Hai. https://dotchuoinon.com/2013/10/10/bo-tat-duoi-long-dat/

    Thế là chị mở Kinh Pháp Hoa ra tìm đoạn em nhắc đến, đó là câu trong Phẩm 3 (phẩm Ví dụ), đúng là ba cõi ẩn dụ cho tâm, mọi thế giới siêu hình hay ma quỷ hay thánh hiền cũng đều là ba cõi trong tâm:

    (86) Ba cõi không yên
    in như nhà lửa,
    khổ não tràn đầy
    thật đáng khiếp sợ:
    Sinh già bịnh chết
    cùng với lo buồn,
    những ngọn lửa ấy
    thường xuyên bùng lên.

    Đọc Kinh này sơ qua một lượt (dài lắm ý) chị hiểu rõ hơn về sự kết hợp tư tưởng tiểu thừa và đại thừa. Nói nôm na thì Tiểu thừa (cỗ xe nhỏ) là hướng thiện, chỉ cần các con hướng thiện là đã ra khỏi nhà cháy an toàn rồi, và dụ các con ra bằng các phần thưởng ấn chứng đạt đạo (A la hán, duyên giác, thanh văn,…). Thoát khỏi căn nhà cháy, nghĩa là giữ được tâm tĩnh lặng. Khi ra được rồi thì dạy pháp đại thừa (cỗ xe lớn và duy nhất) để vô chấp vô ngã rốt ráo, không chấp vào thiện ác, không chấp vào đạt đạo, để có thể tu đường bồ tát, đem hiểu biết Phật pháp ấy tùy nghi biến hóa ví dụ để kéo tất cả mọi người thoát khỏi căn nhà cháy bằng tình yêu thương không phân biệt.

    Cảm ơn Harmony đã nhắc đến Diệu Pháp Liên Hoa để chị tìm đọc. Không hiểu sao đọc xong có cảm giác ĐCN cũng là một cuốn Kinh Pháp Hoa ^^

    Thương mến,
    c. H

    Like

Leave a comment