Tâm bình đẳng

Chào các bạn,

Chúng ta thường nghe nói là khiêm tốn là tự hạ mình xuống cho bằng người. Nhưng các bạn có biết rằng cách hạ mình xuống như vậy sẽ giúp bạn tự cao cả đời không? Bởi vì trước khi bạn hạ mình xuống, bạn phải thấy bạn cao hơn người ta. Tự hạ mình xuống chỉ là một cách để tự xác định mình cao hơn thiên hạ.

Khiên tốn thật sự là chẳng thấy mình cao hơn ai cả. Mọi người đều bằng mình và mình bằng mọi người. Chẳng có cao thấp bao giờ.

Đây không phải là chữ nghĩa, mà là tấm lòng. Tấm lòng bạn cảm thấy mọi người bằng bạn và bạn bằng mọi người.

Mình thật sự cảm thấy như thế thường xuyên. Mình thật sự thấy mọi người bình đẳng với mình – người nông phu, người ít học, người ăn mày, người bán hàng rong, người bần hàn, người khổ cực… Mình luôn thấy họ là con Thượng đế như mình, Phật đang thành như mình, phàm phu như mình… Chẳng khác nhau gì cả trong căn bản. Và mọi người đều có gì đó cho mình phục.

Tâm bình đẳng không phải là một từ, hay một công thức, mà là một thái độ của trái tim. Nếu trái tim bạn bình đẳng tự nhiên bạn biết, khỏi cần phải học.

Lấy người yêu của bạn làm chuẩn. Nếu bạn thực sự yêu nàng, bạn đương nhiên thấy nàng bình đẳng với bạn (nếu không là hơn bạn, vì nàng là tiên và bạn là chú ngố 🙂 ).

Tâm bình đẳng và thương yêu luôn đi chung với nhau. Yêu ai thì người đó bằng mình. Chúa Giêsu yêu các môn đệ nên gọi các môn đệ là bạn. Rất khó cho bạn thấy mình bình đẳng với mọi người nếu bạn không yêu mọi người. Tổng thống có đến bắt tay mấy anh nông dân tay lấm chân bùn thì cũng bình đẳng chỉ một phút trước ống kính TV. Bình đẳng thật sự là ở trong tâm bạn 24 giờ một ngày, mọi lúc mọi nơi, kể cả khi bạn chỉ một mình, bạn cũng cảm thấy bạn bình đẳng với mọi người.

Nhưng tâm bình đẳng còn có nghĩa là điều này nữa, thuộc chiều kia. Tức là thấy mọi người quyền lực, quý phái, giàu sang, danh tiếng… cũng bình đẳng với mình. Họ cũng là Phật đang thành như mình và con Thượng đế như mình, và chẳng có gì hơn mình. Đây cũng là việc khó.

Thông thường thiên hạ gặp thủ tướng, đại gia giàu số một, nhà văn nổi tiếng, ca sĩ hàng đầu, tướng 4 sao, thì hay khớp và khúm núm. Và những người đó nói gì mình cũng cho là đúng, cũng hùa theo, cũng dạ vâng…

Mình không muốn nói là các bạn nên hành động như người ngu, bất lịch sự, và tự ti mặc cảm trước mặt họ. Có lẽ bạn là người lịch sự, lễ độ, tích cực với mọi người. Vậy thì cứ như thế với người ăn mày cũng như đối với tổng thống, với trái tim yêu thương và tĩnh lặng.

Như thế mới thực sự bình đẳng.

Yêu mọi người. Xem mọi người bình đẳng với mình, chẳng ai thấp hơn mình, chẳng ai cao hơn mình. Tất cả là con Chúa, tất cả là Phật đang thành.

Đó là tâm bình đẳng.

Chúc các bạn luôn bình đẳng.

Mến,

Hoành

© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Tâm bình đẳng”

  1. Cảm ơn anh Hoành đã nhắc nhở. Thực sự là chiều ngược lại (đối với những người quyền thế hơn) thì cũng khó không kém ạ.
    Nếu mình thật sự tôn trọng tất cả mọi người, nhưng mình thấy mình có lẽ có nhiều may mắn và cơ hội hơn một vài người thì đó có còn là tâm bình đẳng không ạ?

    Like

  2. Hi Hồng Nhung,

    Câu hỏi của em đưa đến một đề tài triết lý dài dòng khác. Anh cố gắng không triết lý dài dòng cho em.

    Tâm của em, em biết. Chẳng ai khác biết. Và vấn đề không nằm trong công thức nào, như là công thức: “Nếu mình thấy mình nhiều may mắn và cơ hội hơn ai đó thì đó có còn là tâm bình đẳng không?” Mọi công thức đều không đúng.

    Nhưng đương nhiên là mọi người khác nhau, nhìn thì thấy – người nghèo khổ hơn mình, người thiếu ăn hơn mình, người ít được đi học như mình. Thấy và vẫn giúp họ bớt cực – như tặng tiền, giúp cho họ có việc làm, giúp học được đi học. Nhưng trong tâm mình, mình vẫn thấy họ bình đẳng với mình. Đây là chuyện dễ làm, con người ai cũng làm được. Như là, anh hay nói đến người yêu, yêu nàng thì chắc chắn là nàng bằng mình hay hơn, trong trái tim mình. Nhưng nàng chỉ học đại học được một năm, rồi phải nghĩ học đi bán nước mía. Bây giờ nàng nói với mình nàng ước ao được đi học. Nếu mình yêu nàng, thì đương nhiên mình muốn giúp nàng có cơ hội đi học trở lại, vì mình biết nàng ít được học đại học như mình.

    Thấy có sự khác nhau trước mắt là một chuyện (để giúp đỡ nhau). Thấy hai trái tim như nhau và ngang nhau, lại là một điều khác. Và như thế là tâm bình đẳng. Bình đẳng là ngang hàng nhau trong tâm thức và ứng xử tôn kính với nhau. Bình đẳng không có nghĩa là không thấy được hoàn cảnh sống của mỗi người.

    Bây giờ đến vấn đề triết lý chính: Những câu nói như mình may mắn hơn, mình được ân phúc hơn… dù là nghe như vô thưởng vô phạt, nhưng anh thấy, trong cách tư duy của nhiều người trong mọi nền văn hóa, thì đó là điều có hại.

    “Mình may mắn” thường có nghĩa là Trời thương mình, cho mình nhiều ân phúc, hay chắc là kiếp trước mình tu khéo. Hiểu ngầm, người kia không được Trời thương hay kiếp trước vụng tu, nên khổ.

    Đây là điều cực kì thông thường trong tư duy con người. Ngay cả nói về Đức Phật thì cũng nói đến 32 tướng tốt, tướng đẹp. Tức là nếu em là hoa khôi, có lẽ kiếp trước em tu gần thành Bồ tát, và những người bệnh hoạn xấu xí có thể đó là trả nợ tội tình kiếp trước. Đây là văn hóa chính thống của VN, không phải anh bịa chuyện.

    Trong Thánh kinh, Chúa Giêsu có chữa một người mù từ lúc sinh ra. Câu chuyện thế này:

    Đi ngang qua, Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? ” Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh…” Nói xong, Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và bôi vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa”. Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (John 9:3-7)

    Tư tưởng “Người có bệnh hoạn tật nguyền là vì họ hay tổ tiên họ có tội”, là tư tưởng chính ở mọi nền văn hóa trên thế giới.

    Cho nên anh nghĩ là nói đến khác biệt về may mắn, ân phúc…, chúng ta thường dễ lạc vào những khu rừng văn hóa rậm rạp không lối ra. Tốt hơn là nghĩ rằng người này bình đẳng với mình (và rất có thể thành Phật thành Thánh trước mình), và người này giờ đang thiếu tiền ăn, nếu mình có thể giúp thì giúp.

    A. Hoành

    Like

  3. Dear anh Hoành,

    “Tốt hơn là nghĩ rằng người này bình đẳng với mình (và rất có thể thành Phật thành Thánh trước mình), và người này giờ đang thiếu tiền ăn, nếu mình có thể giúp thì giúp.” Quả thật nghĩ như vậy thì đơn giản hơn và dễ thực hành hơn là cố giải thích vì sao có sự khác biệt về ân phúc giữa người với người.

    Em cảm ơn anh đã giải thích chi tiết.

    Like

  4. Dear anh Hoành,
    Em thực sự tìm được sự – đồng – cảm về vấn đề này. Bởi xuất phát điểm của mình có thể không tốt, mình luôn cố gắng, nỗ lực và sự nỗ lực từng ngày chính người xung quanh sẽ cảm nhận được. Thành tâm – từ tâm sẽ cho ta tâm bình đẳng. Bạn hãy cứ ngẩng cao đầu khi tâm bạn cảm thấy cần bình đẳng. Cảm ơn anh nhiều.
    Em Lợi. Mến chúc anh ngày thứ 4 an lành.

    Like

Leave a comment