Dốt mà chẳng biết mình dốt

Chào các bạn,

Người điên chẳng biết mình điên, người dốt chẳng biết mình dốt. Đó là vấn đề của chúng ta.

Hôm nay mình có viết một bài Về đề nghị cải tiến “Tiếq Việt” của ông Bùi Hiền. Mình không muốn lập lại chuyện đó ở đây. Chỉ muốn dùng ví dụ nóng hổi đó để nói về điều mà nhà Phật gọi là u minh hay si mê. Tại sao một người trong nghề giáo dục lại tốn rất nhiều năm để sáng tạo ra (đây thực sự không là cải tiến mà là sáng tạo mới) một chữ viết mới để, nếu được sử dụng, 90 triệu người trong nước sẽ phải học đọc học viết trở lại, và kho tàng chữ quốc ngữ hiện nay, chỉ trong một thế hệ, sẽ thành chữ cổ như chữ Nôm mà chỉ vài chuyên gia biết? Và tại sao lại có một vị phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo tp Sài Gòn đề nghị thí điểm cho một giải pháp điên rồ như thế trước khi biết người dân muốn gì?

Tại sao lại có những hành vi điên rồ như thế?

Các bạn, tại vì cái tôi quá lớn. Cái tôi luôn làm mờ mắt chúng ta. Ta chẳng thấy ai, chẳng thấy gì được, ngoài cái tôi của ta án ngữ trước mắt. Nếu chỉ thấy tôi, thì không thể thấy 90 triệu người dân, không thể thấy sự hủy diệt của một nền văn hóa chữ quốc ngữ. Xóa hết cái cũ để lấy cái mới. Chỉ có các “đỉnh cao trí tuệ loài người” mới nghĩ thế, vì loài người thu lại chỉ một người: cái tôi của họ.

Các bạn, dù hành động này có điên rồ và nực cười đến thế nào thì đây vẫn là chuyện khá thường xuyên, vì bản tánh của con người dễ lâm vào tình cảnh si mê như thế. Chúng ta thường làm như thế mỗi ngày, dù là kích cỡ thì có thể nhỏ hơn và cá nhân hơn.

Muốn không bị mờ mắt vì cái tôi, chúng ta không thể tự bảo “dẹp cái tôi”, vì càng nói thế cái tôi càng trương phình dưới Luật hấp dẫn.

Muốn không bị mờ mắt vì cái tôi, chúng ta cần quen nghĩ về mọi người. Nếu các quý vị này nghĩ đến 90 triệu người đang đọc và viết chữ quốc ngữ, đương nhiên quý vị đã không điên rồ và si mê đến thế.

Các bạn, muốn vô ngã, thì hãy nghĩ về mọi người. Giản dị thế.

Chúc các bạn luôn khiêm tốn.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Dốt mà chẳng biết mình dốt”

  1. Em chỉ muốn nói là Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp và phong phú, tại sao lại cần cải tiến để phù hợp với nước ngoài, giữ gìn bản sắc của chúng ta mới là quan trọng. Hơn hết việc áp dụng cũng rất phi thực tế, mong rằng các nhà lãnh đạo hãy dốc tâm trí vào việc gì có ích cho người dân hơn.

    Like

  2. “Muốn vô ngã, thì hãy nghĩ về mọi người! Giản dị thế!”.

    Một “mẹo” rất hay! Cảm ơn anh Hoành! 😃

    Like

  3. gửi chú Hoành
    cháu có 1 người bạn theo đạo Sion , trong lòng bạn ấy tồn tại 1 biểu tượng là Đức Chúa, luôn tin rằng, một ngày nào đó con người sẽ chết, nếu chúng ta học kinh thánh thì sẽ về với thiên chúa có cuộc sống vĩnh cửu ở nước thiên đàng coi thế giới này chỉ là nhà tù đại loại có thể coi nó là thuyết duy tâm , đạo phủ nhận vai trò của cha mẹ sinh ra ta chỉ coi nó là những cái xác phần linh hồn mới là cha mẹ thật, giờ
    bạn bỏ bê học tập suốt ngày đi theo hội để truyền đạo, cháu phải làm sao để giúp bạn đây ạ ? , cháu cảm ơn

    Like

  4. Hi Minh,

    Có lẽ là gia đình và bạn bè đã nhiều người nói rồi. Nếu bạn của Minh cứ nhất quyết đi theo đạo đó, thì chỉ có cách để bạn ấy làm gì bạn ấy thích, cho đến lúc sáng mắt.

    Rất nhiều nhóm tôn giáo có những cách áp lực vào làm người ta mù quáng. Ở Mỹ, có nhiều con bỏ nhà đi theo những nhóm cuồng tín, bố mẹ phải tổ chức với các chuyên gia “bắt cóc” rồi “de-program” các em. Các chuyên gia này thường là những người cũng đã từng đi theo cuống tín.

    A. Hoành

    Like

Leave a comment