Vô chấp trong đời sống kinh doanh

Chào các bạn,

Chúng ta thường chỉ nghĩ đến vô chấp trong kinh sách và đời tu Phật pháp. Vậy rất là thiếu sót, vì chúng ta cần vô chấp trong toàn đời sống bình thường của ta. Vô chấp là một thái độ sống – sống thì sống khắp mọi nơi mọi lúc, chẳng chỉ sống khi ngồi Thiền và khi khác, như kinh doanh, thì chết.

Hãy nói đến đời sống kinh doanh cho dễ hiểu. Trong kinh doanh điều quan trọng số một là uyển chuyển để thích ứng với thời thế: kinh tế chung, chiến tranh, thiên tai, thị hiếu khách hàng, thay đổi kết cấu dân số, kiến thức kinh doanh mới, kỹ thuật mới… Hàng trăm thứ. Doanh nhân không có xa xỉ nằm ngủ để hưởng lợi từ kinh doanh. Doanh nhân làm việc liên tục và uyển chuyển liên tục để thích ứng.

Các ví dụ về các công ty đại gia đã chết sớm hay đang ngắc ngoải trong những năm gần đây để các bạn thấy: Word Perfect, đại gia về chương trình viết, đến khi Word ra đời; Yahoo! đại gia search cho đến khi Google ra đời; personal computer của đại gia IBM cho đến khi MicroSoft ra đời; 4 hãng làm xe hơi lớn của Mỹ (AMC, Ford, GM, Chrysler) cho đến khi xe Nhật và Âu Châu ùa vào đánh AMC chết và 3 hãng kia trọng thương phải nhờ chính phủ Mỹ cứu nhiều lần…

Uyển chuyển như nước để thích ứng với điều kiện mới là đòi hỏi thường trực trong kinh doanh. Mọi thứ liên hệ đến kinh doanh của bạn đều có thể thay đổi bất kì lúc nào. Uyển chuyển là gì? Là không bám cứng vào đâu cả, như nước trôi mà không dính vào đâu, có thế đất mới là nước đổi đường đi theo thế đất mới.

Đó chính là vô chấp của Phật gia.

Như là tướng đánh trận, điều kiện chiến tranh thay đổi đến đâu thì chiến lược thay đổi đến đó. liên tục thay đổi cho đến khi thắng.

Muốn nhạy cảm với điều kiện mới, muốn thay đổi nhanh chóng và liên tục, bạn chẳng thể bám vào một điều gì có sẵn. Nếu sản phẩm bạn nhắm vào giới trung niên, nhưng dân số trẻ đang tăng ồ ạt, thì có lẽ bạn phải thấy điều đó và làm thêm sản phẩm cho giới trẻ. Nếu bạn đang có sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ, nhưng hiện nay phái nam cũng bắt đầu làm đẹp kiểu đàn ông, có lẽ bạn cũng cần nghĩ đến sản phẩm làm đẹp cho phái nam để phục vụ cả chàng và nàng cho tiện cả hai. Nếu cách nấu ăn truyền thống của bà nội bạn để lại đã giúp cho nhà hàng của gia đình bạn sống mạnh 3 đời, nhưng đa số người thời nay bắt đầu ăn lạt hơn (ít ngọt, ít mặn, ít mỡ) thì có lẽ bạn cũng nên bắt đầu nghiên cứu “nouveau cuisine”, thay đổi một chút công thức của bà nội.

Nói về kinh doanh cho dễ hiểu, nhưng các bạn đã thấy trên báo chí, TV, Radio, Internet từng ngày, về “cải tiến”, “thay đổi’, “đổi mới”, “xoay chiều”, “đổi hướng”, “cách mạng”, ‘thức thời”, “hợp thời”, “đuổi kịp thế giới”, “sáng tạo”, “phát minh” và nhiều từ nữa, chỉ để nói đến một điều: thay đổi. Mà “thay đổi” có nghĩa là bỏ hay điều chỉnh cái cũ và/hoặc thêm cái mới. Đó là vô chấp.

Không dính vào đâu. Cần làm gì thì làm điều đó. Đó là đời sống.

Vô chấp là đời sống thật. Chẳng chỉ là lúc ngồi Thiền trong chùa.

Chúng ta chấp vào rất nhiều thứ – cách ăn, cách mặc, triết lý, chủ nghĩa chính trị, chủ nghĩa kinh tế, chủ nghĩa xã hội, đủ thứ Ism, giáo pháp, thương hiệu hàng hóa, cách thức kinh doanh, cách phân tích vấn đề, cách chấm điểm phụ nữ/đàn ông, cách chấm điểm mọi người, vững chắc với nguyên tắc, vững chắc với niềm tin, lập trường kiên định, tuyệt không thay lòng đổi dạ, trung thành (với gì đó) tới chết…

Các bạn, các bạn, các bạn, đương nhiên là chúng ta thích một số điều ở đời, và đương nhiên là chúng ta thường làm điều ta thích, như thích ăn món gì thì đi nhà hàng thường gọi món đó. Chúng ta đang không nói về “thích” mà nói về “chấp”:

Mình có anh bạn. Mỗi lần đi với anh vào nhà hàng là mình chuẩn bị nghe anh ấy phê phán thức ăn với mấy người tiếp viên: Canh này mà bỏ ngò vào ăn sao được? Cua này thiếu hành. Món này không cho tỏi được… Tội nghiệp mấy người tiếp viên, cứ đứng đó dạ… dạ… cho tới khi anh ấy ngưng nói.

Và đây là chuyện xảy ra trong một nhà hàng ở Washington chừng một năm trước. Có bà khách gọi một món có nước sốt, và bà yêu cầu là nước sốt phải để riêng ra ngoài, để bà tự thêm vào món. Anh đầu bếp thuộc hàng nổi tiếng, vẫn trộn nước sốt vào trong món. Lúc cô tiếp viên mang thức ăn ra bà khách phàn nàn, cô tiếp viên nói: “Tôi xin lỗi bà. Anh đầu bếp nhất định trộn nước sốt vào, tôi cản không được.” Bà khách yêu cầu nói chuyện với anh đầu bếp. Anh đầu bếp lên và nói với bà: “Món này phải chính tay tôi thêm nước sốt cho vừa và trộn cho đúng cách thì ăn mới ngon. Không làm khác được.” Bà khách yêu cầu nói chuyện với manager. Manager đến nói chuyện với bà, rồi xuống bếp nói chuyện với anh đầu bếp. Anh đầu bếp cũng nói chính tay anh phải trộn nước sốt, không làm khác được. Manager nói: “Nhưng chúng ta phải làm vui lòng khách.” Anh đầu bếp nói: “Không được. Tôi không thể làm mất uy tín của tôi.” Manager nói: “Nhưng tôi là manager. Bây giờ tôi bảo anh làm cho bà khách đĩa khác, đúng ý của bà.” Anh đầu bếp bèn cho manager một đấm chảy máu mũi. (Chú thích: Đầu bếp nổi tiếng quan trọng cho một nhà hàng hơn manager).

Các bạn, chấp là vậy đó: Dính cứng vào một cách thức, một tư tưởng, không bỏ được, không uyển chuyển được. Mình thích điều gì thì cứ thích, nhưng đừng mang điều mình thích áp đặt lên người khác. Đừng đóng cửa với uyển chuyển. Đừng ngừng thử và khám phá điều mới.

Chấp đương nhiên làm cho chúng ta dốt, vì không biết thêm điều gì mới. Người chấp nhiều là người sẽ thua cuộc, vì sẽ trở thành không hợp thời. Đôi khi sống với con cháu còn không được, đừng nói là kinh doanh, hay kinh bang tế thế.

Hãy thích điều gì bạn thích. Hãy làm điều gì cần làm. Nhưng không chấp vào đâu.

Ưng vô sở trụ.

Mình post lại lời Đức Phật nói về vô chấp, kể cả giáo pháp, kể cả các Thánh đạo, Thiền định, Niết Bàn…, để chúng ta cùng hiểu. Học gì thì học, thích gì thì thích, nhưng đừng chấp:

Thầy xem địa vị của vua chúa như bụi đất.
Thầy thấy vàng ngọc như gạch sỏi.
Thầy nhìn xiêm y lụa là như giẻ rách.
Thầy coi vô lượng thế giới của vũ trụ như hạt trái cây,
và hồ vĩ đại nhất của Ấn Độ như giọt dầu trên bàn chân.
Thầy nhận xét mọi giáo huấn của thế giới như ảo ảnh của ảo thuật gia.
Thầy chiêm nghiệm ‎ý niệm tối thượng về giải thoát như chiếc áo thêu vàng trong mộng,
và xem thánh đạo của các đấng giác ngộ như hoa trong mắt.
Thầy thấy thiền định là cột trụ của quả núi,
Niết bàn là ác mộng của ban ngày.
Thầy nhìn phán đoán về đúng và sai như vũ khúc uốn lượn của con rồng,
và sự lên xuống của các niềm tin như vết tích còn lại của bốn mùa.

Chúc các bạn luôn vô chấp và luôn uyển chuyển trong cuộc sống, và thành công.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Vô chấp trong đời sống kinh doanh”

  1. Cám ơn Nhường.

    Mình đang viết tiếng Anh (đúng ra là tiếng Mỹ), không phải tiếng Pháp. Cuisine, có gốc Latin, rồi thành tiếng Pháp, rồi có lẽ từ Pháp thành tiếng Anh/Mỹ. Nouveau từ tiếng Pháp đã thành tiếng Mỹ lâu rồi. Dân Mỹ không biết từ nouvelle, trừ người học tiếng Pháp. Và tiếng Mỹ thì không có khái niệm feminine hay masculine trong danh từ. Khái niệm Nouvelle Cuisine có lẽ là đến từ tiếng Pháp. Tuy nhiên, khi người Mỹ dùng, có thể vì chữ nouveau phát âm dễ hơn, và cũng có thể vì đa số người Mỹ chỉ biết nouveau mà không biết nouvelle, nên đa số người nói nouveau cuisine. Nói nouvelle cuisine thì ít người hiểu, người Mỹ cũng chẳng phát âm nouvelle được, và có vẻ rất kiêu kỳ, thiên hạ khó chịu, trừ các nhà hàng Pháp và các nhà hàng muốn “có vẻ Tây”. (Google “nouveau cuisine” thì thấy).

    Nhưng mình cũng không hiểu tại sao người ta nói Nouvelle Cuisine trong tiếng Pháp. Không phải nên là Cuisine Nouvelle sao?

    Like

  2. Be water, my friend ! It’s so great ! Anh Hoanh oi, Anh dong thanh sach
    tat ca cac bai tra dam Anh viet ….de Doc gia mua, than tang nguoi than,
    ban be vao Cac dip le . KV, dat mua ( neu vua tui tien ) : 500 quyen tieng Việt , 500 quyen, tieng Anh .

    Like

  3. Cám ơn anh Hoành,
    Nhờ anh cắt nghĩa, tôi mới biết đó là từ tiếng Mỹ. Và do vậy, thiển nghĩ, để cho người không biết nhiều ngoại ngữ, nên viết trong ngoặc kép “nouveau cuisine”.
    Tôi được học qua chút tiếng pháp, thì “nouvelle cuisine”, và “cuisine nouvelle”, có ý nghĩa khác nhau.
    Nhường.

    Like

Leave a comment