Yêu người trong thực hành

Chào các bạn,

Trong tiến trình luyện tâm, yêu người là điều khó, vì chúng ta ai cũng yêu mình trước, và có lẽ yêu mình hết 99,99%, chỉ còn 0,01% cho yêu người.

Đó chỉ là chuyện tự nhiên vì về sinh học thì ta sống cho ta trước, và về giáo dục thì ta được dạy lo cho ta trước. Sinh học: ăn cho mình, ngủ cho mình tập thể dục cho mình… Giáo dục: học cho mình giỏi, giỏi cho mình nhờ, thành công cho đời mình…

Sống tập trung vào ta như thế, cho nên chúng tư duy kiểu “tôi, tôi, tôi trước hết” thì cũng chẳng có gì là lạ.

Nhưng con người là một con vật sống bầy đàn. Con người không sống một mình mà luôn sống có bầy. Cho nên trong DNA của chúng ta đã có tính cần đồng loại và yêu đồng loại. Yêu người cũng là một dấu ấn đã có trong DNA của chúng ta, chẳng phải là điều gì mới. Chỉ là sống trong cuộc đời chú trọng vào “tôi” nhiều quá làm chúng ta quên đi bản tánh yêu thương bầy đàn của mình.

Nhưng như chúng ta đã nói trong bài “Hạnh phúc là gì và ở đâu?” rất khó có hạnh phúc, khó có nhiều người yêu và gần gũi, và do đó khó thành công trong đời, với cách sống “tôi tôi tôi”.

Một trong những lầm lỗi lớn nhất khi người ta nói về đời sống tâm linh là: Tâm linh là lối sống lánh xa đời và nghèo nàn. Đó chỉ là một cái nhìn rất phiến diện, thấy được chỉ một mặt sau của căn nhà tâm linh, 5, 6 mặt kia của căn nhà vĩ đại thì không thấy. Đương nhiên nếu bạn muốn xa lánh đời, làm thiền sư ở trên rừng ăn rau, thì cũng được. Nhưng nếu bạn muốn làm kinh doanh trong thành phố, thì đời sống tâm linh của bạn không vì thế mà kém tâm linh hơn đời sống thiền sư trên rừng. Theo ý mình, ở thành phố làm kinh doanh có thể còn tâm linh hơn thiền sư trong rừng rất nhiều.

Ở thành phố là ở chung với tham sân si, một vũng bùn lớn. Chính trong vũng bùn đó mà chúng ta có thể là hoa sen trong đầm lầy. Bùn không làm ta bẩn, mà bùn cho ta sinh lực sống để trưởng thành và nở thành những hoa sen rất đẹp. Thay vì bùn làm ta bẩn và chết, thì ta dùng bùn để sống mạnh và sống đẹp. Đó là tinh thần Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Kinh Pháp Vi diệu của Hoa sen).

Hơn nữa, sống ở thành phố ta có thể giúp nhiều người có công ăn việc làm – nếu ta làm kinh doanh và có nhiều nhân viên – đồng thời có thể giúp cho nhiều người quanh ta hiểu pháp, chỉ bằng sống pháp và dạy pháp cho ai muốn học.

Mình nghĩ rằng, người tu chợ hơn người tu chùa và người tu núi rất nhiều. Tu chợ là một đời sống tâm linh tích cực, sống với người để độ người, chẳng chỉ độ mình thôi.

Còn một điều nữa thiên hạ hiểu lầm về đời sống tâm linh là tưởng rằng lời dạy của các vị thầy lớn, như Chúa Giêsu và Phật Thích Ca, là chỉ để cho các thiền sư nghèo nàn tu trên núi, không liên hệ gì đến đời sống kinh doanh chính trị ở thành phố. Các bạn, nếu bạn khiêm tốn với tất cả nhân viên và khách hàng của bạn, nếu bạn thành thật với tất cả nhân viên và khách hàng của bạn, nếu bạn yêu và lo lắng cho mỗi nhân viên như em của bạn và mỗi khách hàng như bạn của bạn, thì làm cách nào để bạn không thành đại gia trong kinh doanh? Đây là những nguyên tắc sống không thể thua trong bất kỳ môi trường nào.

Các đám ngớ ngẩn ngu dốt dạy nhau là phải nhũng lạm, phải láu cá, phải giành giật… trong thế giới kinh doanh. Rồi người trẻ mới vào đời học theo kiểu đó. Các bạn, mấy năm nay nhìn đủ mọi đại gia nhũng lạm và chôm chỉa đi tù, chắc bạn đã hiểu bài học.

Các bạn, đây là bí quyết thành công trong đời, dù bạn định nghĩa thành công thế nào: Chúng ta sống trong thể giới toàn là người xung quanh, và làm gì cũng làm với nhiều người. Ai mà được nhiều người (1) yêu mến, (2) tin tưởng, và (3) thán phục, thì thành công, dù đó là nghề gì, trong lãnh vực gì.

Thế giới của NGƯỜI, vận hành bởi NGƯỜI, thành công là do được nhiều NGƯỜI ỦNG HỘ dài hạn.

Từ “dài hạn” quan trọng, vì những kẻ lừa dối người có thể thành công ngắn hạn, cho đến lúc bể dĩa. (“Bể dĩa” là dĩa/đĩa hát bị bể).

Quan niệm sống tâm linh là sống nghèo đói như ăn mày là hoàn toàn sai. Có thiền sư ăn mày vì thiền sư thích ăn mày. Nhưng các bạn cần hiểu điều này: Các lối sống tâm linh là lối sống tất thắng nếu bạn dùng chúng trong chính trường và thương trường. Học sống tâm linh giúp bạn thành công 100 lần hơn học sách quản lý. Đây là kinh nghiệm của mình và của các con mình (làm kinh doanh theo các nguyên tắc mình dạy như trên).

Làm sao mang cách sống tâm linh vào kinh doanh?

– Bạn không cần nghĩ đến bạn một chút nào: không vị kỷ.

– Bạn lo cho nhân viên hết lòng, như các em của mình: Trả lương cao nhất mà công ty có thể trả (thường là cao nhất trong thị trường cho mỗi loại công việc, vì thiên hạ tham tiền thường bủn xỉn với nhân viên). Nhưng nhân viên của bạn sẽ vui và làm việc bằng hai bằng ba nhân viên các nơi khác.

Giúp nhân viên phát triển khả năng thường trực, bằng các lớp học trong hay ngoài công ty.

Chăm lo đến đời sống riêng của nhân viên. Nếu nhân viên có vấn đề gì ngoài công ty, xem có giúp được gì không.

Sống với nhân viên như anh/chị đưa các em ra trận mỗi ngày. Không phải là chủ công ty đưa nhân viên ra trận.

– Lo cho khách hàng tử tế. Khách hàng có vấn đề, hãy giải quyết cách tốt nhất cho khách hàng. Như là khách trả lại đồ đã mua, đừng hạch hỏi, vui vẻ hỏi khách hàng muốn đổi hay muốn lấy tiền lại.

Nhưng “thiệt thòi” mình chịu, chẳng phải là thiệt thòi, chỉ là giá rẻ mạt cho quảng cáo, vì khách hàng được xử tốt sẽ vui quá và về quảng cáo ầm lên với gia đình và bạn bè.

– Lấy niềm vui thực sự nơi: “Nhiệm vụ của mình là làm mọi nhân viên và khách hàng vui.” Và dạy nhân viên làm theo mình.

Bạn không cần nghĩ một giây nào về bạn – như là mình muốn nhiều tiền trong túi, mình muốn thắng hết mọi công ty – hãy yêu thương và chăm sóc nhân viên và khách hàng. Mọi thứ khác sẽ đến, nếu bạn không nghĩ nhiều về chúng.

– Đừng nói dối về bất kỳ điều gì: Ví dụ: nếu bạn nói dối với một khách hàng điều gì đó, hay trốn thuế mà nhân viên biết, lòng tin của các nhân viên của bạn vào bạn sẽ sụp đổ, và có thể là không cứu chữa được. Đây là thành thật.

– Đừng kiêu căng. Nếu không khiêm tốn bạn sẽ không thể xem nhân viên như các em của mình và khách hàng như bạn của mình. Thường là người ta không yêu được người kiêu căng. Đây là khiêm tốn.

Nếu các bạn quản lý như thế, làm sao các bạn có thể thua? Làm sao bạn có thể thua?

Chúc các bạn luôn thành công.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

8 thoughts on “Yêu người trong thực hành”

  1. Em cảm ơn anh nhiều ạ. Thực sự bài viết hay và hữu ích và thực tế quá!

    Chúc anh và các anh/chị/em trong vườn chuối một ngày thật vui 🙂

    Like

  2. Anh Hoanh oi, Phat tu, tin do, lop tre, tang lop “dai da so …ngheo, lao dong chan chinh … ” can duoc Thay, giang dao trong thuc hanh (practice) …., nhu Anh da, va dang viet, keu goi ….” Dao kha Dao, phithuong Dao ” .

    Like

  3. Một bài viết tràn ngập tình yêu thương. Chính tình yêu đã làm dịu trái tim và đưa những trái tím gần lại nhau.
    E cảm ơn a Hoành ạ!

    Like

  4. Cám ơn Nhàn chia sẻ.

    Giản dị thế nhưng người làm được thì lại rất ít, vì họ không làm đúng.

    Yêu người: thiên hạ yêu mình quá, nên dù cố hành xử yêu người thì cũng rất giả tạo, không thuyết phục. Phải từ trái tim đi ra.

    Thành thật: thiên hạ quen nói dối quá, nên nói dối thường xuyên. Không ai phục.

    Khiêm tốn: kiêu căng thì thường giữ người khác đứng xa mình.

    Anh đã thấy nhiều người làm kinh doanh thất bại, thấy trước khi họ bị đóng cửa, vì thấy cá tính của họ.

    Nói chung là mọi người, đặc biệt là nhân viên, phải “kính mến” mình. Kính trọng và mến yêu. Phục và yêu. Chỉ hai yếu tố này.

    Đa số người quản lý không có được phục, cũng không có yêu. Chỉ có sợ.

    A. Hoành

    Liked by 2 people

  5. Em chào anh Hoành. Em chân thành cảm ơn Anh về những bài học sâu sắc về tâm linh và tư duy tích cực.
    Em muốn hỏi anh thêm ý nghĩa của câu: “Mọi thứ khác sẽ đến, nếu bạn không nghĩ nhiều về chúng.” có phù hợp với Luật hấp dẫn mà Anh vẫn nói không? Nếu được Em xin Em giải thích giúp về thắc mắc này.
    Một lần nữa cảm ơn Anh.

    Like

  6. Hi Mai Sinh,

    Câu đầy đủ anh nói là: “Hãy yêu thương và chăm sóc nhân viên và khách hàng. Mọi thứ khác sẽ đến, nếu bạn không nghĩ nhiều về chúng.”

    Câu này phù hợp với Luật Hấp Dẫn, nghĩa là không chỏi với Luật Hấp Dẫn một chút nào: Nếu em yêu thương và chăm sóc nhân viên và khách hàng, thì điều đó sẽ hấp dẫn khách hàng cũ và mới và, do đó, tiền bạc, danh tiếng và uy tín của công ty.

    Tiến trình thế này: (1) “Yêu thưong và chăm sóc nhân viên và khách hàng” thì nhân viên vui và làm việc hăng hái; khách hàng vui vì mình và vì nhân viên của mình. (2) Khách hàng vui thì đến với mình thường xuyên và cù rủ bạn bè thân nhân vào với mình. (3) Công ty mình nhờ đó càng ngày càng mạnh – đông khách, tiền nhiều, danh tiếng lên, uy tín lên.

    Nhưng só (3) là hệ quả của số (1). Mình chỉ cần Hấp Dẫn số (1), và số (1) sẽ Hấp Dẫn thêm số (3).

    Nhưng nếu mình chăm chăm vào số (3) và biến nó thành số (1) ngay từ đầu thì “tiền bạc, danh tiếng, uy tín” lúc đó lại có thể là vị kỷ, cứ chăm vào cái tôi. Mà vị kỷ thì thường có sức hấp dẫn rất yếu.

    Nguyên tắc vị kỷ/vị tha này cần nhớ trong Luật Hấp Dẫn: Nếu mình yêu người thì mình Hấp Dẫn người đến với mình; nếu mình yêu mình và thiếu yêu người thì chẳng Hấp Dẫn ai đến với mình được.

    Đọc Luật Hấp Dẫn.

    A. Hoành

    Like

  7. Em cảm ơn anh Hoành rất nhiều. Anh đã giảng giải rất cặn kẽ cho Em hiểu.
    Em chúc Anh Chị luôn mạnh khỏe và giúp cho đọt chuối non ngày một lớn mạnh.

    Like

Leave a comment