Phương pháp tập trung luyện tập

Chào các bạn,

Rất nhiều bạn đọc mình, có thể là on and off, nhiều năm. Nhưng khi mình tình cờ đọc được điều gì đó các bạn viết, mình ngạc nhiên là hình như tư duy của các bạn chẳng có gì chứng tỏ là đã đọc mình vài năm.

Chính vì vậy mà mình cứ dặn các bạn tập trung thực hành. Chẳng cần nhiều thứ, như là khiêm tốn, thành thật, yêu người, tĩnh lặng, trong bốn thứ đó chỉ cần tập một thứ là đủ. Thường xuyên, hằng ngày, mọi lúc trong ngày. Những thứ khác sẽ tự động đến theo.

Nếu các bạn đọc lại đoạn mình mới viết bên trên thì các bạn sẽ đồng ý là việc luyện tập thực hành rất giản dị và dễ dàng. Bạn không cần đọc một bài đọc thêm nào cả. Ví dụ: Nếu bạn chọn “khiêm tốn” để thực tập, thì khiêm tốn khi suy nghĩ, khiêm tốn khi hành động, với tất cả mọi người, tại mọi nơi mọi lúc trong ngày. Giản dị thế.

Đương nhiên là vì mới tập, bạn sẽ thường quên và nổi máu kiêu căng như trước. Đó là phản xạ đã quen, mình bị đưa ngược về đó là sự thường. Nhưng các bạn chỉ cần tập một điều, như là khiêm tốn, trong tư tưởng lẫn hành động, mọi nơi mọi lúc, như thế thì các bạn sẽ có nội lực tâm linh cực mạnh trong thời gian ngắn.

Vậy, bạn có vấn đề gì mà không tiến được?

Chúc các bạn luôn tinh tấn.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

3 thoughts on “Phương pháp tập trung luyện tập”

  1. Cám ơn anh Hoành !
    Chúc anh sức khỏe.
    Em đặt hàng anh một bài viết về bức ảnh của bài này. Hì.

    Like

  2. Tập trung Luyện tập để tiến tới nội lực Tâm linh.

    Bài này đọc rất hay và tai nghe rất dể, nhưng rất khó thực hành, vì bản ngã chúng ta là đối lập với khiêm tốn, thành thực và nhất là yêu người, chỉ còn có tĩnh lặng là điều đầu tiên mình phải tập trung luyên tập. khi tĩnh lặng chúng ta mới nhận diện được chính chúng ta , vì chỉ khi chúng ta biết được mình sau đó sự khiêm tốn,thành thực, yêu người và thánh thiện sẽ dể luyện hơn.

    Chúc anh một ngày bình an tâm linh.

    Thuy v Pham

    Like

  3. Hi Thùy,

    Tập sao cũng được. Nhưng thực sự thì tập trung vào tĩnh lặng trước thường rất khó, vì tĩnh lặng thì không có gì cả, tâm rỗng lặng là tĩnh lặng. Tĩnh lặng thường là đoạn cuối khi tâm đạt được Niết Bàn.

    Chính vì vậy mà tất cả mọi pháp môn của nhà Phật (ngoại trừ “trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật” cúa Thiền đốn ngộ) đều lấy một điều gì đó để tâm tập trung vào đó mà tĩnh lặng từ từ (như tập trung vào hơi thở, tập trung vào quán tứ niệm xứ, tập trung vào niệm Phật Adiđà, tập trung vào việc mình đang làm (Thiền từng phút), tập trung vào một công án… Các tập trung này gọi là để “nhất tâm bất loạn” – một tâm không loạn động, nghĩa là tâm tập trung vào một điều để không chạy lung tung.

    Đến lúc rất cao cấp, ta không cần tập trung vào điều gì nữa, thấy mọi thứ nhưng không tập trung vào đâu, mà tâm vẫn định. Đó là đến vô tâm, vô niệm, Niết Bàn, tĩnh lặng.

    Dễ hơn để tập trung vào một điều như khiêm tốn, thành thật, hay yêu người. Rồi tĩnh lặng sẽ đến khi mình đã trường thành đủ.

    Nhưng mình muốn giản dị hóa thì nói các bạn muốn tập điều gì trước cũng được. DÙ vậy mình cố tình để tĩnh lặng nằm cuối, vì đó là mục tiêu, ba điều trước đó là phương tiện.

    Liked by 1 person

Leave a comment