Bài học ngoại giao 3 – Không biết ngoại giao?

Chuỗi “Bài học ngoại giao”

Chào các bạn,

Có nhiều người thường bị bạn bè chê là không biết ngoại giao. Vậy có nghĩa là gì?

Thường có nghĩa là làm cho người ta bực mình hay không thích.

Nhưng làm gì mà người ta bực mình hay không thích?

• Ai mới mở miệng nói gì là mình chê và phê phán ngay điều đó.

Ví dụ:

    – “Xem phim Tấm lòng của biển chưa?”

– “Rồi, dở quá dở.”

Người kia có thể rất bực mình nếu họ thích phim đó. Việc gì bạn phải chê ngay như vậy? Đợi xem bạn mình nói gì, rồi hãy nói tiếp, được không? Nếu bạn mình thích phim đó, thì mình không cần phải chê. Ngậm miệng, hoặc nói một câu vô thưởng vô phạt: “Mình chưa nắm được tinh thần phim đó như bạn.” Đây là một câu nói thật (“chưa nắm được như bạn”) nhưng không đụng chạm ai.

Nói chung, chê là tiêu cực. Nói chuyện tiêu cực tự nó đã là vô duyên, không ngoại giao. Tiêu cực lại đụng chạm người trước mặt mình, thì còn phản ngoại giao dữ dội.

Người tư duy tích cực KHÔNG NÓI TIÊU CỰC. Chấm hết.

• Thích đấu khẩu

Bạn nào cùng bàn nói điều gì mình cũng thích phản biện. Người có máu phản biện rất thích phản biện, chẳng phải vì họ tin vào tư tưởng của họ, mà bởi vì họ giỏi luận lý, luôn muốn lý luận để dìm người khác.

Shut up. Đừng phản biện. Nghe rồi gật đầu đồng cảm có được không?

Nếu phải phản biện vì lý do vấn đề quan trọng cần được mổ xẻ rõ ràng, thì luôn đồng ý trước khi phản biện: “Liên nói rất có lý, nhưng mình thấy…”, hay “Mình hoàn toàn đồng ý với Liên, nhưng mình thấy điều này…”

Cho người kia thấy là mình hiểu vị thế của họ, thì dễ để mình nói với họ vị thế của mình.

• Thích nhắm vào những điểm bất đồng

Đây là lỗi rất nhiều người gặp phải. Thiên hạ thích nhắm vào những điểm bất đồng để tranh cãi, thay vì vui vẻ với các điểm đồng ý và bỏ qua các điểm bất đồng. Ví dụ:

    – “Chúa Giêsu đúng là một vị Phật”.

– “Không, Chúa Giêsu là Thượng đế, không chỉ là Phật.”

Nói chuyện kiểu đó có phải là ngu dốt không? Thay vì:

    – “Chúa Giêsu là một vị Phật”.

– “Ừ, mình cũng thấy Chúa Giêsu sống như một vị Phật.”

Và lờ điểm Giêsu là Thượng đế hay Con Thượng đế. Không cần thiết.

Người ta khen “Mẹ mày đẹp”, thì đừng cãi “Không, mẹ tao không chỉ đẹp mà còn thông minh”.

• Nếu phải nói điểm bất đồng thì nói sau các điểm đồng ý, và nên nói cách tích cực

Ngoại trưởng Mỹ gặp ngoại trưởng Việt thì sẽ nói hai nước đã thân thiện đến thế nào, trao đổi thương mại đã nhiều đến thế nào, sinh viên Việt sang Mỹ du học nhiều đến thế nào, hai nước đang thực hiện quan hệ đối tác toàn diện tốt thế nào… Cuối cùng ngoại trưởng Mỹ nói nhẹ: “Tôi hy vọng là Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận thường xuyên về vấn đề nhân quyền để từ từ hai nước có cái nhìn chung về vấn đề này.”

• Người ta nói, mình hay cắt ngang.

Sao không đủ kiên nhẫn nghe bạn nói hết và đợi đến lượt mình? Bất lịch sự.

• Tới phiên mình nói thì kiểu như “cầm được micro là không muốn buông”.

Nói ngắn gọn, rõ ý của mình, rồi thì shut up.

Các luật sư được dạy nói trong tòa: “Stand up, say what you want to say, then shut up and sit down.” Nhiều vị nói lòng vòng 10 phút điều mà đã nói xong một câu 5 giây rồi.

• Nói chung là người không biết ngoại giao thường không nghe mà chỉ thích nói

Trong đối thoại, nghe khó hơn và quan trọng hơn nói, cho nên chúng ta có hai tai và chỉ một miệng.

Kiên nhẫn đợi người kia nói, chăm chú nghe để hiểu sâu sắc lời người kia nói – không chỉ hiểu từ ngữ mà còn hiểu cảm tình bên sau các từ ngữ đó – rồi khi đến phiên mình nói thì nói lên điều mình đồng cảm đồng ý trước, rồi hãy nhẹ nhàng nói đến điểm mới chưa ai nói hay điểm có thể tạo bất đồng ý.

• Người ta thuyết phục nhau bằng tình cảm hơn là lý luận

Nếu cô ấy yêu bạn thì bạn nói gì cô cũng đồng ý. Nếu cô ấy ghét bạn thì bạn nói gì cô cũng ghét. Tâm lý con người như thế.

Cho nên muốn thuyết phục ai điều gì, hãy chứng tỏ là bạn hiểu và đồng cảm với quan điềm của người ấy, và bạn chỉ muốn chia sẻ một hai điều hay hay nữa với người ấy.

Đừng gân cổ lý luận ồn ào. Thua là chắc.

• Hiểu mục đích của đối thoại là:

– Hiểu nhau và đồng cảm với nhau

Đối thoại là để đồng cảm và hiểu nhau. Ví dụ:

    – “Hôm nay trời mưa buồn quá”.

– “Ừ, trời buồn. Làm cà phê uống đi”.

Mục đích chính của đối thoại không bao giờ là tranh luận.

Nghe kỹ càng và sâu sắc là nguồn gốc của hiểu nhau và đồng cảm.

– Thuyết phục nhau bằng tình cảm là chính, lý luận là phụ.

Tình cảm thuyết phục nhau, lý luận là phụ. Trái tim là chính.

Chúc các bạn biết ngoại giao.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Bài học ngoại giao 3 – Không biết ngoại giao?”

  1. Tụi em thật may khi học được những bài học này qua cách anh phản hồi comment cho các anh chị em.

    Cảm ơn anh đã là bằng chứng sống cho “bài học ngoại giao” mà anh đang hướng dẫn.

    Anh giữ sức khỏe ạ ❤

    Em Phương.

    Like

  2. Sorry, Tài. Anh không có facebook cá nhân. ĐCN có facebook nhưng anh cũng không rành vì anh không có fb. Lý do anh không dùng fb là vì anh bận quá đỗi, luôn làm việc 25 giờ một ngày, chẳng dám rờ thêm đến món mạng rất hấp dẫn như là fb.

    A. Hoành

    Like

Leave a comment